Thanh Hà
Giao thương với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ bị đặt trước nhiều thách thức và giới hạn. Ankara là một mắt xích quan trọng của dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh. Còn Trung Quốc là ngõ thoát trước những khủng hoảng triền miên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh truyền thống Âu, Mỹ. Tuy nhiên hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ là cái gai không bên nào có thể nhượng bộ để đạt đến một mối quan hệ hoàn hảo.
Trên đây là những ý chính được nhà nghiên cứu Tolga Bilener, giảng dậy tại đại học Galatasaray – Istanbul nêu bật trong tham luận mang tựa đề “Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc: Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế”. Bài viết được đăng trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI số ra tháng 10/2020.
RFI xin giới thiệu công trình nghiên cứu này với phần phỏng vấn tác giả để hiểu rõ hơn về những tham vọng giữa “một cường quốc khu vực và một siêu cường cả về kinh tế lẫn trên phương diện ngoại giao của thế giới”.
Viện IFRI đăng bài viết của nhà nhiên cứu Bilener trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ lúc thì châm ngòi, khi thì can thiệp vào các xung đột trên thế giới từ ở Trung Đông đến Đông Địa Trung Hải và tiến sâu đến tận sân sau của Nga trong vùng Kavkaz.
Trong phần mở đầu bài nghiên cứu, Tolga Bilener nhắc lại Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – từ năm năm 1952. Ba năm trước đó Ankara đã gia nhập Ủy Hội Châu Âu. Do vậy lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình là một thành công lớn về mặt ngoại giao của Trung Quốc và để đạt được mục tiêu này Bắc Kinh đã dùng đòn kinh tế để thuyết phục Ankara. Công việc này không quá khó khi mà Thổ Nhĩ Kỳ “liên tiếp trải qua nhiều khủng hoảng với NATO và châu Âu”, đủ để giới phân tích tự hỏi liệu rằng Thổ Nhĩ Kỳ trong tay tổng thống Erdogan “có còn là thành viên của NATO và Ủy Hội Châu Âu nữa hay không ?”
Trung – Thổ: trọng lượng bất tương xứng
Điều dễ hiểu là càng lạnh nhạt với Âu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ càng vồ vập với ông khổng lồ châu Á Trung Quốc. “ Ankara không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắc nhở Bắc Kinh là Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia tăng và đa dạng hóa các mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế” như giải thích của nhà nghiên cứu Tolga Bilener với RFI Việt ngữ :
Tolga Bilener: “Yếu tố kinh tế là một ưu tiên trong quan hệ Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ. Một cách tổng quát thì từ gần một chục năm nay, Trung Quốc đã trở thành một trong ba đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí năm 2016-2017 Trung Quốc đứng hàng thứ nhì trong số các đối tác kinh tế của Ankara. Trong khi đó cho đến tận năm 2010 đôi bên chỉ là những đối tác đứng hàng thứ yếu của nhau. Trung Quốc quan tâm đến các nguồn khoáng sản của Thổ.
Trong chiều ngược lại Ankara cần tất cả các mặt hàng tiêu dùng sản xuất từ Trung Quốc, từ hàng điện tử đến điện thoại di động hay hàng dệt may. Năm 2010 đôi bên nâng tầm mức quan hệ lên hàng chiến lược. Ông Erdogan khi đó ở cương vị thủ tướng, đề ra mục tiêu tổng trao đổi mậu dịch hai chiều phải đạt được 100 tỷ đô la vào ngưỡng 2020. Trên thực tế mục tiêu đó còn rất xa vời, bởi vì tổng kim ngạch thương mại Trung-Thổ hiện chỉ dao động từ 21 đến 22 tỷ đô la mà thôi, tức chỉ bằng 1 phần 5 so với mục tiêu đầy tham vọng như Ankara và Bắc Kinh đã đề ra ban đầu.
Cần nói thêm là Thổ luôn trong thế nhập siêu so với Trung Quốc và thâm thủng thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc ngày càng lớn. Chính sự bất cân đối này là nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế song phương”.
Như với hầu hết phần còn lại của thế giới, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Bắc Kinh. Hàng và nhân công rẻ của Trung Quốc lấn át mạng lưới công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, tác giả nhận định, trong vỏn vẹn một thập niên, Trung Quốc đang từ một vị trí “thứ yếu” đã nhảy vọt lên thành “một trong ba khách hàng và nguồn cung cấp quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ thua có Đức và Nga, hai đối tác thương mại truyền thống của Ankara. Một cách cụ thể mỗi bên tìm kiếm những gì ở đối phương để tạo đà cho phát triển thương mại ?
Tolga Bilener: “Phải nhìn nhận rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, về mặt ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ không là một ưu tiên Tuy nhiên Ankara là một mắt xích quan trọng bởi đây là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Hơn thế nữa với 83 triệu dân, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có sức hấp dẫn lớn. Sau cùng về mặt địa lý Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên ba châu lục và hiển nhiên là một chiếc cầu nối Đông – Tây đồng thời là nhịp cầu để Trung Quốc bắt rễ vào châu Âu. Yếu tố sau cùng này càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara trông đợi vào đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong những năm gầy đây kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị đình trệ, thất nghiệp tăng cao … Ankara cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, thuyết phục Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để sản xuất phục vụ thị trường nội địa của Thổ”.
Vỡ mộng Trung Hoa
Thế nhưng càng giao thương với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ càng nhận lấy phần thua thiệt : những hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ không dồi dào như Ankara mong đợi. Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ phải đợi nhiều năm mới được cấp giấy phép để xuất khẩu nông phẩm sang Trung Quốc.
Tolga Bilener đơn cử những thí dụ cụ thể như là phải mất đến 6 năm Thổ Nhĩ Kỳ mới được phép xuất khẩu trái anh đào (cerise) sang Trung Quốc trong lúc thủ tục hành chính để xuất khẩu chanh, thịt gà hay quả lựu sang thị trường rộng lớn nhất thế giới vẫn còn trong vòng đàm phán.
Ở chiều ngược lại điện thoại di động Made in China hay bàn là, máy hút bụi, tivi quần áo, … của Trung Quốc không gặp trở ngại nào trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhìn đến số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt rễ vào Thổ Nhĩ Kỳ : tính đến đầu năm nay đã có khoảng 1.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại quốc gia nằm trên ba châu lục này. Đổi lại, có chưa đầy 100 hãng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại Hoa lục.
Ankara ngậm bồ hòn làm ngọt
Ngay cả về đầu tư Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara cũng đang thất vọng : chính quyền Erdogan trông đợi vào “các nguồn đầu tư nước ngoài và muốn đẩy mạnh xuất khẩu để tạo đà cho tăng trưởng nhất là trong bối cảnh những năm gần kinh tế khá ảm đạm, tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái là 0,9 % không đủ sức tạo việc làm cho 12 % dân số trong tuổi lao động đang bị thất nghiệp”.
Không có phép lạ nào cho phép nâng tổng đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ lên thành 6 tỷ đô la vào năm 2021 như mục tiêu đã đề ra, do ở thời điểm hiện tại thì con số này mới chỉ là 3 tỷ đô la mà thôi. Nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ, Bilener đặc biệt lưu ý rằng, 3 tỷ đô la đó có được là nhờ “các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ” trong mục tiêu xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.
Tập đoàn hàng COSCO năm 2015 đã chi ra 940 triệu đô la để mua lại 2/3 cổ phần để được quyền khai thác cảng Kumport, hải cảng lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa Istanbul. Cũng COSCO đã nhòm ngó đến những hải cảng khác như Mersin Candarh hay Filyos
Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến các quặng mỏ, tài nguyên thiên nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ hay trông thấy ở quốc gia với 83 triệu dân này một thị trường tiềm năng để mua vào hàng rẻ của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một sân chơi mới cho các tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng Trung Quốc, với những dự án xây dựng các tuyến đường xe lửa nối liền hai miền đông và tây trên quê hương của ông Erdogan.
Tất cả các lĩnh vực từ năng lượng đến tài chính, viễn thông của Thổ Nhĩ Kỳ đều có sức hấp dẫn lớn. Hoa Vi đã dễ dàng chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng mạng 5G cho quốc gia này. Kể cả ông vua trong lĩnh vực mua bán trên mạng Alibala cũng đã bắt rễ sâu vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Bức tường thành Duy Ngô Nhĩ
Nhà nghiên cứu Bilener ghi nhận: “kể từ khi ông Tập Cận Bình khởi xướng dự án Con Đường Tơ Lụa mới năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần ngỏ ý muốn tham gia. Chính quyền nước này xem đây là cơ hội để thu hút đầu tư trực tiếp của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ”. Recep Tayyip Erdogan tháng 5/2017 sang tận Bắc Kinh để trực tiếp trình bày với Tập Cận Bình về quan tâm của Ankara đối với kế hoạch kết nối Trung Quốc với toàn thế giới cũng như tầm mức quan trọng về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực trải rộng từ “Đông Địa Trung Hải đến Biển Đen từ vùng Balkan đến Kavkaz và cả Trung Á”.
Thêm một dấu hiệu cho thấy Ankara đặt vế kinh tế lên trên hết trong quan hệ với Bắc Kinh đó là việc chỉ định một doanh nhân chứ không phải một nhà ngoại giao chuyên nghiệm làm đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Kinh.
Nhưng bên cạnh tính toán thuần túy kinh tế yếu tố địa chính trị cũng quan trọng không kém như Tolga Bilener giải thích với RFI tiếng Việt:
Tolga Bilener: “Thổ Nhĩ Kỳ muốn có các đối tác thương mại đa dạng hơn và bên cạnh đó cũng muốn mở rộng mạng lưới đối tác cả về mặt ngoại giao. Hai động lực thúc đẩy Ankara đi đến quyết định đó : một là để giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các đối tác truyền thống là châu Âu và Mỹ ; thứ hai là để tìm kiếm các thị trường mới. Hiển nhiên Trung Quốc là một yếu tố không thể bỏ qua. Thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên chính quyền Erdogan đã tăng tốc trong việc đẩy mạnh quan hệ với Bắc Kinh xuất phát từ chỗ Thổ Nhĩ Kỳ đã và còn đang trải qua các cuộc khủng hoảng triền miên với các nước phương Tây.
Tình hình thế giới mà càng bất ổn và bất định chừng nào thì Ankara lại càng phải trong thế đi dây, tìm cho mình một thế cân bằng trên bàn cờ địa chính trị. Trong hoàn cảnh đó các quốc gia đang trỗi dậy ở châu Á mà đứng đầu là Trung Quốc, đương nhiên có sức hấp dẫn rất lớn trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ”.
Có điều chính sách đàn áp của Bắc Kinh nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ ở vùng tự trị Tân Cương càng lúc càng đẩy Ankara vào thế kẹt, và Thổ Nhĩ Kỳ khó nuốt trôi viên thuốc đắng này.
Tổng thống Erdogan đã khó xử, và bằng chứng cụ thể là ông đã vắng mặt ở thượng đỉnh Một vành đai Một con đường năm 2019 cũng tổ chức tại Bắc Kinh mà chỉ cử bộ trưởng Giao Thông đến dự. Đây là một tín hiệu cho thấy Ankara vẫn trông đợi vào đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.
Trong tạp chí kỳ tới RFI sẽ cùng với nhà nghiên cứu Tolga Bilener đại học Galatasaray, Istanbul tiếp tục tìm hiểu thêm về những giới hạn trong bang giao kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mà ở đó trở ngại lớn nhất trong số những bất đồng về ngoại giao và chính trị là vấn đề Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.