Đảo chính Myanmar: Căng thẳng leo thang, cảnh sát đụng độ người biểu tình

Vũ Dương

Đảo chính Myanmar: Cảnh sát bắn vòi rồng vào người biểu tình ở Naypyidaw hôm 8/2 (ảnh: Youtube/CNA).

Hôm thứ Ba (ngày 9/2) cảnh sát và người biểu tình tại Myanmar phản đối quân đội nắm quyền đã đụng độ khiến 4 người bị thương, trong đó 1 phụ nữ bị bắn vào đầu và đang trong tình trạng nguy kịch, thông tin từ một bác sĩ giấu tên tại phòng cấp cứu ở thủ đô Napyitaw, Myanmar.

Theo Reuters, tại thủ đô Naypyitaw hôm thứ Ba, cảnh sát đã nổ súng (chủ yếu trên không) và sử dụng vòi rồng để cố gắng giải tán đám đông người biểu tình. 

Ngoài một phụ nữ bị bắn trọng thương ra, còn có 3 người khác bị thương khác nghi do đạn cao su và đang được điều trị. Đây là ngày bạo lực nhất trong các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính của quân đội cho đến nay.

Bất chấp cảnh báo từ quân đội và trấn áp từ cảnh sát, các cuộc biểu tình vẫn không ngừng lan rộng.

Video: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ trên đường phố.

Quân đội do Thượng tướng Min Aung Hlaing đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính vào đầu tháng này và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác. 

Quân đội cho rằng Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái thông qua gian lận. Quân đội cho biết họ đã phát hiện ra hơn 10 triệu ví dụ về những bất thường trong danh sách cử tri, gồm các việc trùng lặp ghi danh hoặc các cá nhân đăng ký mà không có mã số quốc gia. Nhưng Ủy ban Bầu cử và các chính phủ phương Tây đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong động thái mới nhất, tối 9/2, cảnh sát tại Myanmar đã đột kích vào trụ sở đảng NLD tại Yangon, hãng tin Reuters dẫn lời 2 hghị sĩ đảng NLD cho biết. Theo hai nghị sĩ này, cuộc đột kích có sự tham gia của hàng chục cảnh sát.

Cùng ngày, đảng NLD đăng tải trên Facebook cho biết: “Quân đội đột kích và phá hủy trụ sở của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào khoảng 21h30”.

Các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây được xem là lớn nhất trong hơn một thập kỷ ở Myanmar. Nó gợi lại ký ức về sự cai trị trực tiếp của quân đội trong gần nửa thế kỷ. Mãi đến năm 2011, quân đội mới bắt đầu rút khỏi trung tâm cai trị và Myanmar bước vào tiến trình chính trị dân sự.

Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về việc cảnh sát sử dụng vũ lực giải tán người biểu tình.

Truyền hình nhà nước Myanmar (MRTV) đưa tin, nhiều cảnh sát cũng bị thương trong quá trình giải tán đám đông. Đây là động thái thừa nhận biểu tình đầu tiên của đài truyền hình quốc gia Myanmar kể từ khi chính biến nổ ra đầu tháng này.

MRTV cho biết một xe cảnh sát đã bị phá hủy trong cuộc biểu tình ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. MRTV cũng chiếu cảnh quay sau vụ việc, trong đó có các cảnh sát bị thương.

Related posts