Thủ tướng Trudeau muốn Giáo hoàng xin lỗi về vụ hố chôn trẻ em bản địa

Kỳ Sơn

Ông Trudeau muốn Giáo hoàng đến Canada và xin lỗi về vai trò của Giáo hội Công giáo đối với hệ thống trường dành cho người bản địa, sau khi phát hiện hai hố chôn tập thể tại đây.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Cottage Rideau, Thủ tướng Trudeau cho biết: “Tôi đã nói chuyện trực tiếp với Giáo hoàng Francis để nhấn mạnh rằng lời xin lỗi của ngài ấy còn có ý nghĩa quan trọng đối với người Canada bản địa sống trên đất Canada”, Reuters đưa tin hôm 25/6.

Giày và đồ chơi trẻ em đã được đặt ở phía trước trường Kamloops sau khi hài cốt của 215 trẻ em được phát hiện trong khuôn viên trường. Ảnh: Reuters.

Đề nghị của ông Trudeau được đưa ra trong bối cảnh Canada vừa phát hiện gần 1.000 hài cốt trẻ em vô danh trong khuôn viên hai trường nội trú dành cho người bản địa. Trước đây, hệ thống trường này từng được Giáo hội Công giáo quản lý.”Tôi biết những người đứng đầu Giáo hội Công giáo đang nóng lòng tham gia vào các các nỗ lực tiếp theo (để giải quyết vụ việc)”, Thủ tướng Trudeau cho biết.

Hôm 24/5, khoảng 751 bộ hài cốt vô danh đã được tìm thấy trong khuôn viên trường nội trú Marieval ở khu vực Cowessess. Trước đó, hài cốt của 215 trẻ em khác cũng được phát hiện tại trường Kamloops dành cho người bản địa ở British Columbia.

Hoạt động từ năm 1831 đến năm 1996, hệ thống trường dành cho trẻ em bản địa đã chia cắt khoảng 150.000 trẻ em khỏi các gia đình ở Canada.

Các em học sinh của trường Kamloops

Chính phủ Canada thừa nhận tình trạng lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục diễn ra tràn lan trong các trường học này. Học sinh ở đó bị đánh chỉ vì nói tiếng mẹ đẻ.

Năm 2015 của Ủy ban Hòa giải và Sự thật Quốc gia do chính phủ Canada thành lập đã kết luận hệ thống trường nội trú là một hình thức “diệt chủng văn hóa” đối với người bản địa Canada.

Trước đó, ngày 6/6, Giáo hoàng Francis đã bày tỏ sự đau lòng trước phát hiện trên, đồng thời người đứng đầu Giáo hội Công giáo kêu gọi dành sự tôn trọng cho quyền lợi và văn hóa của cư dân bản địa.

Dù vậy, Giáo hoàng đã không trực tiếp nói lời xin lỗi về vai trò của Giáo hội công giáo như yêu cầu của người dân Canada. 

Hàng nghìn trẻ em người bản địa Canada biến mất như thế nào?

Trường nội trú Kamloops dành cho học sinh người dân tộc bản địa vào năm 1937. Ảnh: Ủy ban Hòa giải và Sự thật Quốc gia Canada.

Việc phát hiện hài cốt 215 trẻ em trong trường học dành cho người bản địa ở Canada làm dấy lên câu hỏi về cái chết của hàng nghìn trẻ khác trong quá khứ.

Vào tháng 5, Canada rúng động trước tin tức phát hiện hài cốt của 215 trẻ em trong khuôn viên Kamloops, trường học dành cho người bản địa ở tỉnh British Columbia.

Trên khắp cả nước, nhiều nơi treo cờ rủ để thể hiện sự tiếc thương các nạn nhân này. Nhiều đài tưởng niệm tạm thời cũng được dựng lên, xếp đầy giày trẻ em, thường là 215 đôi. Một khu tưởng niệm như vậy cũng được dựng lên phía trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Ottawa của Canada.

“Những người thân của tôi, những người sống sót, đều kể về điều này trong nhiều năm qua, rằng có rất nhiều người chết, rất nhiều ngôi mộ vô danh”, Perry Bellegarde, Giám đốc của Assembly of First Nations – tổ chức của những người dân tộc bản địa ở Canada – nói với New York Times. “Nhưng không ai tin lời những người sống sót. Và giờ đây, thật bi thảm và đau lòng khi phát hiện ra khu mộ ở trường Kamloops”, ông nói thêm.

Ước tính có khoảng 150.000 trẻ em bản địa theo học tại các trường nội trú như Kamloops từ khi khai giảng lần đầu vào năm 1993 và đóng cửa vào năm 1996.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015, Thủ tướng Justin Trudeau ưu tiên thực hiện chính sách tưởng nhớ những học sinh này và cải thiện cuộc sống của người bản địa ở Canada. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cộng đồng người bản địa này cho rằng chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa.

Việc phát hiện ra hàng trăm hài cốt nói trên cũng làm dấy lên câu hỏi: Liệu có bao nhiêu đứa trẻ đã bị lạm dụng và làm tổn hại trong những trường nội trú như thế?

Bí mật đau lòng được hé lộ

Trường Kamloops hoạt động từ năm 1890 cho đến cuối những năm 1970, và từng là trường lớn nhất Canada, với 500 học sinh theo học vào lúc cao điểm.

Khoảng 20 năm trước, các nhà chức trách bắt đầu chiến dịch tìm kiếm hài cốt tại trường này. Tháng trước, sau khi đưa radar xuyên đất vào sử dụng, đội tìm kiếm phát hiện hài cốt của 215 trẻ em.

Trong số đó có hài cốt của một trẻ em chỉ mới 3 tuổi, theo Cảnh sát trưởng Rosanne Casimir. Tất cả trẻ em này đã được chôn cất cách đây hàng chục năm.

Cảnh sát trưởng Casimir dự đoán sẽ phát hiện thêm nhiều hài cốt hơn khi tiếp tục sử dụng radar xuyên đất trong tháng này. Các nhà chức trách địa phương đang hợp tác với cảnh sát hoàng gia Canada và cơ quan điều tra ở British Columbia.

Bà Casimir cho biết các thi thể được chôn cất trong “những khu đất không được đánh dấu riêng, cũng không có hồ sơ ghi lại danh tính”.

Vào khoảng năm 1883, chính phủ Canada buộc trẻ em trong các gia đình người dân tộc bản địa phải đi học tại các trường nội trú, thường ở xa cộng đồng của chúng.

Hầu hết trường học dạng này do các nhà thờ điều hành. Tại đây, ngôn ngữ và văn hóa bản địa bị cấm áp dụng, nếu không học sinh sẽ phải chịu các hình phạt bạo lực.

Nhiều trường hợp học sinh bị bệnh, bị lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần cũng được ghi nhận ở những nơi này. Báo cáo của thanh tra và bác sĩ chỉ ra rằng các học sinh tại Kamloops đôi khi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Trường Kamloops do Giáo hội Công giáo La Mã điều hành cho đến năm 1969, khi chính phủ liên bang tiếp quản hệ thống các trường này.

Trong báo cáo vào năm 2015 của Ủy ban Hòa giải và Sự thật Quốc gia do chính phủ Canada thành lập, ủy ban này kết luận rằng hệ thống trường nội trú là một hình thức “diệt chủng văn hóa”.

Ủy ban cũng kêu gọi giáo hoàng xin lỗi vì vai trò của nhà thờ Công giáo La Mã trong việc quản lý các trường nói trên.

Một số cựu học sinh làm chứng trước Ủy ban Hòa giải và Sự thật Quốc gia, cho biết linh mục tại các trường khiến một số nữ sinh mang thai, sau đó bắt đứa con khỏi người mẹ và giết những đứa trẻ này. Trong một số trường hợp, xác của những đứa trẻ bị ném vào lò nung.

Nhiều sinh viên cũng chết vì bệnh tật, tai nạn và hỏa hoạn trong khi cố gắng trốn thoát khỏi trường.

Related posts