Bộ Ngoại giao Trung Quốc so sánh khập khiễng bạo loạn ở Điện Capitol với biểu tình ở Hồng Kông

Quý Khải

Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm (7/1) đã so sánh cuộc bạo động hôm thứ Tư tại Điện Capitol với phong trào biểu tình Hồng Kông. Cơ quan này về cơ bản lập luận rằng người Mỹ bây giờ nên hiểu tại sao việc Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người thân cận của nó trong chính quyền Hồng Kông sử dụng vũ lực để đè bẹp phong trào đòi dân chủ là hành động đúng đắn và hợp pháp.

Một phóng viên AFP đã đặt câu hỏi đối với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh so sánh cuộc biểu tình Hồng Kông với cuộc bạo động ở Điện Capitol vừa qua.

“Bộ ngoại giao Trung Quốc có bình luận gì về tình trạng bạo lực vừa diễn ra không? Riêng bộ, Bộ có nhận xét gì về việc một số người dân trong nước so sánh bạo loạn ở Washington với tình hình bất ổn ở Hồng Kông hay không?”, người phóng viên AFP hỏi.

“Chúng tôi đã ghi nhận những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng mọi người ở Hoa Kỳ chắc chắn hy vọng sớm trở lại trật tự bình thường”, bà trả lời.

Sau khi đề cập đến phản ứng của “cư dân mạng Trung Quốc” – một chủ đề thường xuyên được đề cập trong tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây – bà Hoa đã đề nghị “chia sẻ một số suy nghĩ của tôi với bạn”. Bà Hoa tiếp tục khai thác tình trạng bất ổn ở Capitol để đạt được lợi ích chính trị tối đa:

Thứ nhất, người dân Trung Quốc có quyền và tự do đưa ra ý kiến ​​và bình luận của họ trên mạng. Tôi tin rằng đối với rất nhiều người, nhìn thấy những cảnh tượng đó ở Hoa Kỳ đã mang lại một thứ cảm giác deja vu, mặc dù chúng đã tạo ra một số phản ứng khá khác biệt từ một số người dân Mỹ, kể cả từ một số phương tiện truyền thông.

Bạn đã đề cập đến tình trạng bất ổn ở Hồng Kông. Vào tháng 7 năm 2019, những người biểu tình cực đoan và bạo lực ở Hồng Kông đã đột nhập vào Hội đồng Lập pháp, lục soát phòng họp chính, đập phá đồ đạc, ném chất lỏng và bột độc hại vào các sĩ quan cảnh sát, thậm chí cắn đứt ngón tay một sĩ quan cảnh sát và đâm người khác. Nhưng cảnh sát Hồng Kông đã thể hiện sự kiềm chế và chuyên nghiệp tối đa, và không có người biểu tình nào kết thúc bằng cái chết. Bạn đã đề cập rằng đã có bốn trường hợp tử vong ở Washington tại một nơi mà nhìn chung ít bạo lực và tàn phá hơn tình huống ở Hồng Kông khi đó.

Nếu bạn vẫn nhớ cách một số quan chức, nhà lập pháp và phương tiện truyền thông Hoa Kỳ mô tả những gì đã xảy ra ở Hồng Kông, bạn có thể so sánh điều đó với những từ mà họ đã sử dụng để mô tả cảnh tượng ở Đồi Capitol. Tôi đã ghi chú một số từ họ đã sử dụng. Tất cả đều lên án đây là “một vụ bạo lực” và những người liên quan là “những kẻ bạo loạn”, “những kẻ quá khích” và “những kẻ côn đồ”, những người đã mang đến “sự ô nhục”. Bây giờ hãy so sánh điều đó với những gì mà những người biểu tình bạo lực ở Hồng Kông được gọi, như “một cảnh tượng đẹp” hay “những anh hùng dân chủ”. Họ nói rằng “Người dân Mỹ đứng cùng với họ”.

“Lý do cho sự khác biệt rõ rệt trong việc lựa chọn từ ngữ kể trên là gì? Mọi người cần nghiêm túc suy nghĩ về điều đó để tìm kiếm câu trả lời”, bà Hoa kết luận.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) – cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc – đã viết một bài xã luận xung quanh nhận xét của bà Hoa, khi ném một vài nhát dao vào Đảng Dân chủ để buộc tội toàn bộ hệ thống chính trị Mỹ, và tiếp tục nỗi ám ảnh của ĐCSTQ với chương trình truyền hình House of Cards của Mỹ như một câu chuyện ngụ ngôn hoàn hảo miêu tả sự thiếu khuyết và chẳng mấy hoa mỹ về nền dân chủ :

Những từ như “Karma (nghiệp lực)”, “quả báo” và “xứng đáng phải nhận” thường xuyên được nhắc đến trong các bình luận của cư dân mạng Trung Quốc khi họ xem tập mới nhất của The House of Cards phiên bản thật của Mỹ.

Người dùng mạng Trung Quốc vẫn còn nhớ sự đau khổ và tức giận mà họ cảm thấy khi chứng kiến ​​những kẻ bạo loạn ở Hồng Kông xông vào Khu phức hợp Hội đồng Lập pháp thành phố, vẽ bậy lên đồ đạc, đập phá và cướp bóc. Tuy nhiên, thay vì lên án bạo lực, các chính trị gia Hoa Kỳ lại ca ngợi “lòng dũng cảm” của đám đông này, truyền thông phương Tây ca ngợi “sự kiềm chế” của những kẻ bạo loạn, và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thậm chí còn gọi đó là một “cảnh tượng đẹp đáng để chiêm ngưỡng”.

“Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang thắc mắc tại sao một số chính trị gia và phương tiện truyền thông ở Mỹ lại phản ứng rất khác biệt trước một tình huống tương tự”, bà Hoa nói. 

Tờ Hồng Kông Free Press (HKFP) trích dẫn một số những “cư dân mạng Trung Quốc” bà Hoa và Global Times đề cập đến, cùng với một số nhân vật chính trị ĐCSTQ đặt ra kết luận rằng người dân Mỹ giờ đã hiểu tại sao việc dập tắt một cách tàn nhẫn phong trào ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông là điều cần thiết.

“Gieo gió thì gặt bão. Đồi Capitol của Hoa Kỳ đã bị quân bạo loạn chiếm đóng, tình hình còn nghiêm trọng hơn Hồng Kông vào ngày 1 tháng 7 năm 2019. Một phụ nữ đã bị bắn chết!” Nhà lập pháp Hồng Kông thân Bắc Kinh, Junius Ho nói. Anh này là người đã từng thúc giục quân đội Trung Quốc xâm lược Hồng Kông và đè bẹp những người biểu tình, và sau đó đã bị trục xuất khỏi cơ quan lập pháp vì đưa ra một lời lẽ xúc phạm giới tính và phân biệt chủng tộc đối với người đồng nghiệp ủng hộ dân chủ Claudia Mo của anh ta.

“Những cảnh tượng này quen thuộc quá… ồ, đó là ở Mỹ! Lạ thật, tại sao không ai lên án cảnh sát bạo hành và ủng hộ các anh hùng, liệt sĩ đang đấu tranh cho một cuộc ‘bầu cử dân chủ’?” Thành viên Hội đồng điều hành Ronny Tong hỏi một cách mỉa mai.

Một số nhà bất đồng chính kiến ​​ở Hồng Kông, theo trích dẫn của HKFP, đã bày tỏ sự thông cảm với những người biểu tình ở Đồi Capitol, cho rằng họ đang yêu cầu một “cuộc bầu cử công bằng” giống như mục đích của phong trào biểu tình ở Hồng Kông. Những người khác thì chỉ trích những người biểu tình bạo lực vào Điện Capitol và không đồng ý với việc ĐCSTQ so sánh sự kiện này với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, lưu ý rằng “lật đổ dân chủ” khác với “lật đổ chủ nghĩa toàn trị”.

Related posts