Tình yêu của người Việt dành cho mì gói: Đâu chỉ là thực phẩm để tích trữ

Uyen Do

Mì ăn liền, hay mì gói, ít nhiều gì cũng giống như môt thứ tín ngưỡng vậy. Nó lan tỏa đến mọi vùng đất trên thế giới, để rồi du nhập và biến hóa cho phù hợp với văn hóa và con người nơi đây. Quan trọng nhất là, nó đem lại sự cứu rỗi cho chúng ta vào thời khắc đen tối nhất. Những suy nghĩ ấy chạy qua tâm trí khi tôi đang húp một cách ngon lành nước xúp của tô mì. Sài Gòn đang trải qua tháng thứ ba giãn cách xã hội và các hộ gia đình thậm chí còn không được ra đường để mua nhu yếu phẩm. Mà kể cả chúng ta có thể đi chăng nữa, thì mẹ tôi, người được cả nhà tin tưởng giao cho nhiệm vụ quan trọng này, luôn về nhà với câu nói: “Ở đấy chẳng còn thứ gì cả, kể cả mì gói cũng hết sạch hàng”. Trở về quá khứ một chút, tại thời điểm khi mà tình hình dịch bệnh tại Sài Gòn bắt đầu trở nên phức tạp và khó đoán. Lo lắng, bối rối, nhiều người, kể cả tôi, hối hả tới các cửa hàng tạp hóa để chuẩn bị cho thời kì khó khăn sắp tới. Những lúc như thế, dường như có một lực hút vô hình hút tất cả mọi người đến quầy hàng mì ăn liền, tất cả chúng tôi đứng đó, nhìn trân trối vào những sự lực chọn hạn hẹp mà chúng tôi có, tính toán về các mùi vị, chất lượng so với giá cả, rồi nhanh chóng bỏ vài gói mì vào giỏ hàng.

Tại hàng người đợi thanh toán dài vô tận, nhiều người cố gắng tích trữ càng nhiều mì gói càng tốt. Mỗi người đều ôm đầy những gói Hảo Hảo, Omachi, Miliket và nhiều hơn nữa, tất cả đều giữ chặt trong lòng như thể, chả may, sẽ có ai đó đến và lấy đi của họ vậy. Nếu bạn đã tự bản thân trải nghiệm những điều này, chắc chắn bạn sẽ không ngạc nhiên về sự gia tăng đột biến của lượng tiêu thụ mì gói tại Việt Nam kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Căn cứ vào những thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, người Việt tiêu thụ hơn 7 tỷ gói mì trong năm 2020, tăng 67% so với cùng kì trong năm 2019. Tình huống tương tự cũng xảy ra tại các nước Châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà ngành công nghiệp mì ăn liền đã chứng kiến mức lợi nhuận tăng kỉ lục liên tiếp, thậm chí có thời điểm đã vượt qua cả về những công ty công nghệ và ngành sản xuất ô tô, vốn đang dẫn đầu thị trường chứng khoán. Kể cả là trước thời kì đại dịch, cộng đồng người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, đã có một tình yêu không gì lay chuyển được với mì gói. Tại Việt Nam, một tô mì hấp dẫn có thể được coi như là một bữa ăn trọn vẹn. Để thỏa mãn cơn thèm mì, chúng ta thậm chí còn kết hợp nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra “những kiệt tác” như là mỳ nghêu, mì ốc và mì xào thịt bò. Mặc dù những sản phẩm này cũng có mặt tại các nước phương tây, mì gói chỉ đóng vai trò thật sự quan trọng trong nền ẩm thực Châu Á. Từ góc nhìn khoa học, không khó để hiểu tại sao chúng ta lại yêu thích mì gói đến vậy. Nguyên liệu chính trong mỗi tô mì gồm tinh bột, chất béo và mì chính-một công thức được thiết kế đặc biệt để làm tăng cảm giác thèm ăn ở con người. Mỗi gói mì thường không quá lớn, chúng được tính toán vừa đủ để chúng ta vẫn cảm thấy đói và lại bị dụ dỗ bởi một gói mì nữa. Chúng ta ăn mì có thể bởi vì thói quen này đã khắc sâu vào nếp sống của người Việt Nam.

Khi còn là trẻ con, thứ quà vặt mà ai cũng thích đó là gói mì với màu sắc sặc sỡ, nhỏ vừa với lòng bàn tay của chúng ta. Chúng ta sẽ xé gói mì đó, đổ vào miệng và tận hưởng tiếng giòn giã của mì khi chúng ta nhai trong miệng. Chuyền tay nhau gói mì dưới bàn để ăn vụng trong lớp chính là cách để chúng ta thắt chặt tình bạn thuở ấu thơ. Khi chúng ta lớn hơn, mì gói trở thành vị cứu tinh của chúng ta trong những đêm thức trắng để học cho bài kiểm tra, đối phó với những công việc vô tận hay những đêm nhậu nhẹt suýt quên lối về. Tại các cửa hàng tiện lợi, kệ mì gói cùng với quầy nước nóng được đặt cạnh lối ra vào, một chiến thuật để thu hút và thỏa mãn những chiếc bụng đói đang ở đâu đó ngoài kia giữa phố xá tấp nập. Nhưng trên hết, chúng ta ăn mì gói vì nó là một nhu cầu không thể thiếu. Đối với nhiều người, việc ăn mì không xuất phát từ sự yêu thích với mùi vị mà vì sự bận rộn của cuộc sống. Giữa một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, nhiều người đang phải kiếm sống bằng những nghề lao động tự do, không hợp đồng , với mức lương thấp và không ổn định. Trong khi đó, giá trung bình của một thùng mì dao động trong khoảng 100,000VND, xấp xỉ 1/30 tháng lương tối thiểu. Đối với những người như vậy, mặc dù mì gói không phải

là lựa chọn lý tưởng cho nguồn dinh dưỡng, nó là lựa chọn rẻ nhất mà họ có thể có để sống qua ngày. Mì ăn liền được sản xuất ở Nhật Bản lần đầu vào năm 1958, sau Thế chiến 2. Tại thời điểm đó, Nhật Bản đang trong quá trình phục hồi kinh tế và đại dịch từ nạn đói. Món ăn phổ biến lúc đó là mì dù họ không thể sản xuất đại trà do thiếu nhà máy và phương tiện lưu trữ. Nhận ra được nhu cầu của người dân khi đó, một nhà khởi nghiệp tên Momofuku Ando đã bắt đầu nghiên cứu để cho ra một loại mì có thể trữ được trong một thời gian dài và có thể chế biến để thưởng thức ngay lập tức. Trong cuốn tự truyện của ông ấy, Momofuku viết: “Tôi tình cờ đi ngang qua một vùng đất và thấy một hàng người xếp dài 20-30 mét trước một cửa hàng mì thắp sáng lờ mờ, nơi mà khói đang bốc lên nghi ngút. Mọi người ăn mặc rất phong phanh và đang run rẩy dưới tiết trời lạnh giá. […] Gương mặt họ ánh lên vẻ hạnh phúc khi húp nước xúp từ bát mì.”

Những gói mì đầu tiên được bán với giá 35 yên (7,200VND), mang theo niềm khát vọng của Momofuku trong việc đem đến nguồn dinh dưỡng cho mọi người. “Thế giới sẽ được hòa bình khi con người được no đủ,” ông nói. Chuyển đến năm 2021 khi thế giới lại một lần nữa quay cuồng trong chiến tranh, thiên tai và những phân biệt, bất công trong xã hội. Hàng triệu người phải đối mặt với sự nghèo khổ và thiếu thốn lương thực do đại dịch. Giữa bức tranh ảm đảm ấy, mì gói không chỉ là một phép màu mà Momofuku đã từng tin tưởng mà nó còn là phao cứu sinh cho những tình huống ngặt nghèo. Giữa nạn sóng thần tại Nhật Bản, động đất tại Đài Loan hay lũ lụt tại miền Trung Việt Nam, chúng ta có thể thấy mì gói luôn luôn hiện hữu. Kể từ lúc đó, không ngạc nhiên khi mà đại dịch nổ ra trên toàn cầu, mì gói đã sẵn sàng, chờ đợi ta ở một góc của tủ bếp. Chỉ cần cho mì vào tô, đổ gói gia vị vào, thêm nước sôi, úp trong vòng 5 phút là chúng ta đã có ngay một bữa ăn hoàn chỉnh. Dù nó không thể so sánh với sự sang chảnh của phở hay hương vị của bún bò, giữa thời kì khó khăn mà chúng ta đang phải trải qua này, chỉ cần vị mặn mà của mì chính thôi cũng đủ để xoa dịu chiếc bụng đói. Mì ăn liền còn hơn cả một món ăn đơn giản và tiện lợi, nó là đại diện cho nhiều phẩm chất của con người Việt Nam và cộng đồng Châu Á. Nó đại diện cho sự kiên định bước qua lịch sử đau thương, nạn đói sau chiến tranh và dịch bệnh tàn khốc. Nó đặc trưng cho sự sáng tạo của nền ẩm thực bắt rể và phát triển từ những nguyên liệu đơn sơ nhất, điển hình như phá lấu của Sài Gòn hay lẩu quân đội của Hàn Quốc. Và trên hết, nó là liều thuốc tinh thần của sự bảo bọc, gia đình và tình thân. Khi người Hàn Quốc ăn mì Shin Ramyun, người Indonesia ăn mì Indomie và người Việt Nam ăn mì Hảo Hảo, chúng ta đang thưởng thức những hương vị khác nhau nhưng cùng sẻ chia sự ấm áp và dễ chịu. Và có lẽ đó là sợi dây vô hình kết nối chúng ta với những gói mì ăn liền trên kệ của những ngày tươi đẹp, của những ngày khó khăn và của nhiều ngày còn lại trong cuộc đời.

Người dịch: Ha Do Thanh

Biên tập: Dennis Pham

https://www.the-interpreter.org/post/tinh-yeu-cua-nguoi-viet-danh-cho-mi-goi-dau-chi-la-thuc-pham-de-tich-tru

Related posts