Trung Quốc: ‘Cơn bão thất nghiệp’ đang tràn đến

Đông Mai

Trung Quốc: ‘Cơn bão thất nghiệp’ đang tràn đến
Một phụ nữ khóc khi cô và những người khác tập trung tại trụ sở Evergrande ở Thâm Quyến, đông nam Trung Quốc hôm 16/09/2021. Evergrande cho biết họ đang đối mặt với “những khó khăn chưa từng có” nhưng bác bỏ những tin đồn rằng họ sắp ngừng hoạt động. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)

‘Bom nợ’ thị trường bất động sản, sự rút lui ồ ạt của các công ty nước ngoài, sự suy thoái của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, sự ‘chấn chỉnh’ các tập đoàn thương mại điện tử đa quốc gia… đang khiến lao động nước này lâm vào khủng hoảng.

Hai ‘phiên bản’ khác nhau giữa chính phủ và thị trường

Vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc hiện nay nghiêm trọng đến mức nào? Thường sẽ có hai “phiên bản” khác nhau giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thị trường. ĐCSTQ chính thức công bố tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát trung bình trong 9 tháng đầu năm nay là 5,2%, thấp nhất kể từ năm 2019. 

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều công ty nước ngoài bị ảnh hưởng bởi chính sách từ đầu năm tới nay đã tiến hành rút lui khỏi thị trường nước này, hoặc tiến hành sa thải nhân viên để giảm thiểu chi phí. Bytedance – Công ty mẹ của ứng dụng TikTok cũng là một trong số đó. Mới đây, họ đã xác định với truyền thông nước ngoài rằng họ đang sa thải nhân viên.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đưa ra quyết định sa thải nhân viên, giảm bớt gánh nặng chi phí để ứng phó với thời kỳ dịch bệnh và điều kiện môi trường hiện tại.

Ha Zengyou – Vụ trưởng Vụ Việc làm thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Tư (20/10) rằng, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 9 tháng đầu năm nay là 5,2%. Trong đó, con số này là 4,9% vào tháng 9, giảm lần lượt 0,5 và 0,2 phần trăm theo năm và theo tháng. Vụ trưởng Ha nói rằng, đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ năm 2019 tới nay.

Trong 5 năm có 20.000 doanh nghiệp nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc

Sun Liping – Nhà xã hội học Trung Quốc và là Giáo sư Khoa Xã hội học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói trong một video mới đây, rằng “làn sóng thất nghiệp” ở Trung Quốc đang đến. Ông đã phân tích khoảng 5 khía cạnh tạo nên làn sóng thất nghiệp như sau:

1. Một lượng lớn lao động trong ngành bất động sản bị sa thải

Trung Quốc điêu đứng không chỉ bởi tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này là Evergrande có nguy cơ bị phá sản, mà còn chi chít những “quả bom nợ” khác tương tự như thế. Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, một triệu chứng của mô hình kinh tế lỗi, mô hình tăng trưởng dựa vào đòn bẩy nợ và GDP tăng trưởng bằng bất cứ giá nào với các thành phố ma, cơ sở hạ tầng không có người sử dụng, các công trình công cộng hoang phế…

Khi bất động sản của Trung Quốc rơi vào bế tắc và rối như mớ bòng bong thì hệ luỵ kéo theo là lượng lớn lao động bị sa thải trong lĩnh vực này, hoặc các lĩnh vực có liên quan đến bất động sản.

2. Sự rút lui ồ ạt của các công ty nước ngoài 

Trong vòng 5 năm, 20.000 công ty có vốn nước ngoài đã rút vốn và dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang những nước khác, điển hình như Việt Nam. Chúng ta có thể tưởng tượng sẽ có bao nhiêu công nhân, lao động bị mất việc làm chưa?

3. Sự suy thoái của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến ĐCSTQ phải phong tỏa các thành phố, “đóng băng” sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường… dẫn đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước rơi vào suy thoái, thậm chí phá sản. Nhiều doanh nghiệp buộc phải phá sản hoặc thu hẹp phạm vi sản xuất đã cắt giảm lao động, đẩy tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc lên mức căng thẳng mới.

4. Siết chặt các doanh nghiệp có liên quan ngành giáo dục 

Ông Sun Liping cho rằng, khía cạnh thứ tư là việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo liên quan đến “giáo dục ngoài khuôn viên trường học” cách đây không lâu đã khiến gần 10 triệu người thất nghiệp trong ngành này.

Chính sách “song giảm” của chính quyền Trung Quốc – tức là giảm gánh nặng bài tập về nhà trong chương trình giáo dục bắt buộc và giảm gánh nặng học thêm ngoài trường ở các cơ sở đào tạo (lớp ngoại khóa) đã khiến một loạt cơ sở ngoại khóa ở Trung Quốc đổ sập. Trong đó có nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo ngoại khóa xảy ra tình trạng phá sản, vỡ nợ, bỏ trốn. Điều này cũng đang làm gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp ở đất nước tỷ dân.

5. ‘Chấn chỉnh’ các công ty thương mại điện tử đa quốc gia

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent đều đối mặt với sự kiểm soát gia tăng của chính phủ Trung Quốc, vốn lo ngại về quy mô và sức mạnh ngày càng lớn của các tập đoàn này. Việc ĐCSTQ công khai trừng phạt những đại gia công nghệ được cho là đã gây ra ảnh hưởng đến khoảng 50.000 lao động trong ngành này tại Trung Quốc.

Ông Sun Liping nói: “Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Xét về góc độ vĩ mô, tăng trưởng kinh tế được phản ánh qua con số GDP, nhưng đối với tất cả mọi người, nó được phản ánh qua việc làm và thu nhập. Cần phải nói rằng, đó có thể là một sự khởi đầu thực sự”.

Ha Zengyou – Vụ trưởng Vụ Việc làm của Ủy ban Cải cách và Phát triển, cũng thừa nhận tại cuộc họp báo rằng, vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn trong lĩnh vực việc làm hiện nay. Ở góc độ kinh tế vĩ mô, sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa ổn định và chưa đồng đều; những khó khăn, thách thức trong ổn định hoạt động kinh tế ngày càng lớn, đặc biệt, một số chỉ tiêu kinh tế giảm trong quý III đã làm gia tăng khó khăn trong kiểm soát kinh tế vĩ mô.

Trung Quốc đang đối diện với bong bóng nợ bất động sản, sự rút lui của hàng loạt công ty nước ngoài khỏi thị trường…(Ảnh: jiawei cui / Pexels)

Nền kinh tế kế hoạch đã phục hồi, nhưng các doanh nghiệp tư nhân đang rút lui 

Trong một bài phỏng vấn, ông Giang – Chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho biết, các thực thể kinh tế Trung Quốc hiện nay đang ở trong môi trường “nhà nước tiến lên và dân chúng rút lui”; nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mất đi những điều kiện thuận lợi để phát triển trước đây và thậm chí còn trở thành “đối tượng bị hạn chế” trong chính sách của ĐCSTQ. Nói tóm lại, những doanh nghiệp này đang trên đường xuống dốc.

“Trước đây, một số doanh nhân lớn luôn có các nhóm lợi ích khác nhau đứng đằng sau. Tuy nhiên, cục diện chính trị hiện nay đã thay đổi. Nền kinh tế kế hoạch hiện đang thống trị thị trường. Dù là Jack Ma của Alibaba, hay các bigwigs (được hiểu là nhân vật lớn, quan to) khác, họ đều sẽ tàn lụi dần và rút lui khỏi cái gọi là công ty độc quyền, hoặc các xí nghiệp quy mô lớn. Họ buộc phải để chính quyền nhà nước chi phối” – ông Giang nói.

Sa thải sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, và người còn việc cũng lâm vào khủng hoảng.

Hôm thứ Ba (19/10), quản lý của công ty ByteDance đã thông báo trên nền tảng của APP tại nơi làm việc rằng, nhóm thương mại hóa của công ty đang được điều chỉnh. Công ty này sẽ chi trả tiền bồi thường hợp đồng lao động cho những lao động bị sa thải đầu tiên với mức lương N+1, và ngày nghỉ hàng năm theo luật định sẽ được giải quyết với mức lương gấp đôi. Về vấn đề này, người có liên quan phụ trách bộ phận nhân sự của ByteDance đã nói với giới truyền thông rằng, thông tin sa thải là đúng sự thật và là một sự điều chỉnh kinh doanh bình thường của công ty.

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Bi Xin cho biết, việc sa thải chỉ có thể giải quyết vấn đề tiết kiệm chi phí ngắn hạn của công ty, nhưng nó không phải là phương pháp tốt nhất. 

“Nếu không có năng lực lao động để tạo ra thu nhập, công ty này sớm muộn gì cũng phá sản. Ở Trung Quốc, việc sa thải sẽ làm tăng khối lượng công việc lên một bộ phận người khác không bị sa thải. Nhưng bây giờ thì khác. Theo tiền đề về cái gọi là thịnh vượng chung, mọi sự sa thải lớn trong tương lai có thể gây ra một ‘làn sóng’, khiến một số lượng lớn người nghèo trở nên càng nghèo hơn, và số ít lao động có việc làm trở nên khủng hoảng vì công việc quá tải”.

Đông Mai

Related posts