Hệ Quả Thỏa Thuận Quốc Phòng Mới Aukus

Ts Đinh Xuân Quân

Trong tuần qua vào ngày 15 tháng 9, 2021 Hoa kỳ đã gây một cú “shock” với thỏa thuận quốc phòng mới gọi là AUKUS (chữ họp lại của Australia, United Kingdom và US) tại Thái Bình Dương. Chính sách quốc phòng mới gồm 3 nước nói tiếng Anh có cái gì khác với các hiệp ước quốc phòng trước đây như ANZUS (Australia, New Zealand và US) và liên minh QUAD gồm Ấn, Nhật, Úc và HK?
Theo tác giả thì đây là việc thay thế hiệp ước ANZUS trước đây và sự trở lại của nước Anh sau vụ Brexit (ra khỏi khối EU) là hai điểm nổi bật.

Trước đây trong thời chiến tranh lạnh thì có hai hiệp ước phòng thủ quân sự – SEATO và ANZUS. Hai hiệp ước này nay không còn giá trị vì có khá nhiều thay đổi tại Á châu nhất là có hiệp hội ASEAN và nhất là sự trỗi dậy của TQ muốn tranh ghế số 1 của Hoa kỳ tại Á châu.

Trong 4 năm, chính sách của cựu TT Trump không mấy giúp hỗ trợ sự tin cậy của các nước Á châu, dù là đồng minh hay không đồng minh của Hoa kỳ. Chính phủ TT Biden phải vội vàng trấn an các nước trong khu vực và đưa ra nhiều thỏa ước mới hợp thời hơn. Các sách lược chính trị đang bị đảo lộn vì nó cho thấy Hoa kỳ còn nhiều đồng minh trong khu vực.
Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong việc Hoa kỳ xoay trục về Á châu, kéo theo những thay đổi về chính trị, quân sự và kinh tế. Việc bà phó TT Harris thăm VN, việc các tướng Hoa Kỳ thăm khu vực Á châu có nằm trong các thay đổi mà Hoa kỳ đang dự tính trong ván cờ cạnh tranh với TQ ? Việc Ngoại trưởng Vương Nghị của TQ chạy theo sau bà Harris có phải là để chống thế cờ Hoa kỳ? Việc Bộ trưởng quốc phòng Nhật đến VN cùng lúc với NT Vương Nghị có phải là một đòn chính trị ngoại giao khôn khéo của VN?

Đó là cái nhìn toàn thể các hoạt động bề nổi, nhưng thực chất Hoa kỳ đang tái sắp xếp các con cờ ra sao?
Việc xây dựng một thỏa ước quốc phòng mới có ảnh hưởng gì đến các nước trong khu vực và đâu sẽ là phản ứng của Trung Quốc ? Các nước khác phản ứng ra sao nhất là Pháp bị mất một hợp đồng rất lớn đóng các tàu ngầm diesel cho Úc? Đừng quên là Pháp cũng có một lãnh thổ rất lớn tại khu vực Thái Bình Dương và đang bị Anh qua mặt trong tình thế hiện tại. Hiệp ước này có ảnh hưởng giây chuyền với các đồng minh khác tại Âu châu hay các nơi khác, nhất là quan hệ Anh – Pháp?

Môi trường của chính sách Hoa kỳ tại Á châu

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã có hai hiệp ước phòng thủ quan trọng là SEATO (Hiệp Ước phòng thủ Đông Nam Á theo mẫu của NATO hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và ANZUS hiệp ước gồm Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ. Các hiệp ước này coi như là lỗi thời, không còn giá trị.
Hoa kỳ muốn chuyển trục từ Âu châu qua Á châu từ thời Obama và NT Clinton năm 2010 (cùng lúc với việc muốn rút khỏi Afghanistan) khi mà các hiệp ước quốc phòng như SEATO và ANZUS không còn. Obama cho tương lai của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 là Á châu.

Dưới thời TT Trump với khẩu hiệu nước Mỹ trên hết đã làm nhiều đồng minh Á châu lo sợ vì ông Trump đòi hỏi các nước Á châu đóng thêm tiền đồn trú của quân đội Hoa kỳ và xóa bỏ hiệp ước thương mại TPP.
Chính quyền Trump gồm nhiều tay mơ đã đi chơi với Bắc Triều tiên làm nhiều nước Á châu không biết phải nghĩ ra sao. Chính sách ngoại giao này tai hại vô cùng vì nó gây sự hiểu lầm và còn thúc TQ làm mạnh thêm tại Biển Đông.
Vưa qua, để thay vào những hiệp ước trước đây, Hoa kỳ tạo ra liên minh Quad gồm Ấn, Úc, Nhật và Hoa kỳ, một liên minh phối hợp các hoạt động quân sự làm đối trọng với Trung Quốc. Tại Thái Bình Dương các nước trong liên minh Quad đã liên tục tập trận và tuần tra tự do lưu thông biển theo các luật biển và công ước LHQ 1982 về tự do hàng hải. Liên minh QUAD (Quadrilateral Security Dialogue) gồm Ấn, Úc, Nhật và Hoa kỳ sẽ gặp nhau tại Nhà trắng vào ngày 24 tháng 9, 2021. Đây là cuộc gặp đầu tiên sau vụ hiệp ước quốc phòng AUKUS.

Trong các thành viên QUAD, Ấn Độ muốn mở rộng nhóm này cho các nước khác và thêm vào nội dung một số vấn đề khác như thay đổi khí hậu, y tế vùng, v.v., thì hiệp ước AUKUS chỉ nhằm về an ninh quốc phòng tại Thái Bình Dương. Khác nhau giữa liên minh QUAD và AUKUS rõ ràng. Cuộc họp này cũng trùng với việc họp Đại Hội đồng LHQ thứ 76 của Liên Hiệp Quốc (ngày 21-27) mà VN có thể sẽ gặp trực diện TT Biden.
Cùng lúc này Nhật đang chọn một Thủ tướng mới với 4 ứng cử viên (2 nam và hai nữ). Taro Kono, ứng cử viên ôn hòa và Kishida là ứng cử viên chống TQ. Phe nữ có hai ứng cử viên Takaishi có chính sách ‘diều hâu’ đối với TQ còn bà Noda thì trung dung hơn.
Với chính quyền Biden thì Hoa kỳ đã phải gởi nhiều quan chức như NT Blinken, BT quốc phòng Austin và PTT Kamala Harris đi thăm viếng các nước Á châu để củng cố lòng tin và gây liên minh quân sự (không nói ra nhưng làm đối trọng cho TQ). Các cuộc viếng thăm gồm Nhật, Ấn, Nam Hàn, VN, Indonesia, Singapore, Đài Loan v.v.

AUKUS và các nước

Trong tình thế hiệp ước ANZUS không còn hợp thời vì Tân Tây Lan thay đổi chính sách ngoại giao – chống khí giới hạt nhân, liên minh 5 con mắt (Five-Eyes partnership) liên minh tình báo lâm vào trục trặc thì thỏa thuận quốc phòng giữa 3 nước (Anh, Úc và HK) AUKUS đến đúng lúc.
Hoa kỳ đã có liên minh QUAD trong vấn đề tiếp cận gồm nhiều nước tại Thái Bình Dương. Thỏa thuận AUKUS rõ ràng hơn vì chủ yếu nhắm quốc phòng. Hoa kỳ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng một đội tàu ngầm nguyên tử (nhưng không có khí giới hạt nhân). Trong nhiều thập niên Úc đã lúng túng trong vấn đề tái xây dựng quốc phòng trong đó có việc xây dựng đội tàu ngầm để phòng thủ đối với TQ. Trong việc này Úc đã kí‎ với Pháp đóng 12 tàu ngầm chạy bằng diesel. Đây là việc hiếm có vì tới đây Hoa kỳ sẽ chia sẻ công nghiệp tàu ngầm nguyên tử cho Úc.
Việc có 8 tàu ngầm hạt nhân có khả năng đi mau và đi xa là tối quan trọng với chính sách quốc phòng Úc. Úc có địa vị chiến lược trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vậy vấn đề là làm sao hải quân Úc sẽ sớm có mặt tại Thái Bình Dương.
TQ đang tăng sự hiện diện của họ và việc cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng.
AUKUS đã đưa đến việc hủy bỏ hợp đồng 12 tàu diesel với Pháp gây nhiều xích mích với Pháp vì hợp đồng trị giá 50 tỷ đôla của Úc để đóng 12 tàu ngầm vào năm 2016.

Pháp đã quyết định triệu hai đại sứ tại Hoa Kỳ và Úc về Paris ngay lập tức để tham khảo ý kiến vì tính chất nghiêm trọng đặc biệt của thông báo.
Anh khẳng định thỏa thuận quốc phòng không phải là sự đáp trả đối với bất kỳ quốc gia nào, chỉ nhằm đảm bảo sự thịnh vượng, an ninh và ổn định trong khu vực và ủng hộ một “trật tự dựa trên luật lệ” ôn hòa.

Thỏa thuận AUKUS cho thấy Anh có lợi vì đã trở lại vai trò cường quốc có tiếng nói trên thế giới sau khi đã bỏ liên hiệp Âu châu được 18 tháng. Nay Anh có hiệp ước thương mại với Úc, Nhật và Hàn Quốc.

Thỏa ước cho thấy sự gần gũi Anh – Hoa kỳ về hạt nhân, và đồng minh gần gũi đã được thể hiện trong AUKUS.

Thỏa thuận AUKUS sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Úc – Trung. Úc là đối tác thương mại quan trọng của TQ. Ngoài ra còn có một số lượng đông đảo sinh viên Trung Quốc học ở Úc. Quan hệ chính trị Úc-Trung đã xấu đi nhiều khi Úc ủng hộ cho cuộc điều tra nguồn gốc COVID.

Quan hệ Úc – Trung xấu đi khi có các vụ scandal tại Quốc Hội Úc khi một số dân biểu nhận tiền để ủng hộ chính sách TQ. TQ đã trả đũa bằng việc không mua than đá, lúa mì, gỗ, cấm rượu và thịt bò của Úc nhưng tiếp tục mua quặng sắt. TQ có một chính sách trừng phạt Úc vì nước này dám nói sự thật.

Thỏa thuận AUKUS chứng minh Úc không sợ trừng phạt, vì đã chọn đứng cùng phe với Hoa Kỳ, mặc dù Úc có nhiều quan hệ thương mại và kinh tế với TQ. Việc có các tàu ngầm hạt nhân (vào khoảng 2040) cho thấy cán cân quyền lực trong khu vực Á châu đang thay đổi mau chóng. Tình hình an ninh tại biển Đông và tại eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng tới sự bố trí quân sự mà Trung Quốc phải làm để đối phó. Tàu ngầm nguyên tử có khả năng tàng hình tốt, hoạt động lặng lẽ, di chuyển dễ dàng và khó bị phát hiện hơn. Ít nhất có 8 tàu ngầm sẽ được sản xuất. Một việc khác là các tàu ngầm này không được trang bị các vũ khí nguyên tử mà chỉ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Để tránh thêm căng thẳng, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói Úc không tìm cách có được vũ khí hạt nhân. Nhưng việc có tàu ngầm nguyên tử Úc sẽ thay đổi thế cờ quân sự tại Thái Bình Dương.

AUKUS cho thấy thỏa thuận hợp tác này đặc biệt vì Hoa kỳ chỉ chia sẻ công nghiệp này với Anh từ 1958. Theo ông Dutton của Úc thì công nghiệp hạt nhân Pháp phải thay đổi mỗi 7-10 năm trong khi công nghiệp Hoa kỳ chỉ thay mỗi 35 năm.

Gần đây, Trung Quốc đã cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của mình tại khu vực. TQ cho nghe những lời lẽ nói về sự hợp tác, nhưng các nước khác luôn luôn nghe những lời đe dọa nhắm vào Đài Loan, thấy những gì đã xẩy ra tại Hong Kong, và việc quân sự hóa của TQ tại biển Đông.

Đối với Đài Loan thì thỏa thuận AUKUS cam kết « tăng cường mối liên hệ » với Đài Loan là một tin vui cho hòn đảo đỡ cảm thấy lẻ loi do luôn luôn bị Trung Quốc đe dọa thôn tính. Đài Loan đón nhận thông tin này một cách thận trọng.
Các nước trong khu vực Thái Bình Dương nhìn sự kiện AUKUS không phải không lo vì sợ chiến tranh lạnh. Các nước trong khu vực này, kể cả Việt Nam, muốn tránh việc phải chọn phe. Một bên thì có tin vui là Hoa kỳ đã có những quyết định cụ thể, nhưng việc này phải chăng có thể dẫn đến việc TQ có những chính sách bắt các nước Á châu phải chọn bên? New Zealand, có lẽ vì bị sức ép kinh tế của TQ đã đứng bên ngoài.
Cái khó khăn là làm sao các nước trong khu vực cân bằng việc trợ giúp quân sự của Hoa kỳ mà vẫn liên hệ với TQ về kinh tế thương mại.
Theo các chuyên gia quốc tế thì thoả hiệp này sẽ có lợi vì tạo ra được sự ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nó cho thấy khi TQ tiếp tục tăng ảnh hưởng của họ thì sẽ có sự phản ứng của các quốc gia khác và nó cho thấy Hoa kỳ cũng tích cực thích nghi cho mọi tình thế mới. Phản ứng này gồm cả vấn đề tăng cường sức mạnh quân sự cho các đồng minh trong vùng để họ có thể đứng lên trước sự hăm dọa hay bắt nạt của TQ như trường hợp VN.

Hoa kỳ đã tiếp xúc với nhiều nước Á châu ngoài các đồng minh thân cận như Nhật và Nam Hàn mà họ còn trấn an Singapore, Ấn, Indonesia và VN về các vấn đề tranh chấp Biển Đông và muốn các nước này nghiên về một thế giới có trật tự, có luật pháp để tránh tình trạng kẻ lớn ăn hiếp kẻ nhỏ. Cũng trong thế cờ này thì các đồng minh của HK cũng sẽ giúp các nước nhỏ khác có cơ hội tự bảo vệ họ, ví dụ việc Nhật, Nam Hàn, Úc, v.v. hợp tác với VN.

Tạm kết

Trong thế giới việc cạnh tranh lẫn nhau là bình thường – các công ty có thể kí‎ hợp đồng và có thể ngưng hợp đồng. Việc này đã xẩy ra với việc mấy tàu chiến Nga đã k‎í kết với Pháp để nhờ Pháp sản xuất và sau đó Pháp đã không giao hàng. Chuyện tàu ngầm hạt nhân còn kéo dài. Từ đây tới 2040 Úc vẫn chưa có tàu ngầm hạt nhân nào – nhưng vẫn có một số tàu ngầm phi hạt nhân để tham gia vào công cuộc phòng thủ chung. Với việc Úc ngưng mua tàu ngầm nguyên tử của Pháp, thì Pháp cũng sẽ bớt giận — nhưng có thể làm gì nếu người mua hàng thay đổi ‎ kiến? Pháp giận là AUKUS làm nhưng không tham khảo với Pháp và họ bị thiệt hại – Chuyện có thể trách được là “chơi không đẹp với đồng minh.”

Sau cú “shock” này thì liệu chính sách quốc phòng mới còn có thể có rất nhiều thay đổi trong khu vực như việc không quân Indonesia, Nhật, Hàn quốc tập trận với B 52, một việc chưa từng có. Không biết còn cuộc tập trận nào với Đài Loan nữa không? Hơn nữa, Nhật cũng nói Đài Loan là một mắt xích trong vấn đề bảo vệ Nhật. Bốn năm của TT Trump cho các đồng minh thấy không thể lúc nào cũng dựa vào vào Hoa kỳ mà phải lo việc tự bảo vệ. Nhiều nước đã rút kết luận như Nhật, đã và đang tăng ngân sách quốc phòng trong những năm tới cho chính mình. Phải chăng Nhật cũng đã kí kết việc trao đổi công nghệ quốc phòng, và bán khí giới cho VN?

Nói tóm lại, có rất nhiều thay đổi về chiến lược quân sự tại khu vực Thái Bình Dương. Việc tranh chấp Mỹ – Trung sẽ mang lại nhiều thay đổi về quân sự, nhưng liệu Hoa kỳ có tiếp tục củng cố vào các lãnh vực khác như kinh tế nữa, như việc trở lại hiệp ước kinh tế TPP hay không?

Mới có 10 tháng của chính phủ Biden nhưng ta đang thấy một chương trình tái sắp xếp mau chóng bàn cờ Thái Bình Dương.

AUKUS là một thay đổi nhỏ trong vấn đề địa chính trị, và trong tương lai gần thế giới có thể thấy nhiều thay đổi trong việc tái sắp xếp về quân sự, kinh tế, chính trị của Hoa kỳ nhằm ứng phó với Trung Quốc. Sẽ còn nhiều bất ngờ, có thể như vấn đề Đài Loan, hay các thế cờ khác trong việc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Related posts