Miêu Vi
Sau khi Nhân đại toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sửa đổi hiến pháp vào ngày 11/3/2018, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã phá vỡ hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước, ngoại giới đều phổ biến cho rằng ông Tập Cận Bình sau khi giữ chức Tổng bí thư ĐCSTQ 2 khóa liên tiếp sẽ tìm cách tái nhiệm nhiệm kỳ thứ ba. Gần đây, truyền thông tuyên truyền ở nước ngoài của ĐCSTQ là Duowei News có bài viết nói về người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình thu hút được sự chú ý. Trang tin này cho biết tại Đại hội 20 của ĐCSTQ và năm tới, đại khái có thể nhìn thấy bóng dáng của người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình. Có 3 ứng cử viên tiềm năng, nhưng trong đó 2 người đã bị cuốn vào sóng gió liên quan đến Jack Ma.
Ai là người kế nhiệm tiềm năng của ông Tập?
Hôm 4/5, trang tin Duowei News có trụ sở chính tại Bắc Kinh đã đăng một bài phân tích nói rằng hội nghị Nhân đại Trung Quốc diễn ra vào tháng Ba năm nay, đã trao cho Ủy ban thường ủy Nhân đại nhiều quyền lực hơn, bao gồm trong thời gian Nhân đại nghỉ họp có thể quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Quốc vụ viện bao gồm cả phó thủ tướng, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên của Ủy ban quân sự trung ương bao gồm cả phó chủ tịch ủy ban.
Bài viết cho rằng thay đổi này đã dành chỗ cho điều chỉnh nhân sự chức phó thủ tướng, phó chủ tịch quân ủy. Không loại trừ trước Đại hội 20 ĐCSTQ, ủy ban thường vụ Nhân đại ĐCSTQ sẽ sử dụng quyền lực mới nhất này, đưa ra chuẩn bị cho điều chỉnh chức vụ của người kế nhiệm ở tầng cao nhất của ĐCSTQ. Do đó đến Đại hội 20, đại khái có thể nhìn thấy được bóng dáng của người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình.
Người kế nhiệm ông Tập Cận Bình sẽ là ai? Bài viết phân tích rằng ủy viên Bộ Chính trị tương đối trẻ, Bí thư thành phố Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ; ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hồ Xuân Hoa và ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thượng Hải Lý Cường, đều là ứng cử viên tương đối có khả năng.
Ông Trần mẫn Nhĩ sinh năm 1960, là một thành viên quan trọng trong phe ông Tập Cận Bình. Sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền, ông Trần Mẫn Nhĩ đã trải qua các chức vụ như Tỉnh trưởng tỉnh Quý Châu, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, Bí thư thành phố Trùng Khánh. Duowei News nói rằng nguyên Tổng Thư ký thị ủy Trùng Khánh là Vương Phú chuyển sang nhậm chức Phó Thị trưởng thường trực thành phố Trùng Khánh, thông thường mà nói, sự điều chỉnh chức vụ “tổng thư ký” có liên quan đến điều chỉnh chức vụ của chủ quản, do đó ông Trần Mẫn Nhĩ có khả năng có sự thay đổi về chức vụ. Ông Trần Mẫn Nhĩ có thể là người đầu tiên mà Ủy ban thường vụ Nhân đại ĐCSTQ sử dụng quyền lực mới nhất để bổ nhiệm làm quan chức cấp phó quốc.
Tuy nhiên, ông Trần Mẫn Nhĩ từng cầm quyền ở Quý Châu và hiện giờ là Trùng Khánh, đều có chỗ sơ xuất, bị mỉa mai là “kẻ vô dụng A Đấu” (con Lưu Bị, thời Tam Quốc bên Trung Quốc). Theo thông tin, ông Trần Mẫn Nhĩ cũng là người giúp đỡ Jack Ma lên như diều gặp gió. Minh Báo tại Hồng Kông từng đưa tin, trụ sở chính của Alibaba tại Chiết Giang, sau khi ông Trần Mẫn Nhĩ nắm quyền tại Quý Châu, Jack Ma đã tham dự kiến thiết “Quý Châu trên mây” (nền tảng điện toán đám mây), tại địa phương đẩy mạnh phát triển điện toán đám mây và dữ liệu lớn; ông Trần Mẫn Nhĩ còn đích thân giữ chức “Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo phát triển công nghiệp dữ liệu lớn tỉnh Quý Châu”, đây cũng là thành tích chính trị quan trọng của ông tại tỉnh Quý Châu.
Ông Hồ Xuân Hoa, sinh năm 1963, được cho là thành viên trong đội ngũ người kế nhiệm do ông Hồ Cẩm Đào bồi dưỡng. Ông Hồ Xuân Hoa từng làm Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông Cổ, ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư tỉnh Quảng Đông. Sau Đại hội 19 ĐCSTQ, ông Hồ Xuân Hoa từ Quảng Đông tiến kinh nhậm chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, đồng thời kiêm nhiệm Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo mở rộng xóa đói giảm nghèo, gánh vác rất nhiều việc xóa đói giảm nghèo gian nan vất vả mà ông Tập Cận Bình coi trọng. Duowei News còn chỉ ra, việc Phó Thủ tướng Quốc vụ viện thăng chức làm lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ là điều vẫn chưa có tiền lệ, tương lai của ông Hồ Xuân Hoa có thể đảm nhiệm chức vụ nào là điều vẫn chưa xác định được.
Ông Lý Cường sinh năm 1959, là người có tuổi cao nhất so với 2 người trên. Ông Lý Cường là một thành viên quan trọng trong phe ông Tập Cận Bình, được coi là “một ngôi sao sáng” trong giới chính trị ĐCSTQ. Ông từng là Tổng Thư ký khi ông Tập Cận Bình làm Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, là đại quản gia của ông Tập Cận Bình. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Lý Cường một bước lên mây, trải qua các chức vụ như tỉnh trưởng Chiết Giang, Bí thư tỉnh Giang Tô, Bí thư thành phố Thượng Hải.
Gần đây, Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin, phía chính quyền Bắc Kinh đang điều tra tỷ phú Jack Ma làm thế nào mà nhanh chóng được phê chuẩn cho cổ phiếu của Ant Group niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cuộc điều tra này chú trọng vào Jack Ma và mối quan hệ với những nhân vật kỳ cựu trong giới chính trị đằng sau, Bí thư thành phố Thượng Hải Lý Cường được cho là luôn ủng hộ Jack Ma và Alibaba.
Theo báo cáo, kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán của Dịch vụ Tài chính Ant thuận lợi thông qua thẩm định của cơ quan quản lý. Năm 2018, chính quyền thành phố Thượng Hải cùng Dịch vụ tài chính Ant và Alibaba đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo thông tin của chính quyền thành phố Thượng Hải, ông Lý Cường và Thị trưởng thành phố Thượng Hải khi gặp mặt Jack Ma, đều cam kết toàn lực ủng hộ việc kinh doanh của Jack Ma tại Thượng Hải.
Ngoại giới suy đoán, nếu như cuộc điều tra này nhắm vào Jack Ma, Ant Group và những người có quyền lực đứng sau đều là chĩa mũi giáo về phía ông Lý Cường, tựa như có ý là phe ông Tập Cận Bình tự lục đục. Nếu là phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân có ý thông qua truyền thông nước ngoài để tung tin, để kéo người của ông Tập Cận Bình vào cuộc điều tra, vậy thì mức độ đặc sắc của đấu đá nội bộ của ĐCSTQ trong tương lai sẽ nâng cấp.
Bài viết của Duowei News còn cho biết, ba người Trần Mẫn Nhĩ, Hồ Xuân Hoa và Lý Cường đều có ưu thế riêng, nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để xác định ai trong số họ sẽ trở thành người kế nhiệm của ông Tập Cận Bình. Hiện thực chính trị thường phức tạp hơn, ông Tập Cận Bình làm thế nào để lựa chọn người kế nhiệm mình, trong một năm tới sự phát triển và thay đổi của cục diện chính trị của Trung Quốc là thời kỳ quan trọng đáng để quan sát.
Hậu quả khi ông Tập không chỉ định người kế nhiệm
Ông Richard McGregor, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Lowy Institute for International Policy) Úc từng phân tích, ông Tập Cận Bình chỉ thông qua một động tác “từ chối chỉ định người kế nhiệm”, đã bóp chết dã tâm của những người muốn tranh cử làm lãnh đạo. Ông McGregor chỉ ra, chủ đề hiện nay ngược lại là chuyển sang ông Tập Cận Bình liệu có bổ nhiệm người có khả năng kế nhiệm năm 2027 tại Đại hội đảng diễn ra vào tháng 11/2022 hay không, nếu không có người kế nhiệm, vậy thì khả năng cho thấy ông Tập Cận Bình có kế hoạch tại vị nhiệm kỳ thứ tư, hoặc lâu hơn.
Gần đây, trong một chương trình phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ về vấn đề người kế nhiệm ông Tập Cận Bình, chủ tịch ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ Trung Quốc (tại Mỹ) Vương Quân Đào cho biết, có lẽ ông Tập Cận Bình thực sự muốn tìm kiếm người kế nhiệm mình, nhưng kết quả là có thể không tìm được ứng cử viên thích hợp, cuối cùng đến chết cũng không hoàn thành giao ban.
Ông Vương Quân Đào nói: Gần đây, ông Tập Cận Bình có thể có 3 tình huống. Thứ nhất là chấp chính trọn đời, đến lúc tắt thở cũng không tìm được người kế nhiệm. Thứ hai là ông sẽ tìm một người, người này ở tuyến đầu, ông Tập ở tuyến thứ hai nắm giữ. Thứ ba có thể là bán giao – nhận. Ý là ông Tập nắm quyền trong đảng, sau đó để thủ tướng tìm người mà bản thân vừa ý để liên tiếp bồi dưỡng, rèn luyện đến lúc ông Tập chết cũng không yên tâm giao cho người đó. Ông cho rằng, ông Tập Cận Bình phá vỡ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, chấp chính trường kỳ ắt sẽ dẫn đến khủng hoảng kế nhiệm trong tương lai của ĐCSTQ.
Ngày 21/4, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đã công bố một báo cáo dài 30 trang có tên “Hậu Tập Cận Bình: Dự đoán người kế tục thời đại hậu Tập Cận Bình” (After Xi: Future Scenarios for Leadership Succession in Post-Xi Jinping Era).
Báo cáo viết, phiền phức thực sự của ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình nằm ở chỗ, phương thức chuyển giao quyền lực hòa bình và có thể dự đoán gặp phải thách thức. Báo cáo cho rằng ông Tập Cận Bình củng cố quyền uy của mình, nhưng lại hy sinh thông lệ chuyển giao quyền lực hòa bình một cách định kỳ của ĐCSTQ trong hàng mấy thập kỷ qua. Như thế, ông sẽ đẩy Trung Quốc (ĐCSTQ) về hướng khủng hoảng kế nhiệm tiềm ẩn bất ổn định, gây ra tác động sâu xa đến trật tự thế giới và thương mại toàn cầu.
Trong báo cáo đã phân tích về 4 khả năng có thể về việc ông Tập Cận Bình đi hay ở lại sau năm 2022. Một là ông Tập Cận Bình giao ban một cách bình thường; hai là ông Tập Cận Bình bồi dưỡng người kế tục của mình sau Đại hội 20; ba là nội bộ ĐCSTQ xảy ra đấu tranh quyền lực kịch liệt chống lại ông Tập Cận Bình, thậm chí là đảo chính đoạt quyền; bốn là bản thân ông Tập Cận Bình đột nhiên xảy ra bất trắc hoặc mất năng lực hành động dẫn đến xuất hiện khoảng trống quyền lực.
Miêu Vi, Vision Times