Sóng gió mới trong cuộc đời bà Aung San Suu Kyi

  • Như Trần

Sau nhiều thập kỷ bị quân đội Myanmar bắt và quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, biểu tượng của sự phản kháng bất bạo động, lại bị bắt hôm 1/2.

Bà Suu Kyi sinh năm 1945, là con gái của bà Khin Kyi. Mẹ bà từng là đại sứ của Myanmar tại Ấn Độ và là bộ trưởng Phúc lợi của nước này. Cha bà là tướng Aung San, người lãnh đạo nhân dân Myanmar giành độc lập từ thực dân và lập ra quân đội Myanmar.

Nhiều thập kỷ đấu tranh vì dân chủ

Năm 1947, nhờ vào những nỗ lực của tướng Aung San, Myanmar giành lại độc lập từ Anh. Tuy nhiên, ông Aung San bị ám sát cùng năm.

Giai đoạn 1964-1967, bà Suu Kyi theo học tại Đại học Oxford và gặp học giả người Anh Michael Aris. Năm 1972, họ kết hôn và có hai con trai.

ba Aung San Suu Kyi la ai anh 2
Bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng của phong trào phản kháng bất bạo động ở Myanmar, đã bị quân đội bắt giữ vào ngày 1/2. Ảnh: Reuters.

Năm 1988, bà trở về Myanmar để chăm sóc người mẹ đang bệnh nặng của mình. Lúc đó, các sinh viên biểu tình công khai để chống lại sự đàn áp của chính quyền quân đội. Chính quyền đáp trả bằng vũ lực, đóng cửa các trường đại học và bắn sinh viên trên đường phố.

Tận mắt chứng kiến các hình ảnh bạo lực, bà bị cuốn vào phong trào đấu tranh này.

“Tôi, với tư cách là con gái của cha tôi, không thể thờ ơ với những gì đang diễn ra”, bà nói với đám đông tại chùa Shwedagon ở Yangon vào năm 1988.

Có cha là ông Aung San và là người có khả năng diễn thuyết, bà Suu Kyi có sức hút và uy tín lớn với người dân Myanmar. Bà trở thành lãnh đạo mới của phong trào dân chủ để hoàn thành ước mơ “xây dựng Myanmar tự do” của cha mình.

“Mọi người đang khao khát có một người giống như tướng Aung San”, Khin Ohmar, một sinh viên trong cuộc biểu tình năm 1988, nhớ về bà Suu Kyi lúc đó. “Tôi đã được truyền cảm hứng, tôi tràn đầy hy vọng”.

Tuy nhiên, quân đội đã dẹp tan các cuộc biểu tình, giết hàng nghìn người. Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia vào năm 1989.

Nhờ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của thế giới về các hành động của quân đội Myanmar, bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991.

Con trai bà, Alexander Aris, đã nhận giải thay mẹ vì bà Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia.

Năm 1998, bà được trả tự do trong một thời gian ngắn. Người phụ nữ này cố ra khỏi Yangon để thăm người ủng hộ nhưng bị quân đội ngăn lại. Bà ngồi trong xe tải của mình nhiều ngày đêm, bất chấp việc bị mất nước trong cái nóng oi bức.

Tại Anh, chồng bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Bà quyết định không rời Myanmar để gặp chồng vì sợ quân đội không để bà quay lại.

Người chồng qua đời năm 1999 mà không được gặp vợ lần cuối. Năm 2000, bà lại bị giam giữ trong 19 tháng. Sau đó, bà bị quản thúc tại gia lần nữa, cho đến năm 2010.

Sự sụp đổ của một biểu tượng

Năm 2010, dưới sức ép quốc tế, chính phủ quân sự bắt đầu tiến trình cải cách dân chủ, và bà Suu Kyi được trả tự do sau nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia.

Kể từ năm 2012, bà Suu Kyi dẫn dắt đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong các cuộc bầu cử ở quốc hội. Ở phương Tây, bà Suu Kyi được ca ngợi nhiệt liệt. Ông Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Myanmar vào năm 2012.

Ông Obama gọi bà là “nguồn cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới, bao gồm cả tôi”.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Myanmar cũng được nới lỏng.

Với chiến thắng của đảng NLD trong cuộc bầu cử năm 2015, bà Suu Kyi trở thành cố vấn nhà nước. Bà cam kết chấm dứt nội chiến, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và giảm vai trò của quân đội trong chính trị.

ba Aung San Suu Kyi la ai anh 3
Người tị nạn Rohingya rời Myanmar để đến Bangladesh vào năm 2017. Ảnh: New York Times.

Bà cũng hứa với các đồng minh phương Tây sẽ giải quyết vấn đề của người Rohingya.

Tuy nhiên, hai năm sau, người phụ nữ này khiến thế giới hoảng hốt khi trở thành người bào chữa cho quân đội Myanmar. Bà phủ nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo nhằm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Năm 2012, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 265.000 người Rohingya đang trú ẩn ở nước láng giềng Bangladesh do bạo lực và nghèo đói ở Myanmar.

Tháng 8/2017, các chiến binh Rohingya tấn công lực lượng an ninh. Quân đội đáp trả bằng cách đốt cháy hàng trăm ngôi làng, giết người hàng loạt, theo Reuters.

Liên Hợp Quốc nói những hành động này có “ý đồ diệt chủng”.

Trong khi đó, bà Suu Kyi nói quân đội đang thực thi “pháp quyền” và tỏ ra không biết gì về việc những người Rohingya phải đi tị nạn.

“Tạo hòa bình và hòa giải với các nhóm sắc tộc dễ dàng hơn nhiều, nhưng bà ấy chỉ cố gắng làm điều đó với quân đội”, Tu Ja, Chủ tịch đảng Nhân dân bang Kachin, nói với New York Times.

ba Aung San Suu Kyi la ai anh 4
Bà Suu Kyi tại Tòa án Công lý Quốc tế vào năm 2019. Ảnh: Algemeen Nederlands Persbureau.

Những người ủng hộ bà Suu Kyi nói việc bà không lên tiếng thay mặt các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Myanmar là vì bà đang làm chính trị theo kiểu thực dụng.

Bà không muốn quân đội có cơ hội nắm toàn quyền một lần nữa. Trở lại nhiều thập niên trước, vào năm 1962, quân đội bắt đầu cai trị với lý do chính phủ dân sự đang bị nội chiến lấn át.

Danh tiếng của bà Suu Kyi trên thế giới bị tổn hại nghiêm trọng những năm qua. Các tổ chức toàn cầu và những người từng ủng hộ bà, nay lên tiếng chỉ trích nhà lãnh đạo Myanmar. Nhiều giải thưởng được trao cho bà cũng bị hủy bỏ.

Năm 2019, bà phải bay đến The Hague (Hà Lan) để đối diện với cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Bà thừa nhận tội ác chiến tranh có khả năng đã diễn ra. Tuy nhiên, bà coi cuộc đàn áp người Rohingya là một hoạt động quân sự hợp pháp chống lại những kẻ khủng bố.

Dù vậy, sức ảnh hưởng của bà Suu Kyi tại quê nhà Myanmar vẫn rất lớn.

Vào năm 2020, thăm dò của một đơn vị giám sát bầu cử nhận thấy 79% người dân Myanmar tin tưởng vào bà Suu Kyi. Tỷ lệ này tăng so với mức 70% của năm 2019, Reuters đưa tin.

Năm 2015, NLD giành chiến thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử và lên nắm quyền. Đây là chính phủ dân sự đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này sau nửa thế kỷ.

Đến cuộc bầu cử tháng 11/2020, đảng NLD tiếp tục thắng lớn.

Tuy nhiên, Tatmadaw (quân đội Myanmar), lực lượng giữ quyền kiểm soát 25% ghế ở quốc hội và ba bộ trọng yếu của chính phủ, cáo buộc có gian lận và liên tục yêu cầu điều tra về việc này.

Đến ngày 1/2, thời điểm Hạ viện mới dự kiến tổ chức phiên họp đầu tiên, quân đội bắt giữ các lãnh đạo của đảng cầm quyền, bao gồm Tổng thống Myanmar Win Myint và bà Aung San Suu Kyi.

Quân đội cho rằng danh sách cử tri sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 có những sai sót nghiêm trọng, nhưng Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) không giải quyết đến cùng.

Do đó, quyền kiểm soát chính phủ tạm thời được giao cho Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Tình trạng khẩn cấp để giải quyết gian lận bầu cử cũng có hiệu lực trong một năm.

ba Aung San Suu Kyi la ai anh 5
Số phận của bà Suu Kyi giờ phụ thuộc vào quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters.

Tương lai ra sao?

Giờ đây, 10 năm sau khi được trả tự do, bà Suu Kyi dường như đang quay trở lại hoàn cảnh giúp bà trở nên nổi tiếng: bị giam giữ.

Số phận của bà giờ phụ thuộc vào quân đội – lực lượng đã cai trị Myanmar trong gần 50 năm qua.

Lần này, hoàn cảnh bà bị bắt giữ cũng khác xa những lần trước đó. Bà Suu Kyi không còn là “Nelson Mandela của châu Á” như trước.

Việc bà không lên án những hành động chống lại người Rohingya khiến những đồng minh phương Tây, thậm chí những người bạn lâu năm, chỉ trích bà.

“Phương Tây tỏ ra rất lạnh nhạt với bà Aung San Suu Kyi. Vì vậy, giờ họ rất khó để ủng hộ NLD như cách Mỹ và châu Âu đã làm trong những năm 1990 đến giữa những năm 2010”, Tamas Wells, chuyên gia về Myanmar tại Đại học Melbourne, nói với CNN.

Ông Wells nói thêm rằng trong quân đội “chắc chắn biết điều này, và họ thấy rằng ảnh hưởng của bà Suu Kyi trong cộng đồng quốc tế đã suy giảm”.

Và đó có thể là một trong những lý do khiến quân đội Myanmar quyết định hành động.

Related posts