Căng thẳng Úc với Trung Quốc leo thang, chuyên gia nói gì về cơ hội giao thương mới của Việt Nam?

Hà Trần

Các chuyên gia từ IBISWorld cho rằng, khi mối quan hệ căng thẳng vượt mốc một năm, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Australia đã nhìn thấy cơ hội giao thương mới ở các nước như Việt Nam, Indonesia và Mexico.

Liệu các thị trường thay thế có đảm nhận lượng thương mại dư thừa ngay lập tức?

Căng thẳng Australia với Trung Quốc leo thang, chuyên gia nói gì về cơ hội giao thương mới của Việt Nam? - Ảnh 1.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Canberra thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 mà không tham vấn ngoại giao trước. Điều này dẫn đến việc hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc như rượu vang, thịt bò, gỗ đã bị áp thuế cao hoặc tăng cường rào cản.

Các nhà phân tích cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ chính là “nạn nhân” của cuộc xung đột kéo dài một năm qua giữa Trung Quốc và Australia. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ phải vật lộn để tìm thị trường mới trong ngắn hạn, trong khi thương mại đối với các mặt hàng như quặng sắt sẽ không bị gián đoạn.

Theo báo cáo từ IBISWorld, khi mối quan hệ rạn nứt vượt mốc một năm, các nhà xuất khẩu hàng hóa của Australia bao gồm lúa mạch, rượu vang và than đá đã nhìn thấy cơ hội giao thương mới ở các nước như Việt Nam, Indonesia và Mexico. Tuy nhiên, những thị trường này sẽ không thể đảm nhận lượng thương mại dư thừa ngay lập tức.

Lấy lúa mạch làm ví dụ, chuyên gia phân tích cao cấp tại IBISWorld, Matthew Reeves nhấn mạnh, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế không phải lúc nào cũng dễ dàng.

“Tính từ khi Trung Quốc áp thuế vào năm ngoái, ngành lúa mạch Australia vẫn phát triển mạnh chứng minh khả năng phục hồi của các nhà xuất khẩu Australia, nhất là những doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược đa dạng hóa. Song, việc chuyển dịch sang các thị trường xuất khẩu mới có thể mất vài tháng và sẽ không thể nhanh chóng giảm bớt sự gián đoạn trong ngắn hạn”, đại diện IBISWorld nhận định.

Trung Quốc đã áp tổng mức thuế chống bán phá giá là 80,5% đối với lúa mạch của Australia

Chính phủ Trung Quốc ngày 18/5 thông báo áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với tổng mức thuế 80,5% đối với sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia, khiến loại ngũ cốc này không có khả năng cạnh tranh tại Trung Quốc.

Lúa mạch không phải là “nạn nhân” duy nhất trong căng thẳng giữa hai nước, vốn leo thang khi Canberra thúc đẩy cuộc điều tra vào tháng 4 năm ngoái về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 mà không tham vấn ngoại giao trước đó. Thứ 4 vừa qua, căng thẳng đã tăng lên đáng kể khi Chính phủ Australia lên tiếng hủy bỏ các thỏa thuận được các chính quyền địa phương ký với nước ngoài, trong đó có 2 thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) với Trung Quốc.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Úc và Việt Nam

Trước đó, Trung Quốc cũng áp đặt các lệnh cấm không chính thức đối với than, gỗ tròn, tôm hùm và rượu. Thuế chống bán phá giá đã được áp dụng đối với rượu vang Australia giá rẻ vào cuối năm ngoái và được chính thức hóa vào tháng trước, nhằm đẩy giá rượu ra khỏi thị trường Trung Quốc.

IBISWorld xác định Việt Nam, Ấn Độ, Mexico và Indonesia là những thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhờ có các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – trong đó Việt Nam, Mexico và Australia là các quốc gia ký kết với vai trò bàn đạp cho nhiều hiệp định thương mại sau đó.

Căng thẳng Australia với Trung Quốc leo thang, chuyên gia nói gì về cơ hội giao thương mới của Việt Nam? - Ảnh 3.

Chuyên gia Matthew Reeves khẳng định, việc cắt giảm thuế quan nhờ CPTPP sẽ thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Australia và các quốc gia trên.

Hiện Australia cũng đang xây dựng các thỏa thuận thương mại song phương với Ấn Độ và Indonesia, những nước có nền kinh tế đang phát triển và có khả năng thu hút các mặt hàng xuất khẩu như than đá và các sản phẩm thực phẩm, bao gồm thịt, sữa và ngũ cốc.

Theo IBISWorld, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm thực phẩm, khoáng chất và kim loại.

Tháng 11 năm ngoái, khi lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc ảnh hưởng đến tôm hùm Australia, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud đã tuyên bố Việt Nam là thị trường xuất khẩu tôm hùm tiềm năng. Đầu năm nay, thuế xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam giảm xuống còn khoảng 8% và sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2022 theo CPTPP.

“Trên thực tế, trước khi hiệp định tự do có hiệu lực, 93% thị trường tôm hùm của Australia đã đến Việt Nam. Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác thân thiết của Australia”, Bộ trưởng David Littleproud phát biểu.

Nhưng việc thay thế thị trường tôm hùm của Trung Quốc bằng Việt Nam sẽ có những thách thức đáng kể. Số liệu từ Cục Thống kê Australia cho thấy, năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu hơn 800 triệu AUD (tương đương 618,5 triệu USD) động vật giáp xác cả sống và qua chế biến, bao gồm tôm hùm. Trong khi nếu so con số này với Việt Nam thì thị trường này gần như không nhập khẩu gì.

Vì sao quặng sát “thoát” khỏi tác động từ xung đột song phương?

Trước khi hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Úc được ký kết vào năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ thị trường Australia đạt 32 triệu AUD, trong khi Việt Nam là khoảng 700 triệu AUD.

Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings thông tin, trong khi các nhà xuất khẩu nhỏ sẽ gặp nhiều thách thức về việc tìm kiếm thị trường mới, thì các nhà khai thác quặng sắt của Australia hầu như không phải lo lắng về điều này.

Theo phân tích mới vào thứ 5 vừa qua, Fitch cho biết, thương mại hàng hóa như quặng sắt có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi xung đột song phương. Quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Trung Quốc và rất quan trọng đối với “bộ máy chính sách công nghiệp” của quốc gia, Fitch nêu rõ.

“Chúng tôi không kỳ vọng Trung Quốc sẽ ngừng mua quặng sắt. Quặng sắt đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp của Trung Quốc, là nguyên liệu chính trong sản xuất thép. Đặc biệt, tầm quan trọng của mặt hàng này tăng mạnh trong năm qua khi Trung Quốc áp dụng chính sách tài khóa, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để đối phó với cú sốc Covid-19”, theo các chuyên gia Jeremy Zook, Andrew Fennell và Kathleen Chen của Fitch Ratings.

Những chuyên gia này cũng hy vọng Trung Quốc sẽ loại trừ quặng sắt ra khỏi danh sách hàng hóa tiềm năng phái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Australia, do vai trò của Australia trong thương mại quặng sắt toàn cầu cũng như khả năng tìm được nhà cung cấp thay thế là rất hạn chế.

Tuy vậy, nếu Trung Quốc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Úc, các biện pháp này sẽ tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu nhỏ, không tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Trung Quốc. Nhìn chung, căng thẳng thương mại trong năm qua không tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Australia, một phần do xuất khẩu quặng sắt tiếp tục gia tăng sang Trung Quốc.

Fitch kết luận rằng xếp hạng tín dụng của Úc khó có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng với Trung Quốc, ít nhất là vào thời điểm này. “Cuộc xung đột thương mại đã gây thiệt hại cho các ngành ở cấp độ vi mô. Tuy nhiên, ngoại trừ than đá, những ngành này chiếm một phần không đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu”.

H.T.

Related posts