PHAN
Có việc gì đó trong lòng làm người ta luôn bất an, muốn giải quyết dứt điểm một lần để an yên nhưng không có cách, và theo ngày tháng trở thành sự trăn trở làm cho cuộc sống mất thanh an. Khác với những việc trong khả năng như đau răng thì đi nha sĩ, cái răng còn trám được thì trám, nếu nó đã quá tệ thì nhổ bỏ. Việc trồng răng giả phải làm liền hay từ từ cũng được thì làm ngay hay hoãn lại tới lúc có điều kiện, thời gian thì làm. Tóm lại là sớm hay muộn cũng giải quyết được chuyện cái răng đau một cách triệt để vì nhất đau mắt nhì dắt răng, nói gì đau răng, ai mà chịu được.Nhưng chuyện quốc-cộng trong lòng người Việt nam đã nửa thế kỷ vẫn không lối thoát, sự trăn trở nhẵn mặt thời gian đến trở thành nỗi ám ảnh với những ai còn trăn trở về biến cố lịch sử ba mươi tháng tư năm một chín bảy lăm; nhất là sự sụp đổ của chính quyền A Phú Hãn ở Nam Á vào trung tuần tháng tám vừa qua, hình ảnh thủ đô Kabul thất thủ gợi nhớ lại Sài gòn vào nửa thế kỷ trước, làm vết thương lòng của những người yêu chuộng tự do Việt nam lại sưng tấy lên những đau nhức cũ.
Nhưng khi có dịp ngồi trò chuyện với những bậc cao niên ở địa phương, họ là những người có ăn có học ngày xưa ở miền nam, đa phần họ đều nghĩ khi đất nước không còn cộng sản thì tôi sẽ về. Và cứ như thế tôi đã lần lượt đi viếng tang những bậc nhân sĩ trí thức của miền nam nhắm mắt xuôi tay nơi xứ người sau mấy mươi năm biệt xứ, vì ai cũng biết cộng sản không bao giờ tự tuyên bố giải tán đảng cộng sản Việt nam, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam… chẳng lẽ các cụ là những người có ăn có học lại không biết điều đó khi tuyên bố bao giờ Việt nam hết cộng sản thì tôi về. Cũng có thể xem đó là lời tự an ủi, biện minh cho thế hệ đã lực bất tòng tâm vì không ai cướp chính quyền thì đời nào cộng sản chịu buông bỏ quyền lực và quyền lợi của họ.
Ngồi xem tin tức trên truyền hình, xem Kabul thất thủ mà đau lại vết thương xưa khi rứt ruột rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là Sài gòn. Nghĩ về những người lính cũ đã uổng mạng, bị cướp tuổi thanh xuân quăng vào cuộc chiến vô nghĩa thì giờ đây đã thành những ông lão lực bất tòng tâm sống vất vưởng trong ánh tà huy nơi xứ người. Nhưng đến thế hệ con em của họ là chúng tôi, thế hệ chứng nhân lịch sử của cuộc chiến tranh Việt nam nổi tiếng thế giới. Những người bạn tôi nhưng cha anh họ ở bên thắng trận thì họ có cuộc đời vinh hoa phú qúy ngay sau chiến thắng của cha anh họ. Những người bạn như tôi là cha anh bên thua trận thì đều vất vả hồi còn trong nước. Con đường sống của chúng tôi chỉ có một cách là ra hải ngoại. Biết bao nhiêu bạn bè đã ra hải ngoại, biết bao người tay trắng làm nên, biết bao người chết giẫm chết dúi với nghiện ngập, trác táng trong lặng lẽ quê người; còn bao nhiêu nữa những bạn bè không ra hải ngoại được, họ sống trên quê hương như khách lạ từ khi còn trẻ thì nay cũng đã già.
Đã ít nhất là hai thế hệ người Việt đau đáu trong lòng về chuyện quốc-cộng ở quê ta. Nhưng đã nửa thế kỷ thời gian trôi qua, người hải ngoại được tự do biểu đạt thì chung cuộc cũng không làm được gì, người trong nước bị bức bách riết thành quen. Thế hệ tiếp nối mà tôi gặp từ những người sinh ra trước hay sau biến cố 1975 vài năm thì họ không mặn mà chuyện chiến tranh Việt nam, chuyện ý thức hệ quốc-cộng vì họ chưa sinh ra hay đã sinh ra nhưng chưa đủ lớn để hiểu biết, không bị phân biệt đối xử, trả thù hèn mọn nên không thấm đòn thù của cộng sản. Họ chỉ lặng lẽ không thích cộng sản vì họ thiếu tự do. Quay về gia đình, họ cũng không vui dù không dám trách cha mẹ đã cho họ cái lý lịch không đủ để nhà nước có thể cho họ chức quyền là chìa khoá của giàu sang trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Có thể nói là sau khi Việt nam mở cửa ra với thế giới vào năm 1985 thì ý thức hệ quốc-cộng đã nhạt phai so với mười năm trước khi biến cố lịch sử quê nhà xảy ra. Thế hệ trẻ lớn lên với chiến tranh và hoà bình không có mùi thuốc súng, lại sau mười năm đóng cửa đói nghèo nên họ chỉ còn giấc mơ Mỹ là tối thượng, họ tôn thờ vật chất nên tôn thờ nước Mỹ là thiên đàng trên mặt đất. Họ hạnh phúc khi có được cái nón kết, chiếc áo thun, đôi giày có ba chữ USA; họ rành rẽ về những người giàu có, người nổi tiếng ở Mỹ nhiều hơn hiểu biết về những nhân vật lịch sử trong lịch sử Việt nam. Họ tìm đường đến Mỹ, tìm cách định cư; ai làm được hai điều ấy là được bạn bè họ kể như họ đã thành công. Những bạn bè còn lại sẽ lấy kinh nghiệm từ họ, nhận hướng dẫn, giúp đỡ từ họ để cuối cùng cũng đến được Mỹ, tìm cách ở lại Mỹ như họ. Nhìn lại thế hệ này cũng đã năm mươi tuổi, người ta biết nhiều về những người thành công vì những người thất bại đi lối riêng ít ai biết. Nhưng thế hệ này đa phần không thích nghe về chuyện chiến tranh Việt nam vì họ không quan tâm nhưng nguỵ biện có lý là họ có biết gì đâu vì chiến tranh kết thúc thì nọ chưa sinh ra hay mới hai ba tuổi thì biết gì? Người có biết ít nhiều vì là con nhà H.O hay cựu quân dân cán chính Việt nam Cộng hoà thì chẳng nhẽ không biết gì về việc vì sao cha mình phải đi tù cộng sản sau hoà bình, vì sao mình được đi Mỹ định cư với diện H.O?
Nhưng thế hệ này ít biểu lộ quan điểm chính trị vì họ hiểu rõ hơn thế hệ trước là việc họ tự do đi về giữa Việt nam và Mỹ sẽ có lợi hơn cho họ là ra mặt chống cộng như thế hệ trước, nhưng có làm được gì đâu? Ai bị cộng sản cấm về nước thì lấy đó làm huân chương chống cộng cho mình là cùng; nhưng họ bộc bạch không chống cộng thì bị người Việt hải ngoại tẩy chay nên cũng khó làm ăn. Họ lảng tránh những cuộc tranh luận trong bạn bè, hội họp ngoài cộng đồng có tính chất chính trị. Thế hệ này rất khôn ngoan vì họ được sinh ra, lớn lên giữa hai làn đạn nên họ không theo bên nào mà theo cái gốc cây… chờ im tiếng súng.
Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên với thế hệ sau nữa là những cô cậu đi bảo lãnh diện O.D.P. những du sinh hàng con cháu… Cậu nhỏ đến làm việc vài tiếng/ ngày cho toà soạn mấy năm trước thì nay cậu cũng đã ra đại học, có việc làm nên bắt đầu nói chuyện trên mây. Thỉnh thoảng anh em làm báo có dịp gặp nhau trong sinh nhật ai đó, ngồi nghe cậu nói về thị trường chứng khoán như một nhà đầu tư lão luyện. Nhưng nhìn lại lương kỹ sư ở Mỹ lại còn độc thân, ăn ở ké với bên nhà vợ là cô bạn học mà cậu đã chài được trong mục đích tìm đường ở lại. Sao cậu vẫn nghèo, đi xe cũ, lúc nào gặp cũng than thở về nợ học… vì cậu chơi chứng khoán nhưng không bao giờ gặp may chăng? Thôi thì đó cũng chỉ là mặt đời sống, mỗi người có cách tính toán, tiêu xài riêng mà thành thiếu hụt hay dư giả. Nhưng mặt tinh thần của cậu ra sao? Chắc chắn là cậu có tinh thần sung mãn và quyết tâm làm giàu không ai sánh kịp, nhưng tinh thần quốc gia dân tộc thì sao? Cậu đã làm cho lớp đàn anh, những người thuôc hàng cha chú là nhàn văn, nhà thơ đều sững sờ với một hậu duệ có cơ hội ăn học ở Mỹ. Cậu nói với nhà thơ già, “Con không hiểu sao tiệc nhậu nào thì mấy chú bác với các đàn anh ở đây đều nói về chiến tranh Việt nam. Thôi thì cũng được vì đó là thời của các chú bác, các đàn anh ở đây nên có dịp gặp lại nhau thì nhắc chuyện cũ như kỷ niệm cũng không sao, nhưng con nghe chán quá! Còn con sinh năm 1995 nên con sinh ra chỉ biết nước Việt nam không có chiến tranh, giàu có không bằng Mỹ nhưng ngon lành hơn những nước láng giềng, trong xóm con không có ai bị chết đói… Con thấy Việt nam OK. Nhưng từ khi con ra hải ngoại, đi đâu cũng nghe người Việt bên này chống cộng.”
Ông lính già hỏi trẻ, “Vậy sao con không ở lại trong nước để sống trong niềm tự hào Việt nam ngon hơn những nước láng giềng? Tại sao con qua Mỹ để có cố gắng đậu thủ khoa ở trường đại học thì cũng vẫn bị sinh viên người bản xứ nhìn con là một di dân?”
“Chú nói sao vậy? Con đậu thủ khoa đại học ở Việt nam thì lương con cũng còn thua xa con đậu hạng bét ở đại học Mỹ. Nhiều người hỏi con học xong sao không về phục vụ quê hương? Con thực sự không hiểu nổi cha chú, đàn anh nghĩ gì trong đầu mà hỏi con như vậy? Có ai bỏ chỗ làm lương cao hơn để đi làm nơi trả lương mình thấp hơn? Có ai ở Việt nam mà không muốn qua Mỹ, sao lại đi hỏi con tới được Mỹ rồi, ở lại được rồi… mà hỏi con sao không về?”
“…”
Tôi ngồi nghĩ về những trăn trở trong lòng nhà thơ già – người lính cũ kia; nghĩ về tức tưởi trong lòng người bạn trẻ trước những người nói cùng thứ tiếng, chung màu da nhưng khác thế hệ nên không hiểu anh ta. Nhưng khi bàn tiệc chuyển qua đề tài về Biển Đông, về Trung cộng thì anh nêu ý kiến, “Theo em, nước Việt nam mình nên giao hết cho Trung quốc quản lý là mình ăn đứt Lào, Miên, Campuchia, qua mặt Thái lan cũng không khó vì người Việt mình giỏi lại siêng hơn. Thậm chí người Tàu cũng không hơn người Việt mình được vì khi còn trong nước, em đi cũng nhiều qua những nước lân bang, em quan sát thấy vậy.”
Người bạn năm mươi tuổi thở dài, nói với người bạn trẻ. “Ở đây là nhà anh, những người ngồi đây là chú bác, đàn anh trong toà soạn nên ai cũng biết em hết rồi! Nhưng ra ngoài, đi đâu, em không bao giờ nói như vậy được đâu nha. Vì hết dòng lịch sử Việt nam là lịch sử chống ngoại xâm, kẻ thù không đội trời chung với dân tộc Việt là giặc Tàu phương bắc. Vậy mà em đem nước Việt nam đi dâng cho Tàu khựa. Anh bạn nửa chừng xuân quay qua bô lão trong làng báo để cứu vớt đàn em ngu ngơ đến không ngờ. Anh nói với chú bác, đàn anh lớn hơn anh, “Thằng này qua Calif thì cứ tính ngày đi của nó là ngày giỗ nó luôn là vừa, vì nó ăn nói kiểu này thì quán xá bên Calif cho nó ăn ghế lên đầu…”
Với tôi vẫn chưa hết thắc mắc về những người trong nước bây giờ, tôi hỏi anh ta, “Em nghĩ sao mà lại có ý tưởng giao nước Việt nam cho người Tàu quản lý?”
Anh ta trả lời tôi, “Anh coi. Chuyện của ba em là chuyện em nghe từ hồi ba mẹ em đẻ em ra. Ba em lúc nào than phiền bị phân biệt đối xử vì ông nội em là sĩ quan trong quân lực Việt nam Cộng hoà. Chuyện của mẹ em là chuyện con gái cưng của ông cán bộ tập kết ra bắc thời chiến tranh, nhưng sau hoà bình bị phân biệt đối xử với những đồng chí ngoài bắc vào nam công tác… Em lớn lên, đi ra hải ngoại biết thêm về cộng đồng người Việt hải ngoại chống cộng quyết liệt hơn những người bất mãn chế độ trong nước như ba mẹ em. Nhưng nghĩ kỹ chống cộng ở hải ngoại không bị bắt, không đi tù, không chết bất minh trong đồn cảnh sát… nên người Việt hải ngoại chống cộng mạnh hơn người Việt trong nước chứ chả phải là căm thù hơn hay yêu nước Việt hơn người trong nước. Song đi xa hơn, em thấy bên thua trong chiến tranh Việt nam thì ai chạy được ra nước ngoài đều chống cộng công khai, ai còn trong nước thì chống đối âm thầm. Vậy bên thắng nắm trọn quyền lãnh đạo đất nước trong tay thì cũng không làm được gì sau năm mươi năm trời thống nhất đất nước. Điều duy nhất họ làm được là tham nhũng có hệ thống từ trung ương tới địa phương, nên một ngàn năm nữa thì Việt nam vẫn tụt hậu vì toàn dân là nô lệ cho nhà cầm quyền. Nên em nghĩ giao Việt nam cho Trung quốc quản lý thì Việt nam bây giờ phát triển, hiện đại cũng cỡ Trùng Khánh hay Thiểm Tây bên Trung quốc vì người Việt mình giỏi lại siêng…”
Tôi vẫn không thể hiểu nổi anh bạn trẻ này là con người thực tế đến phi chính trị, phi tổ quốc thế sao? Với anh, không lẽ chỉ có giàu có, hiện đại như Trùng Khánh và Thiểm Tây mới là mục đích sống; giang sơn gấm vóc, tổ quốc linh thiêng đều là những thứ không ăn được. Ôi chàng trai nước Việt hai mươi sáu tuổi, tốt nghiệp đại học ở Mỹ mà suy nghĩ về quốc gia dân tộc như vậy thì cộng sản còn thống trị Việt nam lâu dài vì thành phần chống cộng chỉ già yếu đi tới chết hết là hết. Lớp trẻ hậu duệ càng trẻ càng u mê thì ai cứu nước đổi đời, lịch sử sang trang cho Việt nam khi mất đất còn có ngày lấy lại chứ đã mất người thì hành vi lấy lại đất là cướp đất vì người đã thuộc vế phía bên kia…
Đến trẻ hơn anh bạn du sinh hai mươi sáu tuổi là thằng nhóc mới mười tám tuổi đã xa nhà, khoác ba lô sang Mỹ du học. Cha mẹ nó là bạn tôi nên nhờ tôi giúp cháu mua cái xe cũ để đi học, nhờ đứng tên bảo trợ cho nó mượn tiền nhà băng để mua xe chứ nó chưa có gì ở Mỹ.
Một thằng nhỏ tháo vát, nhanh nhạy. Nó nắm bắt thị trường xe cũ ở Mỹ rất nhanh khi nói với tôi, “con bị vuột mất mấy chiếc xe rồi. Cứ chiếc nào thấy được xe, được giá đều bị người khác mua trước mình một ngày, một vài giờ, thậm chí có chiếc bị người ta mua trước con chỉ một cú điện thoại… chú có cách nào không?”
“Cách của chú rất đơn giản, nhưng con chưa đủ tuổi đời để chấp nhận vì theo chú, cái gì thuộc về mình nó tự biết cách đến với mình. Cái không thuộc về mình thì dù có giành giật tới đổ máu thì vết thương chưa lành nó đã ra đi…”
Nó cười khanh khách, nói: “Câu này con nghe quen quen. Nhớ bà ngoại con quá!”
“…”
Cuối cùng thằng nhỏ cũng mua được cái xe như ý, giá cả phải chăng. Thằng nhỏ làm cho tôi có cảm tình với nó khi nó tâm sự, “Con sẽ đi cái xe này tới cuối cùng…”
“Ý con nói là sao?”
“Hồi con đi học bên Việt nam, ba mẹ mua cho con chiếc xe gắn máy thường thôi. Nhưng khi phải bán nó vì con đi học bên Mỹ, không cần nó nữa. Con thấy sao sao trong người con. Con thương cái xe của con dù nó là cái xe tầm thường thôi. Tới cái xe hơi này là lần đầu tiên, chiếc xe hơi đầu tiên trong đời con tự đi mua. Con thích nó từ lần đầu tiên lái thử nên con đi nó tới cuối cùng, con không bán, không cho ai hết. Cho dù sau này con học ra trường, có việc làm, có thể mua xe mới thì con cũng không mua xe mới đâu. Con đi cái xe này tới cuối cùng…”
“…”
À. Thì ra chữ “cuối cùng” nó dùng mang hết tính cách, tâm tư của nó đủ tư cách để thành người trước khi thành tài. Thôi mừng cho cha mẹ nó biết dạy con. Nhưng khi nó nói tới chuyện quốc-cộng thì tôi hơi lùng bùng lỗ tai vì tiếc cho một tiềm năng có tư chất. Nó nói với tôi, “Trong dòng họ, gia đình con đâu có ai ưa cộng sản nên sống thì cứ sống vì đâu có ai nuôi mình. Nên con cũng không hiểu vì sao cứ phải ghét cộng sản khi mình không làm gì được họ mà họ cũng không cho mình được gì. Nếu nói con suy nghĩ thì con chỉ biết khi con được sinh ra thì nước Việt nam là như vậy sẵn rồi. Bây giờ nó vẫn vậy. Con có nghĩ, nếu Việt nam cứ vẫn vậy là tụt hậu so với thế giới. Nhưng con nhìn lại những nước cộng sản còn sót lại trên thế giới thì nước Việt, người Việt là sướng nhất trong những nước cộng sản còn sót lại trên địa cầu…”
Tôi hỏi nó, “Con không muốn người Việt, nước Việt mình văn minh, hiện đại ngang bằng với với Hoa Kỳ hay các nước tây phương sao? Sao lại đi so mình với những địa ngục trần gian còn sót lại trên địa cầu?”
Nó không trả lời nổi câu hỏi khó mà tôi đoán là từ lúc được sinh ra nó đã được dạy dỗ đánh đổi sự chấp nhận lấy sự bình an. Gia đình, cha mẹ nó đã giấu kín bất mãn trong lòng, cả đời họ để đánh đổi sự bình an cho con cái có tương lai. Nó hình thành thói quen cho đời sau là bằng lòng với hiện tại từ nhỏ để có cơ hội trưởng thành chứ không chọn đứng lên để chết non…
…
Còn gì không để trăn trở hay trăn trở đã thành bệnh mãn tính của người Việt từ thế hệ tôi về trước. Những thế hệ sau đã có cách nghĩ, lối đi riêng của họ. Dù rất khó coi khi nhìn qua lăng kính của những thế hệ trước. Vậy thế hệ nào dễ chấp nhận ý kiến trái chiều hơn thế hệ nào? Thế hệ nào sẽ bị đào thải theo vòng quay nghiệt ngã của thời gian?
Kabul đang thất thủ trên màn hình tivi. Tôi thất thủ lần hai trong đời người ngắn ngủi khi nghĩ đến những hậu duệ của người Việt bây giờ được ăn học ở nước ngoài, nhưng bộ óc của họ đã bị tẩy não từ trong trứng…
Phan