THEO CHÂN NGƯỜI CHĂN CỪU

Nguyễn Ngọc Danh

Đọc tựa đề, chắc một số độc giả nghĩ người viết sẽ kể về những ngày theo người chăn cừu nơi hoang mạc tại Trung Đông hay trên đồng cỏ mênh mông Miền viễn Tây nước Mỹ.

Đúng chỉ một phần rất nhỏ, vì tôi theo chân người chăn cừu, nhưng không phải ở những nơi như nêu trên mà ngay trung tâm một thành phố cũng thuộc miền Tây nước Mỹ, đó là thành phố Elk Grove, Sacramento, California. Một thành phố tân lập chỉ mới 15 năm, cách thủ phủ California, trung tâm (Downtown) Sacramento 20 miles (khoảng 32 km) về hướng Nam. Tuy mới thành lập nhưng lại phát triển đến chóng mặt. Theo kế hoạch của Cơ quan phát triển, họ muốn Elk Grove trở thành thành phố kiểu mẫu của Tiểu Bang. Tiêu chuẩn kiểu mẫu phát triển không đặt trong ý niệm: Phải có nhà chọc trời, nhiều kỹ nghệ nặng, cơ xưởng sản xuất dụng cụ đa dụng hay quốc phòng nhằm đem công ăn việc làm cho dân chúng địa phương,  nhưng phải là một thành phố khang trang, không khí trong lành. đường xá rộng, đẹp, rợp bóng cây, sach sẽ. Một thành phố thích hợp cho những ai muốn có cuộc sống trong môi trường yên tĩnh, an lành. Vì thế mỗi khi trời đổi mùa cây cối dọc theo các con lộ và khu dân cư là những khoảng đường với những hàng cây xanh um mùa Xuân, rợp nắng mùa Hạ, lá vàng khắp lối mùa Thu, mùa Đông có những hàng oak (sồi) trơ lá mang nỗi buốn của đất trời. Chính vì thế nhà mọc lên như nấm trời mưa, và giá nhà lên vùn vụt đến chóng mặt. Nhưng một thành phố như thế tại sao lại có một khung cảnh vùng ngoại ô hoang dã hay vùng chân núi, thung lũng chăn nuôi dê cừu? Để tôi, kẻ chụp ảnh tay mơ theo chân người chăn cừu gần hai tuần lễ cố gắng có những tấm hình như trong Video : Theo Chân Người Chăn Cừu.

Đây chính là câu chuyện khó tin với những ai không ở vùng Ekl Grove. Một thành phố sát ngay cạnh thủ phủ California mà đất đai, ruộng đồng, vườn nho, hạnh đào, đủ loại cây ăn trái và khu dân cư sát bên nhau. Chỉ cần 5 hay 10 phút lái xe đã lạc vào vùng đất mênh mông cây cối hoa màu, ruộng vườn xanh tươi, thảo nguyên chăn nuôi ngút ngàn, vùng đồi xanh mượt mùa Xuân, cỏ vàng uá về mùa Hè, Thu, Đông. Trên các đồi cỏ vàng úa là những dãy quạt gió tạo điện lực quay suốt ngày đêm. Có dịp tôi sẽ giới thiệu hình ảnh những cách quạt điện khí hoá từ gió trên các ngọn đồi này. Trong video này tôi chỉ chú trọng tới việc theo chân người chăn cừu tại trung tâm thành phố mong có những tấm hình bắt mắt để giới thiệu với độc giả nét độc đáo và ý tưởng mong phục vụ người dân của giới lãnh đạo ở cấp nhỏ County ( quận) và City ( thành phố)

Vào một ngày Chúa Nhật cách nay hai năm, cũng như năm nay, chỉ khác về thời gian, vợ chồng tôi trên đường tới nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa Nhật lúc 7:00 AM. Đi hết con đường Franklin Hight, dừng lại tại đèn đỏ ngã tư Franklin – Whitelock. Trước mặt có những đốm trắng lô nhô trên bờ đê con kênh thoát nước của thành phố dọc theo đường Whitelock. Nhìn kỹ là những chú dê, cừu đang gặm cỏ. Hạ thấp cửa kính xe, tôi nghe rõ những tiếng be he.. be he.. của đàn dê cừu vang cả một góc đường trong thành phố. Một cảnh tượng khá lạ đối với người dân thành phố, trong đó có tôi. Một ý tưởng thoáng hiện trong đầu: Sau thánh lễ, tôi phải tới đây xem và chụp hình. Vì tôi luôn ước muốn có dịp được chụp đàn dê cừu đi ăn buổi sáng, trở về vào buổi chiều trên con đường đầy gió bụi mà tôi đã bỏ lỡ hai năm trước. Cảnh tượng đó tôi đã được xem đâu đó trên sách báo, hay đã ghi đậm trong tâm trí tôi đàn dê cừu trên trang, bài, sách Cựu Ước và Tân Ước. Tôi muốn năm nay, chính mình phải nhập vai vào khung cảnh người chăn cừu. Cùng chúng tại đồng cỏ hay trở về trên đường quê gió bụi mịt mù. Tôi phải tận mắt quan sát để có những góc ảnh thật đẹp về đàn dê cừu trở về chuồng sau một ngày lang thang gặm cỏ trên các thảo nguyên hay vùng đồi núi.

Năm nay sau thánh lễ, về nhà lúc 9:00 am, tôi vội vã thay quần áo, ăn uống qua loa, rồi mang máy chạy ngay ra con kênh thành phố gần sát khu nhà tôi. Tôi từng biết con kênh thoát nước này khá dài, khởi đầu là môt rạch nước không quá lớn từ một thành phố gần chân núi. Nhưng khi chảy vào Elk Grove gần khu của tôi, nó phình rộng ra như một con kênh chiều ngang từ 200 – 300 mét, chiều dài khoảng 4-5 miles ( khoảng 6.5 Km). Có bờ đê rộng cho người đi bộ và xe đạp. Con đê trãi nhựa chạy song song với đường Whitelock theo hướng Đông Tây khoảng 1.5 miles ( 2 Km), rồi đổi hướng Bắc Nam dài khoảng 1 mile (1.5 Km ), lại đổi hướng Đông Tây, con kênh vẫn giữ chiều rộng nhưng chiều dải khoảng 1.5 miles ( 2km) mỗi khi đổi hướng. Con rạch khi chạy vào vùng Franklinh được đổi tên là Franklin Creek. Từ khi chảy vào khu Franklin nó phình ra rất rộng khoảng 200 – 300 mét. Chỉ có một con đường đê lớn tráng nhựa cho dân chúng dạo chơi và đi bộ, xe đạp. Phía bên kia là những bức tường đá ngăn cách các khu dân cư. Khi chảy qua vùng Franklin, vì nó phình khá lớn nên tôi gọi là con kênh Franklin. Nhưng người dân Mỹ vẫn gọi là Franklin Creek (con rạch Franklin). Sở dĩ tôi phải dài dòng về con kênh này để khi xem video độc giả không còn nghĩ tôi phải lặn lội tới vùng hoang dã, thôn quê hẻo lánh hay nơi thảo nguyên nào đó tại vùng viễn Tây nước Mỹ.

Con kênh Franklin này thực sự không có nước quanh năm, chí là nơi thoát nước trong mùa mưa từ cuối tháng 9 năm trước tới tháng 03 sang năm vì thời gian này là mùa mưa. Sau tháng Ba, nước rút hết, toàn con kênh là nơi các loài cây thân thảo, cỏ dại mọc tràn lan. Thỉnh thoảng mới có một vaì cây lớn. Vào mùa hè nắng nóng cỏ khô vàng úa rất dễ bắt lửa, là cơ hội gây nên những vụ hoả hoạn thảm khốc cho tiểu bang Califorfnia. Để tránh những cuộc hỏa hoạn gây nên do cỏ khô từ con kênh, Hội Đồng thành phố có ba phương thức :

1- Dùng máy cắt cỏ,

2- Phun thuốc diệt cỏ ,

3- Thuê đàn dê cừu khoảng 200 con dọn dẹp.

Dê cừu thuộc loại ăn cỏ nhai lại, nhưng ăn tạp. Chúng ăn hầu như tất cả loại cây cỏ khô hay tươi. Khi đói chúng có thể ăn cả giẻ rách, giấy. Cơ quan thành phố chọn phương thức thứ ba : Thuê đàn Dê Cừu khoảng 200-300 con thuộc trại chăn nuôi gần, cho chúng dọn sạch cỏ khô. Việc chọn lựa dựa trên các tiêu chuẩn: Không gây ồn ào, không gây bụi bặm, không ô nhiễm không khí, nhưng phải đem lại cảnh quang thú vị cho dân chúng nhất là trẻ em có dịp ngắm cảnh thiên nhiên tại vùng dân cư, trong đó có tôi.

Nói tới dê cừu mà không đề cập tới món thịt là một thiếu sót. Thịt dê cừu được rất nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới ưa thích, đặc biệt dân Trung Đông, khối dân theo đạo Muslim (đạo Hồi). Dân Do Thái cũng ở Trung Đông, nhưng không theo đạo Muslim. Dân Do Thái ngày xửa ngày xưa, thường được gọi là thời Cựu Ước. Họ chọn những con cừu đực tơ, làm của tế lễ cho Thiên Chúa. Thịt của chúng không liệt vào loại cấm kỵ vì chúng là loài ăn cỏ, nhai lại, chân có hai móng. Những loài ăn cỏ, nhai lại, nhưng chân chỉ có một móng cũng như thịt heo là loại thịt cấm kỵ. Người Ấn Độ cũng thích ăn thịt dê, cừu, đặc biệt họ có món cari dê. Họ không ăn thịt bò, vì bò là một con vật mang tính linh thiêng của dân Ấn. Đó là một vài nét văn hoá đặc thù, hoàn toàn khác với Việt Nam, Tàu, Philippins, Thái Lan, là những quốc gia thích thịt heo (lợn). Thịt heo là loại thịt họ ưa thích hơn dê cừu. Ở các quốc gia này thịt heo được biến chế thành nhiều những món ăn đầy hương vị. It thấy các nước Việt Nam, Tàu bày bán thịt dê cừu ngoài chợ.

Vì sự hữu ích thiết thực của loài dê cừu, chúng thu dọn sạch nhẵn cỏ cây từ ngọn tới gốc, tránh đưọc tối đa hoả hoạn, không gây ô nhiễm môi trường và còn đem lại cảnh quang thiên nhiên cho dân chúng nên Hội đồng thành phố Elk Grove quyết định dùng dê cừu dọn sạch cỏ cây mọc um tùm dọc theo con kênh Franklin. Chính vì thế tôi mới có dịp theo chân người chăn cừu suốt hai tuần lễ để chụp hình. 

Mỗi sáng tôi thức dậy lúc 6:00 AM làm những việc cần thiết. 7:00 AM rời nhà đi thẳng tới khúc đê đàn dê cừu ăn cỏ. Ngày đầu tôi tìm cách liên lạc với người chăn cừu, hỏi tất cả những thông tin cần thiết về ngày giờ, khoảng cách không gian cần thiết mỗi ngày cho đàn cừu dê khoảng 200 con dọn sạch cỏ cây. Quan sát, theo dõi cách ông chăm sóc và theo dõi đàn dê. Qua một thời gian quan sát, tôi thấy việc này tưởng dễ dàng, nhưng thực sự không phải vậy. Ông theo dõi đàn cừu dê với hai con chó thuộc loại chó chăn cừu. Một con luôn luôn đi lẫn với đàn gia súc để canh giữ, một con luôn luôn đi bên cạnh ông để theo dõi những con dê cừu vượt rào chạy khỏi đàn. Để giữ cho đàn dê cừu luôn ở trong khu vực ấn định, người chăn cừu phải giăng một hàng rào. Hàng rào làm bằng loại dây điện loại nhỏ, cao khoảng 1 mét. Có khoảng 4 -5 bình acquy lớn, mỗi cái mắc vào hàng rào dây điện cho một khoảng cách 100 mét. Hàng rào chỉ cần phía con đê của người đi bộ. Phía bên kia là hàng rào gạch đá cao khoảng một mét, phiá trên thêm hàng rào sắt, chia cắt vững chắc dọc theo những khu nhà dân giáp giới với con kênh. 

Tôi phải thức dậy sớm để có những tấm hình đàn dê cừu chen chúc đi kiếm ăn trong mịt mù khói bụi ban mai. Xuyên qua làn bụi mù là ánh sáng hừng đông không quá chói chang của mùa Hạ. Sau đó tôi theo người chăn cừu dẫn chúng đi uống nước từ hai thùng nước lớn, được cung cấp từ xe truck mang tới. Những tấm hình trong video hầu hết tôi chỉ chụp trong những lúc chúng sinh hoạt nhộn nhịp vào buổi sáng sớm tới 10:00 AM. Sau đó tôi về nhà nghỉ ngơi. 6:00 PM tôi lại trở lại chụp hình buổi chiều. Trời California mùa Hè mặt trời mọc lúc 6:30 AM và lặn lúc 8:30 PM. Không gian cho đàn cừu dọn dẹp sạch sẽ trong một ngày : chiều rộng con đê 200-300 mét và chiều dài 400-500 mét. Tới khoảng 7:00 PM chúng hoàn toàn nằm nghỉ với chiếc bụng căng phình những cỏ cây. Chúng nằm ngổn ngang khắp nơi, nhưng miệng luôn nhai. Thứ chúng nhai lúc này là cỏ lá, nhánh cây nhỏ chúng vặt sạch nuốt cho lẹ vào dạ dày cả ngày. Chiều tối là lúc nghỉ ngơi. Đó là thời khắc chiếc dạ dày thứ nhất đưa cỏ cây trở lại miệng. Đây mới chính là thực sự giai đoạn ăn cho sức khoẻ của chúng. Và đây cũng là giây phút tôi bấm máy. Ánh sáng ban chiều vàng úa trãi rộng trên con đê và đàn cừu. Chúng nằm yên, nên không gian chỉ còn tiếng kêu be he cuả con mẹ tìm con hay con tìm mẹ vang rộng khắp một vùng. Mặc trời lặn, không gian hoàn toàn yên lặng. Đàn cừu dê nằm yên như những khối đá lổn chổn màu sắc, nhưng màu trắng vẫn là màu chủ đạo. 

Gần suốt hai tuần lễ theo chân ngưới chăn cừu người Peru, tiếng Spanish (Tây Ban Nha) là ngôn ngữ của ông. Bởi thế muốn đàm thoại, bắt buột tôi phải học ngôn ngữ Spanish những câu đàm thoại đơn giản. Trong gần suốt hai tuần lễ đi sát với ông, chúng tôi nảy sinh ra mối tình nhân loại. Tôi thường chia sẻ với ông những túi trái cây chín như đào, mận hái từ vườn nhà, những gói mi khô có sẵn trong nhà, những miếng bánh mì Pháp (baguette) hương vị Việt Nam kẹp rau, thịt, cà chua.. tôi làm buổi sáng v..v. Tôi đưa cho ông, nhưng không cùng ăn chung vì ông còn quá nhiều việc. Giờ ăn của ông không nhất định chỗ nào, khi nào. Hơn nữa sau 10:00 AM tôi trở về nhà mãi tới 6:00 PM. mới trở lại. Sau khi tôi trao đồ ăn cho ông, tôi đi tác nghiệp chụp hình. Ông đi lên đi xuống dọc con đê, chú chó lúc nào cũng theo sau.

Cuối cùng chúng tôi cũng phải tới ngày chia tay. Nhìn con đê rộng 200m, dài 6km sạch nhẵn, không còn thấy những ngọn cỏ nhấp nhô theo gió chiều từ Vịnh San Francisco thổi ngược qua vùng đồng bằng San Joaquin lên tận vùng chân núi dãy Sierra. Ông phải đưa đàn dê cừu tới một địa điểm khác. Ngày chia tay tôi bập bẹ vài câu Spanish. Tôi thấy ông đưa tay trái lên quệt vài gịọt nước mắt. Lòng tôi thấy nôn nao. Tôi nói với ông bằng thứ ngôn ngữ vừa bằng tay vừa bằng miệng:

“Mucho gracias mi querido amigo, y que Dios bendiga. Adios mi Amigo.”

( Cám ơn ông bạn thân rất nhiều – và xin Chúa chúc lành cho ông. Tạm biệt nhé.)

Tôi quay lưng bước đi, chiếc máy ảnh nằm im trong backpack còn ghi những tấm hình ngày cuối chúng tôi gặp nhau. Và có lẽ sẽ là những tấm hình ghi đậm nét trong ký ức của một kẻ mê chụp hình như tôi.
 

Ngọc Danh

Elk Grove, California, July 21 2021

Related posts