Chuyên gia: Chiến lược chính của ĐCSTQ là gạt bỏ Mỹ

Thanh Hải

Chuyên gia về Trung Quốc Rush Doshi cho biết chiến lược lớn nhất của ĐCSTQ hiện nay là nhằm thay thế trật tự của Mỹ trên toàn cầu, tờ Epoch Times cho hay.

Ông Doshi đã đưa ra quan điểm này vào ngày 26/8 khi ra mắt cuốn sách mới của mình là “Trò chơi lâu dài: Chiến lược vĩ đại của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự của Mỹ”.

Chuyên gia này đã viết cuốn sách khi làm việc tại Viện Brookings. Giờ đây, ông mới được bổ nhiệm phụ trách về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia  Toà Bạch Ốc của chính quyền Biden.

Sau nhiều năm xem xét các tài liệu của ĐCSTQ như hồi ký, bài phát biểu và tiểu sử, ông Doshi cho biết Trung Quốc có chiến lược lớn 3 giai đoạn chống lại Mỹ, giai đoạn thứ ba bắt đầu từ năm 2016, trong đó Trung Quốc coi sự cạnh tranh của họ với Hoa Kỳ nằm trên phạm vi toàn cầu.

Ông viết trong cuốn sách: “Nó nằm trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, công nghệ, tài chính, các công nghệ mới nổi, các thể chế chính trị và an ninh”.

Ông lưu ý rằng bản chất của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ đã rộng hơn nhiều trong thời điểm hiện tại và liên quan đến nhiều quốc gia hơn.

“Nếu bạn nhìn vào diễn ngôn của Trung Quốc về những gì họ coi là tương lai của cạnh tranh… họ tin rằng phương Tây, Hoa Kỳ và những nước khác sẽ ngày càng hợp tác với nhau”.

“Họ nghĩ rằng họ phải làm điều tương tự với các quốc gia khác, điều đó khó hơn một chút, theo ước tính của riêng họ, bởi vì họ không có cùng một mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác lịch sử”.

Nhận xét của ông Doshi được đưa ra với tư cách cá nhân là một cựu thành viên của Viện Brookings.

Theo ông Doshi, giai đoạn đầu của chiến lược lớn của Trung Quốc kéo dài từ năm 1989 đến năm 2008, sau đó giai đoạn thứ hai là giai đoạn 8 năm tiếp theo. Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu giai đoạn thứ ba của chiến lược.

Ông cho rằng Bắc Kinh coi Washington như một đồng minh trước khi họ thay đổi nhận thức và coi Mỹ là một mối đe dọa về ý thức hệ và quân sự sau ba sự kiện – vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và sự sụp đổ của Liên Xô. 

Ngoài ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến Bắc Kinh có cái nhìn khác về Hoa Kỳ, tin rằng nước này đang “suy yếu” và mô hình kinh tế và chính trị của Mỹ không “hiệu quả lắm”. 

Bắc Kinh tái khẳng định niềm tin rằng Hoa Kỳ, cũng như phương Tây, đang suy yếu, sau khi chứng kiến ​​các ứng cử viên dân túy giành chiến thắng trong một số cuộc bầu cử trên khắp thế giới vào năm 2016, trong đó có chiến thắng tổng thống của cựu Tổng thống Donald Trump và cuộc bỏ phiếu rời Brexit của Vương quốc Anh.

Ông viết trong cuốn sách: “Nếu có hai con đường dẫn đến bá chủ – một con đường trong khu vực và một con đường toàn cầu – thì Trung Quốc đang theo đuổi cả hai”.

Ông đánh giá Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đáng kể nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt và cách Washington xử lý vấn đề này sẽ định hình tiến trình của thế kỷ tới.

Related posts