Tổng Thư ký Stoltenberg: NATO sẽ tập trung vào việc chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc trong thập niên tới

Danella Pérez Schmieloz

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tham gia khai mạc các cuộc thảo luận trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels, hôm 21/10/2021. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images) Trung Quốc

The Financial Times đưa tin, NATO sẽ tập trung vào việc chống lại mối đe dọa từ Trung Cộng như một phần của cách tiếp cận chiến lược mới của thập niên tới, theo tổng thư ký của tổ chức này.

Điều này xuất hiện khi nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn trong tham vọng thống trị toàn cầu, khi được cho là đã giành được ưu thế trong các công nghệ chiến tranh chủ chốt, chẳng hạn như các hỏa tiễn bội siêu thanh tầm xa.

Trong cuộc phỏng vấn với The Financial Times, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết năng lực không gian mạng, công nghệ mới, và hỏa tiễn tầm xa của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến an ninh Âu Châu.

Ông nói, “Khu vực này phải đối mặt với những thách thức toàn cầu: khủng bố, không gian mạng, và cả sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì vậy, khi nói đến việc tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của chúng ta, thì đó cũng là nói về việc làm sao để giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những gì chúng ta có thể dự đoán là sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tác động đến an ninh của chúng ta. Đã có những tác động rồi đó”.

NATO, một liên minh chính trị và quân sự của Bắc Mỹ và Liên minh Âu Châu, sẽ thông qua một Khái niệm Chiến lược mới trong một hội nghị thượng đỉnh vào mùa hè tới. Bản Khái niệm Chiến lược sẽ nêu rõ định hướng của tổ chức này trong thập niên tới, vốn sẽ tập trung vào việc chống lại mối đe dọa của chính quyền Trung Quốc, khác với phiên bản được đưa ra năm 2010.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, hay Trung Cộng) đã áp dụng một diễn ngôn hiếu chiến và thẳng thừng hơn liên quan đến những tham vọng thống trị toàn cầu của mình trong năm nay, điều này đã thúc đẩy phương Tây tái tổ chức để chống lại nhà cầm quyền này.

Sự thay đổi luận điệu của Trung Cộng xảy ra đồng thời với việc Trung Quốc mở rộng [năng lực] hạt nhân, [đạt được] những tiến bộ trong công nghệ hỏa tiễn bội siêu thanh tầm xa, và việc nhà cầm quyền này đang gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan và Biển Đông.

Ông Stoltenberg nói với The Financial Times rằng, “Họ càng ngày càng có nhiều các vũ khí tầm cao có thể với tới tất cả các nước đồng minh của NATO. Họ đang xây dựng rất, rất nhiều hầm chứa cho các hỏa tiễn tầm xa xuyên lục địa”.

Hồi tháng Tám, Trung Quốc đã phóng một hỏa tiễn bội siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân, như được nêu rõ trong một bản tin điều tra của The Financial Times. Công nghệ này được mô tả là một bất ngờ đối với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ và đã nêu bật tiến trình phát triển vũ khí của Trung Quốc.

Năm nay, ĐCSTQ đã đe dọa sẽ đưa Đài Loan trở về với họ bằng vũ lực nếu cần thiết, và các chuyên gia tin rằng họ đang tạo ra những bước tiến quân sự đáng kể để xâm chiếm hòn đảo này. ĐCSTQ tuyên bố đảo quốc này là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia dân chủ tự trị với quân đội và tiền tệ độc lập.

Đài Loan có giá trị chiến lược cao trong một cuộc chiến tiềm tàng với Trung Cộng. Quốc đảo này đóng vai trò như một rào cản đối với hải quân Trung Quốc, bảo vệ các hòn đảo nhỏ nằm giữa Biển Hoa Đông và Biển Đông (Biển Hoa Nam) và [giữ chân] Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân trong chuỗi đảo đầu tiên.

Việc Trung Quốc giành được toàn quyền kiểm soát Biển Đông là chìa khóa cho chiến lược hạt nhân của nước này và sẽ đặt Hoa Kỳ vào thế nguy hiểm lớn. Nhà cầm quyền này sẽ có thể sử dụng Biển Đông như một khu vực bố trí cho các tàu ngầm hạt nhân đi đến Rạn san hô vòng Midway, đưa những tàu này vào phạm vi của Bờ Đông Hoa Kỳ.

Ngoài ra, chế độ cộng sản này đã trở thành một mối đe dọa không gian mạng và đã đang nâng cao ảnh hưởng ở các nước đang phát triển thông qua các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường.

Theo The Financial Times, ông Stoltenberg cho biết, “Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn. … Chúng ta thấy họ ở Bắc Cực. Chúng ta thấy họ trong không gian mạng. Chúng ta thấy họ đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng trọng yếu ở các quốc gia của chúng ta”.

Các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc, chủ yếu nhằm đánh cắp thông tin – bao gồm các bí mật quốc gia và công nghệ tiên tiến từ các công ty tư nhân – gần đây đã trở nên tinh vi hơn và khó bị phát hiện hơn. Các cuộc tấn công trở nên có mục tiêu và có tính toán hơn sau khi quân đội Trung Quốc được tổ chức lại, và các cuộc tấn công gián điệp công nghiệp được chuyển sang cơ quan khác của chính quyền Trung Quốc, Bộ An ninh Quốc gia (MSS), cơ quan tình báo, an ninh, và cảnh sát ngầm của chế độ cộng sản này.

Ngoài ra, ĐCSTQ đã nỗ lực rất nhiều trong việc thu thập dữ liệu người dùng, loại hàng hóa chiến lược mới cho sự thống trị toàn cầu điều mà, được hỗ trợ bởi Trí tuệ Nhân tạo có thể tạo ra một bức tranh thống nhất có khả năng định hình các kế hoạch mang tính chiến lược và hoạt động thường hằng, và mang lại cho đối thủ một lợi thế vô hình bằng cách đôi lúc biết được nhiều hơn về đối thủ của mình hơn là họ biết về chính mình.

Trung Quốc đã và đang cung cấp các khoản vay lớn cho các nước đang phát triển thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và các chương trình cấp vốn khác. Nhiều quốc gia không thể trả lại các khoản vay đó, và rơi vào một “bẫy nợ”, vốn buộc họ phải nhượng các tài sản chiến lược cho Trung Quốc về lâu dài, khiến chủ quyền của các quốc gia bị đe dọa, và cho phép nhà cầm quyền này mở rộng ảnh hưởng và quyền lực của mình ra hải ngoại.

Cô ​​Danella Pérez Schmieloz là một phóng viên về Trung Quốc của The Epoch Times.

An Nhiên biên dịch

Related posts