Trung Quốc: Kết hôn ít ly hôn nhiều, dân số độc thân có thể vượt quá 400 triệu

Vũ Dương

Ảnh chụp màn hình Youtube.

Một báo báo gần đây cho thấy số người đăng ký kết hôn ở Trung Quốc liên tục giảm trong 6 năm qua, trong khi các vụ ly hôn tăng lên theo từng năm. Theo số liệu, tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ ở Trung Quốc đang mất cân bằng nghiêm trọng và dân số độc thân ở Trung Quốc có thể lên tới 400 triệu người trong tương lai, theo Epochtimes.

Hôm 14/2, trang “Kinh thế Thế kỷ 21” (21 Century Business Herald) cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc, số người  trưởng thành hiện đang độc thân của Trung Quốc đạt 240 triệu người năm 2018, trong đó 77 triệu người sống độc thân. Theo một ước tính khác, đến năm 2021 số người độc thân trong độ tuổi trưởng thành sẽ lên đến 92 triệu.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ ly hôn tiếp tục tăng, khiến dân số độc thân ngày càng nhiều. Thị trường dự đoán rằng dân số độc thân ở Trung Quốc sẽ đạt mức 400 triệu người trong tương lai không xa.

Theo báo cáo của trang Yicai (China Business Network), dữ liệu cho thấy trong năm 2013, các cơ quan chính thức của ĐCSTQ đã xử lý 13,469 triệu hồ sơ đăng ký kết hôn, con số này đã liên tục giảm trong 6 năm tiếp theo. Năm 2019, cơ quan đăng ký kết hôn Trung Quốc đã xử lý 9,471 triệu hồ sơ đăng ký kết hôn, lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 10 triệu, giảm 30% so với năm 2013.

Mặt khác, cơ quan đăng ký kết hôn Trung Quốc đã xử lý 4,154 triệu hồ sơ đăng ký ly hôn trong năm 2019, gần một nửa số hồ sơ đăng ký kết hôn.

Nguyên nhân người trẻ ngại kết hôn

Lý giải về nguyên nhân của hiện tượng này, các chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng, yếu tố đầu tiên là cơ cấu độ tuổi của dân số Trung Quốc. Cùng với sự thay đổi cơ cấu và già hóa dân số, tỷ lệ người trong độ tuổi kết hôn cũng giảm đi, điều này dẫn đến tỷ lệ kết hôn ở quốc gia 1,4 tỷ dân này sẽ còn giảm trong nhiều năm tới.

Đáng chú ý, tỷ lệ kết hôn cũng gắn liền với phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa. Các nhà xã hội học ở Trung Quốc cho rằng, kinh tế phát triển và cuộc sống đa dạng ở các thành phố khiến ngày càng nhiều người trẻ có ý định chưa muốn kết hôn, thậm chí không muốn kết hôn. Sống ở đô thị, họ cũng ít chịu sức ép từ người thân gia đình hơn là ở nông thôn, nơi vẫn còn nhiều quan niệm khắt khe về hôn nhân và sinh con.

Cũng theo thống kê nói trên, độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Theo đó, năm 2013, số người kết hôn trong độ tuổi từ 20-24 chiếm tỷ lệ cao nhất; thì tới nay, số người trong độ tuổi 25-29 lại chiếm tỷ lệ cao nhất.

Một vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến việc kết hôn của thanh niên Trung Quốc là sức ép về kinh tế, nhất là gánh nặng phải sở hữu một căn nhà tại thành phố trước khi kết hôn, chủ yếu ở nam giới. Theo tính toán sơ bộ, sinh viên mới ra trường nếu muốn vay trả góp để mua nhà, thì một cặp vợ chồng phải mất ít nhất 30 năm để trả nợ trong điều kiện chi tiêu rất tiết kiệm.

Dân số độc thân gia tăng kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Theo báo cáo của “Tân Hoa Xã” hôm 14/2, các chuyến thăm của nhà chức trách đến Sơn Tây, Hà Nam, Hồ Nam và những nơi khác cho thấy có nhiều đàn ông lớn tuổi ở nông thôn đang gặp khó khăn trong việc lấy vợ, điều này đã mang lại một loạt ảnh hưởng đến xã hội nông thôn, cũng kéo theo một loạt các vấn đề trị an.

Người dân ở nhiều vùng nông thôn cho biết kết hôn đã trở thành gánh nặng của nhiều người dân trong làng, thậm chí còn trở thành nguyên nhân chính gây ra nợ nần và nghèo đói cho một số gia đình nông thôn. Chi phí kết hôn quá lớn cũng dễ mang đến nguy cơ tiềm ẩn cho mối quan hệ gia đình sau hôn nhân.

Ở nhiều vùng nông thôn, thanh niên đến tuổi lập gia đình còn phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính, nam nhiều hơn nữ.

Theo “Niên giám thống kê Trung Quốc 2020” do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ của nước này đạt 104,46, trong đó 101,28 trong độ tuổi từ 30-34, 106,65 trong độ tuổi từ 25-29, 114,61 trong độ tuổi từ 20-24 và 118,39 trong độ tuổi từ 15-19. Không chỉ nam nhiều nữ ít, mà thuận theo tuổi tác giảm dần, tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ ngày càng mở rộng.

Ngoại giới cho rằng vấn đề mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là do chịu ảnh hưởng bởi chính sách “kế hoạch hóa gia đình” được ĐCSTQ thực hiện một cách triệt để trong nhiều thập kỷ, biểu hiện của nó chính ở sự già hóa mau chóng của cơ cấu dân số, kéo theo hàng loạt nguy cơ an ninh xã hội, ví như buôn người, tội phạm tình dục, thiết hụt lương hưu và các vấn đề khác.

Related posts