Vatican: Bộ Trưng bày Cảnh Chúa Giáng Sinh gặp nhiều phản ứng

Trùng Dương

hinh 1
Đêm khánh thành bộ trưng bầy Cảnh Chúa Giáng Sinh tại Quảng trường St. Peter, Vatican, ngày 11 tháng 12, 2020. (CNS photo/Paul Haring)

Nếu đại dịch Covid-19 đã thay đổi đời sống chưa từng thấy từ một thế kỷ nay của toàn thể nhân loại, thì tại sao Cảnh Chúa Ra Đời lại không thể khác với hình ảnh quen thuộc về một máng cỏ (hay hang đá) nơi Chúa Hài đồng nằm giữa các tượng thánh, thần, mục tử, loài vật, ba vua quỳ mừng vây quanh?

Vào ngày 11 tháng 12 năm nay, theo thông lệ, Tòa Thánh Vatican đã khánh thành Cảnh Chúa Ra Đời (Nativity), với một bố cục và các hình tượng không giống bất cứ cuộc trưng bầy nào trong quá khứ, khiến nhiều người không khỏi sửng sốt, và ít ra một trang báo Mạng đã phải kêu lên hốt hoảng “Mayday! Mayday!” (tín hiệu báo nguy, như SOS).

Rải ra trên một cái bệ bề cao cỡ một mét trong Quảng trường St. Peter, dưới một mái che đan bằng các ống plastic hay nhôm, là các bức tượng hình ống tượng trưng Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, Chúa Giêsu, thiên thần, ba vua, mục đồng, các súc vật như bò, trừu, ngỗng hay thiên nga, thiên thần, mục tử, Ba Vua, và cả một tượng ống tượng trưng một phi hành gia.

hình 2
Cận cảnh bố cục Cảnh Chúa Giáng Sinh trưng tại Quảng trường St. Peter, Vatican: Chúa hài đồng gói trong bọc mầu đỏ dưới chân Thiên thần, bên trái là Thánh Giuse và phải là Đức Mẹ Maria. (Ảnh Reuters)
Chi tiết của Cảnh Chúa Giáng Sinh, theo chiều kim đồng hồ: tượng phi hành gia bên tay trái, đối diện với Thánh Giuse ở giữa; Thánh Giuse; Ba Vua; và Thiên thần. (Ảnh vaticannews.va)

Theo Vatican News, các tượng bằng sứ lớn hơn người thường này là sản phẩm của các học sinh trung học ở Castelli, một thành phố trong vùng Teramo chuyên sản xuất đồ gốm, nằm ở đông bắc Rome, thực hiện từ nửa thế kỷ trước, được gửi tới đóng góp vào cảnh Chúa ra đời biểu tượng của “niềm hy vọng và tín cậy của cả thế giới” và của mọi thời đại, kể cả thời đại không gian.

Chính vì tính cách vượt khỏi thông lệ của cuộc trưng bầy và các pho tượng chẳng-giống-ai này mà nhiều người tới chiêm ngưỡng không thể dửng dửng xem qua rồi thôi mà không có phản ứng, cách này hay các khác.

Một ông nói: “Trông có vẻ… lạnh lẽo thế nào ấy.” Bà khác phát biểu, “Tôi thích cảnh Chúa ra đời theo truyền thống hơn. Cái này có vẻ lạnh lẽo quá. Trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, khi chúng ta không thể ôm nhau, có lẽ một Cảnh Chúa Ra Đời truyền thống sẽ giúp ta nhiều hơn và tạo được một Giáng Sinh hay hơn.”

Lại có người thích sự thay đổi thảng hoặc này. “Đối với tôi thì Cảnh Chúa ra đời này rất hiện đại. Hơi lạ đấy, nhưng tôi thích,” một thanh niên nói.

Có người lại thích thú khi thấy “máng cỏ” năm nay có dính dáng tới các biến cố hiện đại, như sự góp mặt của pho tượng phi hành gia. “Có một tượng từ ngoài không gian. Khi bạn nhìn vào tượng đó, bạn không khỏi tự hỏi tại sao nó lại có ở đây. Rồi bạn dần hiểu ra sứ điệp của nó, đó là Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trong vũ trụ.” Thực ra, loạt tượng này được các em học sinh thực hiện vào thập niên 1960, trùng hợp với biến cố con người đặt chân lên mặt trăng dạo ấy và đã phản ảnh qua sáng tạo của các em – một nhắc nhở là Chúa giáng sinh cho mọi người ở mọi thời đại.

Theo romereports.com, “Hàng năm, Cảnh Chúa Giáng Sinh phản ảnh lịch sử của nơi thực hiện bộ trưng bầy đó. Thành phố Teramo nổi tiếng về đồ gốm. Đây là một lọai đất sét khó uốn nắn, do đó mà các pho tượng có những hình dáng kỳ quặc như vậy. Đối với cư dân của thành phố này, đây phải là một niềm hãnh diện cho họ khi sản phẩm của địa phương họ được trưng bầy ở Quảng trường St. Peter, đặc biệt đối với một cộng đồng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai trận động đất, một vào năm 2009 và một trận khác vào năm 2017.”

Trong một lá thư ký tháng 12, 2019, Đức Giáo Hoàng Francis viết là “thông thường ta có thể thêm các hình tượng có tính biểu tượng vào cảnh máng cỏ” như “các em vẫn làm, và cả người lớn nữa, mặc dù chúng có vẻ không dính dáng gì tới Kinh Thánh cả. Tuy nhiên, mỗi hình tượng thêm vào này, theo cách thế riêng của chúng, nói lên rằng trong thế giới Thiên Chúa khai mở đều có chỗ cho bất cứ điều gì thuộc về con người và mọi sinh vật khác do Thượng đế gầy dựng nên.”

Dù vậy, không thiếu những phản ứng tiêu cực đối với bộ trưng bầy Giáng sinh năm nay. Một trong những nhà phê bình lớn tiếng nhất là Novus Ordo Watch, một nhóm Thiên Chúa Giáo cực bảo thủ tự nhận có phần vụ duy trì truyền thống nguyên thủy của đạo, không coi những vị như Đức Giáo Hoàng Francis và chủ trương cởi mở là chính thống.

Chỉ trích bộ trưng bầy năm nay là không chính thống, xấu xí, không xứng đáng là biểu tượng cho ngày Giáng Sinh truyền thống trọng đại, Novus Ordo kết luận: “Cuộc trưng bầy tại Quảng trường St. Peter sẽ bị tháo gỡ vào ngày 10 tháng Giêng, 2021. Ngày đó không thể tới nhanh hơn.” [TD2020/12]

Related posts