Nửa triệu bé gái bị ép tảo hôn vì đói nghèo do COVID-19

  • Hoài Anh

Nửa triệu trẻ em gái khắp thế giới, đặc biệt là tại Châu Phi và một số quốc gia châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Pakistan…bị ép tảo hôn vì gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn do COVID-19, theo AP.

(Ảnh minh họa: ShutterStock)

Người đàn ông lần đầu tiên nhìn thấy Marie Kamara, cô bé học sinh lớp năm, khi cô chạy cùng bạn bè qua nhà anh vốn gần trường tiểu học của làng. Ngay sau đó, anh đã cầu hôn cô bé.

“Tôi sẽ đi tới trường bây giờ. Tôi không muốn kết hôn và ở trong nhà, ”cô bé đáp lời.

Nhưng áp lực của đại dịch viên phổi Vũ Hán đối với đất nước Sierra Leone quá lớn so với mong muốn của cô bé. Các hoạt động khai thác gần đó đã chậm lại cùng với nền kinh tế toàn cầu. Công việc kinh doanh tại cửa hàng may đo của cha cô ngày một sa sút, những bộ trang phục giờ bám đầy bụi, thùng gạo đang cạn dần và nỗi lo cơm áo đã theo vào trong giấc ngủ của ông đã mấy tháng nay.

Người cầu hôn của cô chỉ là một thợ mỏ ngoài 20 tuổi, nhưng cha mẹ của anh ta có thể chu cấp gạo cho bốn cô em gái của Marie và cho phép gia đình cô tiếp cận hố tưới nước của họ. Họ cũng có thể chu cấp thêm tiền mặt.

Chẳng bao lâu sau, Marie ngồi trên thảm trải sàn trong bộ váy mới khi gia đình anh tặng cô 500.000 đồng leones (50 đô la) bên trong một chiếc bát đựng calabash cùng với hạt kola truyền thống.

“Họ mang tiền đến nhà tôi vào ngày thứ Sáu và sau đó tôi chuyển đến ở nhà anh ta”, cô chia sẻ và nói thêm rằng ít nhất bây giờ cô có thể ăn thứ gì đó hai lần một ngày.

Nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ trong việc chống nạn tảo hôn đối với trẻ em gái trong những thập kỷ gần đây, nhưng sự tàn phá kinh tế của COVID-19 đã gây ra những phản ứng ngược đáng kể: Liên hợp quốc ước tính rằng những khó khăn do dịch bệnh lần này sẽ khiến ít nhất 13 triệu trẻ em gái phải kết hôn trước tuổi. 

Dịch bệnh khiến hàng trăm ngàn trẻ em thất học và đối mặt với nạn tảo hôn (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mặc dù hầu hết các cuộc hôn nhân như vậy diễn ra trong bí mật, nhưng theo ước tính của Tổ chức Bảo vệ trẻ em, trong năm nay, gần nửa triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi có nguy cơ bị ép buộc kết hôn trên toàn thế giới, hầu hết ở châu Phi và châu Á, một số khác ở Trung Đông. Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ túng thiếu sẽ nhận được của hồi môn cho con gái – một ít đất đai hoặc vật nuôi có thể mang lại thu nhập, cũng có thể là tiền mặt và lời hứa sẽ đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng cô dâu trẻ. Bù lại, cô gái sẽ phải đảm nhận các công việc của gia đình chồng, các việc đồng áng, chuẩn bị cho việc sinh nở và thường phải bỏ dở học hành.

Tại Jordan, trước đại dịch, chỉ có khoảng 10% trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với châu Phi hoặc Nam Á. Tuy nhiên, số lượng người tị nạn Palestine và Syria ở đó nhiều hơn và họ ngày càng dễ bị tổn thương hơn, theo tổ chức Girls Not Brides.

Việc Ấn Độ đóng cửa nghiêm ngặt để ngăn chặn virus vào cuối tháng 3 đã khiến hàng triệu người di cư nghèo khổ mất việc làm ở các thành phố và nhiều người quay trở lại các thị trấn và làng mạc mà họ từng dứt áo ra đi nhằm tìm kiếm việc làm. Với việc các trường học đóng cửa và áp lực về tài chính gia đình ngày càng tăng, việc tổ chức hôn sự cho các cô gái trẻ đã trở thành một lựa chọn khả thi hơn để giảm chi phí.

Tổ chức ChildLine India đã ghi nhận 5.214 trường hợp kết hôn sớm chỉ từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 trên khắp Ấn Độ, mặc dù vậy, đây được coi là một con số quá thấp vì phần lớn các trường hợp không được báo cáo, tổ chức này cho biết.

Những bé gái Pakistan phải tham gia lao động từ rất sớm và bị hạn chế tiếp cận giáo dục (Ảnh minh họa: ShutterStock)

Trong một trường hợp, một cô gái 13 tuổi ở Uttar Pradesh thông báo với cảnh sát rằng người cha thất nghiệp của cô ấy định ép buộc cô kết hôn để đổi lấy 50.000 rupee (khoảng 675 USD) từ gia đình nhà trai.

“Khi giao dịch tiền diễn ra xong, người cha đã bị bắt vì chúng tôi sợ rằng cô gái tội nghiệp có thể bị gặp nguy hiểm với nạn buôn bán trẻ em“, cảnh sát cho biết.

Cơ quan bảo vệ trẻ em ở Bangladesh cho biết họ đã nhận được một cuộc gọi vào 8:30 tối hồi tháng 6 cảnh báo rằng một cuộc tảo hôn sẽ diễn ra trong vòng một giờ. Gia đình cô gái nghĩ rằng họ có thể đóng chặt cửa để tiến hành một cuộc kết hôn bí mật. Tuy nhiên, ngay sau khi các quan chức đến nơi, chú rể và khách mời đã bỏ chạy.

Các nhà chức trách đã tư vấn cho gia đình cô gái về hậu quả của việc kết hôn sớm đối với con gái họ – sự kết thúc việc học hành của cô ấy và có khả năng mang thai trước khi cô ấy sẵn sàng. Gia đình cho biết họ tuyệt vọng vì người cha không có việc làm do cuộc khủng hoảng COVID-19 và cam kết sẽ lưu ý lời nhắc nhở. Sau đó, họ chỉ đơn giản là đợi các quan chức đi khỏi và tổ chức đám cưới lúc hai giờ sáng.

Ở Sierra Leone, tỷ lệ kết hôn dưới 18 tuổi đã giảm từ 56% năm 2006 xuống 39% năm 2017 – một thành tựu lớn trong mắt các nhà hoạt động bảo vệ trẻ em. Sau đó, COVID-19 tấn công, các trường học đóng cửa và các cuộc tảo hôn gia tăng mạnh do nhiều cô gái đang theo học tại các thị trấn gần đó trở về nhà với cha mẹ.

Isata Dumbaya, người quản lý sức khỏe bà mẹ và sức khỏe sinh sản của Partners in Health tại Sierra Leone, cho biết không rõ khi nào trường học sẽ hoạt động trở lại và nhiều bậc cha mẹ lo sợ con gái nhàn rỗi của họ sẽ mang thai ngoài giá thú, trong khi việc kết hôn có thể giúp họ có một khoản tiền, đồng thời tiết giảm được chi phí.

Dumbaya cho biết, nhiều người trong số các bà mẹ của các cô gái đã kết hôn khi còn ở tuổi vị thành niên và coi việc kết hôn sớm là bình thường. Bà nói: “Họ không coi đó là việc làm hại con mình.”

Đó là suy nghĩ mà đệ nhất phu nhân của Sierra Leone, Fatima Maada Bio, đã biết trước và đang nỗ lực thay đổi với chiến dịch “Hands Off Our Girls” kể từ khi chồng bà nhậm chức vào năm 2018.

Đệ nhất phu nhân Fatima Maada Bio, người đang nỗ lực đấu tranh trước vấn nạn tảo hôn và quyền được học tập, mưu cầu hạnh phúc của các bé gái Sierra Leone (Ảnh: Twitter)

Bio từng phải trốn đến Vương quốc Anh khi còn là một thiếu niên sau khi biết cha cô định gả cô đi. Một người anh họ đã nói dối cha cô và đưa Bio đến sân bay.

Bà đã biến nó thành công việc của cuộc đời mình để giúp đỡ những cô gái vị thành niên khác: “Kết hôn sớm dưới mọi hình thức chẳng khác nào hợp pháp hóa hành động hiếp dâm,” bà nói với AP trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Nhiều vùng đất ở Sierra Leone xa xôi và lạc hậu đến mức không có cả tín hiệu radio FM chứ chưa nói đến Internet. Điều này khiến việc tuyên truyền và giám sát gặp khó khăn. Đệ nhất phu nhân Sierra Leone thừa nhận rằng bà đang nỗ lực nhưng chưa thể có được một bức tranh toàn cảnh về tỷ lệ tảo hôn đang gia tăng.

Sierra Leone đã đóng cửa biên giới của mình trước khi quốc gia này báo cáo trường hợp COVID-19 đầu tiên. Kết quả là cả nước chỉ ghi nhận 2.434 trường hợp được xác nhận và 74 trường hợp tử vong. Nhưng thiệt hại về kinh tế nơi đây đã khiến cuộc sống nhiều gia đình đứng bên bờ vực thẳm.

Gladys Katingor, một nữ hộ sinh ở Koidu, đã chứng kiến ​​những cô gái trẻ mới 13 tuổi mang thai, một số có chồng đủ tuổi trở thành ông nội của họ. Các y tá ở đây cho biết một số bé gái nhỏ tuổi nhất chỉ phát triển ngực khi mang thai. Và ngay cả khi cuộc hôn nhân trở nên bạo lực, cô gái vẫn bị áp lực phải tiếp tục chịu đựng.

Nhiều cô gái trẻ mang thai khi chỉ mới 13 tuổi, một số có chồng ở độ tuổi ông nội của họ (Ảnh minh họa: ShutterStock)

Kadiatu Mansaray, hiện 15 tuổi, nói rằng người mẹ góa của cô đã đẩy cô vào cuộc hôn nhân trong thời kỳ đại dịch vì khó khăn tài chính và vì cô khó có thể lấy chồng khi đã mang thai một lần trước đó ở tuổi 12 trong khi cô vẫn khao khát được học hành.

Người đàn ông đã gặp cô khi cô đang giặt quần áo ở một con suối gần đó nơi góc rừng gần biên giới với Guinea. Cuộc ly hôn diễn ra chóng vánh như cuộc hôn nhân.

Một tháng sau khi bỏ chồng, mắt trái của Kadiatu vẫn bị thâm đen vì trận đòn cuối cùng. Hành vi phạm tội của cô ấy, theo lời người chồng, là chia sẻ thức ăn hạn chế của họ với những người khác.

Giờ cô ấy đã trở về làng với mẹ, đi bộ đến ngôi làng gần nhất của Kombayendeh vào những ngày họp chợ để bán cam.

Trong những trường hợp hiếm hoi, một số thanh thiếu niên có thể thoát khỏi tình trạng tảo hôn nhờ sự giúp đỡ của những người thân, nhưng sự trợ giúp đó thường chỉ là tạm thời.

Kết hôn đồng nghĩa với việc các bé gái phải dừng việc học hành, sẵn sàng cho việc lao động cực nhọc, sinh con và mất đi cơ hội có một tương lai tốt hơn (Ảnh minh họa: ShutterStock)

Mariama Conteh, nhìn cỡ 17 tuổi nhưng có vẻ trẻ hơn nhiều, đã rời ngôi làng hẻo lánh gần biên giới với Guinea đến sống với một người cô ở Koidu để có thể đi học. Sau đó, vào tháng 4, một người đàn ông 28 tuổi trong khu nhà của họ bày tỏ sự quan tâm đến cô.

Phải mất một tháng, Mariama mới nói đồng ý trước những lời đe dọa của dì cô về việc gửi cô trở lại làng của mình, nơi cha cô đang phải vất vả nuôi hai người vợ, 10 đứa con và mẹ cô hẳn sẽ rất xấu hổ khi cô trở về.

“Những người trong làng sẽ chế giễu chúng tôi, đó thực sự là một điều đáng xấu hổ”, cô nói.

Cô bật lên những tiếng nức nở không thể kiểm soát khi nghĩ về tương lai mà cô từng hy vọng. Chị gái của cô đã có thể học trung học phổ thông trước khi kết hôn, một điều giờ đây hoàn toàn nằm ngoài tầm với của Mariama. Hiện cô đang mang thai được 7 tháng và sắp đặt em bé trên lưng thay vì cặp sách. 

Related posts