Việc Giang Trạch Dân không dám làm khi Đặng Tiểu Bình còn sống

  • Lai Nguyên

Giang Trạch Dân không đủ can đảm viết tiểu sử cho bản thân khi Đặng Tiểu Bình còn sống, sau khi Đặng qua đời thì Giang mới thành lập một đội chuyên trách viết tiểu sử cho ông ta. Đội ngũ viết lách này đã làm việc chăm chỉ và không quản gian khổ đi phỏng vấn nhiều nơi, nhưng tình hình không chỉ không được như ý Giang mà thậm chí còn tồi tệ hơn…

Tăng Khánh Hồng tư vấn cho Giang Trạch Dân: Tìm một người nước ngoài không hiểu tiếng Trung để giúp viết tiểu sử (Nguồn: Vision Times tổng hợp).

Năm 2001, Giang Trạch Dân đã thuê người nước ngoài để viết tiểu sử cho bản thân, khi “Tiểu sử Giang Trạch Dân” được xuất bản đã là vào tháng 2/2005. Tác phẩm “Con người của Giang Trạch Dân” (Giang Trạch Dân kỳ nhân) ghi lại toàn bộ quá trình của vụ việc này.

“Dự án 001”

Mong mỏi viết tiểu sử cho bản thân của ông Giang Trạch Dân đã có từ sớm, nhưng Giang không muốn làm khi Đặng Tiểu Bình còn sống. Sau khi Đặng qua đời, Giang mới tổ chức một đội đặc biệt để viết tiểu sử bản thân. Đội ngũ viết lách này đã đi phỏng vấn lấy tư liệu nhiều nơi nhưng dường như những người được phỏng vấn đã không nói được điều như Giang Trạch Dân mong muốn, thậm chí tình hình tồi tệ hơn là những thứ như lý lịch giả mạo của Giang đã bị bại lộ. Sau khi nhóm viết tiểu sử này trình bày tài liệu đã khiến Giang Trạch Dân vô cùng tức giận, ông ta không chỉ giải tán nhóm viết mà còn yêu cầu không được trọng dụng lại những người này. Nhưng những chuyện bê bối của Giang vẫn lần lượt được lan truyền ra.

Cuốn “Tiểu sử Giang Trạch Dân” đầu tiên do một chuyên gia về Trung Quốc người Canada là Bruce Gilley viết, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Minh Kính (Mingjing). Trong lời tựa của cuốn sách, Bruce Gilley cho biết ông bắt đầu viết cuốn sách vì một lần ông đụng phải Giang Trạch Dân trong nhà vệ sinh, dù không có nói chuyện với nhau nhưng đã khích lệ cho Bruce Gilley, một người có thể nói thông thạo tiếng Trung Quốc, muốn viết “Tiểu sử Giang Trạch Dân”.

Bruce Gilley đã sử dụng các nguồn tin chính thống của Cộng sản Trung Quốc là nguồn tư liệu gốc. Ông cũng thường xuyên dẫn nguồn tin từ hai tạp chí Hồng Kông là Mirror và Wide-angled mirror có bối cảnh được ủng hộ của giới chức Cộng sản Trung Quốc được phép lưu hành tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Giang Trạch Dân không thích cuốn sách này vì không đưa vào những phát ngôn của Giang.

Hiểu được vấn đề, ông Tăng Khánh Hồng khi đó đang là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị đã nảy ra ý tưởng: Tốt nhất là tìm thuê một người nước ngoài không hiểu tiếng Trung Quốc để làm giúp, người phỏng vấn phải có phiên dịch và thông tin được cung cấp cũng phải được dịch, như vậy thì có thể dễ dàng kiểm soát chỉ dẫn người kia viết như những gì mình muốn.

Ý tưởng này đã được Giang Trạch Dân tán thưởng,  lập tức cử Chủ nhiệm Văn phòng Giang Trạch Dân là Giả Đình An đứng ra tổ chức, vì sự việc vào năm 2001 nên dự án được đặt tên là “Dự án 001”.

Tìm “đối tác”

Giả Đình An đã phải hao tổn chút công sức để tìm người nước ngoài viết tiểu sử, và đã tìm đến Tăng Khánh Hồng để xin lời khuyên. Ông Tăng Khánh Hồng cho rằng không nên tìm đến tác gia chuyên nghiệp, bởi vì khó kiểm soát được những người đó, họ viết gì đều phải điều tra mọi thứ cẩn trọng. Tốt nhất là tìm những người nước ngoài có chuyện làm ăn lớn trong nước, vì như vậy có thể dùng lợi ích kinh tế để mua chuộc, đe dọa. Cuối cùng, theo báo cáo điều tra của An ninh Quốc gia đã tìm được giám đốc điều hành của Citibank là Robert Lawrence Kuhn có hoạt động kinh doanh rộng rãi ở Trung Quốc. Là một nhà kinh doanh nên vấn đề lợi ích kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu, vậy là có người được cử đến thảo luận với Kuhn với hy vọng ông ta hứa viết “Tiểu sử Giang Trạch Dân” theo ý của Giang Trạch Dân thì nhà cầm quyền có thể hỗ trợ cho Citibank mở rộng phát triển kinh doanh ở Trung Quốc. Và Kuhn đã không bỏ lỡ cơ hội này.

Ngoài các đối xử ưu đãi khác nhau đối với Citibank, giới chức Cộng sản Trung Quốc còn chấp thuận cho Chi nhánh Citibank Thượng Hải từ ngày 21/3/2002 được nhận tiền gửi ngoại hối của người dân Trung Quốc, trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cung cấp toàn diện dịch vụ này cho người dân Trung Quốc.

Kuhn không phải là nhà văn, vấn đề viết tiểu sử không chỉ như “không trâu bắt chó đi cày” mà còn gặp trở ngại về ngôn ngữ, thêm vào đó công việc kinh doanh ngân hàng bận rộn và nhiều hoạt động giải trí xã hội khiến khó có thể tập trung cho nhiệm vụ. Vì vậy mà Giang Trạch Dân đã yêu cầu cho tìm người viết tiểu sử nổi tiếng là Diệp Vĩnh Liệt (Ye Yonglie). Vào tháng 3/2001, Diệp Vĩnh Liệt đã nhận được cuộc điện thoại hẹn gặp của một Cục trưởng một cơ quan trực thuộc trung ương mà trước đó ông không hề quen biết,  chỉ định ông tham gia viết “Tiểu sử Giang Trạch Dân”. Viên Cục trưởng thẳng thắn cho biết tình hình tiếng xấu của Giang Trạch Dân ở nước ngoài ra sao nên phải xây dựng hình ảnh cho Giang thông qua cuốn tiểu sử nhằm thay đổi tình thế; hiện tại Kuhn muốn tìm một nhà văn Trung Quốc để hợp tác, và Diệp được chọn là “ứng viên đầu tiên”.

“Tiểu sử Giang Trạch Dân” theo quan điểm của chúng tôi

Ngay từ đầu, “Tiểu sử Giang Trạch Dân” mà Giang Trạch Dân bố trí Kuhn viết với mục đích rất rõ ràng: “Tiểu sử Giang Trạch Dân” theo quan điểm của chúng tôi.

Diệp Vĩnh Liệt tiết lộ dưới sắp xếp của chính quyền, ông đã lên một kế hoạch toàn diện cho “Dự án 001” mà chính quyền đặt tên, ông lên một đề cương dài 3.000 chữ, một biên niên sử dài 15 trang về Giang Trạch Dân, một số lượng lớn sách tham khảo và danh sách phỏng vấn hơn 100 người. Nhưng cuối cùng giới chức đã đề nghị ông không đứng tên chung với Kuhn với lý do “sẽ thích hợp hơn nếu để người nước ngoài viết”, còn người trong nước chỉ đóng vai hỗ trợ hậu trường. Tất nhiên đây là ý của Giang. Tại sao người nước ngoài viết về Giang Trạch Dân lại thích hợp hơn? Vì như vậy có vẻ “khách quan” hơn nên dễ lừa người đọc hơn. Diệp Vĩnh Liệt đã chấm dứt hợp tác với Kuhn, nhưng thành quả nghiên cứu của ông bị Kuhn lấy đi.

“Tiểu sử Giang Trạch Dân” được xuất bản vào tháng 2/2005. Tác phẩm tuyên truyền giả tạo này đã đặc biệt ca ngợi công đức của Giang Trạch Dân, trong khi bỏ qua chuyện Giang bán đứng lãnh thổ của Trung Quốc, cuộc đàn áp Giáo hội tại gia của Ki-tô giáo, các nhà dân chủ và người tập Pháp Luân Công, cũng như toàn bộ cuộc đời thối nát và tham nhũng hủ bại của Giang Trạch Dân.

Lai Nguyên (theo “Giang Trạch Dân kỳ nhân”)

Related posts