Tin Việt Nam trưa thứ Sáu

Bộ trưởng và đại biểu quốc hội ‘bênh’ thủy điện nhỏ; Làm sao thu đủ 7,8 triệu tỉ đồng để chi
Ảnh tổng hợp.

Thêm 3 ca nhiễm Viêm phổi Vũ Hán, Việt Nam có 1,210 bệnh nhân

Bộ Y tế cho biết sáng 6/11 Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 (BN1208-1210) là ca bệnh nhập cảnh, được cách ly tại tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể:

– Ca bệnh 1208 ( BN1208): nam, 38 tuổi, là chuyên gia quốc tịch Ấn Độ. Ngày 20-10 bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh Sân bay Yangon, Myanmar, sau đó nhập cảnh Sân bay Cam Ranh ngày 22-10 trên chuyến bay 8M202, được cách ly ngay tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 23/10 âm tính, lấy mẫu lần 2 ngày 4-11 kết quả xét nghiệm ngày 5/11 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

– Ca bệnh 1209 (BN1209): nam, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

– Ca bệnh 1210 (BN1210): nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 3/11, BN1209-1210 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ8650, được cách ly ngay tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lấy mẫu ngày 4/11, kết quả xét nghiệm ngày 5/11 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, Việt Nam hiện có có tổng cộng 1.210 ca bệnh Covid-19, trong đó 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đã 65 ngày qua nước ta không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng.

Việt Nam ‘khẳng định chủ quyền’ trước tin Trung Quốc cho cảnh sát biển dùng vũ khí chống tàu nước ngoài

Truyền thông trong nước đưa tin, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5/11, phóng viên nêu câu hỏi đề nghị cho biết về bình luận của Việt Nam việc Trung Quốc vừa xem xét dự luật cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải của nước này.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – Dương Hoài Nam khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Về phía Việt Nam, hôm 4/11 vừa diễn ra Hội thảo ASEAN – Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với các ngư dân.

“Đây là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp với các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và nghĩa vụ chính đáng với các ngư dân Việt Nam cũng như các nước hoạt động đánh cá trong vùng chủ quyền và quyền tài phán về chủ quyền của quốc gia mình”, ông Dương Hoài Nam nói.

Dự thảo luật sửa đổi với lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Dự thảo này được Trung Quốc lần đầu tiên tiết lộ vào ngày 4/11.

Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường và đại biểu quốc hội ‘bênh’ thủy điện nhỏ

‘Không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn’, truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường tại diễn đàn Quốc hội vào sáng nay 5/11.

Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân sạt lở đất là do thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Không phải do thủy điện nhỏ”. Ông Hà cho biết tại những khu vực sạt lở đất kinh hoàng vừa qua rừng đều phủ xanh. Thảm họa thiên tai ở các tỉnh miền Trung vừa qua là do kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng lại.

Ông nói có 4 trận bão liên tiếp và hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn. Ông Hà nêu ra rằng có nơi mưa đến 500mm/ngày và đó là ‘Trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa’.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thuộc đoàn Cà Mau cũng cho rằng không nên vì lũ lụt mà đổ lỗi hết cho thủy điện. Tuy nhiên, ông Văn thừa nhận rằng có tình trạng lạm dụng của một số nhà đầu tư thủy điện nhỏ ‘trục lợi, thông qua phá rừng lấy gỗ quý.’

Triệt phá đường dây làm xăng giả tại Vũng Tàu

Theo báo Thanh Niên, khoảng 1 giờ ngày 31/10, các trinh sát Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ập vào kho hàng trên đường Phước Thắng, P.12 (TP.Vũng Tàu), phát hiện tại đây có nhiều người đang có hành vi pha chế, làm xăng giả (ảnh).

Thời điểm kiểm tra, những người trong kho đang bơm 2.000 lít xăng lên xe bồn BS 84C-033.72 do Nguyễn Minh Chiến (25 tuổi, ngụ Trà Vinh) điều khiển. Tại kho hàng còn có 70.000 lít hóa chất lỏng (nghi xăng giả), bột màu, chất toluene, các dụng cụ, phương tiện dùng để pha chế xăng giả…

Hóa chất dùng pha chế xăng giả là toluene mua tại TX.Phú Mỹ, bột màu mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM). Trong đó, bột màu vàng cam để tạo xăng A95, màu xanh để làm xăng E5. Kho hàng này của Công ty TNHH TM vận tải xăng dầu 89 (trụ sở tại TP.Vũng Tàu). Giám đốc công ty là Nguyễn Văn Nhân không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc số hàng tại kho.

Người chỉ đạo pha chế xăng giả là Lê Văn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH TM vận tải xăng dầu Minh Nguyên (trụ sở tại Q.7, TP.HCM). 5 người tại kho hàng khai nhận thực hiện pha chế xăng giả từ tháng 9.2020 đến lúc bị bắt quả tang. Số lượng xăng giả làm trước đó được đưa đi Đồng Nai, Bình Dương, Trà Vinh tiêu thụ.

Làm sao thu đủ 7,8 triệu tỷ đồng để chi?

Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ lo lắng là kế hoạch KT-XH giai đoạn tới có thể được xây dựng quá lạc quan, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm trên thế giới. ĐB Ngân khuyến nghị nên xây dựng nhiều kịch bản kinh tế, trong đó có kịch bản còn Covid-19 và vắc xin chưa có thì Việt Nam có thể sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 4 – 4,5%, như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo.

“Chúng ta phải ưu tiên cho các dự án không phải là cần thiết mà cấp thiết và phải nuôi dưỡng nguồn thu” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói.

ĐB Ngân cũng bày tỏ “rất lo lắng” về kế hoạch đầu tư công năm 2021 – 2025, với con số quá lớn là 2,75 triệu tỷ đồng, vì không biết kiếm đâu ra nguồn lực khi hứa hẹn thu sẽ khó khăn. Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, ĐB TP.HCM cho biết để có được từng đó tiền cho đầu tư công, thì tổng thu ngân sách của 5 năm tới phải đạt trên 7,8 triệu tỷ đồng và đây là điều “rất khó”, vì 5 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt mà chỉ thu được có 6,7 triệu tỷ, trong khi 5 năm tới đầy thách thức, đầy rủi ro.

“Tôi cho rằng Chính phủ cũng như Quốc hội cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc giảm chi thường xuyên (dự kiến là 6 triệu tỷ trong 5 năm tới). Chúng ta đã có Nghị quyết 18 của T.Ư về vấn đề tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhưng khoản chi thường xuyên trong thời gian vừa qua giảm rất ít, cho nên, phải tiết kiệm nhiều hơn. Đúng là có tiền thì nên đầu tư, nhưng trong điều kiện hạn hẹp hiện nay, chúng ta phải hết sức thận trọng, nếu không là vỡ nợ. Cho nên, chúng ta phải ưu tiên cho các dự án không phải là cần thiết mà cấp thiết và phải nuôi dưỡng nguồn thu”, ĐB Ngân nói.

Related posts