Một Năm Là Bao Lâu…

Phan

1. 

Tính theo cuốn lịch thì một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, nhưng tính theo tuổi đời thì khi còn nhỏ, một năm sẽ rất lâu và khi tuổi đời không còn nhỏ thì một năm rất mau. Hồi nhỏ, khi thấy mẹ đi chợ tết về, phần ta được bộ quần áo mới, đôi giày bata mới, nhưng đợi một hai tuần nữa tới tết để được mặc đồ mới, mang giày mới là rất lâu. Nay tháng tư lại về, nhớ về một năm trước như mới hôm qua. Sau buổi họp cuối tháng ba năm ngoái về tình hình dịch bệnh, cái phòng ăn của hãng có thể ăn trưa một lúc cả trăm người thì bàn ghế dẹp gần hết, chỉ chừa lại mười bốn cái bàn, mười bốn cái ghế cho một lần ăn trưa chỉ mười bốn người, nên có những người phải đi ăn trưa vào giờ ăn sáng và tôi đi ăn trưa lúc sắp ra về. Đó là tôi ăn trưa ngoài xe chứ cũng không có chỗ ngồi trong phòng ăn, ăn trưa phải mở máy lạnh trong xe; rồi mở máy sưởi khi mùa lạnh về, nay lại mở máy lạnh vì trời đã ấm lên. Câu nói của ông bạn già như còn văng vẳng bên tai, “tôi không hiểu hãng tính toán gì mà nguy hiểm cho mọi người lúc dịch đang đỉnh điểm. Sao không đóng cửa tháng tư để an toàn cho mọi người…” 

Sau đó là cánh đàn ông hầu như đều ăn trưa ngoài xe để nhường cái phòng ăn cho phụ nữ, nhưng ông bạn già của tôi thì nay tôi đi ăn giỗ ông ấy đây, mới đó ông đã lên bàn thờ được một năm. Một năm với tuổi nhỏ là cả một thời gian dài tới bấm đốt những ngón tay bé xíu còn sai trật vì từ lớp một lên lớp hai là phải qua một cái tết, lên một tuổi đời rồi còn qua một mùa hè nữa mới tính là… Nhưng một năm khi đã có tóc bạc trên đầu thì một năm như cái nháy mắt, như còn văng vẳng bên tai cuộc trò chuyện cuối cùng. Tôi nói với ông bạn làm chung, “Hay anh nghỉ không ăn lương cái tháng tư này đi, cứ lấy lý do lớn tuổi là được. Việc hãng làm đồ y tế nên không đóng cửa được lúc chính phủ cần dụng cụ y tế thì để đám trẻ làm…” 

Anh đã nghỉ suốt tháng tư năm ngoái, nhưng tháng năm không trở lại vì ở nhà cũng không qua khỏi đại dịch bùng phát mạnh vào tháng tư năm ngoái. Anh mới nghỉ vài hôm còn nói điện thoại với tôi về tình hình trong hãng. Anh nghỉ được hết tuần đầu tháng tư năm ngoái thì điềm gở xảy ra, anh nói cho tôi số ổ khoá cái học tủ cá nhân của anh, “Anh lấy cái locker của tôi mà dùng, để sếp cứ cằn nhằn anh máng cái áo lạnh sau lưng ghế làm là không đúng luật…”

Tôi có đời nào xài locker đâu. Vào hãng thì cởi áo lạnh, mặc áo làm. Hai cái áo thay nhau máng lưng ghế, bị sếp cự nự hoài. Nhưng cái locker của anh thì tôi cũng chỉ mở khoá một lần cho một người mới muốn có cái locker để tiện dụng cho chị em phụ nữ. Lần đó tôi thừa hưởng được gia tài anh để lại cho tôi một chai nước lọc với cái mì ly, mảnh giấy ghi vài cái passwơrd để anh làm việc. Một năm rồi đó, như mới hôm qua. Hôm tôi gọi anh sau giờ làm nhưng anh không bắt điện thoại, gọi tiếp hôm sau nữa thì chị nhà trả lời: Anh không khoẻ. Sang hôm sau nữa thì anh đã không thở được, đến không nói được là xong. Con anh nhắn tin cho tôi vài hôm sau: Ba con không qua khỏi.

Tôi chưa hết suy tư về một người lính cũ thì một năm đã qua. Anh lớn lên trên ghế nhà trường như thời đại anh. Cởi áo học sinh thì mặc áo lính, cởi áo lính thì mặc áo tù, cởi áo tù mặc áo công nhân, chưa kịp cởi áo công nhân để hưởng tuổi già thì đã mặc áo quan. Cả cuộc đời nằm trong câu chuyện ngắn của tôi và anh: Một hôm hai anh em làm trễ. Anh than đói bụng quá nên tôi mở ngăn kéo bàn làm việc, thẩy ra cho anh gói khô bò, còn nói chơi với anh, “ăn khế trả vàng nha đại ca, mụ trẻ mãi không già năm nay đi nghỉ mát về đổi tánh trùm sò, mua cho tôi gói khô bò, tôi chưa dám ăn vì tử tế quá sinh nghi. Nhưng giờ có lý do để ăn được rồi! Cùng lắm tôi nói: tôi có ông anh giống tôi lắm, lại vừa tuổi với chị… Anh ăn trước đi, tôi không dám ăn đồ cúng.”

Anh cười quá chừng, “Cái thằng mày coi vậy mà nhát gan. Gừng càng già càng cay nha chú em…”

“Thì gừng cay muối mặn… nhường cho anh.”

“Cái này mới đúng là tử tế quá sinh nghi. Anh không sợ đồ cúng đâu vì đồ cúng mới ngon, nhưng răng đâu nữa mà nhai khô bò. Để anh kể cho nghe, hồi anh ra tù cải tạo; về tới nhà đã tồi hù. Sáng hôm sau, bà xã anh bẻ cồ gà làm cơm cúng ông bà tổ tiên che chở cho anh còn mạng để về. Anh chờ hoài mà ba cây nhang cúng không chịu tàn, thèm quá nên bốc cái cẳng gà luộc gặm trước cho đỡ thèm. Má ơi! Mới nhá vô một cái, thấy nhói nhói chân răng. Anh nhả ra coi, cẳng gà còn nguyên mà răng anh nó bể ra như củi mục. Tám năm tù tưởng ốm đói không thôi, ai dè tới răng cũng mục luôn. Mẹ nó, tụi cộng sản…”

Giờ thì anh đã về nơi những ước mơ còn đó. Con cúm tàu tai hại đã cướp nốt phần đời còn lại của người lính già vẫn còn phải đi làm để nuôi thân và người em gái hậu phương của anh. Hết một đời người chưa từng hưởng thụ đã thành thiên cổ. Đời người chỉ từ mừng sinh nhật năm trước tới đám giỗ năm sau.

2.

Một năm là bao lâu? Rất lâu với tuổi nhỏ nhưng khi không cò nhỏ thì lại rất mau. Câu chuyện của chị bạn kể vui trên bàn tiệc đã lâu nhưng tôi còn nhớ. Chị kể, ông xã chị hồi qua Mỹ cũng cỡ tuổi em bây giờ. Anh ấy đi làm cả ngày lại còn làm thêm giờ, làm thêm cuối tuần mới đủ lo gia đình nên hầu như anh không có mặt ở nhà. Nhưng qua năm mươi tuổi, sức khoẻ anh ấy xuống thấy rõ; qua sáu mươi không còn được một nửa hồi bốn mươi… rồi em từ từ thấy, đừng ỷ còn trẻ mà phung phí sức lực. Nay tôi cũng còn gặp ông già đã qua bảy mươi là anh nhà, trong túi áo anh có mấy hũ thuốc, cứ tới giờ uống thuốc là nheo nheo mắt đọc những hàng chữ nhỏ xíu. Anh em bạn ở địa phương thường đùa với anh, “đọc được không? Không thấy rõ thì uống hết mấy hũ một lần cho tiện bề sổ sách…”

Tôi thấy mình qua hình ảnh anh. Thấm thoát thời gian định cư ở Mỹ đã bằng tuổi đời khi đến đây. Nửa đời trước sống ở quê nhà tuy gian nan vất vả nhưng giống hệt cuộc đời với cay đắng ngọt bùi, vui buồn sướng khổ. Nhưng nửa đời sau sống bên Mỹ chỉ như cái máy in tiền ngày càng cũ kỹ, hỏng hóc. Hồi mới đến đây cũng tạm in ra đủ tiền trang trải cho cuộc sống, càng về sau khô mực, hết giấy, vụng về…

Về ngồi trong những ngày, nhìn từng hôm nắng tàn… nghe nhạc buồn thêm buồn nhưng nghe nhạc vui mà lòng không vui nên cũng không vui. Tôi đọc trong bộ nhớ đã rong rêu, nhớ lâu lắm rồi tôi có đọc đâu đó, chuyện kể về đời người cũng không khác tôi với anh bạn mà tôi mới đi ăn giỗ anh về. Có người thanh niên nọ đi du lịch đến mấy tuần, khi trở về chung cư anh ở. Đậu xe, kéo vali đến thang máy mới biết thang bị hư, đang sửa chữa, không biết chừng nào mới xong…

Sau một chuyến đi xa, nhiều ngày, ai lại chẳng muốn trở về nơi ở của mình để nghỉ ngơi. Anh quyết định đi thang bộ để lên phòng anh trên lầu cao. Anh lên đến tầng thứ mười, chẳng có chuyện gì xảy ra, anh lên đến tầng hai mươi cũng chưa thấy mệt. Nhưng lên đến tầng ba mươi đã có vấn đề trong đầu óc anh! Coi vậy mà mệt ghê ta, nhưng dù sao cũng nửa đường rồi. Anh không có ý nghĩ quay xuống nên tiếp tục lên cao; đến tầng bốn mươi thì anh đã tiến thoái lưỡng nan vì anh đã lên thang bộ được hai phần ba đoạn đường; anh không chắc trở xuống bốn mươi tần lầu, lại kéo vali ra xe để đi ngủ khách sạn có đỡ mệt hơn lên tiếp hai mươi tầng nữa thì được ngủ ở căn phòng quen thuộc của mình. Sau vài phút nghỉ chân, lưỡng lự trong lòng, anh quyết định đi lên hai mươi tầng lầu nữa chứ ai lại đi xuống bốn mươi tầng lầu. Nhưng đến tầng thứ năm mươi anh mới thấm thía: sức người có hạn. Và cũng là lần đầu anh đối diện với hoàn cảnh không quay lại được nữa rồi! Anh quyết định: Bỏ vali ở tầng năm mươi. Sáng mai, người ta sửa xong thang máy thì xuống lấy. Chung cư này khá an ninh, những người thuê chung cư thường gặp trong thang máy cũng toàn người tử tế cả. Anh dựa hai cái vali vào tường, thả bộ lên cầu thang như đi dạo lên đồi cũng không tệ. Nhưng rất tệ khi anh lên đến tầng sáu mươi, lại quên chìa khoá phòng trong xe…

Tôi hay anh bạn vừa giáp năm cũng vậy, đã đi qua sáu mươi năm cuộc đời như người bạn trẻ lên sáu mươi tầng lầu bằng thang bộ, anh bạn trẻ quên chìa khoá phòng trong xe đậu dưới bãi đậu xe, làm vô giá trị một cuộc lên cầu thang bộ tới sáu mươi tầng lầu với hai cái vali; còn chúng tôi cũng đã trở về nhưng không phải nơi mà chúng tôi đã ra đi… 

Phan

Related posts