Afghanistan : Tính chính đáng, thách thức sống còn cho Taliban

Anh Vũ

Lực lượng Taliban tuần hành ở Qalat, tỉnh Zabul, Afghanistan, ngày 19/08/2021. Via REUTERS – Social Media

Hôm 31/08/2021, những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Kabul, đánh dấu một trang mới cho Taliban. Phong trào Hồi Giáo vũ trang này đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Afghanistan, từ giờ họ nắm toàn quyền quản lý lãnh đạo một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Taliban phải bắt đầu từ con số không của một chính quyền thực thụ cùng với nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự cô lập ngoại giao với thế giới bên ngoài.

Ngay từ khi lực lượng nổi dậy Taliban trở lại Kabul nắm quyền ở Afghanistan một cách khá dễ dàng hôm 15/08, một câu hỏi luôn được đặt ra và chưa có câu trả lời chính xác:  Phong trào Hồi Giáo cực đoan với những hình ảnh đáng sợ trong quá khứ này sẽ có được vị trí thế nào trên trường quốc tế ?

Khi Taliban giành được chính quyền ở Afghanistan, cộng đồng quốc tế phải chạy đua với thời hạn rút quân đội Mỹ để lo di tản công dân của mình và thường dân Afghanistan, chưa có mấy nước đặt vấn đề công nhận hay không Taliban. Tuy nhiên, « một số nước đã nhận ra rằng Taliban là nhân tố không thể bỏ qua được », như nhận định của chuyên gia Didier Chaudet, Viện Nghiên cứu Pháp về Trung Á, trên kênh truyền hình TV5. Theo nhà nghiên cứu này, vấn đề là các nước sẽ nói chuyện với Taliban trên tư cách nào. Đó có thể là một mối quan hệ thực dụng, chứ không thể có quan hệ đồng minh gắn bó theo kiểu sống còn.

Rút kinh nghiệm lần nắm quyền trước (1996-2001), khi chỉ có vài ba nước xung quanh có quan hệ, thừa nhận, lần này phong trào Hồi Giáo đã liên tiếp tỏ cho thấy họ cố gắng thay đổi, nhằm tìm kiếm sự công nhận rộng rãi của quốc tế. Các lãnh đạo của Taliban đã có nhiều cuộc tiếp xúc với một số nước lớn trong vùng, như Pakistan, Iran, Nga, Trung Quốc hay Qatar. Thực tế, Taliban đã tạo dựng được những mối liên hệ không chính thức với một số nước từ trước khi trở lại nắm quyền. Nhưng đó chỉ là những mối quan hệ nằm trong tính toán lợi ích riêng cho mình, không thể gọi đó là những mối quan hệ đồng minh hay đối tác.

Điều quan trọng hơn với Talban giờ đây là làm sao cho chế độ mới có được tính chính đáng trên trường quốc tế. Để làm được việc này, Taliban nhất thiết phải cam kết đối thoại với nhiều nước và dường như Qatar lại được Taliban nhắm tới trong sứ mệnh này, như họ đã đóng vai trò trung gian thành công cho thỏa thuận Doha giữa Taliban và Hoa Kỳ hồi tháng 02/2020 về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan, tạo đà cho việc trở lại nắm quyền hiện nay.

Ngoài quan hệ ngoại giao, Taliban cần có sự trợ giúp từ bên ngoài để đối phó với điểm yếu nhất hiện nay : thiếu nguồn tài chính. Chuyên gia Didier Chaudet được trích dẫn ở trên cảnh báo : « Trong những ngày tới đây, Afghanistan có thể sẽ bị chìm trong thảm họa kinh tế và nhân đạo chưa từng có ».

Suốt 20 năm qua, Afghanistan sống phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Các nguồn viện trợ này giờ đã bị đình lại, trong khi đó Taliban không được tiếp cận nguồn tiền từ Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Đa phần tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan hiện bị phong tỏa ở Hoa Kỳ. Taliban có thể quay sang các nước khác, bằng cách đổi chác, mặc cả lợi ích. Họ có thể trông cậy vào những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, hay đặc biệt là Trung Quốc, nước đã nhìn thấy ở Afghanistan những dự án chiến lược hấp dẫn.

Nhưng trước hết, Taliban phải thành lập được một chính phủ, ít nhất cũng phải giữ được những lời cam kết gần đây. Đến thời điểm này, một chính phủ tương lai của Taliban có vẻ như vẫn chưa thành hình rõ rệt. Ngoài một vài nhân vật xuất hiện thường xuyên với những tuyên bố chính thức gần đây, những lãnh đạo chủ chốt của phong trào vẫn ẩn mình. Dường như họ đang gặp khó khăn giới thiệu được những gương mặt của phong trào khả dĩ thuyết phục quốc tế.

Taliban lại là một phong trào tôn giáo tập hợp nhiều phe cánh có xu hướng khác nhau, trong khi Afghanistan luôn là một quốc gia bị chia rẽ giữa các bộ tộc theo các hệ phái Hồi Giáo phức tạp.

Những trở ngại đối với Taliban trong vị thế nắm quyền điều hành đất nước còn rất nhiều và phức tạp. Thiết lập một chính quyền được quốc tế công nhận mới là thách thức sống còn của phong trào Hồi Giáo cực đoan từng bị đánh đổ nay trở lại cầm quyền với « ý thức hệ không thay đổi », như Taliban đã khẳng định.


Afghanistan: Quân đội Mỹ rời khỏi Kabul, kết thúc cuộc chiến tranh 20 năm

Anh Vũ & Minh Anh

Lực lượng Taliban kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, ngày 31/08/2021. AP – Khwaja Tawfiq Sediqi

Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, rạng sáng ngày hôm 31/08/2021, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Kabul, để lại toàn bộ đất nước Afghanistan dưới sự kiểm soát cả Taliban, khép lại cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp báo, tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ đóng tại Afghanistan, thông báo, vào lúc 19h29 phút, giờ quốc tế, ngày 30/08, chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 cuối cùng của quân đội Mỹ đã cất cánh rời khỏi sân bay Kabul. Đại sứ Hoa Kỳ tại Kabul và một viên tướng nằm trong số những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan.

Ngay sau thông báo trên, Anas Haqqani, một lãnh đạo của phong trào Taliban đã hân hoan tuyên bố trên Twitter : « Chúng ta một lần nữa làm nên lịch sử. Hai mươi năm chiếm đóng Afghanistan của Hoa Kỳ và Nato đã kết thúc tối nay ».

Như vậy là Washington đã hoàn tất rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Afghanistan 24 giờ trước khi hết ngày 31/08, hạn chót mà tổng thống Joe Biden đã ấn định. Hai mươi năm sau khi đưa quân vào Afghanistan lật đổ chính quyền Taliban năm 2001, và sau 15 ngày di tản trong hỗn loạn, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã rời đi, để lại quyền cai quản đất nước cho phe Taliban.

Bộ Quốc Phòng Mỹ thừa nhận vẫn chưa thể đưa hết toàn bộ người Afghanistan muốn di tản như mong muốn. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, cầu không vận bắt đầu từ ngày 14/08 đã đưa được tổng cộng 123.000 người. Ngày 30/08, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington hứa tiếp tục « giúp đỡ » tất cả những người Mỹ muốn rời Afghanistan và Hoa Kỳ sẽ làm việc với Taliban nếu họ giữ đúng cam kết. Theo ông Blinken, hiện vẫn còn khoảng từ 100 đến 200 công dân Mỹ kẹt lại ở Afghanistan. Cơ quan đại diện Mỹ tại Kabul đã được chuyển qua Doha (Qatar) để tiếp tục các hoạt động ngoại giao và lãnh sự.

Quân đội Mỹ cũng thông báo đã cho phá hủy toàn bộ các máy bay, xe bọc thép và hệ thống phòng không chống tên lửa trước khi rời khỏi sân bay Kabul.

Cuộc chiến tranh kéo dài và tiêu tốn tiền của nhất trong lịch sử nước Mỹ còn được khép lại bằng những mất mát đau thương trong những ngày cuối cùng. Vụ đánh bom khủng bố trước cửa sân bay Kabul nhóm Daech tại Afghanistan hôm 26/08 vừa rồi đã làm hơn 100 người chết, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ.

Trong hai thập kỷ, ba đời tổng thống Mỹ nối tiếp sau George W. Bush đều muốn kết thúc cuộc chiến tranh Afghanistan. Chính quyền Donald Trump đã thương lượng thỏa thuận với Taliban năm 2020. Người kế nhiệm Joe Biden thực thi việc rút quân cuối cùng. Cuộc chiến tranh Afghanistan đã kết thúc như khi nó bắt đầu: Taliban nắm quyền.

Taliban ăn mừng chiến thắng
Ngay khi những người Mỹ sau cùng rời lãnh thổ, phe nổi dậy Taliban ngày 31/08/2021, đã tổ chức ăn mừng chiến thắng. Mang giày và áo chống đạn mầu be, bên trong là bộ quân phục rằn ri ngụy trang, tay cầm súng Mỹ, với lá cờ trắng in dòng tuyên thệ Shahada mầu đen, lực lượng đặc nhiệm của Taliban, có tên gọi « Badri 313 », diễu binh tại sân bay Kabul sáng nay, theo tường thuật của AFP.

Trước đó, những tiếng súng nổ vang lên ở Kabul mừng thắng lợi, ngay khi quân đội Mỹ thông báo kết thúc cuộc triệt thoái. Với Taliban, đây là một chiến thắng « lịch sử », 20 năm sau khi bị Mỹ – đứng đầu một liên quân quốc tế – đánh đuổi năm 2001, nay đã trở lại cầm quyền từ ngày 15/08/2021.

Tại sân bay Kabul, phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, tuyên bố : « Chúc mừng Afghanistan (…) Chiến thắng này là của chúng ta, của mọi người dân Afghanistan ». Vẫn theo phát ngôn viên này, « đây là một bài học lớn cho bất kỳ kẻ xâm lược nào khác và cho cả thế hệ tương lai của chúng ta »« đây cũng là một bài học cho cả thế giới ». « Hôm nay là một ngày lịch sử, đây là một thời khắc lịch sử và chúng ta tự hào về ngày hôm nay ». Trước báo giới, Zabihullah Mujahid còn tuyên bố « mong muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ và thế giới ».

Nổi tiếng với những đạo luật hà khắc, trở lại cầm quyền lần này, Taliban đã ra sức chứng tỏ một diện mạo mới cởi mở và hòa dịu hơn, nhưng vẫn còn gây nghi ngại đối với nhiều nước và nhiều nhà quan sát.

Để trấn an phương Tây và thế giới, Taliban cam kết không trả thù những người từng cộng tác cho chính quyền cũ, tiến hành thành lập một chính phủ mở rộng cho nhiều phe phái khác, một khi toàn bộ các lực lượng quân sự nước ngoài rút đi.

Ông Zabihullah Mujahid nói tiếp : « Vương quốc Hồi Giáo tiến hành cuộc thánh chiến trong 20 năm qua. Giờ đây, vương quốc có đủ các quyền để điều hành một chính phủ sắp tới. Việc còn lại là thành lập một chính phủ bao gồm mọi thành phần ».

Vẫn theo AFP, Taliban chỉ trích phương Tây đã dẫn theo họ nhiều nhà trí thức giỏi nhất của Afghanistan. Taliban giờ phải bắt tay vào một nhiệm vụ to lớn mà không có giới trí thức : Vực dậy một đất nước và một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề.


Afghanistan : Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết về di tản, không đề cập “vùng an toàn”

Thụy My

Lính Mỹ hộ tống người sơ tán tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 25/08/2021. © REUTERS – US MARINES

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua 30/08/2021 đã thông qua một nghị quyết về Afghanistan, kêu gọi phe Taliban tôn trọng các lời hứa, và để cho những ai muốn di tản được ra đi. Nhưng nghị quyết không đề cập đến vùng an toàn như tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị cuối tuần qua.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :

« Cuộc họp được cho là nhằm tìm ra giải pháp khẩn cấp để tiếp tục di tản, một khi người Mỹ đã ra đi. Nhưng rốt cuộc, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ đưa ra một nghị quyết kêu gọi ‘‘phe Taliban tôn trọng các lời hứa, và để cho những người ngoại quốc cũng như người Afghanistan nào muốn di tản được ra khỏi nước’’.

Như vậy đây chỉ mới là kêu gọi, và hiện chưa phải là một nghị quyết mang tính ràng buộc. Đại diện Estonia hôm qua cho biết đã hy vọng vào một chủ trương cứng rắn hơn, chỉ trích Hội Đồng Bảo An không có hành động nào.

Về phía Anh Quốc, Hoa Kỳ và Pháp, cuối tuần rồi đã loan báo sẽ thiết lập một vùng an toàn, các nước này nói rằng đó là bước đầu trong khi chờ đợi xem xét hành động của Taliban một khi họ lập xong chính phủ. Đại sứ Anh giải thích : ‘‘Chúng tôi có các phương tiện gây áp lực, và có thể áp đặt trừng phạt nếu cần thiết’’.

Trên thực tế, các thành viên Hội Đồng Bảo An đã phải giảm nhẹ tầm mức vì Nga và Trung Quốc hôm qua vắng mặt, không bỏ phiếu ».

Afghanistan: Taliban đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ điều hành sân bay Kabul

Sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 31/08/2021 sau khi Mỹ rút hết quân. AP – Kathy Gannon

RFI
Việc quân Mỹ kết thúc cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan hôm 31/08/2021, đang đặt ra vấn đề về kiểm soát sân bay quốc tế Kabul, địa điểm chính để tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Đây là vấn đề đang đuợc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Taliban.

Phía Taliban đã đề nghị với tổng thống Recep Tayyip Erdogan là Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm việc điều hành sân bay Kabul. Nếu như thoả thuận này được ký kết, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ có thêm nhiều lợi thế trên trường quốc tế.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer tường trình:

« Miễn là Taliban để họ bảo đảm an ninh cho các nhân viên tham gia vào sự vận hành của sân bay Kabul, chính quyền Ankara sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ đầy rủi ro này.

Khi báo chí trong nước hỏi về những động cơ thúc đầy họ chấp nhận điều hành sân bay Kabul, các lãnh đạo Thổ Nhỹ Kỳ giải thích rằng nước này muốn bảo đảm cho Afghanistan « không bị cắt đứt với thế giới hiện đại, văn minh », « duy trì các kênh chính trị, kinh tế rộng mở » và « giúp đỡ những người anh em Afghanistan ».

Chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có được các lợi ích kinh tế. Nhưng đây không phải là mục tiêu chính của tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Cũng gần giống như cách mà ông đã làm với Libya vào năm ngoái, tổng thống Erdogan muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một tác nhân quan trọng trong khu vực, nhất là trong khối các nước Hồi Giáo. Ông cũng muốn tìm cách cải thiện hình ảnh của Thổ nhĩ Kỳ đối với Mỹ và khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, hy vọng thu được các mối lợi về chính trị nội bộ, bởi vì hiện nay vị thế đảng AKP của ông đang bị suy yếu.

Cuối cùng, giúp cho Afghanistan không rơi vào tình trạng hỗn loạn cũng là cách để hạn chế tối đa các đợt di cư mà chiến thắng của phe Taliban gây ra ».

Related posts