Tội ác lớn nhất của Kim Ki-duk

Tú Châu

Điều độc ác nhất ở Kim Ki-duk là ông đã nhìn ra sự thật độc ác ấy của cuộc đời.


Kim Ki-duk tại Liên hoan phim Venice năm 2012. Nguồn: Tania Volobueva/Wikimedia Comamons

1.
Từ cảnh phim cuối cùng trong Ageo (Cá sấu), khi hai nhân vật chính ngồi dưới đáy sông trên một chiếc trường kỷ cũ, người đàn ông còng tay mình vào tay người đàn bà đã tự sát, anh hôn cô, rồi anh trợn trừng hai mắt chống chọi với cái chết đang mò mẫm, cố gắng tự thoát khỏi chiếc còng, nhưng không kịp, và họ ngồi tựa vào nhau mãi mãi, bóng họ bập bềnh trong sóng nước, ngay từ đoạn phim năm phút trong bộ phim kinh phí eo hẹp ấy, giới mộ điệu đã lờ mờ cảm nhận được rằng một quái kiệt điện ảnh đã ra đời. 

Cũng là một cảnh hôn nhau dưới nước, đúng 20 năm sau, đạo diễn Guillermo del Toro bước lên đỉnh vinh quang với The Shape of Water giành giải Oscar cho phim truyện hay nhất. Cũng là tình yêu, cũng là nước, nhưng cảnh phim của Guillermo del Toro và của Kim Ki-duk dường như là hai phản đề. Với Guillermo del Toro, tình yêu là cái thiện, tình yêu cứu rỗi nhân loại, nó sáng bừng trong một thế giới tan tác, còn với Kim Ki-duk, tình yêu là một sự tra tấn với những kẻ trót yêu, nó là cái thiện nhưng để đạt tới cái thiện thì con người phải đi cùng đường cái ác, hay, tình yêu là trái ngọt nhưng nó sai trĩu trên nhành cây tội ác. 

Cái ác liên tục đầu thai trong những hóa thân khác nhau qua 25 bộ phim của Kim Ki-duk. Rất khó nói đâu là cảnh độc ác nhất trong những bộ phim của ông.

Đáng nhẽ không có gì đặc biệt ở đây, vì truyền thống của điện ảnh Hàn Quốc là truyền thống về cái ác, những bộ phim Hàn hay nhất đều xoay quanh cái ác, kể từ Hanyo (Cô hầu gái) của Kim Ki-young năm 1960. Nhưng trong số những đồng nghiệp cùng thời, ngay cả khi so sánh với “đại ác nhân” Park Chan-wook thì rõ ràng Kim Ki-duk vẫn “ác” hơn và kiên định với cái “ác” hơn. Park Chan-wook còn có những giây phút tin vào thiện tính của con người như khi ông để Il-soon và Young-goon bay lên trong I’m Cyborg but that’s okay (khi chiếu ở Việt Nam được dịch ra cái tên Khi kẻ điên yêu) hay khi vị linh mục Sang-hyun cùng người mình yêu Tae-ju trong Thirst tan biến thành tro khi bình minh đến. Kim Ki-duk thì dường như không ngưng thù hận con người và phim ảnh là một phương tiện để ông trả thù thế giới mà ông đang sống. Và không chỉ phim ảnh. Mọi thứ đều có thể là công cụ trả thù của ông. Phật giáo. Đức Mẹ. Tình yêu. Luân hồi. Cái chết. Cả sự sống cũng là một kiểu trả thù.

2
Một nhúm người bước lên một chiếc thuyền viễn dương, nhưng một sáng nọ, họ thấy biển đã biến mất dưới chân, thuyền mắc kẹt trong mây, và họ bắt đầu cuộc chiến sinh tồn tranh giành kho lương thực cuối cùng chỉ còn đủ dùng trong một tuần sắp tới. Toàn bộ ý tưởng của Con người, Không gian, Thời gian và Con người, một trong những tác phẩm cuối đời của Kim Ki-duk, không có gì là mới – con người bị cô lập khỏi thế giới cũ để tự hình thành một thế giới mới, nơi họ lao vào nhau để giành phần thưởng sau cùng là sự sống, ý tưởng ấy ta đã bắt gặp trong Chúa Ruồi của William Golding hay Battle Royale của Koushun Takami. Và bộ phim của Kim Ki-duk sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nó thiếu đi chương kết, một khúc vĩ thanh tưởng như là một khởi đầu mới tươi sáng, mang đến chiến thắng khải hoàn vẻ vang cho hy vọng, nhưng hóa ra nó lại là một khối bi kịch đổ rầm xuống và trong phút chốc, vườn địa đàng sạt lở, một chương kết thắt nghẹt như thòng lọng, có thể so sánh với phần khép lại bản giao hưởng số 6 của Gustav Mahler mà nhạc trưởng Bruno Walter gọi là “khúc vô thần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc”. Kim Ki-duk đã để người còn lại cuối cùng gầy dựng lại thế giới là một phụ nữ mang thai – một ẩn dụ hoàn hảo gieo niềm tin cho sự thánh thiện của giống loài. Nhưng rồi đứa trẻ ra đời và lớn lên, như một bản năng réo gọi, nó tiếp tục sống và tiếp tục đắp những viên gạch cho thành quách vĩ đại của cái ác tưởng như từ lâu đã bị lật đổ.


Con người, Không gian, Thời gian và Con người, một trong những tác phẩm cuối đời của Kim Ki-duk, là một khối bi kịch đổ rầm xuống và trong phút chốc, vườn địa đàng sạt lở. Nguồn: movieplayer.it

Con người, Không gian, Thời gian và Con người không phải bộ phim nổi bật nhất trong sự nghiệp của Kim Ki-duk, nhưng nó hẳn là cú trả thù điếng người nhất của ông chống lại đồng loại, khi ông gieo cả sự độc ác vào những bào thai, khi ông vạch trần cả niềm tin thơ ngây rằng có thể rửa sạch thế giới chỉ bằng cách hủy diệt thế giới cũ và tạo dựng thế giới mới cùng những cá thể mới. Đó là lý do mà Thượng Đế đã thất bại với cơn đại hồng thủy của mình, sự trừng phạt của Người dù lớn đến đâu cũng là quá nhỏ so với tội lỗi mà con người có khả năng gây nên, thứ tội lỗi nảy sinh từ hư vô, từ chân không, dai dẳng và không bao giờ khuất phục, như một con rồng chín đầu, giết đầu này, mọc lại đầu khác trong nháy mắt.

Cái ác liên tục đầu thai trong những hóa thân khác nhau qua 25 bộ phim của Kim Ki-duk. Rất khó nói đâu là cảnh độc ác nhất trong những bộ phim của ông. Là cảnh cận tả một con cá quằn quại khi bị róc thịt, một người đàn ông lấy miếng cá ấy đưa cho người phụ nữ bên cạnh mình nhấm nhá, rồi lại thả con cá nửa sống nửa chết xuống mặt sông cho nó rớm máu bơi đi trong The Isle (Tiểu đảo) ư? Hay cũng trong The Isle, cảnh cô gái đưa đò nhét những chiếc móc câu bằng sắt vào cửa mình vì tức giận với người đàn ông cô yêu? Hay là cảnh một người mẹ cầm dao tiến thẳng vào phòng và thiến đứa con trai đang tuổi lớn vì hận tình với người chồng không chung thủy, rồi bỏ “của quý” của đứa con vào miệng nhai ngấu nghiến như nhai một chiếc xúc xích trong Moebius? Hay là cảnh loạn luân trong Pietà? Hay là cảnh người cha đánh vỡ đầu một khách hàng mua dâm của đứa con gái còn đang đi học trong Samaritan Girl? Hay vô số những cảnh bạo dâm khiến những khán giả đạo mạo phải buồn nôn trong gần như tất cả các bộ phim mà ông đã thực hiện? 

Kim có một trí tưởng tượng vô tận về những cách quái đản để hành hạ thể xác con người, ông tựa một bác sĩ bệnh hoạn, một tay đồ tể cỡ Josef Mengele điên loạn của điện ảnh lôi con người vào những phòng thí nghiệm để thám hiểm giới hạn xa nhất của cái ác. Và càng đi, càng sâu. Vì cái ác thì không có giới hạn tận cùng.


Nữ diễn viên Jo Min-soo được biết đến nhiều nhất với vai diễn Jang Mi-sun trong phim Pietà. Nguồn: asia.si.edu

3
Nhưng Kim Ki-duk làm điều đó để làm gì?

Ông không được học hành bài bản về việc làm phim. Trước khi làm phim, ông làm việc trong một nhà máy. Bỏ nhà máy, ông làm tình nguyện viên ở một nhà thờ Báp-tít, rồi có ước mơ trở thành một mục sư. Giấc mơ không thành, ông rẽ ngang thực hiện những bộ phim như thế. Nghĩa là Kim Ki-duk không vô thần. 

Phim của Kim Ki-duk chứa đựng một dải tần số tôn giáo rất rộng. Ông đặt tên bộ phim thứ 18 của mình là Pietà 1, Đức Mẹ sầu bi, một chủ đề quen thuộc của Thiên Chúa giáo về hình ảnh mẹ Mary ôm xác Chúa. Đó cũng là một bộ phim về một người mẹ, bà ta tìm đến kẻ đòi nợ thuê đã đẩy con trai mình đến cái chết, một kẻ tứ cố vô thân, bà đóng giả mình là mẹ của anh ta, làm ra một màn kịch bị bắt cóc rồi tự vẫn ngay trước mắt đứa con trai giả. 

Thoạt nhiên, nội dung về sự cứu rỗi của tình mẹ dù lắt léo và bất thường nhưng vẫn có vẻ nhân đạo và hướng thiện. Nhưng điều gây tranh cãi ở Kim Ki-duk không bao giờ là thông điệp cuối cùng, mà nằm ở cách ông dẫn dắt nhân vật của mình đi tìm thông điệp ấy. Sự đốn ngộ trong điện ảnh của Kim Ki-duk luôn đòi trả một cái giá rất đắt: để đổi lấy giây phút bừng tỉnh, cái con người phải giao ra là linh hồn mình. Họ không phải Faust bán hồn cho quỷ, họ bán hồn cho Chúa. Và cách duy nhất để “đắc đạo” là sa lầy vào tăm tối.

Kim Ki-duk luôn kiếm tìm tình yêu nơi những sa mạc cằn cỗi nhất của nhân tính, nơi đáng lẽ không có một tình yêu nào có thể nảy mầm.

Người ta gọi Kim Ki-duk là một nhà làm phim độc ác, đã đành là thế nhưng ở các tác phẩm của ông, sự dồn nén của cái ác luôn song hành sự kết trái của cái thiện. Những thước phim tàn bạo nhất luôn đi kèm cùng những thước phim thánh thiện nhất. Như Pietà, khán giả có thể ói mửa trước cảnh tay đòi nợ thuê thực hiện hành vi loạn luân với người đàn bà tự nhận là mẹ y, nhưng vẫn bộ phim ấy, cảnh y nằm lặng im bên xác bà dưới gốc thông cùng cái xác của đứa con trai bà mà y từng hại chết lại đẹp vô ngần và vượt qua mọi lằn ranh về ai là nạn nhân, ai là đao phủ, vì ta đều là nạn nhân và đều là đao phủ của cuộc đời này. Với The Isle, ngay sau thước phim dị hợm về cảnh nhét móc câu vào âm đạo của cô gái đưa đò, là cảnh người tình của cô băng qua sông dưới trời mưa tầm tã, gắp từng mẩu kim loại sắc đanh ra, và họ nằm ôm nhau dưới mù sương bất tận, khi nắng lên lại cùng nhau sơn lại căn nhà nổi cô đơn giữa mịt mùng sóng nước, những chiếc chổi sơn chạm vào nhau quyến luyến không rời. Còn trong Samaritan girl 2, thước phim giết người kinh hoàng vừa chấm dứt, bộ phim thoát ly hoàn toàn khỏi đô thị để “nhảy cóc”qua một pha không gian khác, với người cha đưa cô con gái về miền sơn cước, và trước một mỏm đất ven suối, ông dạy cô tập lái xe, chuẩn bị cho cô một cuộc đời phía trước không có ông bên cạnh.


Một cảnh trong phim “Samaritan Girl”. Nguồn: movieplayer.it

Điều đó cũng đúng trong bộ phim có lẽ lớn nhất trong sự nghiệp của Kim, và cũng là một trong những kiệt tác tiêu biểu của điện ảnh thế kỷ 21, Xuân, hạ thu, đông,… rồi lại xuân. Vẫn là một bối cảnh cô lập khỏi thế giới để minh chứng cái ác không đến từ bên ngoài mà từ bản thể, và lần này, giữa một cổ tự trên hồ nước mênh mông, một vị sư thầy nuôi một chú tiểu nhỏ từ khi tấm bé. Hành trình bốn mùa ứng với bốn chặng đời của cuộc đời chú tiểu từ lúc vô tri, đến khi bị hủy hoại bởi dục vọng, rồi sám hối và cuối cùng là ngộ đạo. Hẳn không phải vì hiệu ứng hình ảnh mà Kim Ki-duk đã để vị sư thầy buộc người đồ đệ phải khắc toàn bộ bản kinh Bát Nhã lên sàn chùa bằng con dao mà y đã dùng để giết người. Không phải viết, không phải chép, không phải đọc, không phải ngâm, mà là khắc, và khắc bằng một con dao giết người – dường như ngay ở đó, nhà làm phim đã ngụ ý rằng con đường vượt thoát là một con đường nhọn hoắt, cay nghiệt và độc địa. Kinh không an tọa trong chốn thư hiên thơm mùi mực giấy, Kinh nằm trong bàn tay đã từng rướm máu của kẻ sát nhân. Phải vật lộn để sở đắc được Kinh. Và chỉ kẻ đã biến dạng trong những nghiệp chướng nặng nề nhất mới có thể gặp ở cuối đường, Phật đang chờ sẵn.

4
Vậy thì, Kim Ki-duk có thực sự độc ác hay không? Chắc chắn là có, ông độc ác. Nhưng ông có độc ác hơn cuộc đời hay không? Chắc chắn là không. Những ai phỉ báng điện ảnh của ông là vô đạo, thì chỉ đơn giản họ chưa biết rằng cuộc đời thực sự có thể độc ác nhan nhản và khủng khiếp gấp ngàn lần thế. Hoặc có thể họ đã hiểu nhầm ông.

Kim Ki-duk luôn kiếm tìm tình yêu nơi những sa mạc cằn cỗi nhất của nhân tính, nơi đáng lẽ không có một tình yêu nào có thể nảy mầm. Đó là tình yêu của kẻ buôn xác và kẻ tự vẫn trong Ageo, đó là tình yêu của cô gái đưa đò và tên tội phạm trong The Isle, đó là tình yêu của một lão già và cô gái câm 16 tuổi trên con thuyền lênh đênh ngoài khơi trong Hwal (Cánh cung), là tình yêu của một kẻ đột nhập và một người đàn bà bị cấm cửa trong 3-Iron. Vâng, bất cứ ai đã từng xem 3-Iron, hẳn sẽ không thể nghĩ rằng Kim là một kẻ phi nhân, bởi đó đơn giản là một trong những thước phim đẹp nhất về những khả năng của tình yêu.

Truyện kể về một anh chàng ngày nào cũng đi dán những tờ quảng cáo lên trước cổng nhà người khác. Ngày hôm sau anh ta quay lại, nếu tờ quảng cáo chưa bị xé đi, thì nghĩa là người nhà đi vắng, và anh ta sẽ vào ở đó. Anh ta không lấy gì, không làm hại ai, không có âm mưu nào hết, anh ta chỉ ở đó, như một cô Tấm, giặt những bộ đồ chưa giặt, sửa những món đồ hỏng hóc, và chôn hộ những xác chết bị bỏ quên. Những ngôi nhà chỉ có thứ vững chãi duy nhất là bê tông, còn những gì nó đáng ra phải mang chứa đều tan rã. Rồi một ngày anh ta vào một ngôi nhà giàu có, nhưng hóa ra không phải người nhà đi vắng, mà vì người phụ nữ sống trong đó không được chồng cho bước ra khỏi cửa. Không cần nói cũng biết họ sẽ yêu nhau.

Một trong những trường đoạn tinh tế nhất là khi cô vứt một đống quần áo nhàu nhĩ trên sàn và rồi anh ta sắp xếp lại, thành một bộ đồ hoàn chỉnh cho cô ấy. Đó chẳng phải đỉnh cao của tình yêu, khi ai đó giúp sắp xếp lại những chỗ bừa bộn trong đời mình? Và đương nhiên, cảnh khi linh hồn của anh lượn quanh cô, rồi hôn cô khi cô ôm người chồng tệ bạc của mình, một cảnh tình yêu hay không kém những cảnh tình kinh điển nhất, như cảnh hôn nhau trên bãi biển của Milton Warden và Karen Holmes trong From Here to Eternity (1953) chẳng hạn. Cũng như cuộc tình của 3-Iron, đó cũng là một cuộc tình không được phép có, bởi Karen đã có chồng, nhưng nó vẫn có, bởi nó là tình yêu. Chỉ là, trong From Here to Eternity, Milton Warden và Karen Holmes khi hôn nhau đã có cả một bãi biển, cả bầu trời, cả sóng, cả nắng, cả thế giới của riêng mình. Còn trong 3-Iron, ngay khi họ hôn nhau cũng có sự chen vào của một thực thể khác, và họ hôn nhau trong một căn nhà không phải của họ, họ cũng hoàn toàn không có căn nhà nào của mình – suốt cả bộ phim họ gá mình tạm vào những ngôi nhà, rồi lại bỏ đi khi người chủ quay lại – họ không có một thế giới riêng, nhưng tình yêu của họ đẹp hơn tình yêu của tất cả những kẻ có thế giới riêng. Hẳn là bởi bản thân tình yêu tự nó đã là thế giới riêng.

3-Iron cũng có những phút giây độc ác của nó, như khi chàng trai tung những cũ đánh golf hạ gục người chồng, nhưng tất cả sự bạo lực ấy sẽ đưa kẻ đột nhập và người vợ bất hạnh đến với nhau, dù trong thoáng chốc ngắn ngủi của đời mình. Với Kim Ki-duk, tất cả những thứ thánh thiện nhất như tình yêu, như đạo, muốn có được, phải trả bằng sự phá bỏ cái người khác gọi là “đạo đức”, cũng như muốn có được Chúa thì phải giết được Chúa vậy.

5
Trong số 25 bộ phim mà Kim làm đạo diễn, có một bộ phim nằm ngoài mọi chuỗi sáng tạo lập dị, đó là Arirang3, một bộ phim tài liệu của ông về chính mình, trong quãng thời gian dài không thể làm phim vì một tai nạn với bộ phim trước đó. Ông dọn về sống đơn độc giữa nơi vắng bóng người lại qua, như rất nhiều các nhân vật trong phim của ông, và nhìn lại về sự nghiệp lừng danh nhưng luôn bị khán giả xâu xé điên cuồng. Trong khoảng tịch lặng của cuộc đời mình, Kim Ki-duk ngồi nhìn ra tuyết, và ông lồng những thước phim ấy với những thước phim trong chương Đông của Xuân, hạ thu, đông,… rồi lại xuân, khi nhân vật chú tiểu nay đã trở thành người trụ trì ngôi chùa cổ đeo lên người mình một phiến đá nặng, rồi kéo lê phiến đá trong khi tay ôm bức tượng Phật leo lên đỉnh núi rét căm căm dưới cơn mưa tuyết dày. Vị đạo diễn quái đản đã lồng ghép để người ta cảm thấy như, ông đang ngồi ở một góc xa dõi theo chuyến hành trình nhọc nhằn của vị chú tiểu năm nào, thi thoảng, đôi mắt ông đỏ hoe những dòng lệ. 
Có thể ông khóc cho ông, có thể ông khóc cho nhà sư kia, cũng có thể ông đã khóc cho tất cả con người trên thế gian này, bởi đã thấy hết con đường đau khổ mà họ phải đi nếu muốn tìm đến sự vong ngã.□ 

1. Phim giành giải Sư Tử Vàng của Liên hoan phimVenice lần thứ 69.

2. Bộ phim giúp Kim Ki-duk giành giải Gấu Bạc tại Liên hoan phim Berlin năm 2004. 

3. Bộ phim giành giải Un Certain Regard của Liên hoan phim Cannes.

Related posts