Vài Kỷ Niệm Với Anh Phạm Hậu

image.png
Đèo Hải vân

… Trưa hôm nay tôi lái xe đến thăm anh Phạm Hậu. Nhà anh Hậu ở Bothell, cách Shoreline chỗ chúng tôi ở khoảng 20 phút lái xe. Từ mấy năm nay chúng tôi có một giao ước. Cứ cách khoảng hai tháng là hai đứa phải ới cho nhau một tiếng, hẹn nhau tại một quán ăn, ăn trưa rồi ngồi hàn huyên. Luân phiên chúng tôi trả tiền. Nhưng dạo này anh hơi lẫn, ngại lái xe, nên tôi thường đến nhà anh chở anh đi.
Từ trong nhà bước ra anh nói ngay:– Tôi quên mất rồi. Không biết lần này ai trả tiền, ông hay tôi?– Tôi cũng không nhớ. Nhưng nhầm nhò gì. Để tôi trả cho. Anh cứ “vô tư” đi cho tôi nhờ!– Này này! Ông đừng có lợi dụng cái bệnh Alzheimer của tôi nhé! Cái gì cũng phải cho nó sòng phẳng…
Trong lúc lái xe tôi nghĩ đến sự tình cờ hi hữu đã khiến chúng tôi gặp lại nhau và ở gần nhau trên nước Mỹ. Bốn mươi năm trước chúng tôi có một thời gian cùng phục vụ tại Khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT. Anh Hậu lúc ấy là Thiếu tá nhưng anh chỉ tạm trú ở Tổng Cục vài tháng trước khi chờ biệt phái sang Phủ Tổng Thống. Hồi đó tôi nghe đồn anh có “gốc” lớn lắm. Sau này kể anh chuyện ấy anh cười nói: “Gốc mẹ gì! Toàn là đồn nhảm không à!”. Tôi cũng nhớ là sau khi biết tôi là con của ông cụ, anh Hậu, tác giả tập thơ Chuyện Chúng Mình, có đọc cho tôi ngay câu thơ mà anh đã làm trước đó mười năm: “Yêu Nhất Linh tôi chọn tên Nhất Tuấn”. Cùng sang Mỹ năm 1975 và cùng chọn tiểu bang miền Tây Bắc nước Mỹ để định cư, chúng tôi đã có dịp gặp nhau thường xuyên từ hơn ba mươi năm nay.
Ăn trưa xong, bên tách trà nóng, chúng tôi ngồi ôn chuyện cũ. Lẫn trong câu chuyện hình ảnh của những người mà chúng tôi đã từng quen biết năm xưa, người mất kẻ còn, lần lượt hiện ra. Tội nghiệp Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT, xếp của chúng tôi, đã chết vì ngộp thở trên chuyến tàu hỏa chở những tù nhân cải tạo ra Bắc. Trung tá Nguyễn Đình Bảo, Trưởng phòng Nghiên Cứu Kế Hoạch, xếp trực tiếp của tôi, cũng đã ra đi tại tiểu bang New Jersey miền Đông nước Mỹ. Trung tá Vĩnh Huyền, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 50 CTCT, người mà anh Hậu vẫn khen là có gương mặt và tác phong rất bảnh, đã từ lâu tôi mất liên lạc, không biết còn ở Calgary bên Canada hay không. Và Thiếu tá Nguyễn Công Luận nữa, không biết anh còn ở San José hay không, sức khoẻ anh hiện ra sao…
Bên ngoài lướt qua khung kính của nhà hàng mưa nhẹ bay bay. Bãi đậu xe lá vàng phủ ướt nhẹp. Bây giờ là cuối thu, những chiếc lá của hàng cây phong trồng trên bãi đậu xe đã bắt đầu chuyển từ màu vàng óng sang màu đỏ tía. Mỗi lần cơn gió mạnh thổi lá rụng lả tả bay đậu trên mui trên kính những chiếc xe hơi nằm trên bãi.
Tôi nhìn anh Phạm Hậu ngắm hàng râu mép của anh và bỗng thấy anh cũng bảnh y như Trung tá Vĩnh Huyền trong hình ảnh ký ức tôi năm xưa. Chỉ khác là bây giờ râu tóc của nhà thơ này đã chuyển sang màu muối tiêu. Nhớ đến Trung tá Vĩnh Huyền tôi lại liên tưởng đến lần chúng tôi ra Huế năm 1972 và tôi nói với anh Hậu:
– Tôi đang viết giở một bài về tướng Ngô Quang Trưởng, nghe nói anh có làm bài thơ về ông Trưởng hay lắm, anh có thể đọc cho tôi được không?
Năm ngoái cũng trong một lần đi ăn trưa như hôm nay tôi đã kể cho anh Hậu nghe về ước muốn sau cùng của anh Trưởng là sau khi anh chết tro của anh được thả trên đèo Hải Vân. Vào mùa hạ năm 2008, một năm sau khi anh chết, ý nguyện đó đã được gia đình thực hiện. Theo lời Nhung kể cho tôi trong một lần điện đàm thì anh Trưởng có một người tài xế sống ở Việt Nam mà Nhung vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ từ nhiều năm nay. Chính chú tài xế ấy đã đón Nhung và các con Nhung tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Nhung mang bình tro anh Trưởng về Việt Nam. Từ phi trường chú tài xế chở mọi người về nhà chú tại ngoại ô thành phố Sài Gòn. Thật là một điều lạ lùng là nhà chú tài xế đó lại ở trên đường Thạch Lam, một con đường mới mở sau này khá lớn và dài ở sâu trong Chợ Lớn. Tôi có hỏi Nhung là chú ấy có biết Nhung là con của Thạch Lam hay không Nhung trả lời là chú ấy không biết và Nhung cũng không nói. Rồi sau đó tất cả bay ra Huế thuê xe lên đèo Hải Vân.
Đến gần đỉnh đèo nơi một khúc ngoặt nguy hiểm có một cái miếu nhỏ thờ những người bị tai nạn chết ở đó Nhung quyết định chọn chỗ này để rải tro. Suốt ngày hôm đó trời âm u giông gió. Mấy mẹ con và chú tài xế khấn nguyện trước miếu. Một lát lâu sau khấn xong ngửng lên thì trời đất bỗng dưng quang đãng hẳn lên mây tan và trời trong xanh. Vợ con anh Trưởng từng người một kể cả người tài xế trung thành lần lượt rải tro theo gió, tro của vị tướng lừng danh của quân sử VNCH bay trên ngọn đèo hùng vĩ Hải Vân nơi mà chú tài xế kia đã nhiều lần chở vị tướng ba sao qua lại trên trục lộ Huế-Đà Nẵng, ngọn đèo đã đưa vị tướng trấn lĩnh vùng địa đầu lên đỉnh vinh quang và cũng là ngọn đèo đã kéo vị tướng ấy xuống chốn cùng thảm bại.
Rải tro theo gió… trên đỉnh đèo Hải Vân… ý nguyện của người đã khuất gợi lên trong tôi hình ảnh vừa bi hùng lại vừa lãng mạn, như là sự kết hợp tuyệt vời giữa mối tình của viên dũng tướng với cô con gái đầu lòng của nhà văn Tự Lực Văn Đoàn.
Ngậm ngùi tôi lắng nghe anh Phạm Hậu đọc bốn câu thơ sau đây của anh:
Lệnh sáng giữ, lệnh chiều bỏ Huế!Bao chiến công… cũng thế mà thôi.Hải Vân… tro rắc bốn trời,Hạt tro nào… lạc vào nơi cổ thành?Nhất TuấnTiểu đoàn 5 Nhẩy Dù VN (3/1954-9/1954).

Related posts