Đài Loan xin gia nhập CPTPP – phép đo ý chí cho các quốc gia nhỏ hơn ở Ấn Độ – Thái Bình Dương

Triệu Hằng

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: 總統府/Flickr/flickr.com/photos/presidentialoffice/50323052601/).

Việc Đài Loan đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) là một sự thay đổi cuộc chơi không chỉ đối với Đài Bắc và tương lai của thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà còn trong việc thay đổi động lực quyền lực của khu vực, trang The Diplomat cho hay.

Đồng thời, động thái mới nhất của Đài Loan cũng đang tăng cường sức ép buộc Washington phải xem xét lại lập trường của chính mình về các thỏa thuận thương mại và chủ nghĩa đa phương trên phạm vi rộng hơn. Việc Đài Loan có thể trở thành thành viên CPTPP hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào chiến lược chính trị mà Đài Bắc đang thực hiện, nhưng đây cũng sẽ là một phép thử về việc làm thế nào Đài Loan có thể dấn thân vào mạo hiểm ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà không có Hoa Kỳ

Không giống như tuyên bố của Bắc Kinh chỉ một tuần trước khi Đài Loan chính thức tuyên bố yêu cầu trở thành thành viên của CPTPP, Đài Bắc luôn thể hiện rõ lợi ích của mình trong việc gia nhập khối thương mại đa phương. Trên thực tế, Đài Loan đã báo hiệu mong muốn tham gia kể từ khi thỏa thuận trước đó có tên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), như trường hợp TPP, cánh cửa luôn rộng mở cho Đài Loan gia nhập CPTPP. 

Chẳng hạn, trong chương cuối của TPP về việc gia nhập, quy định rằng “bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt nào là thành viên của APEC” sẽ đủ điều kiện trở thành thành viên miễn là họ có thể tuân thủ các quy tắc của hiệp ước. Về lý thuyết, điều đó mở đường cho Đài Loan gia nhập, vì nước này là thành viên APEC. 

Đồng thời, Đài Loan đang đẩy mạnh các nỗ lực để bảo đảm một thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ mà họ sẽ cần một cách riêng biệt, vì Washington vẫn đứng ngoài thỏa thuận thương mại đa phương. Do đó, chính phủ Đài Loan đã thực hiện một số bước mà không được ưa chuộng ngay trong nội bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, để sẵn sàng gia nhập. Trong đó có việc mở cửa cho nhập khẩu thịt lợn và thịt bò Mỹ, nhưng quyết định này đã vấp phải sự tấn công đặc biệt gay gắt từ một vài nhóm người tiêu dùng cũng như các đảng đối lập.

Với tuyên bố mới nhất về CPTPP của chính phủ Tổng thống Thái Anh Văn, đảng cầm quyền có thể lập luận rằng việc mở cửa thị trường nông sản của Đài Loan không chỉ là điều cần thiết để tiếp tục đàm phán thương mại với Hoa Kỳ mà còn cần thiết để Đài Loan trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng thương mại toàn cầu trong tương lai. 

Không giống như Trung Quốc đại lục, nước đã tuyên bố yêu cầu tham gia CPTPP chỉ một tuần trước đó, nhu cầu tham gia thỏa thuận thương mại của Đài Loan trước hết được thúc đẩy bởi những cân nhắc về tương lai kinh tế của nước này. Trong khi các nhà phân tích đặt câu hỏi về ý định và mức độ thực sự nghiêm túc của đơn xin gia nhập của Trung Quốc, với những nhượng bộ và cải cách mà Bắc Kinh sẽ phải thực hiện để bảo đảm rằng Trung Quốc sẵn sàng gia nhập, thì chính phủ Đài Loan đã chứng tỏ họ sẵn sàng thực hiện các động thái chính trị không được ưa chuộng cũng như những cái giá mà họ phải trả cho việc ký kết tham gia thỏa thuận thương mại. 

Xét cho cùng, trong khi nền kinh tế Đài Loan có thể đang phát triển mạnh mẽ ở hiện tại, nhưng những rủi ro về việc tiếp tục bị gạt ra ngoài lề chính trị do ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh, cùng với những hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế của chính họ, đặt ra những lo ngại cho tương lai. 

Nhưng bất cứ quyết định nào được đưa ra liên quan đến việc gia nhập của Trung Quốc và Đài Loan, có một điều rõ ràng là: Hoa Kỳ sẽ không tham gia vào quá trình ra quyết định, cũng như không có khả năng thúc đẩy việc gia nhập của Đài Bắc phía sau hậu trường khi trật tự khu vực của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang thay đổi. 

Làm thế nào Đài Loan có thể gia nhập CPTTP khi đối mặt với sự tức giận của Trung Quốc, và đây sẽ là một bài kiểm tra về ý chí của các quốc gia nhỏ hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong việc xác định quan hệ chiến lược với Bắc Kinh mà không có Hoa Kỳ.

Related posts