Gordon Chang: Trung Quốc – thứ bá quyền vừa kiêu ngạo vừa đầy bất an

Gordon Chang

Chủ tịch Tập, với ngôn ngữ của các hoàng đế từ hai thiên niên kỷ trước đây, cho rằng ông có Thiên mệnh để cai quản trời đất. Khi nói về “một cộng đồng chung vận mệnh” của nhân loại, dường như ông Tập đang nghĩ rằng tất cả mọi người khác đều có nghĩa vụ chung là phải phục tùng ông ta.

Mọi người – kể cả [Thủ tướng Úc] Scott Morrison. “Morrison nên quỳ xuống đất, tự tát vào mặt mình và quỳ xuống xin lỗi người Afghanistan — tất cả những điều này nên được thực hiện trong một chương trình truyền hình trực tiếp”, Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo lá cải của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã viết như vậy hôm 30/11. Đây là hình phạt mà các hoàng đế Trung Quốc thường sử dụng để trừng phạt kẻ hầu và những người khác.

Ông Morrison đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi vì Triệu Lập Kiên – người phát ngôn BNG nước này đã đăng trên Twitter một hình ảnh giả mạo có chủ đích, cho thấy một người lính Úc đang cười và chuẩn bị cắt cổ một đứa trẻ Afghanistan.

Quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền trên toàn thế giới rất táo bạo, và những người ở trung tâm quyền lực tại Bắc Kinh tin rằng “giấc mộng Trung Hoa” sẽ đạt được bởi vì Hoa Kỳ đang suy tàn. Do đó, sự thống trị của Trung Quốc, mượn một trong những từ thường được ĐCSTQ ưu ái sử dụng, là “không thể tránh khỏi.”

Những tinh hoa Trung Quốc nhìn thấy sự chia rẽ trong xã hội Mỹ và vui mừng trước sự đoàn kết rõ ràng của Trung Quốc. Họ quan sát những trường hợp nhiễm COVID-19 ở các quốc gia khác và tin rằng hệ thống bán độc tài của họ là ưu việt hơn cả. “Trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, sẽ có những cường quốc chiến thắng và những kẻ bại trận”, Wang Xiangsui, một đại tá cấp cao đã nghỉ hưu đang giảng dạy tại một trường đại học ở Bắc Kinh, cho biết trên tờ New York Times. “Chúng tôi là một cường quốc chiến thắng trong khi Hoa Kỳ vẫn còn sa lầy và, tôi nghĩ, rất có thể trở thành một cường quốc bị đánh bại.”

Người dân Trung Quốc bị nhồi sọ từ khi còn nhỏ và không ngừng được nhào nặn bởi tuyên truyền, vì vậy về cơ bản họ hiểu sai về mọi thứ. Tuy nhiên, họ có thể được tha thứ vì đã không nhận ra rằng các nền dân chủ thường sẽ công khai các vấn đề của mình, trong khi chế độ như Trung Quốc thì tìm cách che giấu chúng.

Kết quả là, Trung Quốc hiện đang bùng phát ‘dịch bệnh’ kiêu ngạo. Các bình luận được công bố rộng rãi ngày 28/11 của Di Dongsheng, một học giả tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, thể hiện tính kiêu ngạo của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc. Họ không ngần ngại bày tỏ trước công chúng niềm tin rằng Trung Quốc có thể quyết định kết quả ở cấp cao nhất ở Washington, như ông Di đã nói “trong vòng tròn quyền lực cốt yếu thật sự của nước Mỹ.”

Niềm tin vào quyền lực tối cao khiến các tác nhân địa chính trị Trung Quốc trở nên ngày càng hung hăng. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã xâm lược Ấn Độ trong năm nay tại ba địa điểm trên dãy Himalaya. Trung Quốc đã xây dựng hoặc chiếm đóng các khu vực bên trong cả Nepal và Bhutan, dần lấy đất của ​​hai nước này một cách chóng vánh. Máy bay và tàu của Bắc Kinh đã gây sức ép với Đài Loan, Nhật Bản và gần đây nhất là Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, áp dụng viễn cảnh của hai thiên niên kỷ cai trị bởi hoàng đế, tin rằng họ có quyền thiêng liêng để làm bất cứ điều gì họ muốn, bao gồm cả việc thay đổi biên giới bằng vũ lực và đe dọa.

Tuy nhiên, nghịch lý thay, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ lại luôn cảm thấy bất an. Những kẻ cai trị với khuynh hướng toàn trị luôn như vậy. Trong một xã hội mà quyền lực tối cao được cho là có toàn quyền kiểm soát và không có sai lầm, mọi vấn đề, dù nhỏ, đều được nâng cao tầm trọng yếu.

Và Trung Quốc không thiếu vấn đề. Xã hội Trung Quốc vẫn chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19, điều này đặc biệt rõ ràng khi chi tiêu của người tiêu dùng yếu và tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu tăng. COVID-19 đang xuất hiện trở lại và vắc-xin của nước này, mặc dù đã được đưa vào sử dụng, vẫn chưa được thử nghiệm đầy đủ. Trung Quốc còn đang hứng chịu tình trạng thiếu điện trên khắp cả nước, được tờ SMCP mô tả là “tình trạng mất điện tồi tệ nhất trong một thập kỷ”.

Về dài hạn, đất nước đang bước vào thời kỳ suy giảm nhân khẩu học nhanh chóng. Trong vòng vài năm tới, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, hoặc có lẽ họ đã vượt qua rồi.

Môi trường lại càng có dấu hiệu cạn kiệt hơn. Ví dụ, nước sạch rất khan hiếm.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tin rằng hiện tại họ đang rất mạnh, nhưng chuyện này sẽ không kéo dài, và cánh cửa cơ hội đang dần khép lại. Vào cuối tháng Giêng, Nhân dân Nhật báo, ấn phẩm quyền lực nhất ở Trung Quốc, đã đăng một bài với tiêu đề “Ông Tập căng thẳng chạy đua với thời gian để đạt được giấc mơ Trung Hoa.”

Tập Cận Bình, người vẫn trung thành với nguyên lý cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản, tin rằng những người cộng sản có thể quản lý bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ. Vì vậy, không có khả năng rằng bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào nêu trên có thể làm phiền đến ông ấy một cách đáng kể.

Nhưng ông Tập vẫn cho thấy dấu hiệu của sự bất an. Yêu cầu của ông về quyền kiểm soát tuyệt đối đối với ĐCSTQ, hiện có khoảng 92 triệu thành viên, là không thể thỏa mãn, và đã có những dấu hiệu chia rẽ ở cấp cao nhất của tổ chức này đối với các vấn đề quan trọng. Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, vừa đăng một bài báo chỉ trích “những người đầu hàng” trong Đảng. Hiện tại, chỉ những chính sách hiếu chiến mới được chấp nhận về mặt chính trị.

Tại sao? Trong nhiều thập kỷ, tính hợp pháp của ĐCSTQ phụ thuộc vào việc liên tục mang lại sự thịnh vượng. Vì vậy, với một nền kinh tế bong bóng, cơ sở chắc chắn duy nhất còn lại của tính hợp pháp là chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là [thực hiện] hành động sai trái của quân đội ở nước ngoài.

Bởi vì ông Tập đã tích lũy quyền lực chính trị gần như chưa từng có, nên giờ đây trách nhiệm nặng nề cũng đặt nặng lên vai. Thật không may, ông ta không có ai khác để đổ lỗi. Hơn nữa, ông Tập, với sự đàn áp không thương tiếc đối với những kẻ thù chính trị kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, đã khiến bất cứ thất bại chính trị nào cũng sẽ phải trả giá đắt. Vì vậy, Tập biết rằng ông có thể mất tất cả – quyền lực, tài sản, tự do và cuộc sống – nếu ông thất bại.

Chúng ta có thể nghĩ rằng ông ấy nên thận trọng, nhưng Tập Cận Bình hiện có động cơ để bung ra bất chấp và bắt đầu một cuộc khủng hoảng không thể tưởng tượng được.

Mối nguy hiểm gây ra bởi một Trung Quốc vô cùng kiêu ngạo và vô cùng bất an là không thể coi thường.

Gordon Chang (tác giả cuốn sách “Sự sụp đổ sắp diễn ra của Trung Quốc”)

Gordon Chang (Trí Thức Việt Nam)

Related posts