SAIGON : ĐÊM GIỚI NGHIÊM – Ly Nha Trang

Tôi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng còi xe cấp cứu đang lướt nhanh trên đường . Hơn 1g sáng . Ánh trăng khuya , chiếu qua khung cửa , rọi sáng một góc phòng . Bên dưới , nơi chung cư tôi đang ở , vắng lặng như tờ . Những dãy phố không một ánh đèn , những con đường không một bóng người . Những hàng cây im lìm , in bóng dưới trăng . Nơi đó có một cây hoa ngọc lan , tỏa hương thơm ngát lúc đêm về . Mùi hương thanh khiết , đã từng cho tôi biết được thế nào là những rung cảm đầu tiên của trái tim mình . Và đêm nay , trái tim tôi se thắt bởi hình ảnh của một Saigon quá đỗi xót xa .

Tuy không sinh trưởng nơi đây , nhưng Saigon đã cho tôi biết bao kỷ niệm đẹp nhất của một thời đi học , đời sinh viên đầy hoa mộng .

Tôi muốn tìm về những kỷ niệm của một thời xa xưa ấy . Có lẽ , đó là liệu pháp tốt nhất , ít ra trong lúc này , giúp tôi giữ được thăng bằng trong cuộc sống trước cơn đại dịch của thế kỷ , đang bùng phát dữ dội mà dường như chưa có dấu hiệu dừng lại .

Ngày trước , Saigon cũng đã từng có những đêm giới nghiêm do chiến tranh , đường phố cũng vắng vẻ như thế này , nhưng đến sáng mai lại bừng sống .

Cũng có nhiều cái chết do bom đạn , nhưng không gây hỗn loạn hay sợ hãi như bây giờ , cái chết do dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ nơi đâu ,bất cứ lúc nào, cũng chẳng biết nguyên do .

Mùa hè năm Mậu Thân , 1968 , chiến sự lại bùng phát dữ dội sát cạnh Saigon , các trường học đều đóng cửa .

Tôi thường hay đến chơi tại nhà bạn cùng lớp của đứa em bà con tôi , đều dân Võ Tánh cả . Nhà ở đường Trần hoàng Quân Q5 ( nay không biết đường nào ) trước mặt sân vận động Cộng Hòa ( nay sân Thống Nhất ) . Đó là một chung cư mới xây của Cảnh sát , 4 tầng cầu thang bộ . Cư dân chưa về đông đủ . Cả tầng 4 chỉ có nhà nó và một nhà nữa của một ông Trung úy Cảnh sát mà thôi .

Vợ chồng ông nầy có đến 9 người con . 8 gái liền tù tì và đứa út là trai . Cô con gái đầu lòng lối 17 tuổi , kế tiếp 16 , 15 .. thằng út khoảng 1-2 tuổi . Ở bên này lại là 3 thằng .

Chung cư mới xây nên hạ tầng cơ sở chưa hoàn chỉnh , nước dùng còn ” phập phù ” lúc mạnh lúc yếu , nên đêm đêm phải xách nước từ tầng trệt lên mới đủ dùng . Chúng nó phụ xách giùm cho các cô gái đó , dần trở thành láng giềng thân thiết . Lần hồi , chúng nó thành gia sư ” miễn phí ” cho gia đình các cô đó . Đổi lại , có chè cháo hay món gì ngon đều mang qua cho tụi nó .

Bọn nó kể cho tôi nghe , có một anh Thiếu úy Biệt động quân , thường đến chơi và có vẻ ” kết ” cô con gái đầu .

Một buổi chiều , tôi ghé thăm chúng nó và gặp anh ta . Anh ta mang theo môt chai  Martell Cognac 3 sao , mấy trái cóc xanh và muối ớt , mời chúng tôi nhậu .

Loại rượu này khi đó thuộc loại xịn . Ba tôi thường đãi bạn bè ông vào dịp Tết , tôi chỉ nếm qua chứ chưa uống .

Ba đứa kia rút lui hết , chỉ còn mỗi mình tôi . Buộc lòng tôi phải tiếp anh ta . Tôi phải uống vì các đàn em tôi , vì ” màu cờ sắc áo ” chứ không phải vì nguyên do nào khác . Tôi muốn chứng tỏ cho anh ta thấy rằng : những sinh viên thư sinh như chúng tôi , không phải chỉ biết học không đâu ! Cũng biết chơi , biết uống , khi cần .

Anh ta và tôi cùng ” cưa ” đôi chai rượu đó . Ai xỉn tại chỗ hay ói trước là thua .

Anh ta ra về và ói ngay ở cầu thang . Tôi thắng vì tôi không ói , nhưng cũng “te tua ” về phòng tôi say đến quá nửa đêm mới tỉnh . Từ đó , anh ta không đến nhà các cô kia nữa .

Một kỷ niệm uống bia của tôi nữa , đó là vào năm 1972 . Lúc đó tôi đã vào quân đội . Tôi được thuyên chuyển về TTHLKQ Nhatrang để thành lập một bệnh xá cấp số 20 giường , quân số 23 người . Đơn vị tôi khi đó mới hơn 10 người . Tôi là Sĩ quan quân y duy nhất , còn lại là hạ sĩ quan y tá , dược tá từ thượng sĩ nhất đến binh nhì . Theo thông lệ , các thuộc cấp của tôi tổ chức mọi buổi tiệc chào đón tôi . Tướng tá tôi khi đó còn thư sinh lắm mà ngày đó thường gọi là lính “sữa ” . Mấy ông ấy nhìn tôi có vẻ ái ngại và nói rằng ” Dược sĩ uống được bao nhiêu thì uống tụi tui không ép ” . Đến nửa buổi tiệc , tôi nói ” bây giờ đến phiên tôi đãi anh em , chỉ uống thôi , bia 33 , mà uống bia ” ôm ” , hồn ai nấy giữ , không ai gánh cho ai hết .”

Bia được rót đầy ly . Uống một hơi 100% . Không được uống 2 lần .

Lúc đầu còn nói chuyện rôm rả . Đến chai thứ tư thì im lặng , không ai nói với ai tiếng nào nữa . Thấm đòn . Đến lúc tôi  khui chai thứ năm , đồng loạt mấy ông ấy phất cờ trắng đầu hàng , đi đứng lạng quạng hết , đụng đâu bể đồ đó . Cũng may , khi đó đường vắng xe , quán ăn gần căn cứ nên về doanh trại an toàn .

Từ đó , dưới mắt các ông , tôi không còn ” sữa ” nữa . Thế mà , gần nửa thế kỷ , các thuộc cấp của tôi ngày ấy , giờ đây , dường như chẳng còn ai ..

Nếu tính cả thời gian mà tôi đã sống ở đây , cộng với những năm đi học . Tôi đã có ngót 30 năm . Thời gian đủ để trở thành người Saigon .

Trong những năm đầu sống ở Saigon , sợ nhất là cái nắng đổ lửa và mưa thì ngút ngàn . Kế đến là nạn kẹt xe , một món đặc sản của Saigon .

Khi tôi còn ở Hóc môn , có lần tôi rời nhà lúc 6g sáng đến nơi ở trung tâm thành phố là 9 g , mất ba tiếng , thông thường chí 40 phút .

Mỗi lần về Nhtrang bằng tàu hỏa . Tàu chạy lúc 6 g chiều . Tôi phải đi từ lúc 4 g vì phải thoát qua một điểm chuyên kẹt xe trước 4g30 chiều , tránh giờ tan ca của khu công nghiệp Tân Bình .

Đi ăn cưới hay tiệc , phải đi sớm chứ trễ là kẹt , xe taxi cũng không dám chạy vào vùng đí . Tan tiệc , đón xe về mất 2 tiếng mới về được nhà là chuyện bình thường .

Đêm xuống , Saigon được mệnh danh là thành phố không ngủ , quán ăn , quán nhậu lan tận lề đường . Ồn ào , hỗn độn .đã cho tôi không ít khó chịu , chán ngán . Kể từ khi cơn dịch bùng phát , những hình ảnh đó không còn nữa . Đường thông , hè thoáng . Xe chạy thoải mái . Nhiều đêm trên đường về , dọc đường Phạm văn Đồng , hai bên san sát quán ăn , nay đóng cửa im lìm . Vĩa hè vắng lặng . Lòng tôi chùng xuống .

Nếu như trước kia , những cảnh kẹt xe hàng giờ hay những âm thanh hỗn độn của đêm Saigon đã làm tôi cáu gắt , bực mình không mấy thiện cảm . Thì giờ đây tôi thèm được nhìn thấy lại những cảnh đó . Tôi sẽ mở lòng với Saigon hơn , rộng lượng với Saigon hơn . Không còn khó chịu như xưa nữa . Vì tôi đã nhận ra rằng đó mới chính là sức sống của Saigon , là nhịp thở của Saigon mà trong thời gian gần đây nhịp thở ấy ngày mỗi yếu dần đi , đến tội nghiệp .

Saigon ơi ! Hãy thở manh lên đi .

Có lẽ , các bạn cũng như tôi , những cư dân Saigon đều có cùng mong ước đó . Bởi , đó chính là nét của một Saigon hồi sinh .

Related posts