Cập nhật tin COVID tại VN 20/7: Việt Nam vượt 60,000 ca

Hiểu Minh

Thêm 2.155 ca COVID-19

Người lao Động – Bộ Y tế sáng 20/7 cho biết nước ta có thêm 2.155 ca mắc COVID-19(BN58026-60180), trong đó 1 ca nhập cảnh và 2.154 ca ghi nhận trong nước tại Sài Gòn (1.519), Bình Dương (156), Tiền Giang (133), Đồng Nai (80), Vĩnh Long (43), Khánh Hòa (38), Bến Tre (34), Đà Nẵng (32), Bà Rịa – Vũng Tàu (26), Cần Thơ (22), Phú Yên (12), Hậu Giang (10), Kiên Giang (8 ), Vĩnh Phúc (7), Hà Nội (6), Bình Phước (6), An Giang (6), Đồng Tháp (6), Đắk Lắk (2), Quảng Ngãi (2), Bạc Liêu (2), Lâm Đồng (2), Quảng Nam (1), Lâm Đồng (1); trong đó có 251 ca trong cộng đồng

Như vậy, tính đến sáng 20/7, Việt Nam có tổng cộng 60.180 ca mắc, trong đó 58.100 ca trong nước và 2.080 ca nhập cảnh.

‘Bệnh nhân nặng sẽ tăng trong 5-7 ngày tới’

VnExpress – Thời gian tới, số bệnh nhân tiên lượng nặng và rất nặng sẽ tiếp tục tăng do số ca nhiễm mới nhiều, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm nay cho biết.

“Đặc biệt trong 5-7 ngày nữa, tình hình diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói tại cuộc làm việc đột xuất của Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, ngày 19/7. Ông cho biết cả nước đang điều trị gần 1.000 bệnh nhân tiên lượng nặng và rất nặng.

Bộ trưởng dẫn chứng tại một số tỉnh thành phía Nam, như Sài Gòn, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 mỗi ngày, có xu hướng gia tăng từng ngày. Thành phố có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch. Các ca nhiễm xuất hiện ở tất cả quận huyện và 309/312 phường. Quận Bình Tân ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất, tập trung chủ yếu tại phường An Lạc.

Còn tỉnh Bình Dương, trong 7 ngày gần đây số ca nhiễm vẫn ở mức cao, trung bình 140 ca một ngày. Tỉnh ghi nhận 9 chuỗi lây nhiễm với 11 ổ dịch liên quan đến TP.HCM và 7 ổ dịch được phát hiện qua giám sát cộng đồng.

Tỉnh Long An ghi nhận 29 chuỗi lây nhiễm. Trong đó 17 chuỗi cơ bản đã được kiểm soát, còn lại vẫn đang diễn biến. Trong 7 ngày qua số ca mắc mới có xu hướng gia tăng và xuất hiện các ổ dịch mới.

Tỉnh Đồng Nai 9 chuỗi lây nhiễm, trong đó nhiều ca mắc nhất là chuỗi liên quan đến TP.HCM như chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bình Điền.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội thông báo tìm người đã đến một nhà thuốc

Tuoitre – Tối 19/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội thông báo tìm người đã đến một nhà thuốc có liên quan ca bệnh COVID-19.

Cụ thể, CDC Hà Nội phát thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến Nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ, quận Đống Đa, trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 19-7.

“Người đã đến nhà thuốc trong thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 02435625581 (TTYT Quận Đống Đa), 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội)”, thông báo nêu rõ.

Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận cung ứng hàng hoá khó khăn, Chủ tịch TP kêu gọi người dân chấp nhận hy sinh

Zing – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương  chiều 19 tháng 7 trong buổi họp báo thừa nhận việc cung ứng hàng hoá về thanh phố thời gian qua gặp khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo thông tin được Zing trích dẫn, nguyên nhân ông Phương nêu là lực lượng triển khai đến các địa phương còn máy móc, cứng nhắc, gây ảnh hưởng việc thu mua, vận chuyển hàng hóa.

Tại cuộc họp, đại diện của Sở Công thương cho biết tại các chợ truyền thống, người mua đã giảm, hàng hóa thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.

Theo ông Phương, đến chiều 19 tháng 7, thành phố có 44 chợ truyền thống mở cửa, cung ứng hàng hóa, thực phẩm.

Lý giải có thời điểm giá gạo ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây tăng cao dù gạo không thiếu; hoặc có lúc mặt hàng trứng gia cầm cũng tăng rất cao.

Ông Phương khẳng định việc tăng giá những ngày vừa qua hoàn toàn không liên quan đến việc đầu cơ tích trữ mà là khó khăn và sự trục trặc của hệ thống phân phối do tình hình dịch bệnh.

Thời gian qua, người dân ở Sài Gòn gặp khó khăn về nguồn lương thực trong bối cảnh đa số các chợ truyền thống đều phải đóng cửa do có ca lây nhiễm, nhiều người phản ánh việc giá cả tăng cao phi mã trong các siêu thị, cửa hàng bách hoá, tiện lợi là do chính quyền địa phương quản lý không hiệu quả. 

Hiện tình hình dịch ở thành phố này đang diễn biến hết sức phức tạp khi số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao. Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 19 tháng 7, TP.HCM ghi nhận 3.074 ca nhiễm trong tổng số 4.195 ca nhiễm trên toàn quốc.

Cùng ngày, báo chí trong nước cũng đăng tải bức thư của Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân thành phố chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh để thành phố có thể ổn định.

Trong thư ông Phong cũng khẳng định thành phố đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ông Phong thừa nhận một số khu vực chưa cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, thiếu hàng hóa cục bộ, giá cả hàng hóa có tăng so với ngày thường.

Hơn 60% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì COVID-19

Cafef – Bài khảo sát được thực hiện với nhà quản lý, lãnh đạo của hơn 400 doanh nghiệp trong nước từ những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. 

Đầu tiên, về mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo cho thấy, có hơn 53% doanh nghiệp đang phải tạm ngưng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, hơn 60% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tạm ngưng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu phải làm việc từ xa.

Liên quan đến những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt, những người đứng đầu doanh nghiệp có đưa ra rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp của mình bị ảnh hưởng. Những vấn đề chiếm đa số câu trả lời của doanh nghiệp bao gồm: đối tác gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp (61,99%); nguồn cầu giảm sút (43,17%); thiếu hụt nguồn tiền (37,98%),…

Bên cạnh đó, còn có những vấn đề liên quan đến yếu tố nhân sự như: lo lắng về tương lai công việc, xáo trộn tinh thần làm việc (60,52%); thiếu gắn kết khi làm việc từ xa (52,4%); thiếu kỷ luật khi làm việc từ xa (45,17%),…

Dựa trên những câu trả lời từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát, báo cáo chỉ ra rằng 2 ngành F&B và giáo dục-đào tạo là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đó, hơn 28% doanh nghiệp F&B sẽ ở trong tình trạng “ngủ đông” nếu phải vận hành từ xa. 

Ngược lại, công nghệ – viễn thông và xây dựng – kiến trúc lại là 2 ngành bị ảnh hưởng ít nhất. Cụ thể, hơn 51% doanh nghiệp Công nghệ – Viễn thông không phải cắt giảm lao động trong thời gian đại dịch.

Để ứng phó trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhằm đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất được diễn ra liên tục, hơn 73% các doanh nghiệp cho biết họ đều áp dụng những quy định an toàn trong phòng chống dịch; khoảng 60% doanh nghiệp áp dụng chính sách hoạt động từ xa cho nhân viên. Bên cạnh đó còn các biện pháp khác như truyền thông nội bộ, áp dụng cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho làm việc từ xa,…

Ngoài một vài biện pháp kể trên, đại diện của một vài doanh nghiệp khác cũng chia sẻ những cách mà doanh nghiệp của mình áp dụng để ứng phó với đại dịch đơn cử như tạo sản phẩm mới hay chuẩn bị nhân sự dự phòng thay thế các vị trí trọng yếu trong trường hợp có người phải đi cách ly hay điều trị dài hạn,…

Mặc dù liên tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do chuỗi sản xuất liên tục bị ảnh hưởng bởi các làn sóng Covid-19, thế nhưng, khoảng 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát lại vô cùng lạc quan, tin rằng doanh nghiệp của mình có thể quay trở lại vận hành bình thường vào đầu tháng 8. Kể cả trong trường hợp xấu nhất là doanh nghiệp không thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng 2 tháng tới, thì có đến 45% đại diện doanh nghiệp trả lời rằng họ chắc chắn có thể duy trì doanh nghiệp trên 12 tháng.

Related posts