Afghanistan: Vì sao Hoa Kỳ dè dặt về chính phủ mới của Taliban?

Trọng Thành

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Đức Heiko Maas họp báo chung sau cuộc hội đàm tại căn cứ Không Quân Ramstein, thành phố Ramstein (Đức) ngày 08/09/2021. REUTERS – POOL

 Ngày 07/09/2021, việc Taliban công bố nhiều thành phần chủ chốt của tân chính phủ Afghanistan không hề « hòa hợp » như đã loan báo, trong đó có nhiều nhân vật nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, gây sốc. Nhiều nhà quan sát ví đây như là một gáo nước lạnh dội vào hy vọng của nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, sau khi Taliban công bố thành phần chính phủ gây nhiều thất vọng, Hoa Kỳ đã có phản ứng rất dè dặt. Vì sao ?

Ngay sau khi công bố thành phần chính phủ mới, ngày hôm qua, 08/07, ngoại trưởng Mỹ đến Đức, với mục tiêu cố tìm cách phối hợp với các quốc gia từng can thiệp vào Afghanistan, để thống nhất hành động trước động thái mới này. Trưa hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Mỹ Antony Blinken đến căn cứ không quân Hoa Kỳ, ở tây nam nước Đức, nơi tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn từ Afghanistan. Trong buổi chiều, ông Blinken cùng đồng nhiệm Đức Heiko Maas chủ trì cuộc họp trực tuyến với khoảng 20 ngoại trưởng các nước.

Washington hy vọng hội nghị này là dịp để trước hết nhấn mạnh các kêu gọi quốc tế với Taliban để các ông chủ mới ở Kabul tôn trọng cam kết, cho tất cả những người Afghanistan nào muốn có thể rời khỏi đất nước. Khoảng 123.000 người đã được di tản khỏi Afghanistan, trong đó chủ yếu là người Afghanistan. Hoa Kỳ lo ngại là hiện tại còn rất nhiều người Afghanistan chờ đợi được ra đi.

Hội nghị các ngoại trưởng phương Tây cũng có mục tiêu là đưa ra một phản ứng thống nhất, với chính quyền Taliban, sau khi chế độ Hồi giáo công bố những nhân sự chủ chốt đầu tiên, không có nhân vật nào không thuộc Taliban, như đã hứa hẹn. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh trong một thông báo trước khi hội nghị diễn ra : « Chúng tôi muốn tiến hành với sự phối hợp và có tổ chức giai đoạn tiếp theo, đặc biệt liên quan đến quan hệ với các tân lãnh đạo ở Kabul ».

Phản ứng đầu tiên của lãnh đạo ngoại giao Mỹ thể hiện bước đi dè dặt của Washington, khi ông tuyên bố : Tân chính quyền Taliban sẽ được phán xét dựa trên « các hành động cụ thể », chứ không phải là qua các tuyên bố. Hoa Kỳ tránh trực tiếp bình luận về các nhân sự lãnh đạo mới của chính phủ Taliban, cho dù trong số đó có những phần tử bị Hoa Kỳ coi là tội phạm.

Sau hội nghị trực tuyến ngoại trưởng hơn 20 nước tổ chức tại Đức, lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố : Chính quyền Taliban cần tìm kiếm sự công nhận quốc tế, không có bất cứ sự công nhận nào hay hỗ trợ nào có sẵn, họ cần phải nỗ lực để có được những điều này !

Phản ứng của Hoa Kỳ và các nước phương Tây nhìn chung có thể nói là rất dè dặt. Vì sao nước Mỹ lại chọn thái độ này ? Theo giới quan sát, vấn đề chủ yếu là phương Tây còn rất ít phương tiện để tác động đến Taliban, sau khi cuộc can thiệp quân sự tốn kém hơn hai thập niên, đã không thể cản được lực lượng Hồi giáo cực đoan trở lại nắm quyền.

Không nhân nhượng về nguyên tắc, nhưng cũng không tỏ ra quá cứng rắn với chế độ mới ở Kabul là thái độ của chính quyền Mỹ hiện nay. Duy trì quan hệ với chế độ Taliban là điều căn bản đầu tiên. Một nhà ngoại giao phương Tây nhấn mạnh trên Le Figaro : « Do tại Afghanistan, không có lực lượng đối lập khả tín nào, vì vậy nhất thiết phải duy trì quan hệ với chế độ này, để có thể tạo được ảnh hưởng ! ».

Phát biểu trên Le Figaro, chuyên gia về châu Á tại European Council on Foreign Affairs, Frédéric Grare, khẳng định các nước châu Âu và Hoa Kỳ cần duy trì các kênh đối thoại trực tiếp với Taliban và nhất thiết không được nóng vội. Theo giới quan sát, phương Tây chỉ có hai phương tiện để gây ảnh hưởng với chính quyền Taliban : « trợ giúp nhân đạo và trợ giúp tài chính ». Cho đến nay, các nước phương Tây tài trợ đến ba phần tư ngân sách Nhà nước Afghanistan. Hiện tại, các nguồn tiền cho Ngân hàng Trung ương Afghanistan đã bị chính quyền Mỹ phong tỏa. Chính quyền Taliban ắt hẳn rất cần đến các khoản đầu tư khổng lồ của Hoa Kỳ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để vận hành trở lại bộ máy Nhà nước. Mà để có được các khoản đầu tư này, chính quyền Taliban phải có được một sự « công nhận quốc tế ».

Về khả năng thái độ chờ đợi bình tĩnh, và sẵn sàng có phản ứng tương thích sẽ giúp mang lại kết quả, dù chỉ là khiêm tốn, chuyên gia Frédéric Grare giải thích: « Đừng hốt hoảng phản ứng dữ dội, và cũng đừng vội vã công nhận họ. Cần để họ đến với chúng ta ! Đây là lần đầu tiên kể từ rất lâu rồi, chúng ta mới ở trong vị thế tự do hành động.  Chúng ta tuy ít đòn bẩy, nhưng cũng có một vài không gian có thể xoay xở. Đây là thời điểm để xác lập một quan hệ mang tính tương quan lực lượng (với Taliban) ».

Bất chấp động thái cứng rắn của Taliban trong việc công bố một số nhân sự chủ chốt trong tân chính phủ, hiện tại các nước phương Tây vẫn quyết định để ngỏ cánh cửa với Taliban. Ngoại trưởng Đức bày tỏ hy vọng, chính phủ Taliban hiện tại vẫn chưa đầy đủ các thành phần, cộng đồng quốc tế chờ đợi tín hiệu tích cực từ quyết định tiếp theo của Taliban. Quá cứng rắn với tân chính quyền Taliban tại Afghanistan lúc này rất có thể sẽ đẩy cán cân nghiêng về phía phe cực đoan trong nội bộ Taliban.

Related posts