Ý kiến: Thế giới ngày càng gia tăng hợp tác quân sự chống lại Trung Quốc

Duy Nghĩa

Trong một bài bình luận gần đây trên The Epoch Times, chuyên gia Wang He nhận định ngày càng có nhiều nước trên thế giới tăng cường hợp tác chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.

Là người có bằng thạc sĩ luật và lịch sử, chuyên nghiên cứu và bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017, ông Wang He cho rằng với sự gây hấn ngày càng thô bạo của Trung Quốc, “tình hình quốc tế hiện nay phần nào giống với tình hình trước Thế chiến thứ 2, với những căng thẳng và xung đột về quyền sở hữu các đảo xung quanh Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Ông Wang He lưu ý, trong năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khởi động một loạt các động thái ngoại giao chiến lang mới. Đồng thời, quân đội Trung Quốc đang có động thái gây hấn, thể hiện sức mạnh cơ bắp của mình ở eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông, và tham gia vào “các cuộc xung đột trong vùng xám”.

Trong năm 2020, Quân đội Trung Quốc đã đưa các máy bay chiến đấu vào không phận Đài Loan 380 lần, với trung bình hơn một lần xâm nhập mỗi ngày. Xu hướng này tiếp tục kéo dài đến năm 2021. Chỉ riêng trong ngày 26/03, đã có tổng cộng 20 máy bay quân sự của quân đội Trung Quốc tiến vào vùng trời phía tây nam của Đài Loan, lập kỷ lục mới cho năm 2021.

Hôm 23/3/2021, tài khoản chính thức của Cảnh sát biển Trung Quốc trên mạng xã hội Weibo (một trang mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc) thông báo rằng 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) đã tuần tra trong vùng lãnh hải mà phía Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư, trong khi phía Nhật gọi là quần đảo Senkaku. Các đảo này đang bị tranh chấp nhưng hiện nằm dưới sự kiểm soát của người Nhật.

Ông Wang He nhấn mạnh:

“Đây là lần thứ ba ĐCSTQ chính thức công bố thông tin như vậy trong năm 2021”.

Kể từ ngày 7/3, hơn 220 tàu đánh cá của Trung Quốc đã tập trung trên bãi Đá Ba Đầu, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. ĐCSTQ tuyên bố các tàu thuyền này chỉ tạm thời trú ẩn trước thời tiết khắc nghiệt, và phát ngôn này đã nhận được sự phản đối mạnh mẽ của phía Philippines.

Hôm 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines yêu cầu — hơn 200 tàu Trung Quốc — rời khỏi ngay lập tức, và Bộ Ngoại giao Philippines cũng đưa ra phản đối ngoại giao với Bắc Kinh.

Ngày 28/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có cuộc điện đàm với đại sứ Trung Quốc tại Philippines.

Hôm 31/3, các cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ-Philippines đã thảo luận về sự hiện diện của ĐCSTQ trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, và cả hai đều bày tỏ quan ngại của mình.

Ông Wang He nhận xét:

“Những hoạt động này của ĐCSTQ không phải là những trường hợp cá biệt, riêng lẻ, bởi chúng phản ánh quan điểm của ĐCSTQ về tình hình quốc tế và tham vọng của họ … Với chính sách gây hấn và bành trướng của ĐCSTQ, chắc chắn Hoa Kỳ, Đài Loan, các nước láng giềng, NATO và các đồng minh của Mỹ sẽ tăng cường cảnh giác, tăng cường hợp tác và hình thành các liên minh quân sự”.

Tăng cường hợp tác quân sự

Hôm 25/3, Hoa Kỳ và Đài Loan đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ bờ biển, nhằm điều phối các chính sách song phương với sự tham gia của Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Sung Kim và Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của Lực lượng Tuần dương Hoa Kỳ (USCG) Ann Castiglione-Cataldo.

Sau khi ký thỏa thuận tại Washington, ông Hsiao Bi-khim, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, nêu rõ trong một tuyên bố:

“Chúng tôi hy vọng rằng với Nhóm công tác Cảnh sát biển mới, cả hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và cùng đóng góp thậm chí nhiều hơn nữa đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Ngày 23/3, tờ Okinawa Times của Nhật Bản đưa tin Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản dự kiến tiến hành các cuộc tập trận khẩn cấp trên quần đảo Senkaku từ tháng 9 đến tháng 11/2021. Đây sẽ là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Cuộc tập trận quốc gia cuối cùng ở Nhật Bản đã xảy ra cách đây 28 năm. Báo cáo cũng ghi nhận mức độ nghiêm trọng của các hoạt động của Trung Quốc xung quanh các đảo, cũng như mức độ nghiêm trọng của môi trường an ninh.

Sau khi chính phủ ông Biden tuyên thệ nhậm chức, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hôm 2/4, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề an ninh.

Vào giữa tháng 4/2021 tới, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ đến thăm Hoa Kỳ. Ông Suga sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Biden gặp mặt trực tiếp. Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản cho biết hai bên sẽ ra một tuyên bố chung để “khẳng định tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Ông Wang He cho rằng nếu Hoa Kỳ muốn chuyển đổi hai liên minh quân sự song phương giữa Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn thành một liên minh quân sự 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn, thì sẽ gặp trở ngại lớn.

Theo ông Wang He, có 2 lý do cho điều này.

  • Thứ nhất, có những xung đột sâu sắc giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (ví dụ, tranh chấp thương mại Nhật – Hàn năm 2019, khi Nhật Bản áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Hàn Quốc); 
  • Thứ hai, ĐCSTQ đã ve vãn mạnh mẽ Hàn Quốc. Ví dụ, tuyên bố chung từ cuộc hội đàm “2 + 2” giữa các ngoại trưởng Mỹ-Hàn vào ngày 18/3 không đề cập đến Trung Quốc, cho thấy Seoul không sẵn sàng chọn phe; điều này trái ngược hẳn với Nhật Bản”.

Úc và Ấn Độ tham gia cuộc họp 4 bên

Cuộc họp Đối thoại An ninh Bộ tứ Kim cương (còn gọi là Quad), bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, đã được nâng cấp từ cấp bộ trưởng lên cấp thượng đỉnh vào ngày 12/3, và định hướng quân sự trong khối đã trở nên rõ ràng.

Vào tháng 11/2020, Úc lần đầu tiên đã tham gia cuộc tập trận chung 4 nước sau 13 năm vắng bóng.

Hôm 5/4/2021, nhóm Bộ tứ đã tham gia cuộc tập trận hải quân chung ‘La Pérouse’, do Pháp tổ chức từ ngày 5/4 đến 7/4 tại Vịnh Bengal của Ấn Độ. So với những năm trước, điểm đặc biệt của cuộc tập trận lần này là có sự tham gia chính thức của Ấn Độ.

Ông Wang He cho hay “nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng cuộc tập trận chung nhằm chống lại “các hành động đơn phương và bành trướng trong khu vực” của ĐCSTQ, và gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau cuộc tập trận, ngoại trưởng Ấn Độ và Úc cũng sẽ tổ chức cuộc họp 3 bên với ngoại trưởng Pháp”.

Khi quan hệ hợp tác quân sự của Bộ tứ Kim cương phát triển, quan hệ hợp tác quân sự song phương của 4 nước đã đạt được một số tiến bộ lớn về thực chất.

Ví dụ, vào ngày 31/3, Úc tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để bắt đầu chế tạo tên lửa dẫn đường của riêng mình, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ.

Trong một phần của chương trình phát thanh về an ninh quốc gia ‘National Security Podcast’ trên Internet, nhà ngoại giao hàng đầu của Washington tại Canberra thông báo Hoa Kỳ và Úc đang thảo luận về cách họ sẽ ứng phó với một loạt các viễn cảnh quân sự, bao gồm bùng nổ chiến tranh ở eo biển Đài Loan, và “sự tôn trọng to lớn ”về cách thức mà Úc đã đứng vững trước sự“ ép buộc kinh tế ”của Trung Quốc trong năm vừa qua.

Ông Wang He cho rằng “Ấn Độ là chìa khóa cho việc liệu các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có phát triển thành một phiên bản NATO tại Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không. Nếu không có sự tham gia của Ấn Độ, điều đó có thể khó xảy ra”.

NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trong một cuộc họp báo tại trụ sở NATO hôm 23/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã thăm viếng và đề cập đến ĐCSTQ như một thách thức toàn cầu to lớn.
Về vấn đề này, ông Wang He lưu ý, “trên thực tế, ngay từ ngày 4/12/2019, khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc tại London, lần đầu tiên Trung Quốc đã bị đề cập đến trong Tuyên bố London”.

Liên quan đến tình hình hiện tại, ông Wang He nhận định “mặc dù không có khả năng toàn khối NATO sẽ đối đầu quân sự trực tiếp với ĐCSTQ, nhưng không loại trừ khả năng một số quốc gia thành viên NATO đang tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Minh chứng cho nhận định trên của mình, ông Wang He đã đưa ra 4 ví dụ cụ thể:

  • Vào tháng 2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thông báo rằng 2 tàu hải quân Pháp đã hoàn thành các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp được tháp tùng bởi tàu hỗ trợ BSAM Seine cho chuyến đi. Bộ trưởng Bộ Lực lượng Vũ trang của Pháp, Florence Parly đã viết trên Twitter, “tại sao có một nhiệm vụ như vậy? Để làm phong phú thêm kiến thức của chúng ta về khu vực này và khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có giá trị, bất kể vùng biển nào mà chúng ta đi qua”.
  • Ngày 3/3/2021, các quan chức Đức xác nhận với Reuters rằng một tàu khu trục nhỏ của Đức sẽ lên đường đến châu Á vào tháng 8/2021 và trong hành trình trở về, tàu chiến sẽ không đi qua các giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc và các quốc gia đối thủ tuyên bố là vùng lãnh hải xung quanh các cấu trúc bị tranh chấp trên tuyến đường thủy chiến lược.
  • Ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Canada cho biết tàu HMCS Calgary của nước này đã đi qua Biển Đông, trong khu vực từ Brunei đến Việt Nam.
  • Vương quốc Anh cũng dự kiến ​​gửi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến vùng biển này vào cuối năm.

Nói tóm lại, theo ông Wang He, “cuộc bao vây quân sự chống lại ĐCSTQ đang diễn ra; chính sách ngoại giao sói lang và chính sách bành trướng của ĐCSTQ là những yếu tố quyết định dẫn đến điều đó. Đối mặt với mạng lưới hợp tác quân sự khổng lồ này, quyền lực của ĐCSTQ thực sự đang bị hạn chế”.

Tuyên bố trước ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Châu Âu hôm 15/3, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nêu rõ, “Trung Quốc là [một] quốc gia độc tài, không chia sẻ các giá trị chung với chúng ta. Họ sẽ sớm có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng chúng ta cùng nhau đại diện cho 50 [%] GDP của thế giới và 50 [%] thị trường quân sự toàn cầu. Vì vậy, nếu quí vị lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, về sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, điều đó càng khiến việc chúng ta sát cánh cùng nhau quan trọng hơn, châu Âu và Bắc Mỹ trong NATO”.

Tuy nhiên, theo ông Wang He, chúng ta phải chỉ rõ ra một điều rằng “bản chất lừa đảo của ĐCSTQ và sự xấu xa, điên cuồng của nó là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định mối đe dọa của ĐCSTQ vượt quá cả Liên Xô. Ví dụ, Liên Xô cũ đã ngồi đàm phán với Hoa Kỳ và ký một loạt các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô cũng đã hình thành quy luật sắt của chiến tranh lạnh – tức là không bên nào trực tiếp tham chiến vì điều đó rất có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, cho đến nay ĐCSTQ chưa bao giờ đạt được bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào với Hoa Kỳ, và thậm chí còn từ chối tham gia các cuộc Đàm phán kiểm soát vũ khí 3 bên Mỹ -Trung – Nga. ĐCSTQ đã tự ý phát triển sức mạnh quân sự của mình, đặc biệt là sức mạnh quân sự chiến lược.

Cuối cùng, ông Wang He cảnh báo, “không thể phóng đại bất kỳ đánh giá nào về mức độ nguy hiểm của ĐCSTQ. Mặc dù hiện tại và trong tương lai gần, sức mạnh quân sự của ĐCSTQ kém xa so với Hoa Kỳ, sự điên cuồng và tà ác của nó là vũ khí chết người, là khó đối phó nhất”.

Related posts