Thiện Phong
Ngày 30/3, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố báo cáo cuộc điều tra về nguồn gốc virus Vũ Hán, nhân dịp này, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom, đã công khai chỉ trích Bắc Kinh khiến dư luận chú ý. Ông Tedros nói rằng nhóm điều tra của WHO đã bị cản trở trong việc lấy dữ liệu về nCoV, và khả năng loại virus này có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, theo NTDTV.
Vào đầu năm 2020, khi đại dịch covid-19 bắt xuất hiện ở Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc đã cố tình che giấu nó. Ông Tedros khi đó đã trợ giúp Bắc Kinh che giấu và làm bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến sự bùng phát đại dịch toàn cầu. Sau một năm trôi qua, vào đầu tháng Hai nhóm điều tra của WHO cuối cùng đã được chính quyền Trung Quốc cho phép đến Vũ Hán để phối hợp với các chuyên gia Trung Quốc tiến hành điều tra nguồn gốc của dịch bệnh.
Tuy nhiên, báo cáo của nhóm điều tra đã bị trì hoãn, mãi đến 30/3 mới được công bố chính thức. Vì người của chính quyền Trung Quốc cũng tham gia viết báo cáo nên độ tin cậy của báo cáo đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ.
Báo cáo liệt kê bốn trường hợp dẫn đến nguy cơ lây lan virus Vũ Hán: Thứ nhất: lây truyền trực tiếp từ động vật sang người, thứ hai: lây truyền từ động vật sang người qua vật chủ trung gian, thứ ba: lây truyền qua các sản phẩm đông lạnh, và thứ tư: rò rỉ từ các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên báo cáo lưu ý rằng rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”.
Nhưng trước đó, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ông Robert Redfield, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 26/3, ông tin rằng nCoV đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Nhân dịp công bố báo cáo của WHO, Tổng thư ký WHO, ông Tedros, đã khiến mọi người bất ngờ khi công khai thông báo với các quốc gia thành viên của WHO rằng ông sẽ cho điều tra lại Viện virus Vũ Hán và chỉ trích Bắc Kinh đã không cung cấp thông tin đầy đủ dữ liệu cho các chuyên gia quốc tế.
“Trong các cuộc thảo luận của tôi với nhóm [điều tra], họ nói rằng họ gặp khó khăn trong việc lấy dữ liệu thô từ phía Trung Quốc”, Ông Tedros nói. “Tôi hy vọng rằng việc nghiên cứu hợp tác trong tương lai có thể chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện hơn”.
Ông Tedros cũng nói rằng nhóm điều tra của WHO đã không phân tích đầy đủ khả năng nCoV đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm khi mọi chuyện đều có thể xảy ra.
“Cần có thêm dữ liệu nghiên cứu để đưa ra kết luận mạnh mẽ hơn”, ông Tedros nói.
Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Chúng tôi chưa tìm ra nguồn gốc của virus” và sẽ cử một nhóm điều tra trở lại Trung Quốc để điều tra lại.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, WHO bị chỉ trích vì đã khuất phục trước Bắc Kinh, và Tedros cũng bị dư luận lên án vì đã công khai giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch.
Vào 28/1 năm ngoái, ông Tedros đến Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình, giới truyền thông đã ghi lại được hình ảnh ông chạy đến bắt tay ông Tập trong trạng thái “khúm núm”. Trong cuộc hội đàm sau đó, ông Tedros còn ca ngợi hành động nhanh chóng và minh bạch của chính quyền Trung Quốc trước đại dịch.
Sau sự việc đó, dư luận thế giới đã chế nhạo Tedros vì quá dễ dàng đầu hàng trước quyền lực của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khi báo cáo điều tra về nguồn gốc virus Vũ Hán bị thế giới bên ngoài nghi ngờ, Tedros đã công khai gián tiếp ‘công kích’ Tập Cận Bình, khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Nhà bình luận Fa Guang nhận xét rằng màn trình diễn của Tedros thật đáng ngạc nhiên!.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận tin rằng đề nghị điều tra lại của Tedros thực sự đang giúp chính quyền Trung Quốc trì hoãn, cuối cùng sẽ giúp Bắc Kinh thoát tội.
Sau khi báo cáo của WHO được công bố hôm 30/3, cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tweet rằng báo cáo này là một “chiến dịch thông tin sai lệch” giữa ĐCSTQ và WHO, và nói rằng đây là lý do tại sao chính quyền tổng thống Trump rút khỏi WHO.
Ông Pompeo nói rằng Tedros và Tập Cận Bình đã cùng nhau che giấu sự lây truyền từ người sang người của virus Vũ Hán vào thời điểm quan trọng. Ông tin rằng Phòng thí nghiệm Vũ Hán là “nơi có khả năng cao nhất rò rỉ virus”, nhưng WHO đã âm mưu với ĐCSTQ để che giấu sự thật.
Ông Blinken, Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm, cho biết trên chương trình “State of the Union” của CNN rằng Mỹ “thực sự lo lắng” về phương pháp và quy trình viết báo cáo của WHO, ĐCSTQ có thể “đã giúp viết báo cáo này”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo rằng ĐCSTQ đã không minh bạch và không cung cấp dữ liệu cơ bản. “Báo cáo này thiếu dữ liệu và thông tin chính, nó thể hiện một cách đơn phương và không đầy đủ”.
14 quốc gia trong đó có Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 30/3, bày tỏ quan ngại về báo cáo của WHO. Chúng tôi hy vọng rằng một cuộc điều tra quốc tế nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch, khoa học và độc lập về nguồn gốc của virus sẽ được thực hiện trong tương lai.