Trung Quốc và tiền ảo để kềm tỏa đô la

Thanh Hà

image.png
A sign for China’s new digital currency, electronic Chinese yuan (e-CNY) is displayed at a shopping mall in Shanghai on March 8, 2021. AFP – STR

E-Renminbi hay đồng nhân dân tệ ảo phải chăng là vũ khí mới của Trung Quốc để thoát khỏi vòng ảnh hưởng của đô la Mỹ ? Đâu là những ý đồ của Bắc Kinh với chương trình phát triển tiền kỹ thuật số ?

Từ vài tháng qua, Trung Quốc thí điểm dùng đồng « nhân dân tệ digital ».  Tháng 10/2020, Thẩm Quyến phát thử 10 triệu đồng , tương đương với 1,25 triệu euro, dưới dạng 50.000 trái phiếu, mỗi phiếu có trị giá 200 nhân dân tệ. Đến tháng tháng 2/2021 thêm 750.000 người Trung Quốc được chọn để thử nghiệm dùng đồng tiền ảo thanh toán khi mua bán tại một số cửa hàng, trên mạng, để trả tiền vé xe lửa hay thanh toán hóa đơn điện nước.

Trên thực tế tiền ảo không thực sự là điều quá mới lạ đối với phần lớn dân Trung Quốc sống ở thành thị. Theo nghiên cứu của trung tâm CSIS được công bố đầu tháng 4/2021, « hơn 85 % các giao dịch mua bán đều qua mạng điện tử » Hiện tượng này đã « tăng tốc với đại dịch Covid-19 ». Ngoại trừ trường hợp của Bahamas, với 400.000 dân cư, Nhưng Trung Quốc là cường quốc kinh tế đầu tiên phát hành tiền ảo.

« E nhân dân tệ » là gì ?
« E nhân dân tệ » của Trung Quốc khác với đồng tiền ảo Bitcoin ở chỗ do Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc phát hành, sau đó vận hành gần như một đồng tiền bình thường qua ứng dụng điện thoại. Đồng nhân dân tệ digital như vậy được đặt dưới sự quản lý của các giới chức tiền tệ và tài chính Trung Quốc. Người sử dụng tiền ảo không bắt buộc phải mở tài khoản ngân hàng. Gần 120.000 cửa hàng, công ty dùng tiền ảo do Nhà nước phát hành dưới tên gọi chính thức là DCEP (Digital Currency Electronic Payment)

Thế còn nhìn từ phía các giới chức tài chính Trung Quốc thì đâu là những lợi thế khi sử dụng một đồng tiền ảo ?

Trả lời RFI tiếng Việt, Mary–Françoise Renard, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc đại học Clermont-Auvergne phân tích :

« Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào công nghệ để phục vụ ngành tài chính. Trong chiều hướng này, Bắc Kinh cho phát triển đơn vị tiền tệ số. Thêm vào đó đây là một lĩnh vực mà các công ty tư nhân đã lao vào từ trước và đang có một sự cạnh tranh khá mạnh mẽ. Quản lý tiền ảo có nghĩa là làm chủ được cả một khối lượng dự trữ cá nhân rất lớn và đó là mục tiêu Trung Quốc muốn nhắm tới. Đây là một trong những lý do khiến Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc nhập cuộc chạy đua phát hành tiền ảo. Chính vì lẽ này từ năm 2020 đã nẩy sinh xung đột giữa chính quyền trung ương với nhiều tập đoàn công nghệ mới như trong trường hợp với Alibaba chẳng hạn (…) Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt thử nghiệm từ trước. Giờ đây Ngân Hàng Trung Ương chính thức hóa việc sử dụng đồng nhân dân tệ dưới dạng kỹ thuật số, có nghĩa là người ta có thể thanh toán các khoản chi tiêu bằng đồng tiền ảo. Từ trước đến giờ tại Trung Quốc một số người đã thanh toán các dịch vụ mua bán trên mạng bằng tiền ảo nhưng điều quan trọng ở đây là khi Ngân Hàng Trung Ương nhập cuộc thì coi như đồng nhân dân tệ dưới dạng digital được khai sinh ».  

Công cụ kiểm soát lợi hại
Bên cạnh mục tiêu làm chủ những dữ liệu cá nhân, đồng tiền ảo do Ngân Hàng Trung Ương phát hành có những ưu điểm khác : chính phủ không phải in ấn tiền, ngân hàng không phải thu gom tiền giấy, tiền đồng và cất vào kho. Thêm vào đó là khả năng « quan sát, theo dõi trực tuyến » tất cả các khoản giao dịch. Giới trong ngành nói đến một « công cụ kiểm soát vô hạn » : một cách trực tiếp, vào bất kỳ thời điểm nào, các bộ phận liên quan đều có thể quan sát mọi luồng giao dịch, biết rõ tiền bạc được chuyển từ tài khoản nào và đến tay ai.

Tiền ảo cho phép chính phủ trả lời câu hỏi như là người tiêu dùng mua sắm hay đầu tư, đầu cơ … Bắc Kinh mạnh mẽ thúc đẩy dự án tiền ảo tránh để tái diễn kịch bản như hồi 2008 khi chính phủ tung tiền « cứu nguy kinh tế » nhưng rồi « hàng tỷ đô la đã bị thất thoát vì tham nhũng ». Với đồng nhân dân tệ digital, các hoạt động rửa tiền, trốn thuế khó mà thoát khỏi tai mắt của nhân viên thanh tra. Có điều tại một quốc gia đã triển khai cả một hệ thống tinh vi để theo dõi nhất cử nhất động của mỗi công dân, giới quan sát quốc tế lo ngại « tiền ảo sẽ là một công cụ mới để đàn áp » những tiếng nói đối lập.

Mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả những mục tiêu về đối nội như trên, đồng tiền ảo Trung Quốc được cho ra đời nhằm kềm tỏa bớt ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ. Hiện tại, 88 % giao dịch thương mại trên thế giới được thanh toán bằng đô la. Để so sánh, cho dù là công xưởng và là quốc gia xuất khẩu số 1 của thế giới nhưng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm có 4 %. Thanh toán bằng tiền ảo vừa nhanh vừa tiện biết đâu sẽ thuyết phục các đại tập đoàn quốc tế quan tâm hơn đến đồng tiền của Trung Quốc.

Kinh tế gia đại học vùng Clermont-Auvergne, Mary –Françoise Renard phân tích :

« Làm suy yếu đồng đô la. Thực ra nếu tôi nhớ không nhầm thì từ nhiều năm qua, một cựu thống đốc ngân hàng Trung Quốc từng đề xuất là nước này thực sự cần có một đồng tiền có tầm cỡ quốc tế, có nghĩa là một đơn vị tiền tệ có trọng lượng đối với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Hiện tại, đô la vẫn làm bá chủ trên thị trường. Tại tất cả các quốc gia ở châu Á, đồng tiền này chiếm một vị trí rất lớn và rất mạnh. Cần nói thêm là như vậy tất cả các quốc gia này đều lệ thuộc vào tỷ giá hối đoái của đồng đô la Mỹ. Bắc Kinh do vậy muốn làm suy yếu vai trò của đô la tại khu vực châu Á, mà trước hết là để chính bản thân Trung Quốc bớt lệ thuộc vào sự trồi sụt của đồng đô la.

Thực ra những nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền tệ là nhằm thu hẹp ảnh hưởng của đồng tiền Mỹ trên trường quốc tế. Đây là mục tiêu rất khó hoàn thành : nhìn lại trong bối cảnh lịch sử, từ sau Thế Chiến Thứ Nhì, đô la chi phối cả thế giới. Hiện tại các dịch vụ ngoại thương, nhất là trong lĩnh vực mua bán nguyên liệu, tất cả đều được thanh toán bằng đô la. Trọng lượng của đơn vị tiền tệ Mỹ do vậy lại càng mạnh hơn. Đó chính là lý do vì sao Bắc Kinh muốn nhân dân tệ phần nào cạnh tranh với đô la. Trước mắt đồng tiền Trung Quốc chưa đủ sức để làm đối trọng với đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ ».  

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo trong 10 năm nữa sẽ có tới 1 tỷ người trên thế giới dùng tiền nhân dân tệ kỹ thuật số và đây sẽ là đơn vị được dùng trong 15 % các khoản giao dịch trên toàn cầu. Theo quan điểm của giáo sư Renard, trước mắt mục tiêu này còn xa vời ngay cả tại một số vùng mà Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng tiền tệ như la tại châu Á và một vài thí điểm ở châu Phi :

« Tôi tin rằng Trung Quốc muốn làm suy yếu vai trò của đô la đồng thời thành lập một khu vực mà ở đó ảnh hưởng của nhân dân tệ càng lúc càng lớn, đặc biệt là tại châu Á và tại một số quốc gia ở châu Phi. Nhưng đó chỉ là những ngoại lệ, vì ở quy mô quốc tế, thì đồng đô la vẫn chiếm thế áp đảo. Trung Quốc chỉ có thể thu hẹp ảnh hưởng của đô la tại một số khu vực mà thôi ».

Còn về tham vọng để đồng nhân dân tệ digital làm lu mờ vai trò của đôla thì sao ? Giáo sư Mary – Françoise Renard trả lời :

« Hiện tại, câu trả lời là không. Trong ngắn và trung hạn không có gì cho phép kết luận rằng đồng nhân dân tệ sẽ làm lu mờ vai trò của đô la. Chúng ta vừa nêu lên những lý do giải thích cho điều này : giao thương quốc tế được thanh toán bằng đô la Mỹ, kể cả thương mại của Trung Quốc cũng dùng đồng tiền Mỹ. Đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ lại được một sự tín nhiệm không một đồng tiền nào có được. Về thế áp đảo của đồng đô la, lâu nay nhiều quốc gia đã quan tâm đến chuyện này, kể cả từ phía các nước châu Âu và đây là một đề tài cứ luẩn quẩn, trở đi trở lại … Nhưng rồi tới nay chưa ai đạt đến đích và đô la vẫn chiếm thế thượng phong. Ngay cả đồng euro là một đơn vị dự trữ quan trọng nhưng không có được vai trò như đồng tiền Mỹ và lại càng không có chuyện là đồng euro soán ngôi đô la. Chúng ta thấy rõ là đối với một số quốc gia, Trung Quốc cố gắng đưa đơn vị tiền tệ của mình vào các dịch vụ ngoại thương, như là với những quốc gia nằm trong chương trình Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21. Nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng khó kết luận rằng nhân dân tệ đã thay thế đồng đô la. Đó là chưa kể mức độ tín nhiệm vào nền kinh tế Trung Quốc chưa đủ để các đối tác của Bắc Kinh thừa nhận đồng nhân dân tệ như một phương tiện dự trữ hay để thanh toán tương tự như mức độ tin cậy vào đồng đô la từ nhiều thập niên qua ».

Trung Quốc « cai nghiện đô la » ?
Theo một số nhà phân tích phương Tây, E nhân dân tệ (E-renminbi) là công cụ mới cho phép Trung Quốc « tăng tốc thủ tục ly dị với Mỹ ». Trong bài viết gần đây trên mạng báo Asialyst, Alex Payette sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius – Montréal, Canada nhận định : Trung Quốc không thoải mái trước việc phương Tây ồ ạt bơm tiền vào cỗ máy kinh tế khắc phục hậu quả Covid-19, nhiều tiếng nói tại Bắc Kinh thúc giục « từng bước loại bỏ đô la khỏi rổ tiền tệ dữ trữ » của Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh còn muốn lôi kéo cả Nga vào cuộc để gặm nhấm ảnh hưởng của đô la Mỹ.

Cho dù đó mới chỉ là những « ý tưởng » sơ khai nhưng liệu yếu tố tiền tệ có thể trở thành một mặt trận khác để Washington và Bắc Kinh đo lường ảnh hưởng của mình với phần còn lại của thế giới ? Theo chuyên gia về Trung Quốc, đại học Clermont –Auvergne miền trung nước Pháp, bà Mary –Françoise Renard thì câu trả lời là không :

« Đây từng là đề tài gây xung đột Mỹ- Trung khi mà Washington cáo buộc Bắc Kinh, để kích thích xuất khẩu, phá giá đồng tiền ở vào đầu những năm 2000. Chủ đề này không còn tính thời sự và tôi cho rằng giữa hai siêu cường kinh tế này, hiện tại có nhiều xung khắc quan trọng hơn : tôi muốn nói đến một cuộc đọ sức về phương diện địa chính trị, về trọng lượng của Trung Quốc tại châu Á, tại Biển Đông, xung khắc về thương mại, về nhân nhân quyền… Vế tiền tệ đứng sau rất nhiều những chủ đề khác trong cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc ».

Related posts