Tin thế giới sáng thứ Sáu

Bầu tổng thống ở Brazil: Bolsonaro và bóng ma đảo chính

Riêng về người được dự báo là sẽ thua cựu tổng thống Lula trong cuộc bầu cử năm 2022, đương kim tổng thống Bolsonaro được cho là đang đang đẩy mạnh các cuộc biểu dương vũ lực và lên tiếng ám chỉ rằng sẽ có một cuộc đảo chánh của quân đội rất trung thành với ông.

Theo Libération, 36 năm sau khi gạt bỏ chế độ độc tài quân sự (1964-1985), Brazil đang bị nỗi lo đảo chánh quân sự ám ảnh trở lại, một mối đe dọa mà chính vị tổng thống cực hữu đôi khi không ngần ngại nói rõ.

Về phần các thành phần ủng hộ ông, họ chỉ có hai từ được lặp đi lặp lại: can thiệp quân sự” để bảo vệ lãnh tụ của họ và loại bỏ những phần tử chống chính quyền Bolsonaro.

Sự kiện gây sốc gần đây nhất xảy ra ngày 7 tháng 9, một ngày lễ quốc gia được Bolsonaro chọn để phô trương vũ lực, hậu thuẫn cho điều được ông gọi là một “phản ứng chống đảo chính cần thiết”. Chỉ riêng ở São Paulo, 125.000 người ủng hộ tổng thống đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông.

Vấn đề là dù bị cho là kẻ thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, ông Bolsonaro vẫn duy trì được một thành phần trung thành đông đảo, chiếm gần 1 phần tư người Brazil, bất chấp cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và dịch tễ, với 600.000 ca tử vong chính thức vì Covid-19.

Thân phận người tị nạn: Nobel Văn học 2021 vinh danh nhà văn Tanzania

Thùy Dương

Nhà văn Abdulrazak Gurnah tại Canterbury, Anh, tháng 6/2021. via REUTERS – CHAPTER OF CANTERBURY CATHEDRAL

Viện Hàn Lâm Thụy Điển hôm nay 07/10/2021 thông báo giải Nobel Văn học năm nay được trao cho tiểu thuyết gia người Tanzania, Abdulrazak Gurnah, nhà văn mà xuyên suốt các tác phẩm là số phận của người tị nạn.

Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã chọn trao thưởng cho nhà văn Abdulrazak Gurnah vì « sự thấu hiểu, đồng cảm và không khoan nhượng về các hệ quả của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn bị mắc kẹt giữa các nền văn hóa và châu lục ». Nhà văn, tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 trên đảo Zanzibar, đến nước Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Ông là tác giả của 10 tiểu thuyết, nổi tiếng với cuốn « Paradise » (1994). Gurnah sống ở Brighton, Anh, và giảng dạy tại đại học Kent.

Trong tuần này, Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel, nói với tạp chí The New Republic của Mỹ : « Giá trị văn học » vẫn là « tiêu chí tuyệt đối và duy nhất ». Trong khi đó, Mats Almegård, nhà phê bình văn học của tạp chí Fokus, phát biểu: « Tôi luôn hy vọng là sẽ có một bất ngờ lớn – điều này khiến mọi chuyện thú vị hơn rất nhiều. Nếu họ làm đúng như điều được mong đợi, giải thưởng sẽ mất đi vẻ lẫy lừng ».
Nhìn lại lịch sử, các giải Nobel Văn học thường được trao cho các nhà văn Tây phương, nhất là châu Âu và là nam giới, không phải là người thật nổi tiếng, không phải là tác giả của những cuốn sách thuộc diện bán chạy nhất « best seller ». AFP nhắc lại trong số 117 người từng đoạt giải Nobel Văn, có 95 nhà văn, tương đương hơn 80%, là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng nước Pháp giành được 13%. Chỉ có 16 nhà văn nữ đoạt giải so với con số 101 khôi nguyên Nobel văn học là nam giới.

Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel mùa thu năm 2019 cho biết trước đây Ủy ban hướng sự chú ý vào văn học châu Âu, nhưng nay họ nhìn rộng hơn ra thế giới. Năm 2018 và 2020, khôi nguyên Nobel Văn học đều là nữ : tiểu thuyết gia người Ba Lan Olga Tokarczuk (2018) và nhà thơ Mỹ ít được biết đến Louise Glück (2020).

Nobel Văn học là giải thứ 4 được công bố trong mùa giải năm 2021. Ngày mai 08/10, giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố.

Thượng đỉnh EU: 27 nước vẫn bị chia rẽ vì chiến lược phòng thủ chung

Thu Hằng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước truyền thông, khi đến bữa ăn tối với lãnh đạo các thành viên Liên Âu, tại Kranj, Slovenia, ngày 05/10/2021. AP – Darko Bandic

Tổng thống Pháp đã không thuyết phục được các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu về kế hoạch phòng thủ chung châu Âu. Theo lời đề nghị của ông Emmanuel Macron, chủ đề quan hệ đối tác với Hoa Kỳ đã được đưa ra thảo luận trong bữa tối 05/10/2021 giữa nguyên thủ và thủ tướng các nước Liên Hiệp Châu Âu tại Brdo, Slovenia.

Tổng thống Pháp kêu gọi các đồng nhiệm châu Âu cùng « rút bài học từ những cuộc khủng hoảng gần đây », như Mỹ đơn phương rút quân khỏi Afghanistan hoặc thỏa thuận chiến lược AUKUS, gạt Pháp khỏi hợp đồng tầu ngầm với Úc. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên « sáng suốt » và « đừng ngây thơ » trước những lựa chọn chiến lược mới của Hoa Kỳ, hiện tập trung vào ganh đua với Trung Quốc.  

Đặc phái viên RFI Julien Chavanne tường trình từ Bdro:  

« Bữa tối kéo dài đến khuya nhưng không có tuyên bố chung sau đó. Điện Elysée cũng không hy vọng điều này. Khối 27 nước sẽ không nhất trí nhanh như thế về dự án quốc phòng châu Âu khổng lồ.  

Những người thân cận của tổng thống Pháp thì nói về « một mức hội tụ cao, không có bất đồng » giữa các nước Liên Âu. Thế nhưng cũng có những phát biểu phấn khởi hơn, ví dụ, theo ông Clément Beaune, « buổi tranh luận không phải là vô ích ». Quốc vụ khanh phụ trách Liên Hiệp Châu Âu nhắc lại « Ý tưởng không phải là để NATO đối lập với lực lượng phòng thủ tương lai của châu Âu ». Ông như muốn trấn an các nước vùng Balkan rất gắn bó với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.  

Ông Beaune nói : « Phải vượt qua được những đối lập và những mâu thuẫn đã cản trở chúng ta trong các cuộc tranh luận cấp châu Âu hơi khó hiểu hoặc hơi lý thuyết. Khi nói đến an ninh mạng, khi nói đến cam kết ở vùng Sahel, chúng ta có gần 10 nước châu Âu cùng sát cánh, ví dụ trong Task Force của lực lượng đặc biệt Takuba. Mọi việc được nói rõ. Vì thế hãy thoát khỏi những cuộc thảo luận ít nhiều mang tính lý thuyết và cùng hành động một cách cụ thể ».

Điều quan trọng đối với ông Emmanuel Macron là đặt được hồ sơ lên bàn ở Liên Hiệp Châu Âu, cho thấy rằng, đối với ông, khủng hoảng tầu ngầm vẫn chưa được sang trang. Trong ba tháng nữa, nguyên thủ Pháp sẽ đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu. Thời khắc đếm ngược đã đến. Ông Macron sẽ không bỏ lỡ bất cứ dịp nào để cho thấy những ưu tiên của ông, dù đôi khi có vẻ bị cô lập ».

Mỹ sắp công bố tài liệu Hướng Dẫn Chiến Lược chống Bắc Kinh tấn công Đài Loan

Thùy Dương

Tân lãnh đạo bộ Hải Quân Mỹ Carlos Del Toro, Washington, ngày 13/07/2021. AP – Jacquelyn Martin

Bộ trưởng Hải Quân Mỹ trong tuần này sẽ công bố một tài liệu Hướng Dẫn Chiến lược, nêu rõ cách thức Hải Quân và Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ duy trì ưu thế hàng hải trên quy mô toàn cầu, tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược để chống Trung Quốc.

Theo trang Defense News, ông Carlos Del Toro, bộ trưởng Hải Quân Mỹ, đã giới thiệu sơ qua tài liệu Hướng Dẫn Chiến Lược cho học viên của Học viện Hải quân Hoa Kỳ vào tối thứ Ba 05/10/2021. Ông khẳng định: “Mục tiêu mong muốn không phải là chống lại Trung Quốc. Không ai muốn tham gia vào một cuộc xung đột … Trách nhiệm cuối cùng của chúng tôi là ngăn cản họ thực hiện những gì họ đang cố gắng hoàn thành, bao gồm cả việc xâm lược Đài Loan. Vì thế, điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải đầu tư từ bây giờ, trong năm nay, khi cần thiết để có khả năng tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và nhiều mối đe dọa khác trên khắp thế giới mà đôi khi chúng ta phải đối mặt”.

Với mục tiêu đó, ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo chiến lược của bộ trưởng Del Toro là đưa ra những quyết định khó khăn về chi tiêu ngân sách quốc phòng vốn bị hạn chế theo những hướng có thể ngăn chặn Trung Quốc, với một lực lượng nhanh nhạy và luôn sẵn sàng, hiện đại hóa Lực lượng Thủy quân Lục chiến, mở rộng khả năng đội tàu của Hải Quân Mỹ. Quan chức này cho biết thêm là Hải Quân đang đầu tư vào các nhà máy đóng tàu và các cơ sở duy tu bảo dưỡng tàu, cũng như các thiết bị hỗ trợ khác, để đảm bảo phục vụ chiến đấu.

Bộ trưởng Del Toro nhấn mạnh trí thông minh nhân tạo, an ninh mạng, thiết bị không người lái, vũ khí siêu thanh… là những lĩnh vực xác định lợi thế của Hải Quân Mỹ so với Trung Quốc, và điều quan trọng là phải khẩn trương phát triển các mảng này.

Trước mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với các đồng minh và đối tác của Washington, ông Del Toro cho biết một ưu tiên khác trong chỉ đạo chiến lược là thúc đẩy các liên minh và đối tác trên toàn cầu. Riêng về Đài Loan, ông nhấn mạnh đến quan hệ đối tác với các quốc gia như Úc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia và những nước khác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương đang bị Trung Quốc đe dọa, cung cấp vũ khí và công nghệ cần thiết để Đài Loan có thể tự vệ, làm cho Trung Quốc thấy họ không có bạn hữu, không có đồng minh hàng hải, qua đó ngăn cản Bắc Kinh chiếm Đài Loan.

Phát biểu trước báo giới, ông Del Toro nhận định: Vì Trung Quốc hiện diện khắp nơi, Hải Quân Mỹ cần hiện diện không chỉ ở Biển Đông mà trên toàn cầu, tìm hiểu và giúp đỡ các nước đang hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ dự án “Vành đai, Con đường” giải quyết các khó khăn, để không phải lệ thuộc vào Bắc Kinh cả về kinh tế và quân sự.

Đài Loan tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế sau các vụ xâm nhập của Trung Quốc

Thụy My

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) phát biểu khi tiếp thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard (T) tại dinh tổng thống, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 07/10/2021. REUTERS – POOL

Đài Loan sẽ tiếp tục đóng vai trò một thành viên cộng đồng quốc tế và bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tổng thống Thái Anh Văn hôm nay 07/10/2021 tuyên bố như trên khi tiếp đón các thượng nghị sĩ Pháp.

Chuyến thăm của phái đoàn bốn thượng nghị sĩ Pháp diễn ra sau khi Đài Loan đã phải chịu đựng suốt bốn ngày liên tiếp, kể từ thứ Sáu tuần trước, chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận diện phòng không với số lượng lên đến 148 chiếc, gây lo ngại cho Washington và các đồng minh.

Bà Thái Anh Văn ngỏ lời cảm ơn Pháp đã tỏ ra lo lắng trước tình hình eo biển Đài Loan, và ủng hộ Đài Bắc tham gia vào cộng đồng quốc tế. Thượng nghị sĩ Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp dẫn đầu phái đoàn, nêu ra « đóng góp quan trọng của Đài Loan trong lãnh vực quan trọng cho tiến bộ nhân loại », nhưng không nhắc đến căng thẳng quân sự với Bắc Kinh.

Các thượng nghị sĩ Pháp đến Đài Loan hôm qua, bất chấp Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Bà Thái Anh Văn nói rằng « rất cảm động » vì việc này. Hồi tháng Ba, đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã đe dọa sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Pháp-Trung, nhưng bộ Ngoại Giao Pháp khẳng định các thượng nghị sĩ có quyền tự do đi lại theo ý họ.

Trong một diễn biến khác, hôm qua 06/10 bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo Cheng) trong cuộc điều trần trước Quốc Hội nhận định, từ nay đến 2025 Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tổng lực để xâm chiếm Đài Loan.

Thượng Viện Pháp: Chống Trung Quốc thao túng đại học phải là “ưu tiên chính trị”

Thụy My

Viện Khổng Tử ở Pays de la Loire, Pháp. Ảnh tư liệu chụp năm 2011. © wikimedia

Các trường đại học Pháp là nạn nhân của mưu toan lũng đoạn ngày càng hung hăng thậm chí « thô bạo », chủ yếu từ Trung Quốc. Một báo cáo của Thượng Viện Pháp công bố hôm 06/10/2021 cảnh báo như trên, đồng thời cho biết Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh cũng có những ý đồ tương tự.

Theo báo cáo, Bắc Kinh ngày càng tiến hành « chiến lược thao túng toàn cầu có hệ thống ». Các nhà nghiên cứu Pháp phải chịu áp lực và phải tự kiểm duyệt, các viện nghiên cứu lệ thuộc vào tài chính của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho tính độc lập của họ. Báo cáo viên, thượng nghị sĩ André Gattolin kêu gọi lập ra một quy tắc ứng xử và tăng tính minh bạch, « chấm dứt sự ngây thơ ».

Văn bản 240 trang nêu ra sự « thô bạo hóa» quan hệ quốc tế, các « mưu toan lũng đoạn không còn giới hạn ở tình báo kinh tế mà trải rộng sang lĩnh vực các quyền tự do trong giáo dục đại học và hội nhập khoa học ». Không chỉ gây ảnh hưởng về văn hóa như ngôn ngữ, văn minh, người Trung Quốc còn làm áp lực đối với những phát biểu, ngăn trở mở hội thảo về tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, về Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông.

Các Viện Khổng Tử hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới trở thành công cụ tuyên truyền, đe dọa tự do đại học và các đối tác, thậm chí chứa chấp gián điệp. Báo cáo nêu ra tình thế lưỡng nan của các trường đại học, vốn cởi mở về tri thức, nhưng nay phải thường xuyên cảnh giác, nhất là đối với những du học sinh.

Một phương diện khác là việc tiếp cận thông tin, dữ liệu nghiên cứu, đôi khi trong những lãnh vực có thể dùng cho mục đích quân sự hay chiến lược. Bắc Kinh không từ một phương tiện nào : tài trợ cho các phòng thí nghiệm hay đối tác, tuyển mộ nhân sự với lời hứa trả lương thật cao tại Trung Quốc, kể cả làm áp lực.

Thượng nghị sĩ André Gattolin nêu ra trường hợp đại sứ Trung Quốc lăng mạ và cấm nhập cảnh một nhà nghiên cứu Pháp, ông nói, khi là nhà Trung Quốc học mà không được cấp visa thì đành phải đổi nghề. Ông đòi hỏi phải kiểm soát thường xuyên, không chờ đợi đến lúc cùng chung cảnh ngộ với Úc hoặc Anh.

Các tác giả bản báo cáo khuyến nghị phải coi chủ đề nước ngoài can thiệp vào đại học là ưu tiên chính trị, và tỏ ý tiếc rằng các « tập đoàn tin giả » của Nga hoặc những vụ tấn công tin học từ Nga, Trung Quốc hiện nay vẫn được coi như chuyện bình thường.

NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi gián điệp

Thu Hằng

Trụ sở của khối NATO tại Bruxelles, Bỉ. Nato.int

Tám thành viên của phái bộ Nga tại NATO đã bị rút giấy phép hoạt động vì bị tình nghi làm gián điệp. Quyết định ngày 06/10/2021 của NATO cũng ấn định duy trì chỉ có 10 nhân viên trong phái bộ của Nga bên cạnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương tại trụ sở ở Bruxelles (Bỉ).  

AFP trích thông báo của một quan chức NATO giải thích quyết định tước bỏ ủy nhiệm đối với tám người này vì họ “là những sĩ quan của tình báo Nga, nhưng không khai báo”. Quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga bị NATO cáo buộc làm gián điệp sẽ do Bỉ ban hành, vì trụ sở của NATO nằm ở Bruxelles. Biện pháp có hiệu lực từ cuối tháng 10.  

Vào tháng 04/2021, NATO từng lên án “các hành động gây bất ổn” của Nga ở nhiều nước trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương và cảnh báo đưa ra những biện pháp tương ứng. Vẫn theo lời quan chức trên, “chính sách của NATO đối với Nga luôn gắn kết chặt chẽ. Chúng tôi tăng cường ngăn chặn và phòng vệ để đáp trả những hành động gây hấn của Nga, đồng thời hoàn toàn cởi mở cho các đối thoại mang tính xây dựng”.  

Phái bộ của Nga bên cạnh NATO từng có 30 nhân viên, sau đó bị rút xuống còn 20 người do 7 thành viên bị rút giấy phép và bị trục xuất khỏi Bỉ vào tháng 03/2018, còn 3 yêu cầu cấp phép bị từ chối. Đây là biện pháp đáp trả của NATO đối với Matxcơva sau vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh bằng chất độc thần kinh Novitchok.  

Related posts