Nguyễn Thơ Sinh
Không phải lần đầu tiên Mỹ gốc Á bị dân bản xứ khinh thường rẻ rúng. Trong lịch sử Hoa Kỳ Mỹ gốc Á từng bị chèn ép chà đạp bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó những hồi ức đau thương xảy ra với bao lý do gián tiếp và trực tiếp. Lần này làn sóng những cuộc tấn công do Mỹ bản xứ gây ra cho cộng đồng Mỹ gốc Á càng ngày càng lộng hành, rõ rệt trắng trợn hơn.
Trong nhiều thập niên liền, kinh nghiệm của người định cư tại Mỹ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 về cách người bản xứ đối đãi với nhóm Mỹ gốc Á có vẻ rất yên bình êm ả. Người ta không nhìn thấy những gây gỗ to tiếng, những miệt thị cố tình, những xỉ vả báng bổ khiến người trong cuộc xót xa ấm ức; hoặc người Mỹ bản xứ (còn chút lương tâm) sẽ cảm thấy bức xúc, thấy sốc khi chứng kiến nhiều vụ cộng đồng Mỹ gốc Á bị tấn công gần đây.
Lướt tin, bạn đọc không lạ gì trên mặt báo Anh ngữ những vụ tấn công Mỹ gốc Á không thương tiếc. Một dạo dân bản xứ nhìn người Mỹ gốc Á với nếp nghĩ ai cũng biết kung fu. Vì thế trong một thời gian dài dân A-na-mít mình được hưởng sái lây, dân bản địa không dám coi thường, nhất là sau cuộc chiến Việt Nam người ta nhìn vào Mỹ gốc Việt với nhận định người Việt nhỏ con, choi choi, ngó vậy nhưng không phải vậy.
Gần đây, từ California đến New York, từ Washington đến Houston. Từ Atlanta đến Chicago, làn sóng Mỹ gốc Á bị tấn công càng lúc càng diễn ra với tần số dày hơn. Các vụ tấn công cũng bạo lực hơn, dã man hơn, thú tính hơn. Gần như chưa bao giờ Mỹ gốc Á gặp phải những thử thách gai góc khi họ ra đường, chuyện gì cũng có thể xảy ra được.
Nhìn lại các vụ tấn công gần đây, chẳng có nguyên do nào cụ thể. Nhiều người bản xứ mỗi lần thấy Mỹ gốc Á cảm thấy gai mắt là họ bụp. Không thể tưởng tượng nổi cảnh một bà cụ gần 80 bị một người đàn ông trung niên to cao tấn công. Hay chuyện những ông cụ Mỹ gốc Á đang đi trên đường bình thường, không đụng chạm gì đến ai, vậy mà chỉ bị người khác gai mắt, nhất là đám thanh niên ngang tàng (là) bị tấn công. Hoặc những tiệm của Mỹ gốc Á, gần đây cụ thể nhất, ba tiệm massage tại Atlanta bị tấn công. Tám người chết. Những câu chuyện nghe qua cứ như ngỡ chuyện đùa.
Gần đây tại Houston một vụ tấn công người Mỹ gốc Á khiến thiên hạ sửng sốt không thể tin được. Bài báo Beauty Store Owner Left Beaten and Needing Surgery After Attack in Texas do NextShark (phát hành hôm 24 tháng 03) kèm theo một video clip tải lên youtube.com ai xem cũng bất bình. Người ta mở cửa làm ăn đàng hoàng, không hề cướp giựt gì của ai, vậy mà vẫn bị tấn công một cách vô cớ. Người xem đoạn video clip nóng mặt vì họ thấy chuyện này không thể chấp nhận được.
Theo tác giả bài báo Grace Kim vụ này xảy ra tại Hạt Harris của Texas (nơi có số dân đông nhất Texas và là hạt lớn thứ ba của Mỹ). Tất nhiên nói đến Hạt Harris người ta nghĩ ngay đến Houston. Hai người phụ nữ da đen tấn công một người đàn bà gốc Đại Hàn chủ một tiệm bán đồ làm đẹp cho phụ nữ (beauty supplies) như tóc giả, kẹp, nơ, nước sơn móng tay, thuốc nhuộm tóc, son môi, nước hoa rẻ tiền…
Chuyện không to. Chỉ là va quệt và lời qua tiếng lại dẫn đến một kết cục hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của chủ nhân cửa hàng bán đồ làm đẹp cho phụ nữ này. Hôm đó, 17 tháng 05, năm người phụ nữ vào tiệm, chẳng hiểu đi đứng kềnh càng thế nào (lại) làm ngã mấy cái đầu giả (manniquen) có gắn những bộ tóc (wigs) trưng bày trên kệ. Chủ nhân là thím Jung Kim, 59 tuổi, không vui (tất nhiên thím có quyền khó chịu) yêu cầu năm người khách này rời tiệm ngay lập tức. Có lẽ do nóng mặt vì bị đuổi, hai trong số năm người phụ nữ nổi giận, quơ tay gạt đổ thêm nhiều đầu giả khác, gần như là phá tiệm kiểu ‘cho mày biết mặt luôn’. Sau đó một người phụ nữ đã đấm thẳng vào mặt người đàn bà chủ tiệm khiến thím đổ máu mũi, kèm theo đó là những tiếng chửi bới mang nội dung kỳ thị chủng tộc.
Bị đấm đá tám cái liền, mặt người đàn bà chủ tiệm lập tức sưng tấy, máu tuôn ra. Chồng và con trai chứng kiến cảnh vợ và mẹ bị tấn công vội nhảy vào can thiệp vì họ xót nỗi thím bị tấn công cũng bị cào mặt. Vụ xô xát xảy ra trong tiệm chưa đủ, khi ra ngoài đám người gây gỗ còn toan lấy xe ủi vào chồng và con trai của thím. Camera cài trong tiệm ghi lại cảnh hai người phụ nữ da đen (trong số năm người khách được mời ra khỏi tiệm) tấn công chủ tiệm rất chi tiết. Thế giới mạng đã nổi giận. Thái độ của đám khách du côn này khiến người ta đặt câu hỏi: Tại sao tình hình tại Mỹ lại xấu đến thế đối với cộng đồng Mỹ gốc Á dạo gần đây.
Không ít cho rằng sau khi Cựu tổng thống Trump trực tiếp lên tiếng chỉ trích Trung Quốc với trách nhiệm về đại dịch Covid-19 và công khai lăng mạ nước này, ông gọi Covid-19 là China Vi-rút hay Kung Flu. Không biết có phải do tình cờ ngẫu nhiên hay không, chỉ biết sau khi những tuyên bố của ông được đưa ra, lập tức làn sóng tấn công Mỹ gốc Á bắt đầu manh nha, càng lúc càng rộ lên với những vụ tấn công cường độ càng lúc càng lộng hành, hung bạo, trắng trợn hơn.
Có thể ông chẳng làm gì sai nhận xét về Trung Quốc với lối nói chuyện rất dân dã, rổn rảng. Tuy nhiên người ta có lý do để thiết lập mối quan hệ giữa (a) nhận xét của ông về Trung Quốc và (b) những vụ tấn công Mỹ bản xứ nhắm vào cộng đồng Mỹ gốc Á. Trường hợp thím Jung Kim, chủ tiệm beauty supplies (vừa kể) bị tấn công tại Hạt Harris và nhiều trường hợp khác, nếu bạn đọc có dịp rà soát ký ức kể từ khi đặt chân lên đất Mỹ, phải chăng đây là thời gian những vụ tấn công nhắm vào cộng đồng Mỹ gốc Á đang xảy ra với tần số đáng quan ngại.
Mũi bị đấm vỡ, máu đỏ tươi chảy ra, thím Jung Kim buộc phải đi giải phẫu. Cậu con trai Sun Jung Lee cho đài truyền hình KPRC-2 của Houston biết mẹ cậu nhớ rõ kẻ tấn công đã hét vào mặt thím (nguyên văn): You little Asian girl. Vẫn theo lời cậu con trai Sun Jung Lee kẻ tấn công đã nói những câu mang tính miệt thị như (nguyên văn): Asian people shouldn’t be in the Black market.
Hóa ra không hẳn do Mr. Trump châm lửa đốt rừng, song nỗi ấm ức ganh tỵ tiềm ẩn của nhiều năm đã châm ngòi bom những trái bom nổ chậm. Khái niệm bài ngoại (xenophobia) chúng ta không lạ. Dân bản địa thường mấy ai ưa thích dân ngụ cư. Ban đầu di dân đến Mỹ lập nghiệp bỡ ngỡ chân ướt chân ráo thường bị xem nhẹ hoặc thương hại. Khi họ thành đạt nhờ cần cù chăm chỉ, có tích lũy, lập tức bị ghen ghét, khinh bạc.
Có đâu không ra, dân bản xứ sống ở Mỹ từ hồi cha sanh mẹ đẻ nhưng chẳng khá lên được. Còn thành phần đầu đen, mắt xếch, từ đâu kéo đến đây lập nghiệp, tiếng Anh cắn mẻ răng; vậy mà thành công, nổi như cồn, nghịch lý đến khó tin. Rồi những khu thương xá của Mỹ gốc Á mọc lên khá sầm uất. Nhìn lại mà xem. Từ các tiệm bánh donut đến những tiệm tạp hóa, nhà hàng, tiệm bán đồ làm đẹp cho phụ nữ, tiệm tóc, tiệm mát-xa, tiệm nail… tất cả đều ngồn ngộn những chứng tích thành đạt và hưng thịnh. Còn họ, sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, tiếng Anh như rồng, vậy mà lẹt đẹt, bóc ngắn cắn dài, cuộc sống khó khăn, tay làm hàm nhai, nhiêu cũng thiếu… Vậy, họ mà không ghét người Mỹ gốc Á mới là chuyện lạ.
Trở về quá khứ, những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ 19, cơn sốt đào vàng tại California rộ lên, những người dân Trung Quốc đầu tiên đến Mỹ thử thời vận từng nếm trải biết bao kỳ thị đắng cay tủi nhục bị người bản xứ ghen ghét. Sau đó là tuyến đường hỏa xa nối liền hai bờ Đông – Tây của Mỹ, những công việc nặng nhọc do bàn tay họ gầy dựng trong nỗi niềm nước mắt chan cơm. Trai tráng và những người đàn ông khỏe mạnh bỏ xứ vì mưu sinh của gia đình, để lại sau lưng con thơ, vợ dại, nhìn về phía trước với hy vọng không xa hơn những đồng lương còm là mấy. Mỗi lần cơn thèm khát của đòi hỏi thân xác trỗi lên buộc họ tìm đến những tiện nghi chóng vánh (không hơn không kém) tại những nhà thổ rẻ tiền.
Người Nhật cũng thế. Khi Trân Châu Cảng bị tấn công, làn sóng bài Nhật nổi lên như một hệ quả tất yếu. Người Nhật bị dân Mỹ bản xứ ghét cay ghét đắng. Không hẳn họ là kẻ thù, song họ có những liên hệ dây mơ rễ má với cố quốc. Thế là họ bị đẩy vào những trại tập trung. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, bứng gốc. Tất nhiên không hẳn đời cha ăn mặn đời con khát nước, song tình thế lúc đó có khác nào quýt làm, cam chịu.
Gẫm kỹ lại, đâu phải tự nhiên tại Mỹ có những phố Tàu, những phố Việt, phố Hàn, phố Hong Kong mọc lên hoạt động sầm uất. Đó là một quá trình phát triển với bề dày lịch sử. Vâng, nếu người Mỹ chan hòa với cộng đồng Mỹ gốc Á ngay từ đầu, coi họ là một thành phần có những đóng góp đáng được ghi nhận, người Hoa, người Hàn, và người Việt đâu cần đến những phố Tàu? Hay cái khó ló cái khôn? Do bị chèn ép nên người ta phải tự xoay xở, tự kiến tạo cho mình những khu thương mại phục vụ nhu cầu của mình? Có người hỏi tại sao không có những khu thương xá của người Nhật, người Philippines, người Thái, người Ấn Độ sầm uất như Phố Tàu, phố Bolsa của người Việt hay Đại Lộ Sài Gòn (Bellaire Boulevard) của Houston với những Phở Ngon, Đức Phương Giò Chả, Cơm Tấm Thuận Kiều, Cà phê Lú…
Vâng. Nếu Mỹ gốc Á đang đối diện với những thử thách gay cấn hiện nay, tìm ra lý do giải thích cụ thể sẽ phức tạp. Phải chăng Mỹ gốc Á nhìn có vẻ lạ, tóc đen, mắt xếch? Càng không phải do họ thành công về mặt kinh tế, đến Mỹ chậm trễ nhưng không vướng cảnh “trâu chậm uống nước đục”? Hoặc do Cựu tổng thống Trump mắng mỏ Trung Quốc nên dân Mỹ mới theo đóm ăn tàn, xúm vào tấn công người Mỹ gốc Á?
Một điều dễ nhận ra, đa số các nạn nhân gốc Á thường thiếu khả năng tự vệ. Nhiều người thuộc nhóm cao niên. Hoặc hung thủ thường mượn súng đạn tấn công Mỹ gốc Á tay không. Điểm đáng nói ở đây hiện tượng Mỹ bản xứ tấn công Mỹ gốc Á xảy ra khắp nơi trên đất Mỹ. Điều này khiến nhiều người quan ngại. Họ có lý do để lo lắng nếu chính phủ thiếu những biện pháp can thiệp trực tiếp, đặc biệt cứ để tình trạng tấn công thả nổi lan tràn, Mỹ gốc Á ngoài nỗi lo Covid-19 còn phải đối diện với những hiểm họa bị tấn công (khi người Mỹ bản xứ không cần đến bất cứ một lý do nào)!
Quay lại chuyện hai phụ nữ da đen tấn công thím Jung Kim, một người là Keaundra Young và một người là Daquiesha Williams đã bị bắt can tội tấn công người khác (aggravated assault và assault), đâu phải riêng lẻ một nhóm người Mỹ nào đó tấn công Mỹ gốc Á, song đủ mọi thành phần, trắng có, đen có, thậm chí Mỹ gốc Hispanic cũng có thể xúm vào bắt nạt Mỹ gốc Á. Điều này càng cho phép người ta tin rằng hiện tượng tấn công Mỹ gốc Á là một bài toán xã hội mang tính hệ thống.
Với người Việt mình, đặc biệt tại các nhà hàng thuộc khu Việt hoặc những tiệm nails xuất hiện khắp nơi, cẩn thận hơn vẫn là những cảnh giác tối thiểu tránh những xô xát không cần thiết. Cổ nhân có câu: Cẩn tắc vô ưu, nếu nhận thấy khu mình đang làm ăn có nhiều thành phần ưa thích gây gỗ, khỏe cà khịa, chúng ta nên có những biện pháp phòng ngừa. Người già không nên ra đường nhiều, càng không nên đi một mình vì cơ hội bị tấn công sẽ cao hơn. Gì chứ, xương người già giòn, dễ té, dễ gãy, mắt kém, phản ứng chậm, khi bị chấn thương thời gian phục hồi lâu hơn, đặc biệt với các cụ không nói tiếng Anh, lúc đụng chuyện biết kêu ai?
Vâng, Mỹ gốc Á đang chứng kiến nhiều vụ tấn công. Hy vọng các nhà làm luật sẽ có những biện pháp can thiệp. Trong khi chờ đợi, chúng ta phải tự mình bảo vệ để tránh những vụ tấn công của người Mỹ bản xứ hằn học. Bởi, không phải lúc nào các vụ tấn công cũng may mắn như trường hợp của thím Jung Kim.
Nguyễn Thơ Sinh