Nước Mỹ có ‘một tổng thống rưỡi’

Cổ Nhuế

Sau đêm kiểm phiếu nghẹt thở tại Hoa Kỳ- vào lúc ở bển trời gần sáng và chừng 5 giờ chiều tại Sydney, Melbourne – quốc gia lãnh đạo thế giới tự do và được coi là khuôn mẫu cho thể chế dân chủ đã có kết quả bầu cử tổng thống. Đài ABC tại Úc báo tin: Hoa Kỳ đã có ‘một tổng thống rưỡi’!

Một tổng thống: ông Donald Trump đứng lên tuyên bố ‘Frankly we did win this election, Thành thật mà nói chúng tôi đã thắng cử’.

Nửa tổng thống: ông Joe Biden đáp lời ‘When the count is finished, we will be the winner, Khi đếm phiếu xong, chúng tôi sẽ thắng’.

Joe Biden: ‘Khi đếm phiếu xong, chúng tôi sẽ thắng’

Đặc điểm bầu cử ở Mỹ

Mấy hôm rày, bà con mình bám sát các đài truyền hình để theo dõi kết quả bầu cử ở Mỹ. Thứ Ba 3.11.2020, dân Mỹ sắp hàng vào phòng phiếu. Ở Mỹ không có luật bắt buộc đi bầu nhưng năm nay đã có hơn 160 triệu người bầu. Trong số này hơn 100 triệu người bầu qua bưu điện.

Trong ngày bầu cử, dân Mỹ không những bầu tổng thống mà còn bầu lại một số nghị sỹ tại thượng viện và tất cả dân biểu tại hạ viện. Ngoài ra, có nơi còn bầu lại thống đốc tiểu bang và trưng cầu dân ý. Tất cả bầu cử kể trên đều theo luật tại tiểu bang. Bầu cử tổng thống cũng thế: Dân bầu theo từng tiểu bang, đếm phiếu theo tiểu bang và mỗi tiểu bang được một số ‘điểm’. Ứng cử viên nào được 270 điểm thì đắc cử.

Sáu tiểu bang quyết định

Thông thường, đếm phiếu chừng vài tiếng đồng hồ thì có ứng cử viên biết mình không thể nào được 270 điểm, bèn nhấc ống điện thoại ‘rầu rỉ’ chúc mừng đối thủ. Nhưng năm nay, sau khi đếm phiếu suốt đêm và kéo dài gần hết ngày hôm sau – vào lúc 4 giờ chiều hôm qua tại Bankstown, NSW, Úc – chưa ứng cử viên nào được 270 điểm. Khá lắm: Joe Biden được 264 và Donald Trump được 214 điểm.

Vào cuối cuộc đua – sau khi đếm phiếu 50 tiểu bang – hai cụ 74 và 78 tuổi giành nhau sáu tiểu bang: Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania, và Wisconsin.

Ở Wisconsin (10 điểm), sau khi đếm phiếu tới nửa trưa hôm sau thì có kết quả : ông Joe Biden dẫn trước 20 ngàn phiếu, tức 0.6%. Lập tức, phe Donald Trump đòi đếm phiếu lại. Có thể phải đếm lại thiệt vì luật tại Wisconsin định trước: khi số phiếu chênh lệch dưới 1% thì đếm lại. Vậy là Dân Chủ thắng ở đây – nhưng để đấy. Nhân đây, xin bạn đọc để ý: trong ngày 3.11.2020 dân Mỹ trên toàn quốc đi bầu một tổng thống cai trị toàn quốc nhưng họ bầu theo từng tiểu bang. Cuộc bầu cử diễn ra theo luật của từng tiểu bang.Wisconsin là thế nhưng nơi khác có thể khác.

Trước Wisconsin ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden đã thắng Arizona (11 điểm). Từ 72 năm qua, chưa bao giờ Arizona tô màu lục cả. Đối thủ thắng tiểu bang nóng bỏng này làm cho làn sóng đỏ của đảng Cộng Hoà bị dừng lại. Ngược lại, ứng cử viên Joe Biden tưởng dựng được bức tường màu lục cùng khắp nước Mỹ nhưng khi Florida (29 điểm), Ohio (18 điểm), và Texas (38 điểm) vuột khỏi tầm tay Dân Chủ thì chỉ còn hy vọng cuộc đua khít khao mà thôi.

Cho tới sáng thứ Năm (giờ Brisbane, Úc) không đài truyền hình nào cho ai thắng ở Pennsylvania (20 điểm). Ở đó đã đếm 84% số phiếu. Kết quả ông Donald Trump dẫn trước 52.7%; ông Joe Biden vuốt đuôi 46.2%. Nhưng đương kim tổng thống đã tự cho mình thắng và ra lệnh ngưng đếm phiếu. Ngược lại, đảng Dân Chủ cho rằng phải đếm hết phiếu và đếm luôn phiếu gởi qua bưu điện. Khi kết quả ở Pennsylvania nghiên về ông Joe Biden, ứng cử viên Donald Trump liền phản đối và cho biết sẽ kiện ra toà.

Vào lúc 9 giờ sáng thứ Năm tai Springvale, Vic. gần hết đài truyền hình ở Mỹ cho rằng ứng cử viên Joe Biden đã thắng ở Michigan (11 điểm). Michigan trước đây màu đỏ, bây giờ đổi qua lục. Nhưng ông Donald Trump cho biết sẽ kiện kết quả này ra toà vì chỉ thua khít khao (48.1 / 50.3%). Thắng Michigan, ứng cử viên Joe Biden gần sờ tới chìa khoá Bạch Ốc (dù Bạch Ốc làm gì có … chìa khoá, bạn nhỉ (?!).

Kết quả cuối cùng Cổ Nhuế thấy trên truyền hình FoxNews (phò Donald Trump) như sau: Biden: 264 điểm ; Trump: 214 điểm. Đảng Dân Chủ ngấp nghé thêm Nevada (6 điểm). Thắng được tiểu bang nóng bỏng này, ông già 78 tuổi sẽ nhảy nhót với 270 điểm trong tay.

Donald Trump: ‘Thành thật mà nói chúng tôi đã thắng cử’

Chuyện còn dài dài

Như vậy, dường như ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden gần sờ tới cửa Bạch Ốc. Nhưng người đang ngồi ở trỏng rất khó dọn nhà ra đi. Ổng cho rằng có gian lận và kiện lên tối cao pháp viện.

Như đã có lần trang thời sự báo Việt Luận thưa với bạn đọc ‘Dám có trục trặc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay’ (Việt Luận, 22.10.2020). Chúng ta đang ở trục trặc đầu tiên: Trục trặc khi kiểm phiếu. Bất đồng ý kiến là thế này: Phải đếm những phiếu nào và đếm bao lâu thì ngưng? Bầu cử ở Mỹ – cũng như ở Úc – người dân có thể bầu ba cách: 1. trong ngày bầu cử, tự mình vào phòng phiếu. 2. tự mình đầu phiếu trước ngày bầu cử. 3. đầu phiếu qua bưu điện.

Thông thường, dân chúng chờ đến ngày mới tự mình vào phòng phiếu. Năm nay vì đại dịch, đông người bầu trước hay bầu qua bưu điện. Trục trặc  là những lá phiếu gởi qua bưu điện. Ai dám chắc chính cử tri gởi lá phiếu đó? Lá phiếu đó có thể đến phòng phiếu sau ngày bầu cử thì có được đếm không? Ở Úc chỉ có một Australian Electoral Commission (Ủy ban tổ chức bầu cử) đứng ra tổ chức bầu cử từ tiểu bang cho tới liên bang. Ở Mỹ, từng tiểu bang chịu trách nhiệm và ra luật bầu cử cho riêng mình. Ấy mới rắc rối.

Thí dụ tại Iowa (6 điểm), phiếu gởi qua bưu điện đã được đếm từ ngày 31.10. Nhưng ở Pennsylvania (20 điểm), chỉ đếm các phiếu này từ 7 giờ sáng trong ngày bầu cử mà thôi. Cũng ở đây, người ta sẽ đếm phiếu cho đến hết ngày 6.11. Vin vào luật tại Pennsylvania, ông Donald Trump có ra lệnh ngưng đếm phiếu cũng bằng thừa. Pennsylvania vẫn tiếp tục đếm phiếu cho đến thứ Bảy, giờ Cabramatta NSW, Úc.

Hiện nay, người ta chưa đến xong phiếu ở Mỹ. Cho dù đếm phiếu xong, một trong hai ứng cử viên vẫn có thể không đồng ý. Ở Mỹ, khi người ta bất đồng thì lôi nhau ra toà. Ông Donald Trump đã doạ thế và đảng Dân Chủ cũng sẵn sàng hầu toà. Nhớ lại vào năm 2000, ứng cử viên Dân Chủ Al Gore không đồng ý kết quả tại Florida, bèn đòi đếm lại phiếu và kiện lên tối cao pháp viện. Thế là: trong năm tuần lễ nước Mỹ chưa biết ai đắc cử tổng thống.  Người viết bài này hy vọng khi cầm số báo này trên tay thì bạn đọc đã biết ai được 270 điểm. Chỉ biết có thế. Còn ai đắc cử hay ai phải vào viện … dưỡng lão (như bỉnh bút DXT viết trong bài ‘Chánh tri gia’ đang trong số này) thì chắc là còn lâu.

Tuy nhiên, bà con chớ lo thể chế dân chủ ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung sụp đổ. Số là bầu cử ở Mỹ không chỉ diễn ra trong một ngày. Người ta có thể chỉ kiểm phiếu nội đêm về sáng hay trong vài ngày (tuỳ tiểu bang) nhưng kết quả này còn phải được chính thức đầu phiếu một lần nữa vào ngày 14.12.2020. Sau đó, thêm một lần nữa – vào ngày 6.1.2020 – phó tổng thống sẽ chủ toạ phiên họp lưỡng viện quốc hội kiểm chứng kết quả từ các tiểu bang gởi về.

Cuối cùng, vào giữa trưa 21.1.2021 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ mới chấm dứt bằng lễ tuyên thệ nhậm nhiệm kỳ mới. Rất hấp dẫn nếu sang năm có hai người đòi tuyên thệ nhậm chức / hay không ai dám đặt tay lên cuốn kinh thánh để bắt đầu làm tổng thống Mỹ.

Cổ Nhuế

Related posts