Tin thế giới sáng thứ Bảy

Thanh Hà

Y Tế : Khối G7 kêu gọi chia sẻ vac-xin chống Covid-19

image.png
Một hội nghị của khối G7 tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 04/05/2021. © Rousseau/Pool via REUTERS

Bộ trưởng Y Tế 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới họp lại trong hai ngày 3 và 4 tháng 6/2021 tại Oxford, Anh Quốc. Chia sẻ vac-xin chống Covid-19 và tìm kiếm những phương tiện phòng ngừa khủng hoảng y tế là hai trọng tâm kỳ họp lần này.

Một tuần lễ trước thượng đỉnh nhóm G7 với sự tham dự lần đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, bộ trưởng Y Tế 7 nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ và Canada họp lại trong bối cảnh virus corona vẫn làm tê liệt một phần thế giới và ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi các nước giàu « chia sẻ vac-xin với các quốc gia kém phát triển ».

Trong cương vị chủ nhà, bộ trưởng Anh, Matt Hancock, cam kết ông và các đồng sự « cố gắng đạt mục tiêu toàn thế giới cùng có vac-xin ». Hiện tại Luân Đôn cho biết đã chia sẻ với thế giới hơn 500 triệu liều vac-xin AstraZeneca sản xuất trên lãnh thổ Anh. Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Biden hôm qua cho biết sẽ đóng góp 19 triệu liều vac-xin sản xuất tại Mỹ trong khuôn khổ chương trình COVAX, 7 triệu trong số này dành cho hai khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Nhà Trắng cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa.

Nhìn rộng ra hơn, chia sẻ vac-xin với thế giới là một trong những trọng tâm của hội nghị tại Oxford lần này. Luân Đôn cho biết nhóm G7 sẽ nghiên cứu báo cáo của Anh về những tiến bộ mà nhóm này đã đạt được từ 2015, nhằm tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận với vac-xin.

G7 Tài Chính tại Luân Đôn

Cũng trong khuôn khổ các cuộc họp để chuẩn bị cho thượng đỉnh G7 mở ra từ ngày 11 đến 13/06/2021, bộ trưởng Tài Chính 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới sẽ họp lại tại thủ đô Luân Đôn trong hai ngày 04 và 05/06/2021. Trên nguyên tắc, các bên sẽ thông qua dự án cải tổ hệ thống thuế đánh vào các công ty đa quốc gia. Hiện tại Hoa Kỳ đề xuất một mức thuế tối thiểu 15 % đánh vào các công ty này. Mục tiêu các bên nhắm tới là nhằm buộc các công ty như Google, hay Amazon, chia sẻ gánh nặng với các chính phủ, đồng thời chấm dứt tình trạng để thất thoát thuế tại các thiên đường thuế khóa.

Châu Âu lạc quan cho rằng, dự án đánh thuế các đại tập đoàn đa quốc gia đang « trong tầm tay ». Ngược lại bộ trưởng Tài Chính Nhật Bản, Taro Aso, không « chờ đợi gì nhiều » ở G7 tại Anh Quốc lần này.

Mỹ : Chính quyền Biden trừng phạt thêm 28 tập đoàn Trung Quốc

image.png
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, ngày 10/05/2021. REUTERS – KEVIN LAMARQUE

Tiếp tục chính sách trừng phạt Trung Quốc của người tiền nhiệm, hôm 03/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn một sắc lệnh bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào danh sách những doanh nghiệp bị coi là có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh giận dữ thông báo sẽ đáp trả bằng những « biện pháp cần thiết ».

Tháng 11/2020, tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh đưa 31 tập đoàn Trung Quốc vào danh sách đen, với lý do các công ty này có liên hệ hoặc hỗ trợ các hoạt động của quân đội Trung Quốc.

Như vậy cho tới nay, với 28 công ty bổ sung, tổng cộng có tới 59 công ty của Trung Quốc bị cấm nhận vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong số này có những doanh nghiệp tầm cỡ của Trung Quốc như tập đoàn dầu khí CNOOC, hãng đường sắt China Railway, và nhiều tập đoàn viễn thông như Hoa Vi, China Mobile…

Trong danh sách bổ sung, có nhiều công ty sản xuất hoặc triển khai công nghệ theo dõi các công dân. Theo Hoa Kỳ, những công nghệ này có thể được Bắc Kinh sử dụng nhằm đàn áp cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các nhà bất đồng chính kiến trên lãnh thổ Trung Quốc và ở khắp mọi nơi.

Thông cáo của Nhà Trắng giải thích : quyết định của chính quyền Biden nhằm « tăng cường và củng cố » sắc lệnh từng được Donald Trump ban hành nhằm « cấm vốn của Mỹ đầu tư vào các tập đoàn công nghiệp – quân sự » của Trung Quốc, qua đó bảo đảm rằng « đầu tư của Mỹ không nhằm tài trợ cho các hoạt động có thể đe dọa an ninh và những giá trị của Hoa Kỳ cũng như của các nước đồng minh ».

Từ thủ đô Washington thông tín viên Anne Corpet giải thích thêm :

« Như vậy là từ nay trở đi có đến 59 công ty Trung Quốc bị cấm nhận vốn đầu tư của Hoa Kỳ do có liên hệ với quân đội Trung Quốc hoặc chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp công nghệ theo dõi. Biện pháp này nhằm trừng phạt các tập đoàn đã tham gia vào chiến dịch đàn áp các thiểu số tôn giáo hay các nhà đối lập chính trị, như người Hồi Giáo Duy Ngô Nghĩ ở Tân Cương hay các nhà dân chủ Hồng Kông.

Chính quyền Mỹ đánh giá việc Trung Quốc sử dụng những công nghệ để theo dõi này là những mối đe dọa khủng khiếp nhắm vào các quyền của con người. Danh sách các doanh nghiệp bị trừng phạt bao gồm nhiều tập đoàn lớn trong ngành xây dựng và viễn thông, như Hoa Vi. Các biện pháp trừng phạt mới này đánh dấu một bước leo thang trong cuộc đọ sức tay đôi giữa Washington với Bắc Kinh, mở màn dưới thời tổng thống Donald Trump. Cho đến nay, Joe Biden ít khi nào đơn phương đưa ra những hành động cụ thể nhắm vào Trung Quốc ».

Luân Đôn: Các chuyên gia nhân quyền mở điều trần nhân chứng về đối xử với người Duy Ngô Nhĩ

image.png
Luật sư chuyên về nhân quyền Geofrey Nice tại nhà riêng ở Adisham, Anh Quốc, ngày 02/09.2020. AP – Frank Augstein

Hôm 04/06/2021, một nhóm các luật sư và chuyên gia về nhân quyền tại Luân Đôn Anh Quốc bắt đầu loạt thẩm vấn các nhân chứng trong khuôn khổ điều tra về cách đối xử với cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương Trung Quốc.

Theo AFP, chín thành viên do « Tòa án Duy Ngô Nhĩ » chỉ định sẽ thu thập các bằng chứng trực tiếp liên quan đến các hành vi tội ác đối với người sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo tại Tân Cương như cưỡng bức triệt sản, tra tấn, bắt cóc và cưỡng bức lao động.

Mục đích của các điều tra để thẩm định Bắc Kinh có phạm tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số Hồi Giáo khác tại Trung Quốc hay không.

Phó chủ tịch của tổ chức « Tòa án Duy Ngô Nhĩ » Nick Vetch cam kết công việc điều tra sẽ được tiến hành công bằng dựa trên các nhân chứng thu thập trong tuần này và hồi tháng 9 năm ngoái trên một tài liệu hàng nghìn trang.  Ông cho biết đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc cung cấp thêm bằng chứng nếu có, nhưng đến giờ tổ chức này vẫn chưa nhận được gì.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân chiếm đa số ở Tân Cương, đã bị giam cầm trong các trại cải tạo. Bắc Kinh vẫn phản bác lại cho rằng đó là các « trung tâm dạy nghề » cho người dân tộc thiểu số Hồi Giáo, giúp họ tránh « bị sa vào con đường khủng bố, ly khai ».    

Dự kiến báo cáo của « Tòa án Duy Ngô Nhĩ »  sẽ được công bố vào tháng 12 tới. Dù không có giá trị pháp lý, nhưng những người tham gia vào công việc này hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế để có thể các nước sẽ hành động cụ thể.

Giới quan sát đánh giá việc các buổi điều trần nhân chứng diễn ra tại Luân Đôn này có thể càng làm tăng thêm căng thẳng giữa Vương Quốc Anh và Trung Quốc, dấy lên mạnh mẽ từ hồ sơ trấn áp chính trị ở Hồng Kông. 

Đảo chính Miến Điện: Lãnh đạo tập đoàn quân sự tiếp đặc sứ ASEAN

image.png
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi (T) tiếp lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing tại thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 24/04/2021. AP – Muchlis Jr

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, ngày hôm 04/06/2021, đã tiếp hai đặc sứ ASEAN về Miến Điện, thứ trưởng Ngoại Giao Brunei, Erywan Pehin Yusof, và tổng thư ký Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, Lim Jock Hoi, tại thủ đô Naypyidaw.

Đặc phái viên ASEAN đến quan sát và đánh giá tình hình Miến Điện là một trong những yêu cầu được lãnh đạo khối Đông Nam Á đưa ra nhân thượng đỉnh ở Jakarta, Indonesia, hồi tháng 4/2021, nhằm tìm giải pháp thoát khủng hoảng. Thông tin lãnh đạo tập đoàn quân sự tiếp các đặc phái viên ASEAN được một quan chức Miến Điện xin được giấu tên tiết lộ với hãng tin Pháp AFP. Một nguồn tin thứ nhì bổ sung thêm là Naypyidaw sẽ cung cấp thêm thông tin sau buổi làm với các đại diện của ASEAN.

Tới nay đã có hơn 800 người thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính tại Miến Điện do quân đội tiến hành ngày 01/02/2021. Công luận Miến Điện hoài nghi về hiệu quả của chuyến đi này. Thông tín viên đài RFI Juliette Verlin từ Rangoon gửi về bài tường trình :

« Phản ứng trên các mạng xã hội Miến Điện về chuyến đi của hai đặc sứ ASEAN rất rõ ràng. Dân cư mạng không xem đây là những đặc phái viên mà cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng Tư ở Indonesia đề cập đến. Đây chỉ là một chuyến viếng thăm và mục đích của chuyến đi này không được công bố cho người dân biết.

Từ sau cuộc đảo chính, Hiệp Hội ASEAN đã có một số cử chỉ ngoại giao, nhưng vẫn tồn tại nghi vấn về ảnh hưởng thực sự của khối này đối với Miến Điện. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới tướng lĩnh Miến Điện và gia đình của họ, nhưng các nước thành viên ASEAN vẫn khó có thể có được một hành động chung.

Cũng ít có khả năng phái đoàn ASEAN gặp được chính phủ chống chính quyền quân sự, do những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi lập ra, bởi vì tập đoàn quân sự coi những người trong chính phủ này là những kẻ « khủng bố ». Mọi thảo luận, trao đổi với những thành phần nói trên đều có thể dẫn đến việc truy tố.

Giới tướng lãnh Miến Điện thông báo sẽ sớm thông tin về cuộc tiếp xúc với phái đoàn ASEAN. Trong mắt phe chống đảo chính, cuộc gặp này bị coi là một hình thức ủng hộ tập đoàn quân sự về mặt chính trị ».

Hôm qua 03/06, tướng Ming Aung Hlaing đã tiếp chủ tịch Hiệp Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế, ông Peter Maurer. Lãnh đạo Hội đã yêu cầu chính quyền Naypyidaw « mở rộng các vùng cho nhân viên Chữ Thập Đỏ được phép hoạt động », đặc biệt là tại những nơi có xung đột giữa quân đội với các sắc tộc thiểu số.

Còn tổ chức Chương Trình Lương Thực Thế Giới (PAM) thẩm định là trong vài tháng tới, sẽ có tới 3,4 triệu dân Miến Điện cần được cứu trợ. Do vậy PAM dự trù nhân lên gấp ba khả năng can thiệp hỗ trợ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Related posts