Minh Anh
Căng thẳng quan hệ giữa Ankara và Moscow vừa tăng thêm một nấc. Ngày 12/04/2021, Nga thông báo ngưng các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 15/04 – 01/06/2021. Moscow viện dẫn lý do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt đến mức kỷ lục hơn 60 ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Giới phân tích cho rằng ẩn sau quyết định này của Nga còn có một mục tiêu chính trị : Nga lo lắng trước sự xích lại gần giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina.
Thông báo này là một đòn đánh nặng vào Thổ Nhĩ Kỳ, vốn dĩ trông cậy nhiều vào nguồn khách tham quan Nga để hồi phục ngành du lịch và có thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước hiện đang lâm vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy Nga cung cấp đến gần 2,1 triệu du khách cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, tờ L’Orient-Le Jour nhận thấy thông báo của Nga trùng hợp với chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hai ngày trước đó, nhằm đánh dấu 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Quan hệ Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ ngày một khăng khít càng làm cho Nga lo lắng về sự can dự ngày càng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ vào những vùng « sân sau » truyền thống của Nga.
Giới chuyên gia nhắc lại, chính cuộc xung đột ở vùng Donbass và việc Nga cho sáp nhập bán đảo Crimée là những nền tảng đầu tiên, tạo cơ hội cho Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập quan hệ bang giao ngay từ đầu cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraina. Chính quyền Kiev trong nỗi tuyệt vọng mất lãnh thổ đã lao vào một cuộc tìm kiếm các đối tác đồng minh có khả năng làm đối trọng với Nga.
Ông Igor Delanoe, chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại Biển Đen, thuộc Đài Quan sát Pháp – Nga, từng nhận xét rằng, với « quyết định sáp nhập bán đảo Crimée, gia cố bán đảo và hiện đại hạm đội Hắc Hải, Ankara xem đấy là một hình thức siết chặt vòng vây của Nga ». Do vậy, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, « việc xích lại gần với Ukraina cho thấy một kiểu logic giải vây (…), một đòn bẩy để làm thay đổi vị thế của Nga trong nhiều hồ sơ khác ».
Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng biên giới Ukraina, nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào vùng chiến sự Donbass ngày càng lớn. Quyết định ngưng các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ là một đòn cảnh cáo nhắm vào khả năng Ankara hậu thuẫn Kiev dưới hình thức bán drone Bayraktar TB2. Đây chính là điểm khiến Matxcơva lo lắng nhiều nhất, khi tin rằng loại vũ khí này sẽ sớm được sử dụng để chống lại phe ly khai ở phía đông Ukraina như vùng Donetsk và Louhansk, được Nga hậu thuẫn.
Tổng thống Ukraina cũng không quên rằng lợi thế đáng gờm của những thiết bị bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, đã mang lại thắng lợi cho Azerbaijan trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng Karabakh diễn ra hồi mùa thu năm 2020. Chính vì những ưu điểm này mà Kiev muốn có được những chiếc drone này nhiều hơn và củng cố hợp tác quân sự với Ankara.
Theo Le Monde, một điểm khác cũng khiến Nga lo ngại không kém : Mối hợp tác đối tác chiến lược giữa Ankara và Kiev, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng mỗi lúc một chặt chẽ. Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một tập đoàn sản xuất vũ khí chung Black Sea Shield để chế tạo loại drone khác, Akinci, có khả năng mang vũ khí, bay cao hơn, có kết nối với mạng dữ liệu từ vệ tinh và có khả năng tự hành trong vòng 5 giờ. Ankara và Kiev còn có những dự án chung khác như sản xuất tên lửa, hệ thống ra-đa và dẫn đường tên lửa. Tóm lại, việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp vũ khí quốc phòng giúp tổng thống Erdogan ngày càng củng cố trọng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Hơn nữa, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bilgehan Ozturk, quỹ SETA, một cơ quan tham vấn có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, nổi tiếng thân chính phủ, ngay từ đầu cuộc xung đột, quan điểm của Ankara đối với cuộc xung đột tại phía đông Ukraina là luôn nhất quán. Trả lời tờ L’Orient-Le Jour, ông lưu ý quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ là « mầu hồng », kể cả khi Ankara đặt mua tên lửa S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối của các đồng minh trong khối NATO. Và nhất là, Ankara luôn tỏ thái độ ủng hộ Kiev gia nhập khối liên minh quân sự này.
Theo ông, hai cường quốc này là « những đối thủ khốc liệt, cạnh tranh thậm chí là kẻ thù lẫn nhau » trong nhiều mặt trận từ Syria, Libya cho đến Thượng Karabakh. « Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ là làm sao cân bằng ảnh hưởng của Nga tại Biển Đen , với sự hỗ trợ của NATO, và ngăn chận Nga bành trướng ảnh hưởng nhiều hơn nữa. »
Do vậy, theo nhận định của nhà nghiên cứu này, quyết định ngưng các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, chính là một đòn cảnh cáo. « Matxcơva bày tỏ quan ngại về khả năng can dự tiềm tàng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Donbass và tìm cách răn đe nước này bằng cách gây thiệt hại nền kinh tế đất nước. »