Thanh Thuỷ, Một Cuộc Đời Buồn

Thu Tuyết

Dưới đây là câu chuyện thật về bạn tôi
Nó nằm đấy, dưới mô đất ướt lạnh trong khu mộ nhỏ của gia đình chỉ vài cái nằm kề nhau buồn tẻ. Thế là hết! Thuỷ đi thật rồi!
***
Tuyết Hoa Sở Thuỷ Vương Thẩm Hải Hướng Hiền Liên… đó là những cái tên theo thứ tự của một lớp mẫu giáo ở một ngôi trường nhỏ với ông giáo già nghiêm khắc. Cho đến bây giờ, không hiểu sao tôi vẫn còn thuộc lòng từ người thứ nhất cho đến người cuối cùng. Tôi có thể quên rất nhiều thứ trong cuộc đời, nhưng một góc nhỏ trong tâm hồn đã lưu lại những cái tên của lớp học vỡ lòng ấy như sự tồn tại cuộc sống của tôi ở chốn trần gian này vậy. Chúng tôi năm đứa ngồi bàn đầu và cái tên Thuỷ cùng những kỷ niệm của tuổi thơ đã gắn liền với tôi từ đó.

Thời ấy công nghệ chưa phát triển, chưa có những trò chơi điện tử hoặc những giải trí khác trên Laptop, Ipad, Iphone nên trẻ con và người lớn không phải mất nhiều thời gian để dán mắt vào các màn hình. Như bao đứa trẻ khác, chúng tôi cùng chơi những trò chơi con nít như bắt bướm hái hoa trên bờ rào nhà hàng xóm rồi đem chúng về ép vào tập vở, hay chơi trốn tìm và nhiều trò chơi khác mà chúng tôi học được từ những sinh hoạt trong Phong trào Hướng Đạo, một đoàn thể dành cho thanh thiếu niên thời ấy.
Phạm Thị Thanh Thuỷ là tên đầy đủ của một cô gái năng động, con út trong một gia đình khá giả, được cưng chiều, tính tình như con trai, thích chọc phá người khác cho nên không cuộc chơi nào thiếu cô ấy. Từ đánh lộn, leo cây kể cả những cây rất cao và nguy hiểm cho đến trèo tường qua nhà hàng xóm hái trộm ổi xoài…đều hấp dẫn nó. Hôm nào bị phát hiện, Thuỷ về nhà can đảm chấp nhận những trận đòn đau đớn mà không khóc.
Có một lần trên đường đi học về, Thuỷ dẫn đầu chọc phá bầy chó nhà rất dữ nên bị chúng rượt đuổi. Để thoát thân, chúng tôi phải ném cặp sách và tất cả những thứ đeo trên người cho tiện việc bỏ chạy. Khi bầy chó đến gần, trong hoảng loạn, chúng tôi nhảy xuống một con kênh nhỏ, may mà mùa khô nước, nằm im đấy. Nào biết đó là cách tốt nhất làm bọn chó bỏ đi. Tôi còn nhớ rõ, ngày hôm ấy tôi bị phạt đòn vì cái tội nghịch phá và mất hết sách vở!
Những tháng hè trong không khí oi nồng và nắng gắt, có một lần Thuỷ dẫn chúng tôi đến khu vườn vắng chủ, làm nhà bằng những cành lá xanh mượt dưới một gốc cây cổ thụ, rồi bày những đồ chơi mẹ mua ra nấu nướng. Chúng tôi phân công nhau đi hái những trái cây trong vườn về làm quầy hàng mua bán. Rồi lắng nghe tiếng chim hót réo rắt trên những lùm cây cao, tiếng ve sầu như một dàn hợp xướng trong không gian vắng lặng của trưa hè đứng gió mà khán giả là lũ trẻ con với những tâm hồn trong veo đang gật gù thưởng thức. Đó là những khoảnh khắc đẹp vô cùng mà sau này thỉnh thoảng tôi bất chợt thấy nó tái hiện trong một số bức tranh của những hoạ sĩ yêu thiên nhiên và tuổi thơ

Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế bồng bềnh trôi theo vận nước. Ban ngày là Quốc gia với những sinh hoạt bình thường như bao vùng miền có vẻ yên bình khác, nhưng ban đêm là phía bên kia chiếm đóng. Lâu dần chúng tôi cũng quen với những tiếng đại bác và nỗi kinh hoàng của người dân vô tội bên xác người thân. Những trận chiến đêm nổ ra để sáng hôm sau là những khuôn mặt chưa hết màu thảng thốt bên xác chết sắp hàng dài trên con lộ lớn. Có những cái xác không còn thây, thịt xương vương vãi trên hàng rào kẽm gai, trên đám cỏ non mượt mà còn đọng những giọt sương buổi sáng và người vợ với khuôn mặt thẫn thờ đi nhặt từng mảnh vụn của chồng tung toé khắp nơi. Ôi! chiến tranh và tang tóc! Nó như một giấc mơ dài không hồi kết, đã nuốt vội tuổi thơ trong vắt của chúng tôi vào đau thương mất mát!

Rồi cũng một buổi trưa hè, một tiếng nổ vang lên, sau đó là những tiếng kêu la thảm thiết.
Tin dữ lan nhanh. Tôi nghe có một nhóm trẻ con nhặt được một trái lưu đạn M79. Thấy lạ tò mò nghịch chơi. Chúng đem nó đến một nghĩa trang xúm nhau đập vỡ xem cái gì trong đó. Kết quả ba đưa mất ngay tại chỗ, còn lại hai đứa bị thương rất nặng, một trong hai là Thanh Thuỷ!
Những tưởng nó cũng theo bạn ra đi, nhưng may mắn nó được đưa đến một bệnh viên Quân Y của Mỹ và được cứu sống tại đây. Sau ba tháng Thuỷ về nhà với những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Khuôn mặt xinh xắn ngày nào giờ đây được phân chia nhiều mảng với những đường ngang dọc, ngắn dài! Từ đó, nó có thêm cái tên mới là Thuỷ M79! Chúng tôi càng thương nó hơn, nhưng tình yêu ấy chỉ có thể làm mờ vết thương tâm hồn, không xoá được những vết sẹo đã hằn sâu trên da thịt của nó!

Ngày trôi qua, Thuỷ trở lại cuộc sống thường ngày và đến lớp với sự giúp đỡ của Thầy cô, bè bạn. Rồi Thuỷ cũng thích nghi dần với hoàn cảnh mới, những nghịch phá ngày nào cũng chuyển sang một hình thức khác. Bởi lúc này chúng tôi đã là những cô gái duyên dáng trong chiếc áo dài trắng với những quyển tiểu thuyết tình cảm lãng mạn chuyền tay nhau như truyện Quỳnh Dao… được dấu kỹ trong những chiếc cặp to dày; và đôi mắt long lanh khi những bức thư tình ngây ngô mà tụi con trai ném qua cửa sổ như nấm mùa thu vào mỗi cuối giờ.

Một lần nọ trong giờ ra chơi, chúng tôi, một nhóm con gái đi ngang qua đám con trai đang tụ họp trong hiên trường. Bất chợt chúng xô thằng Tổng, đứa cũng ngồi đầu bàn thứ nhất bên kia, vào người tôi (vì chúng biết Tổng hay lén nhìn tôi trong giờ học). Thế là Thuỷ ra tay nghĩa hiệp, vừa đá vừa tát vào má Tổng, để lại năm dấu ngón tay trên mặt nó. Tiết học cuối ngày hôm đó, ba đứa tôi bị cô giáo chủ nhiệm hỏi cung và phạt nặng cả ba về tội đánh nhau. Than ôi! Tôi chỉ là nạn nhân! Còn Thuỷ là người hùng cứu “giai nhân”, nhưng cuộc đời luôn là “oan khiên” nên đành chấp nhận chung số phận.
Lần khác, cũng giờ ra chơi, nhóm con gái chúng tôi rủ nhau đi toilette. Cùng một dãy hoạt động bình thường, chỉ một cái cửa bị đóng chặt im lìm rất lâu, mà không biết lý do. Bọn con gái chúng tôi rồng rắn kéo ra, nhưng đành bất lực. Thế là Thuỷ hì hục trèo lên (vì bên trên có khoảng trống) để tìm hiểu nguyên nhân xem có ai bị gì không. Rất nhanh, nó nhìn vào và lập tức nhảy xuống lặng lẽ bỏ đi. Chúng tôi ngơ ngác chạy theo hỏi. Thuỷ nghiêm nghị trả lời: “Thầy N đang khổ sở ở trong đó”! Giờ học kế, thầy N cứ đi lên đi xuống tủm tỉm cười. Chúng tôi len lén nhìn nhau…

Thời gian trôi qua, Thuỷ không còn là Thuỷ của ngày xưa, nó trở nên trầm ngâm và thường lặng lẽ tách rời bè bạn để nhốt mình trong một góc nhỏ nào đó, suy tư. Những vết sẹo trên khuôn mặt cũng mờ dần để lại làn da trắng mịn. Nó xinh xắn và dịu dàng hơn trong chiếc áo dài màu thiên thanh vào những sáng thứ hai và màu trắng kem vào các ngày khác trong tuần. Dường như nó bắt đầu yêu, chúng tôi đoán vậy. Nhưng ai là tình yêu của nó thì đành chịu.

Cho đến một chiều mùa đông, trời âm u rét lạnh, một lần nữa tin dữ đi nhanh:
“T ơi, Thuỷ chết rồi” Bạn tôi thất thanh cho biết:
“Tại sao?” Tôi hỏi.
Bạn trả lời: “Nó tự tử”
“Nguyên nhân nào?” Tôi hỏi
Bạn trả lời: “Không biết”

Không ai biết vì sao chỉ thấy bên cạnh chiếc gối còn thoảng chút mùi hương con gái của nó là một quyển sách, không phải của Quỳnh Dao mà là “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách.

“Tố Tâm” được viết năm 1922, là một tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên và duy nhất của nhà văn Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) kể lại một mối tình mãnh liệt của cô gái tên Lan (bút hiệu Tố Tâm) và Đạm Thuỷ, một nhà văn. Nhưng họ không đến được với nhau vì Đạm Thuỷ phải lập gia đình theo sự sắp đặt của cha mẹ. Tố Tâm yêu trong tuyệt vọng và đã chết vì chữ Tình! (1&2)
Thế là hết! Gia đình đưa Thuỷ đi cấp cứu. Nhưng lần này nó không còn may mắn nữa! Bốn vỉ thuốc Optalidon và an thần trống trơn đã mang Thủy đi xa vĩnh viễn. Xa người thân bạn bè, xa nơi chốn vương đầy kỷ niệm của một thời ngỗ nghịch đáng yêu, xa vùng trời tuổi thơ chiến tranh và tang tóc. Giờ đây, những con ve sầu đang ngủ đông nên không hát bản hợp ca của trưa hè ngày nào để tiễn nó vào giấc ngủ thiên thu.

Những nén nhang lập loè dưới cơn mưa dại trong cái rét đông được che bởi một tán cây cổ thụ. Thuỷ nằm đấy, lặng thinh! Cũng dưới một gốc cây, nhưng không phải gốc cây ngày nào bên căn chòi lá của một buổi trưa oi nồng có tiếng chim ca. Cơn mưa dầm bao phủ buổi chiều đông như khóc thương linh hồn thiếu nữ. Xa xa giữa không trung có mấy vệt sáng cùng tiếng sấm sét như tiễn đưa một cuộc đời buồn. Trong tiếng nấc, tôi nghẹn ngào: “Vĩnh biệt, Thuỷ ơi”!

Melbourne, 10/2020
Tài liệu tham khảo:
(1) www.vanchuongviet.org: Tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách trong buổi đầu hiện đại hoá Văn học Việt Nam
(2) www.goodreaders.com: Tố Tâm by Hoàng Ngọc Phách

Related posts