Phụng Minh
Đài Loan không thể sánh với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh đẩy mạnh những lời nói và hành động hiếu chiến đối với những nước láng giềng nhỏ hơn, Đài Loan đang gặt hái những lợi ích từ quyền lực mềm khi hình ảnh của Trung Quốc suy giảm, theo trang Nikkei.
Tuần trước, Đại học Harvard thông báo họ đã chuyển chương trình tiếng Quan thoại ở nước ngoài từ Bắc Kinh sang Đài Bắc – một sự thay đổi mà truyền thông của sinh viên cho biết là “do nhận thấy sự thiếu thân thiện từ cơ sở chủ quản, Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh”.
Quyết định của Harvard có thể thúc đẩy các trường đại học khác có chương trình ở Trung Quốc thực hiện các động thái tương tự. Điều này diễn ra vào thời điểm các quốc gia và tổ chức đang bắt đầu điều chỉnh lại cách tiếp cận của họ với Trung Quốc và xem xét lại quan điểm của họ về Đài Loan.
Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc từng bước và cẩn thận xây dựng lại hình ảnh của mình và dường như tích lũy được sự tôn trọng và thiện chí quốc tế đáng kể. Nhưng trong hầu hết các xã hội dân chủ, các ý kiến về Bắc Kinh gần đây đã trở nên tồi tệ. Một phần nguyên nhân là chính sách ngoại giao sói chiến của Bắc Kinh, cũng như việc bắt giữ hai người Canada làm con tin, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, và gia tăng bắt nạt Đài Loan.
Một số người ở Bắc Kinh dường như nhận thức được rằng Trung Quốc đang gặp một vấn đề lớn về xây dựng hình ảnh. Ba ngày sau thông báo của Harvard, Fu Ying, một cựu quan chức ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đại hội Nhân dân Quốc gia, đã gợi ý trong một chuyên mục của Nhân dân Nhật báo hôm thứ Năm rằng Trung Quốc có thể cải thiện hình ảnh của mình ở nước ngoài.
Trái ngược với Trung Quốc dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn đã thu hút được sự chú ý của toàn cầu kể từ khi bùng phát COVID-19. Năm ngoái, khi Trung Quốc bán khẩu trang cho các quốc gia khác, rất nhiều đều là hàng kém chất lượng, thì Đài Loan đã tăng cường sản xuất và tặng hàng triệu khẩu trang cho các quốc gia trên thế giới.
Sydney Yueh, phó giáo sư Nghiên cứu Truyền thông tại Đại học Northeastern State, cho biết: “Thành công của Đài Loan trong việc chống lại COVID-19 và giúp đỡ các quốc gia khác bằng cách tặng khẩu trang và thiết bị y tế đã giúp nâng cao tầm nhìn quốc tế và tạo thiện chí ở nước ngoài”.
Bà Yueh cho biết chính sách ngoại giao sói chiến của Trung Quốc và tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu, trong khi Đài Loan là nhà sản xuất vi mạch hàng đầu cũng đã giúp nâng cao vị thế toàn cầu của hòn đảo.
Sự hào phóng của việc quyên tặng khẩu trang đã được đền đáp trong năm nay khi các nước nhận viện trợ như Nhật Bản và Hoa Kỳ đã chuyển hàng triệu mũi vắc-xin cho Đài Loan. Các nước châu Âu bao gồm Ba Lan, Litva và Slovakia, nhận được khẩu trang của Đài Loan vào năm ngoái, cũng đã tặng vắc-xin cho hòn đảo. Trong một bài phát biểu vào ngày 10/10, bà Thái gọi sự hỗ trợ lẫn nhau của các nền dân chủ này như một “chu kỳ nhân đạo” mà Đài Loan sẽ tiếp tục và mở rộng.
Vào thứ Tư, một phái đoàn chính phủ và doanh nghiệp gồm 65 thành viên từ Đài Loan sẽ bắt đầu chuyến thăm ba nước với các điểm dừng ở Litva, Slovakia và Cộng hòa Séc. Litva bị Trung Quốc nhắm đến vì mối quan hệ đang ấm lên với Đài Loan, và quốc gia nhỏ bé này cũng đang thúc đẩy Liên minh châu Âu thể hiện sự ủng hộ lớn hơn đối với hòn đảo.
Cộng hòa Séc cũng không lạ gì với sự tức giận của Trung Quốc. Thượng viện Séc đã mời Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp tham dự một diễn đàn thượng viện vào cuối tháng này. Trước đó, vào vào cuối năm 2019, thủ đô Praha của Séc đã chuyển quan hệ thành phố kết nghĩa với Bắc Kinh sang Đài Bắc.
Trong hai thập niên qua, châu Âu đã duy trì một khoảng cách nhất định với Đài Loan khi quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Zsuzsa Anna Ferenczy, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Đài Bắc và là cựu cố vấn chính trị tại Nghị viện châu Âu, cho biết, điều đó đang dần thay đổi.
Bà Ferenczy nói: “Trong khi EU và các nước thành viên tiếp tục nhìn Đài Loan qua lăng kính của mối quan hệ EU-Trung Quốc, có những dấu hiệu họ đã bắt đầu nhìn nhận Đài Loan trên phương diện xứng đáng của riêng mình, như một nền dân chủ vững mạnh đối mặt với một Trung Quốc độc tài gây ra những mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự thống nhất của châu Âu”.
Bà nói thêm rằng sự thân thiện của người châu Âu đối với Đài Loan ngày càng tăng, trong khi họ ngày càng cảnh giác đối với Trung Quốc. Bà cho biết: “Hai diễn biến này ngày càng gia tăng cùng với đại dịch, theo đó Brussels chứng kiến Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận độc tài từ trên xuống, bí mật và thù địch để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và Đài Loan áp dụng cách tiếp cận dân chủ từ dưới lên, minh bạch và hào phóng”.
Ấn Độ là một quốc gia toàn cầu khác gần đây đã bắt đầu quan hệ với Đài Loan, mà trước đây họ đã tránh các mối quan hệ đáng kể do lo ngại về chọc giận Bắc Kinh. Vào năm 2020, Đài Loan đã tặng một triệu khẩu trang cho các nhân viên y tế tuyến đầu của Ấn Độ. Các cuộc đụng độ ở biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc cũng tạo cơ hội cho các quan chức Đài Loan kết nối ở một cấp độ khác: Các thông điệp truyền thông xã hội về tình đoàn kết dân chủ.
Sana Hashmi, một thành viên đến thăm tại Quỹ Giao lưu Đài Loan-Châu Á cho biết: “Việc sử dụng mạng xã hội của Tổng thống Thái Anh Văn và các quan chức cấp cao khác để tiếp cận với cư dân mạng Ấn Độ đã có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao nhận thức về Đài Loan ở Ấn Độ”.
Ngoài ra, truyền thông đưa tin, Đài Bắc và New Delhi đang thảo luận về khả năng hợp tác về một trung tâm sản xuất chất bán dẫn trị giá 7,5 tỷ USD ở Ấn Độ.
Bà nói: “Đài Loan đã có quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và bây giờ là với Úc, việc chú trọng đến Ấn Độ trong khuôn khổ chính sách đối ngoại lớn hơn và chỉ đạo thảo luận về Ấn Độ trong vòng chiến lược của họ sẽ có lợi cho Đài Loan”.
Việc Đài Loan đang dần khỏi sự cô lập về chính trị cũng được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của số lượng phóng viên nước ngoài đến hòn đảo này. Việc Trung Quốc trục xuất các nhà báo nước ngoài vào năm ngoái đã dẫn đến việc The New York Times, Wall Street Journal và Washington Post cử phóng viên của họ làm việc toàn thời gian tại Đài Bắc lần đầu tiên sau nhiều năm. Khi các hạn chế đối với các nhà báo hoạt động ở Trung Quốc ngày càng tăng, thì các phóng viên từ Anh, Pháp và Úc cũng đã đến Đài Loan.
Ngoài các dịch vụ điện tử như trang Reuters, Bloomberg và AFP, hầu hết các kênh truyền thông lớn đều không có phóng viên tại Đài Loan cho đến khoảng năm ngoái. Các bản tin về Đài Loan và các mối quan hệ xuyên eo biển thường được viết từ Trung Quốc.
Bà Yueh nói: “Đài Loan thường bị miêu tả là một kẻ gây rối hoặc bị chỉ trích gay gắt từ quan điểm thân Trung Quốc. Khi các nhà báo có thể tận mắt khám phá mọi ngóc ngách của Đài Loan, lắng nghe tiếng nói của người dân địa phương, trải nghiệm lối sống độc đáo và cách sống dân chủ trên hòn đảo, họ sẽ viết những câu chuyện về Đài Loan một cách công bằng hơn”.
Bà cho biết xu hướng các nhà báo chuyển từ Trung Quốc sang Đài Loan có thể sẽ tiếp tục trong thời điểm hiện tại. Bà nói:
“Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tiếp tục nhận được câu hỏi từ các nhà báo trong khu vực về cách xin giấy phép ở Đài Loan. Rủi ro gia tăng của các phóng viên ở Hồng Kông và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục xu hướng đó”.