Chống khủng bố và dịch bệnh: Nước Pháp kẹt giữa hai cuộc chiến

Anh Vũ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) gặp các nhân viên cảnh sát thành phố Nice, sau vụ tấn công bằng dao tại nhà thờ Đức Bà Basilica, ngày 29/10/2020. AP – Eric Gaillard


Đang ngổn ngang với nỗi lo khủng hoảng dịch Covid-19 không kiểm soát nổi và kinh tế có nguy cơ sụp đổ, chính phủ Pháp lại phải đối mặt với khủng bố Hồi Giáo xảy ra tại Nice, vụ tấn công thứ 3 trong vòng chưa đầy 2 tháng. Nước Pháp làm gì để có thể đương đầu cùng lúc với thách thức kép chưa từng có?

Hôm qua, 29/10/2020, ngay sau ngày tổng thống Emmanuel Macron lên truyền hình, thông báo phong tỏa trở lại toàn quốc để đối phó với dịch Covid -19, đã trở nên không kiểm soát nổi và giữa lúc thủ tướng Jean Castex đang trình Quốc Hội kế hoạch xử lý khủng hoảng y tế, thì tại Nice, thành phố miền nam nước Pháp xảy ra vụ khủng bố man rợ bằng dao, ngay tại một nhà thờ Công Giáo, làm 3 người chết.

Vụ tấn công với cách thức hành động tương tự với vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty trong tỉnh Yvelines cách đây chưa đầy 2 tuần. Từ đầu tháng 9, sau khi tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đăng lại các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamet của người Hồi Giáo, nước Pháp lại trở thành mục tiêu của khủng bố, mở đầu là vụ tấn công cũng bằng dao ngày 25/09 ngay cạnh trụ sở cũ của tòa soạn Charlie Hebdo làm 2 người bị thương nặng. Tổ chức Al Qaida gần đây thường xuyên kêu gọi tấn công nước Pháp. Từ đầu năm đến nay, an ninh Pháp đã phá vỡ ít nhất 6 âm mưu tấn công khủng bố của Hồi Giáo cực đoan.

Chính phủ của tổng thống Macron cùng lúc phải đương đầu với hai tình trạng khẩn cấp: An ninh quốc gia và sức khỏe người dân. Trong lúc đó làn sóng dịch Covid thứ 2 bùng lên dữ dội hơn dự báo, khiến chính phủ liên tục bị động và lúng túng chưa biết xử lý làm sao, để khống chế được dịch có hiệu quả, mà vẫn giữ cho kinh tế không bị sụp đổ. Chưa hết, khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy Pháp đến tình thế đối đầu với thế giới Hồi Giáo, lợi ích của Pháp bị đe dọa, từ khi tổng thống Emmanuel tuyên bố quyết tâm bảo vệ giá trị tự do ngôn luận mà nước Pháp theo đuổi.

Chính phủ phải đối mặt với những sự kiện chưa từng thấy, liên tiếp xảy đến. Ông Emmanuel Macron không còn là “tổng thống của các cải cách mà là tổng thống của khủng hoảng thường trực”, như nhận xét của Frédéric Dabi, phó tổng giám đốc viện thăm dò dư luận Pháp Ifop, được báo Les Echos trích dẫn.

Đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ 2, nước Pháp cùng lúc phải đối mặt với thách thức đe dọa an ninh và tính mạng người dân. Cùng với kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế và phong tỏa toàn quốc, giờ là báo động nguy cơ khủng bố ở mức cao nhất, tình trạng mới chỉ được ban bố, sau các loạt khủng bố kinh hoàng hồi đầu và cuối năm 2015. Tuy nhiên, dư luận nhận thấy biện pháp của chính phủ dường như vẫn chạy theo sau sự kiện, nửa vời, khó có thể mang lại cảm giác yên tâm trong xã hội.

Ở trong nước, các đảng phái chính trị đối lập, thay vì đề xuất xây dựng, đã thi nhau chỉ trích cách thức xử lý khủng hoảng dịch, cũng như các biện pháp chống khủng bố khiến lòng tin của dân chúng vào chính phủ của tổng thống Macron đang suy giảm nghiêm trọng. Đoàn kết quốc gia để vượt qua thách thức giờ là thứ xa xỉ với chính quyền của ông Emmanuel Macron.

Là mục tiêu thường xuyên của khủng bố Hồi Giáo cực đoan từ nhiều năm nay, Pháp vẫn luôn bị động và lúng túng trong cuộc chiến chống khủng bố ở trong nước. Sau cơn sốc của vụ khủng bố tại Nice ngày hôm qua, dư luận Pháp lên tiếng đòi chính phủ phải hành động với phương tiện mạnh hơn, hiệu quả hơn để bảo vệ an ninh cho dân, không chỉ là những giải pháp tình thế hay những phát ngôn thể hiện quyết tâm chính trị. Nhiều tiếng nói đòi chính phủ phải khẩn cấp cải cách, siết chặt hơn nữa hệ thống luật pháp.

Với đại dịch virus corona, tổng thống Emmanuel Macron từng tuyên bố cần phải học cách “sống chung với virus”, có điều chắc chắn là với cuộc chiến chống khủng bố, sách lược này là không thể được.

Related posts