Chiếc Vòng Đeo Cổ – The Necklace

Bùi Phạm Thành

Cô gái ấy là một thiếu nữ trẻ xinh đẹp và quyến rũ, được sinh ra, như thể là một run rủi của số phận, vào một gia đình nghèo, với người cha là thư ký. Cô không có của hồi môn, không có hy vọng, không có cách nào được những người đàn ông giàu có và danh giá biết đến, tìm hiểu, yêu, và kết hôn; vì vậy cô ấy đã kết hôn với một nhân viên thư ký cấp thấp của Bộ Giáo Dục.

Phục sức của cô ta rất giản dị vì không có những bộ quần áo đẹp, bởi vậy cô ta không vui với cảm giác như người bị rơi xuống từ một vị trí cao đẹp hơn. Vì đối với phụ nữ không có giai cấp hay thứ bậc cao trong xã hội, tuy rằng có nhan sắc, duyên dáng và quyến rũ cũng chẳng thay đổi được gì trước hoàn cảnh của gia đình. Chỉ có sự khéo léo bẩm sinh, bản năng thanh lịch, một trí óc thông minh là thứ bậc duy nhất của họ, để khiến người phụ nữ bình dân được xem là ngang bằng với những quý cô, quý bà ở giai cấp thượng lưu.

Mathilde đã cảm thấy đau khổ không ngừng, cô ta thầm nghĩ bản thân của cô, đáng lý, được sinh ra để tận hưởng những món ngon, vật lạ, và mọi thứ xa xỉ. Cô ta đau khổ trước sự nghèo nàn của  gia đình, trước sự trống trải không vật trang trí của của bốn bức tường, những chiếc ghế tồi tàn, những tấm rèm xấu xí. Tất cả những thứ đó, mà một người phụ nữ khác sẽ không bao giờ phải dùng đến, đã tra tấn cô ta, và khiến cô ấy tức giận. Hình ảnh một phụ nữ bình dân ở thành phố Breton nhỏ bé làm công việc nhà khiêm tốn đã khơi dậy trong cô những nỗi hối hận tuyệt vọng và những giấc mơ hoang mang. Cô nghĩ đến những căn phòng được treo bằng tấm thảm phương Đông sặc sỡ, được chiếu rọi bởi ánh sáng của những chiếc nến gắn trên những chân bằng đồng bóng loáng, và về đôi tay dựa trạm trổ thật đẹp của những chiếc ghế bành lớn đặt bên cạnh lò sưởi bập bùng lửa ấm. Cô nghĩ về những hành lang dài dẫn tới phòng khách  được trang trí bằng những giải lụa đắt tiền, những chiếc tủ trang nhã chứa những vật vô giá và những căn phòng tiếp khách đầy hương thơm để trò chuyện lúc 5 giờ chiều với những người bạn thân thiết, với những người đàn ông nổi tiếng được nhiều người biết đến, những người mà tất cả phụ nữ đều ghen tị và đều mong muốn được họ để ý đến.

Khi cô ngồi xuống ăn tối, trước chiếc bàn tròn phủ khăn trải bàn đã dùng từ ba ngày qua, đối diện với chồng cô, người đang mở vung liễn súp và tuyên bố với vẻ thích thú, “Ồ, món súp thật ngon! Tôi không biết có món gì ngon hơn thế nữa,” cô ấy đang nghĩ về những bữa tối sang trọng, về những món đồ bằng bạc sáng lấp lánh, về tấm thảm trải dài trên những bức tường có thêu những nhân vật cổ xưa và những con chim lạ đang bay giữa khu rừng cổ tích; và cô ấy đang nghĩ về những món ăn ngon được bày trên những chiếc đĩa tuyệt đẹp và về những lời khen và nụ cười dịu dàng trong khi đang thưởng thức những món ăn tuyệt vời.
Cô không có áo dạ hội, không có đồ trang sức, không có gì cả. Và cô không thích gì ngoài những thứ đó. Cô ta cảm thấy cô được sinh ra để có những thứ đó. Cô ta sẽ rất hài lòng khi bị người khác ghen tị, cô muốn được quyến rũ, được săn đón.
Cô có một người bạn, một người bạn học cũ, người này rất giàu có, và đó cũng là người mà cô không muốn gặp nữa, vì sẽ cảm thấy rất buồn khi quay trở về nhà.
Nhưng vào một buổi tối, chồng cô về đến nhà với vẻ mặt hân hoan và cầm trên tay một chiếc phong bì lớn.
“Đây,” anh ta nói, “có một tin vui đặc biệt cho em.”

Cô nhanh chóng xé phong bì và rút ra một tấm thiệp với những dòng chữ:
“Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Bà Georges Ramponneau trân trọng mời Ông Bà Loisel tham dự buổi dạ vũ tại đại sảnh đường của Bộ vào tối thứ Hai, ngày 18 tháng Giêng.”
Thay vì vui mừng, như chồng cô đã hy vọng, cô ném tấm thiệp mời lên bàn và lẩm bẩm:
– Anh muốn em phải làm gì với nó?
– Sao vậy em? Anh nghĩ rằng em sẽ vui mừng. Em rất ít khi đi ra ngoài, và đây là một cơ hội tốt. Anh đã cố gắng rất nhiều để có được tấm thiệp này. Mọi người đều muốn tham dự; đây là một buổi dạ vũ rất chọn lọc, rất ít nhân viên được mời. Tất cả các nhân vật cao cấp của Bộ và giới thượng lưu sẽ đều sẽ có mặt ở đó.
Cô ta nhìn chồng với ánh mắt cáu kỉnh:
– Vậy thì anh muốn em sẽ mặc thứ gì trên người?”
Người chồng thì thực sự đã không nghĩ đến điều đó. Anh ta lắp bắp:
– Anh thấy chiếc váy em mặc hôm đi xem hát trông rất đẹp, đối với anh.
Người chồng dừng bặt khi thấy vợ đang khóc. Hai giọt lệ từ khóe mắt đang từ từ chảy xuống đôi bờ môi. Anh vội vã hỏi:
– Sao vậy em? Có chuyện gì vậy?

Bằng một cố gắng phi thường, cô ta đã chiến thắng nỗi đau của mình và trả lời bằng một giọng bình tĩnh, trong khi lau đôi má ướt:
– Không có gì. Chỉ là em không có áo dạ hội, và như thế, em không thể đến dự buổi dạ vũ này. Hãy đưa thiệp mời này cho một đồng nghiệp nào đó của anh có vợ với nhiều trang phục đẹp hơn em.
Người chồng cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng anh ta lại tiếp tục:
– Xem nào, Mathilde. Với giá bao nhiêu để có một chiếc áo dạ hội phù hợp, mà sau đó em có thể dùng vào những dịp khác nữa – một chiếc áo không quá xa xỉ?
Cô ta lặng thinh suy nghĩ vài giây, tính nhẩm và tự hỏi mình có thể đòi hỏi một số tiền như thế nào để không bị từ chối ngay lập tức, cùng với một câu than thở từ người chồng, chỉ là một viên thư ký thường trong xã hội.
Sau cùng cô ta ngập ngừng trả lời:
– Em không biết chính xác giá là bao nhiêu, nhưng em nghĩ rằng với bốn trăm franc thì có thể xoay sở được.

Người chồng hơi tái mặt, bởi vì nó tương đương với số tiền mà anh ta đã dành ra để mua một khẩu súng săn để tự thưởng cho mình trong một cuộc săn bắn vào mùa hè năm sau trên cánh đồng Nanterre, cùng với một số bạn hữu đã từng cùng nhau đi săn chim ở đó.
Nhưng anh ta nói:
– Không sao. Anh sẽ cho em bốn trăm franc. Và em hãy cố gắng để có một chiếc áo dạ hội thật đẹp.
Ngày dạ hội gần kề và cô Loisel lại có vẻ buồn bã, bứt rứt, lo lắng, tuy rằng chiếc áo dạ hội của cô đã sẵn sàng. Một buổi chiều, người chồng nói:
– Có chuyện gì vậy? Ba ngày qua, trông em có vẻ gì rất lạ.
– Em cảm thấy thật khó chịu khi không có một món đồ trang sức nào để đeo. Em trông như một kẻ nghèo nàn. Thế cho nên gần như không muốn đi dự dạ hội chút nào nữa cả.

– Em có thể trang sức bằng những đoá hoa tươi. Chúng hiện đang là thời trang trong năm. Với mười franc, em có thể mua được hai hoặc ba bông hồng rất đẹp.
Cô xem ra không dễ bị thuyết phục.
– Không, không có gì xấu hổ hơn là trông có vẻ nghèo nàn giữa những người phụ nữ giàu có khác.
Người chồng nói:
– Vậy thì sao em không đến gặp bạn em, bà Forestier, và yêu cầu bà ta cho em mượn một ít đồ trang sức. Em là bạn thân của bà ta mà.

Người vợ thốt lên một lời sung sướng:
– Đúng vậy! Thế mà em không nghĩ ra.
Ngày hôm sau, cô ta đến gặp người bạn thân của mình và kể cho cô ấy nghe về nỗi ray rứt của mình.
Bà Forestier đi đến tủ quần áo có chiếc gương lớn, lấy ra một hộp đựng nữ trang lớn, mở ra và nói với cô Loisel:
– Bạn hãy tuỳ ý lựa chọn.
Lần đầu tiên cô được nhìn thấy một số vòng đeo tay, một chiếc vòng đeo cổ bằng ngọc trai, sau đó là một bộ thập tự giá bằng vàng của Venice với những viên đá quý, thật đẹp. Cô thử các đồ trang sức trước gương, do dự và không thể quyết định. Cô hỏi:
– Bạn còn thứ gì khác nữa không?
– Ồ, có chứ. Thế nhưng tôi không thể đoán là bạn thích gì.
Đột nhiên cô nhìn thấy trong một chiếc hộp được lót bằng vải sa tanh đen, một chiếc vòng đeo cổ kim cương tuyệt đẹp, và trái tim cô đập rộn ràng trong niềm khao khát khôn nguôi. Tay cô run lên khi cầm lấy nó. Cô đeo nó lên cổ, bên ngoài cổ áo cao, và ngây ngất trước hình ảnh của mình trong gương.
Sau đó, cô ấy hỏi, ngập ngừng, và lo lắng:
– Bạn cho tôi mượn chiếc vòng này, chỉ chiếc vòng này thôi, được không?
– Không có gì. Dĩ nhiên là được.

Cô vòng tay qua cổ bạn mình, và tặng bạn một chiếc hôn trên má thật nồng thắm, và trở về nhà với báu vật đó.
Trong buổi tối dạ tiệc, Loisel đã thoả ước vọng từ bao lâu nay. Cô ta xinh đẹp hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác, thanh lịch, duyên dáng, tươi cười và vui vẻ. Tất cả những người đàn ông đều nhìn cô, hỏi tên cô, tìm cách tự giới thiệu. Tất cả các thành viên cao cấp của Bộ đều mong muốn được khiêu vũ cùng cô. Cô được chính ông bộ trưởng ngỏ lời khen ngợi.
Cô ta đã khiêu vũ trong sự sung sướng, với niềm đam mê, say đắm trong khoái lạc, quên đi tất cả mọi thứ xung quanh, trong niềm hân hoan, tự hào về sắc đẹp của cô, trong vinh quang của sự thành công, trong một đám mây hạnh phúc bao gồm tất cả sự tôn trọng, ngưỡng mộ, những khao khát trổi dậy và ý nghĩa của chiến thắng đó là hương vị rất ngọt ngào đối với trái tim của người phụ nữ.
Cô ta rời buổi dạ vũ vào khoảng bốn giờ sáng. Chồng cô đã ngủ từ nửa đêm trong một căn phòng nhỏ vắng vẻ với ba người đàn ông khác có vợ cũng đang say mê với đêm dạ vũ.
Người chồng quàng lên vai vợ một chiếc áo choàng ấm mà anh đã mang theo, một chiếc khăn choàng xoàng xĩnh, nghèo nàn, của giới bình dân, thật tương phản với vẻ sang trọng của chiếc áo dạ hội mà cô đang mặc. Cô cảm thấy ngượng về điều này và muốn tránh để không bị nhìn thấy bởi những người phụ nữ khác, những người đang khoác trên mình những chiếc áo lông đắt giá.
Người chồng níu cô lại, nói:
– Chờ anh một chút. Ra ngoài bây giờ em sẽ bị cảm lạnh. Để anh gọi taxi.

Nhưng cô không nghe anh ta và nhanh chóng đi xuống cầu thang. Khi đến đường, họ không thể tìm thấy một chiếc xe taxi nào cho dù đã gọi khản cổ với những chiếc taxi chạy qua ở khoảng xa.
Họ đi về phía sông Seine trong tuyệt vọng, rùng mình vì lạnh. Cuối cùng, họ cũng tìm được một chiếc taxi cũ mèm, có lẽ chỉ dám xuất hiện trong đêm tối vì sẽ để lộ ra sự xấu xí của nó vào ban ngày, đó là những chiếc taxi không bao giờ được nhìn thấy quanh Paris cho đến khi trời tối.
Chiếc taxi xấu xí đó đưa họ về đến nơi ở của họ ở Rue des Martyrs, và với dáng điệu mệt mỏi, họ đã lê từng bước chân trên chiếc cầu thang để lên căn phòng của mình. Đối với cô thì mọi việc đã xong. Nhưng đối với người chồng, thì anh ta phải có mặt tại sở lúc mười giờ sáng hôm đó.
Cô cởi chiếc áo choàng của mình, và đứng trước tấm kính để một lần nữa nhìn thấy chính mình trong tất cả vinh quang vừa đạt được của cô ta. Nhưng đột nhiên cô ta bật lên tiếng la hốt hoảng. Bởi vì chiếc vòng đã không còn trên cổ cô ta nữa!
– Chuyện gì vậy em?
Với khôn mặt thất thần, cô quay về phía chồng:
– Em đã … em đã … em đã đánh mất chiếc vòng đeo cổ của Bà Forestier
Và nước mắt của cô tuôn dài trên má.
Người chồng ngơ ngác đứng lặng người, lắp bắp:
– Cái gì! … Tại sao? … Không thể nào!

Và rồi cả hai vợ chồng lục lọi từng nếp gấp của chiếc áo dạ hội, trong túi, tất cả mọi nơi, nhưng vẫn không tìm thấy nó.
Người chồng hỏi:
– Em có chắc là em vẫn còn đeo nó khi rời dạ hội?
– Chắc chắn. Em vẫn còn cảm thấy nó trên cổ khi ra phòng ngoài, lúc ra về.
– Có thể em đã làm mất nó khi đi trên đường, thế nhưng chúng ta phải nghe thấy khi nó rơi xuống đường. Hay là nó rơi trên xe taxi?
– Có thể là vậy. Anh có nhớ số của chiếc taxi đó không?
– Không. Còn em thì sao?
– Cũng không.

Họ nhìn nhau trong ánh mắt kinh hoàng. Sau cùng thì người chồng mặc quần áo vào:
– Anh sẽ đi bộ lại quãng đường mà chúng ta đã đi qua, xem có thể tìm thấy nó không.

Anh chồng bước ngay ra khỏi nhà, và người vợ thẫn thờ ngồi bệt trên chiếc ghế để chờ chồng. Đầu óc trống rỗng, cô ta không còn một chút sức lực nào để lê mình đến chiếc giường ngủ.
Người chồng trở về lúc bảy giờ sáng, không tìm thấy gì cả.
Anh ta đã ghé qua sở cảnh sát để khai báo, đến toà báo để đăng giải thưởng cho người nhặt được; anh cũng đến hãng taxi, khắp nơi, chỗ nào cho anh chút hy vọng mỏng manh là sẽ tìm được chiếc vòng đeo cổ đó.
Người vợ thì đã ngồi yên trên chiếc ghế để chờ chồng trong trạng thái lo sợ cùng cực trước tình thế khủng khiếp như thế này. Và rồi người chồng đã trở về với đôi bàn tay không. Anh nói:
– Em nên viết thư cho bạn em và nói rằng em đã vô tình làm gẫy cái khoen cài của chiếc vòng và đã đem ra tiệm để sửa. Như thế chúng ta sẽ có thời gian để tìm cách hoàn trả lại cho bạn em.
Người vợ đã viết như lời người chồng nói.
Đến cuối tuần thì họ đã hoàn toàn thất vọng. Và cả hai vợ chồng trông đã già đi cả năm tuổi.
– Chúng ta phải tìm cách thay thế chiếc vòng đã mất.

Ngày hôm sau họ đem chiếc hộp đến tiệm bán nữ trang, với tên in trên chiếc hộp đó, để hỏi thăm. Thế nhưng tiệm kim hoàn cho biết:
– Chúng tôi không bán loại nữ trang này, mà chỉ cung cấp hộp đựng nữ trang mà thôi.
Và rồi, họ đi từ tiệm kim hoàn này sang tiệm kim hoàn khác, tìm kiếm một chiếc vòng cổ giống như đã mượn, cố gắng để tìm cho thật giống, cả hai đều chán chường và đau buồn.
Và sau cùng thi họ tìm thấy, trong một cửa hàng nữ trang ở Palais Royal, một chiếc vòng đeo cổ kim cương, mà đối với họ, dường như giống hệt với chiếc vòng mà họ đã đánh mất. Nó trị giá bốn mươi ngàn franc. Và họ được cho biết là có thể mua với giá ba mươi sáu ngàn franc.

Vì vậy, họ xin tiệm kim hoàn đừng bán nó trong ba ngày. Và họ đã trả giá được là ba mươi bốn nghìn franc, phòng trường hợp họ sẽ tìm thấy sợi dây chuyền bị mất trước cuối tháng Hai.
Anh Loisel hiện có mười tám nghìn franc mà cha anh đã để lại cho anh. Anh ta sẽ vay phần còn lại.
Anh ta đã vay mượn khắp nơi, một ngàn franc nơi này, năm trăm franc nơi khác, thậm chí năm franc ở đây, ba franc ở kia. Anh ta đã ghi chép cẩn thận, bằng lòng vay mượn với tất cả điều kiện của những người cho vay, cho dù với giá cắt cổ, thậm chi chưa chắc có thể trả nợ được, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng. Anh ta đã đã đem tất cả những ngày còn lại của cuộc đời mình, liều mạng ký vào những tờ giao kèo vay nợ mà không hề biết liệu mình có thể hoàn trả được nó hay không; và, sợ hãi vì những rắc rối sẽ xảy đến, bởi sự khốn khổ đen đủi sắp ập đến với anh ta, bởi viễn cảnh của tất cả những hậu quả về vật chất và tinh thần mà anh ta sẽ phải chịu đựng. Anh ta đã mua được chiếc vòng đeo cổ mới, sau khi đặt đặt lên quầy của tiệm kim hoàn ba mươi sáu nghìn franc.
Khi cô Loisel đem trả lại chiếc vòng đeo cổ, bạn cô, bà Forestier đã nói với cô ta với vẻ lạnh lùng:
– Bạn nên trả lại tôi sớm hơn; vì tôi cần nó.

Cô Loisel đã không dám mở chiếc hộp, vì sợ rằng người bạn sẽ nhận ra không phải là chiếc vòng đã cho mượn. Nếu người bạn biết ra sự thay thế, bà ta sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì? Bà ta có thể sẽ nghĩ rằng cô Loisel là một kẻ gian chăng?
Và như thế, cô Loisel đã thấu hiểu được sự đau khổ khủng khiếp của những người nghèo. Tuy nhiên, cô ấy đã chịu đựng phần của mình, và làm một hành động rất can đảm và anh hùng một cách thật là đột ngột. Món nợ khủng khiếp đó sẽ phải trả. Cô và chồng sẽ trả nó. Họ từ bỏ tất cả những gì đang có; họ đã thay đổi chỗ ở, và thuê một căn gác tồi tàn làm nơi trú ngụ.
Cô ấy đã phải làm những công việc nặng nhọc như những công việc giữ gìn, lau chùi nhà bếp bẩn thỉu, ghê tởm. Cô rửa bát, dùng những ngón tay xinh xắn và móng tay hồng hào của mình trên những chiếc xoong, chảo đầy dầu mỡ. Cô đã giặt khăn trải giường bẩn, áo sơ mi và khăn lau bát đĩa, rồi đem phơi trên những sợi dây phơi quần áo; sáng nào cô cũng phải lê đôi dép xuống phố và gánh nước thuê, chỉ dừng lại thở mỗi khi quá mệt. Và ăn mặc như một phụ nữ bần cùng, khi đến những hàng bán trái cây, tạp hóa, bán thịt, với chiếc giỏ trên tay, cô đã mặc cả, tiết kiệm, bảo vệ số tiền khốn khổ của cô ta, từng đồng xu một.
Hàng tháng, họ phải đối diện với những giấy tờ vay mượn đáo hạn, năn nỉ xin thêm thời gian, khất lần, xin gia hạn…
Chồng cô thì phải làm việc thêm vào buổi tối, trong đêm khuya anh ta sao chép bản thảo, giấy tờ cho khách hàng với giá rẻ mạt, chỉ có 5 xu một trang.
Cuộc sống ấy đã kéo dài suốt mười năm.

Sau mười năm, họ đã trả được tất cả những món nợ, tất cả, kể cả những món nợ cho vay cắt cổ.
Cô Loisel giờ trông đã già. Cô đã trở thành người phụ nữ của những gia đình nghèo khó – mạnh mẽ, cứng rắn và thô kệch. Với mái tóc bù xù, váy áo xộc xệch và bàn tay thô kệch, cô ta thường to tiếng trong khi lau rửa sàn nhà với những vũng nước lớn. Nhưng đôi khi, lúc chồng cô còn đang làm việc ở văn phòng, cô ngồi xuống chiếc ghế gần cửa sổ và nghĩ về buổi tối đầy hoan lạc cách đây rất lâu, về buổi dạ vũ mà cô là người rất đẹp và rất được ngưỡng mộ.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ấy không làm mất chiếc vòng đeo cổ đó? Ai biết? Ai biết? Cuộc đời thật kỳ lạ và thay đổi làm sao! Một vật nhỏ bé có thể làm nên hoặc hủy hoại cuộc đời của chúng ta !
Thế rồi vào một ngày chủ nhật, khi đang đi dạo ở đại lộ Champs Elysees để khuây khoả bản thân sau những vất vả trong tuần, cô chợt nhận ra một người phụ nữ đang dắt theo một đứa trẻ. Đó là bà Forestier, vẫn trẻ, vẫn đẹp, vẫn quyến rũ.

Cô Loisel cảm thấy rất xúc động. Cô ấy tự hỏi có nên nói chuyện với bà ta không? Được chứ. Cô ta đã trả xong nợ, cô sẽ kể cho bà ta nghe tất cả về điều đó. Tại sao lại không?
Và cô Loisel đã đi đến trước mặt bà Forestier.
– Chào bạn, chúc bạn một ngày tốt lành, Jeanne.
Bà Forestier, ngạc nhiên khi được người nghèo nàn xưng hô một cách quen thuộc với mình, bà  hoàn toàn không nhận ra cô Loisel, và lắp bắp:
– Thưa bà! … Tôi không biết … Chắc bà đã lầm người …
– Không lầm đâu. Tôi là Mathilde Loisel.

Bạn của cô ta đã kêu to:
– Ôi, Mathilde, sao lại ra như thế này? Người bạn đáng thương của tôi! Bạn đã quá thay đổi!
– Đúng vậy, tôi đã có một cuộc sống rất khổ cực, kể từ lần cuối tôi nhìn thấy bạn, và sự nghèo khổ cùng cực này là do bạn mà ra!
– Do tôi làm ra? Tại sao vậy?
– Bạn có nhớ chiếc vòng đeo cổ kim cương mà bạn cho tôi mượn để đeo ở buổi dạ vũ ở bộ Giáo Dục không?
– Nhớ. Mà sao vậy?
– Tôi đã làm mất nó.
– Bạn nói gì tôi không hiểu. Bạn đã đem nó trả lại cho tôi rồi mà.
– Đúng. Tôi đã trả lại bạn bằng một chiếc khác giống hệt như nó. Và chúng tôi đã mất mười năm để trả nợ cho nó. Bạn có thể hiểu rằng điều đó không hề dễ dàng đối với chúng tôi, những người không có gì. Nhưng cuối cùng thì cũng đã xong, và tôi rất vui.
Bà Forestier khựng lại:
– Bạn nói rằng bạn mua một chiếc vòng kim cương khác để trả cho tôi?
Với nụ cười hãnh diện trên môi, Loisel tự hào:
– Đúng vậy. Như thế là bạn chưa bao giờ nhận ra điều đó! Chúng rất giống nhau phải không?
Bà Forestier, vô cùng xúc động, nắm chặt lấy tay người bạn thân từ thuở thiếu thời, giọng nói chìm trong tiếng nấc nghẹn ngào:
– Ôi, Thật tội nghiệp cho người bạn của tôi! Chiếc vòng đeo cổ của tôi chỉ là hàng giả để trang sức! Nó chỉ trị giá nhiều nhất là năm trăm franc mà thôi!

Bùi Phạm Thànhchuyển ngữ

Chú thích:
The Necklace by Guy de MaupassantChuyện Chiếc Vòng Đeo Cổ (1884) là một truyện ngắn và cũng là một câu chuyện đạo đức nổi tiếng được đọc nhiều trong các lớp học trên khắp thế giới.

Related posts