Covid-19: Lo ngại EURO bóng đá làm dịch bùng trở lại ở châu Âu

Anh Vũ

image.png
Các cổ động viên đội Ý đông kín trên khán đài sân Wembley, Luân Đôn, Anh trong trận bán kết Ý-Tây Ban Nha, ngày 06/07/2021. AP – Facundo Arrizabalaga

Giữa lúc biến thể Delta đang đe dọa làm bùng phát đợt dịch mới ở châu Âu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới kêu gọi phải giám sát chặt các cổ động viên ở Cúp bóng đá châu Âu, nơi đang tập trung ngày càng đông người trong khi các biện pháp phòng dịch bệnh bị buông lỏng.

Người dân đi lại, tụ tập đông đúc, các biện pháp phòng phòng dịch thường không được tôn trọng….Thực tế đang diễn ra xung quanh giải Vô địch bóng đá châu Âu EURO 2020 khiến cho sự kiện thể thao lớn này dường như đang trở thành nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để dịch bùng lên trở lại ở châu Âu. Mặc dù để duy trì được giải đấu, Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA đã có các chỉ thị về phòng dịch, nhưng những con số thống kê mới đây thực sự đáng lo ngại.

Tổ chức Y Tế Thế Giới cảnh báo, tuần trước các ca nhiễm mới Covid-19 đã tăng 10% ở châu Âu sau 10 tuần liên tục giảm. Trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 01/07 vừa qua, giám đốc khu vực châu Âu của WHO đã khẳng định « sẽ có một làn sóng dịch mới trong vùng châu Âu nếu chúng ta không giữ kỷ luật ».

Biến thể virus Delta lây lan mạnh đang gây khó khăn cho những nỗ lực ngăn chặn dịch của nhiều nước đạt được cho đến thời điểm này. Hai nước chủ nhà EURO là Nga và Anh Quốc đang bị virus biến thể phát hiện tại Ấn Độ hoành hành dữ dội nhất những ngày qua.  Tổ Chức Y Tế Thế Giới dự báo biến thể Delta sẽ chiếm 70% các ca nhiễm mới vào tháng 8 và đến đầu tháng 9 con số này có thể lên tới 90%.  

Các quy định phòng dịch không được tôn trọng
Theo quy định của UEFA, việc đeo khẩu trang là bắt buộc mọi lúc trong các sân vận động có trận đấu và mọi người phải tôn trọng giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét. Tuy nhiên định mức số lượng cũng như các xác nhận để khán giả được vào sân lại được quy định tùy theo từng nước khác nhau. Các thành phố phố đăng cai trận đấu đều yêu cầu khán giả vào sân phải có xét nghiêm PCR âm tính trước 72 giờ hoặc chứng nhận đã tiêm chủng nhưng lại trừ hai sân vận động ở Bakou của Azerbaidjan và Saint Petersburg của Nga.

Với các trận bán kết và chung kết diễn ra trên sân Wembley, Luân Đôn, Anh Quốc, hạn mức khán giả vào sân được tăng từ 30% lên 75% sức chứa của sân, tức là khoảng 60 nghìn người. Để so sánh, sức chứa của sân Allianz Arena tại Munich được đón các trận đấu của EURO với hạn mức được ấn định là 20% chỗ, tức khoảng 14 nghìn người.

Nhưng có điều là các quy định phòng dịch như giữ giãn cách xã hội không hề được tôn trọng trông các sân vận động, thậm chí như trên sân vận động ở Budapest, Hungary, nơi được phép cho 100% khán giả vào sân, người ta vẫn thấy cảnh các cổ động viên chen chúc nhau, hò hét cổ vũ.  

Cổ động viên bị nhiễm virus trên sân vận động ?
Tại Nga, mặc dù dịch bùng lên dữ dội với tỷ lệ virus Delta chiếm 97% các ca nhiễm mới, nhưng chính quyền vẫn duy trì trận tứ kết trên tại Saint Petersburg hôm 02/07 vừa rồi giữa đội Tây Ban Nha và Thụy Sĩ trước hàng ngàn cổ động viên, đa phần đến từ nước ngoài.

Gần 300 cổ động viên Phần Lan đi ủng hộ đội nhà trong giai đoạn vòng bảng trở về từ thành phố của Nga đã bị dương tính với virus biến thể. Tuần này, cơ quan y tế Scotland thông báo có gần 2000 người Scotland đến Luân Đôn cổ vũ cho trận đội nhà gặp Anh Quốc trở về đã bị nhiễm Covid-19. Trong số họ có 400 người đã vào sân Wembley, số còn lại theo dõi trận đấu ở các khu cổ động viên (fanzone) hay các quán bar xung quanh, theo nhật báo Le Figaro.  

Được hỏi về nguy cơ giải EURO có thể đã và đang trở thành vùng « siêu lây nhiễm », giám đốc khu vực châu Âu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trả lời : « Tôi hy vọng là không nhưng tôi cũng không loại trừ điều đó ». Nhưng mật độ đi lại dày đặc, tụ tập đông người và buông lỏng các quy định phòng dịch là những yếu tố thuận lợi để dịch bùng lên.

Theo ông Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế  Toàn cầu thuộc Đại học Genève, không còn nghi ngờ đó là cách tốt nhất gieo rắc biến thể Delta vào châu Âu.Theo chuyên gia này, hoàn toàn vô lý khi đưa các cổ động viên đến những nơi có rủi ro cao, trong khi mà không có gì phức tạp để chuyển các trận đấu ở các thành phố có nguy cơ cao sang các thành phố có nguy cơ thấp hơn.

Tổ chức Y Tế Thế Giới kêu gọi phải theo dõi sát sao hơn các cổ động viên, không chỉ trong các sân vận động. Bà Catherine Smallwood, một quan chức khác của WHO nhấn mạnh, « chúng ta cần phải nhìn ra ngoài các sân vận động… Chúng ta phải nhìn ra xung quanh các sân đấu xem mọi người đến như thế nào, họ có di chuyển theo từng đoàn xe bus chật kín người hay họ có áp dụng các biện pháp phòng dịch ? »

Quan chức này cảnh báo : « Điều chúng tôi quan sát thấy ở đây là một làn sóng dịch mới có thể sẽ đến trước mùa thu năm nay ».

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Đức đầu tuần qua, bộ trưởng Nội Vụ Đức đã kêu gọi chính phủ Anh và UEFA giảm số lượng cổ động viên được vào sân Wembley trong những trận cuối của EURO. Ông nói : « Tôi thấy là vô trách nhiệm khi để hàng chục nghin người tụ tập trên một không gian hẹp ở một đất nước bị xếp vào vùng có nguy hiểm vì biến thể Delta lây lan rất mạnh », như trường hợp nước Anh hiện nay.

EURO 2020 đã bước vào những trận đấu cuối cùng, mức độ hấp dẫn gay cấn của các trận đấu sẽ còn thu hút đông đảo người hâm mộ bóng đá hơn rất nhiều. Giải đấu lớn có thể sẽ kết thúc thành công về mặt thể thao, nhưng những ngày lễ hội bóng đá sẽ còn để lại mối lo lớn cho cơ quan y tế của nhiều nước.

Related posts