Tin thế giới trưa thứ Hai

‘Chiến lang’ Hoa Xuân Oánh được thăng chức

Mai Hạ 

Bà Hoa Xuân Oánh đã được thăng chức Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), người thường gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế vì phong cách ngoại giao “chiến lang”, mới đây đã được thăng chức Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, phụ trách mảng tin tức, giao thức và dịch thuật.

Theo các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ngày 24/10, bản cập nhật chuyên mục “Quan chức chính” trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh đảm nhiệm chức Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Đặng Lệ (Deng Li) được thăng chức Thứ trưởng Ngoại giao.

Thông tin công khai cho thấy, bà Hoa Xuân Oánh (51 tuổi), sinh vào tháng 4/1970 tại huyện Hoài Âm, tỉnh Giang Tô, làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 1992. 

Đến tháng 11/2012, bà Hoa chính thức trở thành người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Năm 2019, bà được thăng chức Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho đến khi có sự điều chỉnh gần đây. Bà Hoa là người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao trong gần 9 năm, cuộc họp báo diễn ra gần đây nhất được tổ chức hôm 30/9.

Ngoài ra, ông Đặng Lệ, người vừa được thăng chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sinh tháng 5/1965, quê ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 8/2020. Trước đó ông từng là Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.

Kể từ đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có nhiều điều chỉnh đối với các “quan chức chính”. Vào ngày 20/2, trang web của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội thông báo về việc bổ nhiệm và cách chức các nhân viên của Quốc vụ viện.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ luôn tích cực thực thi chính sách ngoại giao “chiến lang”. Những người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cũng trở nên “cứng rắn” hơn. Các quan chức ĐCSTQ ở nước ngoài gần đây thường có nhiều phát biểu trên Twitter, Facebook, hoặc thường xuyên nhận lời phỏng vấn với các kênh truyền thông nước ngoài.

Bà Hoa Xuân Oánh thường đáp lại câu hỏi của các phóng viên bằng lời lẽ đanh thép, thô tục hoặc sặc mùi “thuốc súng”. Ngoại giới cho rằng chính đặc điểm này đã khiến bà ngày càng được thăng tiến trong sự nghiệp chính trị.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhiều kênh truyền thông nước ngoài đã chỉ trích việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi chính sách “ngoại giao sói chiến”, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh đáp lại rằng, “Vì lợi ích và danh dự của đất nước, làm sói chiến thì đã sao?” để tô vẽ cho hình tượng những nhà ngoại giao của chính quyền.

Mỹ xét xử vụ gián điệp Trung Quốc tổ chức đánh cắp công nghệ máy bay của GE Aviation 

Mỹ xét xử vụ gián điệp Trung Quốc tổ chức đánh cắp công nghệ máy bay của GE Aviation 
Lối vào General Electric Aviation ở Lynn, Massachusetts, vào ngày 31 tháng 3 năm 2020. (Joseph Prezioso / AFP qua Getty Images)

Một phiên tòa cấp liên bang xét xử vụ gián điệp lịch sử chống lại một nhân viên tình báo Trung Quốc đã bắt đầu ở Cincinnati, Ohio vào ngày 18/10. Đặc vụ này, tên là Yanjun Xu, đã bị buộc tội tuyển dụng gián điệp để đánh cắp công nghệ từ các công ty hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ.

Theo các công tố viên, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng đánh cắp bí quyết từ các hãng sản xuất máy bay Mỹ, đặc biệt là từ GE Aviation có trụ sở tại Evendale, với mục đích tái tạo động cơ tuabin, kênh tin tức địa phương WCPO đưa tin.

Trong kế hoạch kinh tế 10 năm “Made in China 2025” nhằm biến đất nước thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao, ĐCSTQ có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp “máy bay và linh kiện máy bay”, cùng với 9 ngành khác.

Yanjun Xu là phó giám đốc bộ phận của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS), cơ quan tình báo, an ninh và mật vụ của ĐCSTQ. Anh ta là đặc vụ MSS đầu tiên bị dẫn độ đến Hoa Kỳ, điều này khiến đây là phiên tòa đầu tiên thuộc loại này.

Kể từ tháng 12/2013, Xu đã liên hệ với các chuyên gia từ các công ty hàng không ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, bao gồm cả GE Aviation, theo cáo trạng của anh ta. Xu bắt đầu tuyển người để đi du lịch Trung Quốc và bao mọi chi phí, thường là giả dạng các chuyến đi đào tạo. Điều này tiếp tục cho đến khi ông bị cảnh sát liên bang Bỉ bắt giữ tại Brussels vào ngày 1/4/2018. Sau đó anh ta bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Đặc vụ FBI Todd Vokas đã làm chứng vào ngày 20/10 về nội dung được tìm thấy trên các thiết bị bị thu giữ trong quá trình điều tra. Ông Vokas nói về một trong những tin nhắn được tìm thấy trong thiết bị di động của Xu rằng, một ổ USB đặt trong hộp mắt kính ở giữa tủ sách chứa một số tài liệu đã được mã hóa. Nếu có điều gì đó xảy ra, mật khẩu sẽ được thông báo cho người liên quan.

Một đặc vụ liên bang Bỉ làm chứng trong phiên tòa rằng, khi Xu bị bắt cùng đồng nghiệp là Heng Xu, Heng Xu giữ một gói màu đen chứa 4 điện thoại di động, thẻ nhớ, ổ cứng, chìa khóa từ, đầu đọc thẻ, thẻ SIM và các thiết bị khác. Họ cũng tìm thấy 7.000 đô la và 7.700 euro (8.960 đô la Mỹ), cũng như vé máy bay và tàu hỏa, hộ chiếu và thẻ tín dụng.

Ông Vokas đã tiến hành phân tích pháp y trên bốn điện thoại di động và xác định rằng một số nội dung trong đó đã bị xóa từ xa, một ngày sau khi Xu bị bắt.

Một trong những chiếc điện thoại di động khác có ghi chú về chất liệu và kích thước của cánh quạt, điều mà các công tố viên tin rằng có liên quan đến công nghệ GE Aviation mà Trung Quốc đang nhắm tới để rập khuôn, ông Vokas nói. Điện thoại cũng có hình ảnh gia đình của một kỹ sư GE mà theo các công tố viên, Xu nhắm đến để tuyển dụng.

James Mulvenon, một chuyên gia về các vấn đề gián điệp và không gian mạng của Trung Quốc, cùng là chuyên gia về quân sự Trung Quốc, hôm 19/10 đã làm chứng rằng máy bay đang là lĩnh vực nan giải của ĐCSTQ.

Ông Mulvenon nói: “Lĩnh vực hàng không đã và đang là ưu tiên hàng đầu trong nhiều thập kỷ và cũng là nguồn gốc chính của sự thất vọng”. Ông nói thêm rằng Trung Quốc đã mua máy bay Boeing và Airbus, vì họ không có đủ năng lực chế tạo.

David DeVillers, người đã giám sát vụ việc với tư cách là cựu luật sư Hoa Kỳ cho Quận phía Nam của Ohio cho biết, “Chúng tôi đang có một tình huống thực tế là một nhân viên tình báo của ĐCSTQ đang tuyển dụng gián điệp và bị dẫn độ về Hoa Kỳ”.

Ông DeVillers nói: “Đây là hoạt động gián điệp. Đây thực sự là một vụ hoạt động gián điệp. Phiên tòa này sẽ có tác động lớn nhất đến mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc về bất kỳ… vụ án hình sự nào được đưa ra xét xử chống lại bất kỳ cá nhân nào. Chắc chắn là như vậy”.

Jim Lewis, cựu thành viên Sở Ngoại vụ Hoa Kỳ nhấn mạnh bản chất lịch sử của vụ việc. “Chúng tôi chưa bao giờ có thể dẫn độ một nhân viên tình báo của Bộ An ninh Nhà nước từ một quốc gia khác đến Hoa Kỳ. Đưa họ ra xét xử thực sự là một bước quan trọng để khiến người Trung Quốc suy nghĩ lại về cái giá phải trả của hoạt động gián điệp”.

Ông Lewis nói: “Đã có vài trăm sĩ quan tình báo Trung Quốc hoạt động ở Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ không thể răn đe chúng, nên chúng tôi sẽ phải bắt thêm chúng”.

Nếu bị kết tội, Xu có thể phải đối mặt với bản án 15 năm tù.

Nguyên Hương

Các giám đốc tình báo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn tập trung tại Seoul để thảo luận về sự gây hấn của Bắc Hàn

Một người đàn ông xem phóng sự truyền hình chiếu bản tin quay cảnh vụ thử hỏa tiễn của Bắc Hàn, tại một nhà ga xe lửa tại Seoul hôm 19/10/2021. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images)

Hôm 18/10, các giám đốc tình báo của Nam Hàn, Hoa Kỳ, và Nhật Bản đã hội kiến tại Seoul để thảo luận về các vấn đề Bắc Hàn, nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán thông qua một loạt các biện pháp ngoại giao.

Theo [một bản tin của] Korea Herald, một cuộc họp ba bên được cho là đã được tổ chức giữa người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn Park Jie-won, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines, và Giám đốc Tình báo Nội các Nhật Bản Hiroaki Takizawa hôm 18/10.

Không rõ liệu có nhiều cuộc họp diễn ra hay không, vì bản tin nói trên cũng đề cập đến một cuộc họp hôm 19/10.

Theo Korea Times, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines đã gặp Giám đốc An ninh Quốc gia Nam Hàn Suh Hoon tại Thanh Ngõa Đài vào bữa trưa hôm 18/10 để “có các cuộc thảo luận sâu rộng về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và các cách thức để tăng cường liên minh Nam Hàn-Hoa Kỳ”.

Theo vị quan chức Thanh Ngõa Đài này, sau một loạt vụ phóng hỏa tiễn gần đây của Bắc Hàn, bà Haines và ông Hoon đã chia sẻ những đánh giá của họ về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Sau khi tiến hành bốn vụ thử hỏa tiễn trong vòng chưa đầy một tháng, Bắc Hàn hiện đang tìm cách đối thoại với Nam Hàn đồng thời bác bỏ đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng vẫn duy trì thái độ dửng dưng trước các đề nghị đối thoại của Hoa Thịnh Đốn. Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ kể từ cuộc gặp thượng đỉnh không đem đến thỏa thuận giữa Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un hồi năm 2019.

Giám đốc Tình báo Nội các Nhật Bản Hiroaki Takizawa đã có chuyến thăm Seoul đầu tiên kể từ khi tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhậm chức trước đó vào tháng này, có khả năng báo hiệu định hướng chính sách mới của Tokyo đối với Bắc Hàn.

Các cuộc gặp giữa các quan chức Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn có thể là nhằm mục đích tăng cường chia sẻ thông tin tình báo ba bên giữa các quốc gia để ngăn chặn các mối đe dọa hỏa tiễn ngày càng tăng của Bắc Hàn.

Hôm 15/10, Tổng thống Nam Hàn Moon và Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã có cuộc điện đàm đầu tiên và đồng thuận sẽ phát triển mối bang giao hai nước “theo cách thức hướng tới tương lai”.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in gặp giám đốc CIA Hoa Kỳ

Trước thềm cuộc họp tình báo ba bên, hôm 15/10, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã tổ chức một cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burns, nơi ông nhấn mạnh liên kết đồng minh Nam Hàn-Hoa Kỳ là nền tảng an ninh của quốc gia này.

Ông Moon và ông Burns đã có các cuộc thảo luận chuyên sâu về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa hai quốc gia. Thanh Ngõa Đài tuyên bố rằng, trong chuyến thăm đầu tiên của ông Burns tới Nam Hàn kể từ khi nhậm chức với tư cách là giám đốc CIA, ông bày tỏ sự tôn trọng đối với những nỗ lực của ông Moon nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nam Hàn Park Kyung-mee cho biết, “Sự hợp tác chặt chẽ về tình báo giữa hai quốc gia hỗ trợ liên kết đồng minh song phương vững chắc”.

Mỗi bang giao Trung Quốc-Bắc Hàn

“Bắc Hàn luôn được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn,” ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở hải ngoại, nói với The Epoch Times.

Ông Lục cho rằng ĐCSTQ luôn lợi dụng Bắc Hàn để tống tiền cộng đồng quốc tế một cách gián tiếp và rằng loạt các vụ phóng hỏa tiễn gần đây của Bắc Hàn có khả năng nhằm mục đích gây áp lực với Hải quân Hoa Kỳ ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông, đặc biệt là liên quan đến những thông tin gần đây về việc lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ ở Đài Loan để huấn luyện cho binh lính Đài Loan.

Ông Lục cũng chỉ ra rằng “Vòng Đàm Phán Sáu Bên” đã không đạt được bất kỳ tiến triển nào có ý nghĩa vì ĐCSTQ đã đi ngược lại với mục đích đã định.

“Vòng Đàm Phán Sáu Bên” là một loạt các cuộc đàm phán có sự tham gia của Trung Quốc, Bắc Hàn, Nhật Bản, Nam Hàn, Nga, và Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn.

Cô Jessica Mao là một tác giả của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2009.

Minh Ngọc biên dịch

Nga dọa cắt nguồn cung, Moldova điêu đứng vì khủng hoảng khí đốt

Thanh Hải

Ảnh: Youtube/DW News.

Moldova đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng sau khi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đe dọa cắt nguồn cung cho nước này vào tháng tới, trừ khi Chisinau trả nợ.

Báo RT ngày 23/10 trích dẫn lời đại diện của Gazprom cho hay, chính phủ Moldova đã tự đẩy mình vào khủng hoảng và khoản nợ của nước này đối với công ty hiện lên tới 709 triệu USD. Gazprom cũng nhấn mạnh, sự việc không liên quan đến chính trị và công ty không thể hoạt động thua lỗ.

Quốc hội Moldova ngày 22/10 đã phải công bố sắc lệnh khẩn cấp quốc gia nhằm bảo vệ nguồn cung khí đốt, trong bối cảnh khủng hoảng vì giá nhiên liệu leo thang và một hợp đồng cung ứng ký kết với Gazprom từ năm 2008 đã hết hạn vào tháng 9 vừa qua. Quyết định được đưa ra khi các nguồn cung hiện có chỉ đủ đáp ứng 67% nhu cầu khí đốt của quốc gia Đông Âu.

Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita nói, nước này cần thêm 16 triệu mét khối khí để lấp đầy khoảng thiếu hụt. Bà Gavrilita cảnh báo, nếu tình trạng thiếu hụt kéo dài, nó có thể tạo ra mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng nhiên liệu của đất nước.

Theo trang Euro News, Moldova hiện nhận khí đốt từ Nga thông qua Moldovagaz, một công ty liên doanh với Gazprom. Sắc lệnh khẩn cấp mới sẽ cho phép Chisinau tìm mua khí đốt từ những nước châu Âu khác.

Trong thời gian chờ đàm phán, Gazprom vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho Moldova tới hết tháng 10. Song, cho đến nay, hai bên vẫn chưa nhất trí về các điều khoản khôi phục hợp đồng.

Các ngân hàng Hồng Kông sẽ tiết lộ tài sản của khách hàng có liên quan đến vi phạm luật an ninh

Toàn cảnh hai Trung tâm Tài chính Quốc tế, các trụ sở của HSBC và Ngân hàng Trung Quốc tại Hồng Kông, Trung Quốc, hôm 13/07/2021. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters) Đông Dương

HỒNG KÔNG—Các ngân hàng ở Hồng Kông được khuyên là nên tiết lộ tài sản liên quan của những khách hàng bị phát hiện vi phạm “luật an ninh quốc gia” của thành phố, theo hướng dẫn mới nhất từ hiệp hội ngân hàng của thành phố này.

Lời khuyên này được đưa ra trong bản cập nhật hôm 22/10 về các câu hỏi thường gặp của Hiệp hội Ngân hàng Hồng Kông (HKAB) liên quan đến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, được đăng trên trang web của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA).

Theo điều khoản trên, các ngân hàng nên tiết lộ tài sản của bất kỳ khách hàng nào bị bắt giữ hoặc buộc tội theo “luật an ninh quốc gia” hoặc khi họ biết hoặc nghi ngờ rằng một tài sản là “tài sản liên quan đến tội phạm” sau khi nhận được thông tin từ các cơ quan thực thi pháp luật.

Một phát ngôn viên của HKMA cho biết HKMA và khu vực ngân hàng thảo luận các vấn đề về khai triển với các bên liên quan bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố theo thông lệ quốc tế.

Phát ngôn viên này nói rằng: “Các câu hỏi thường gặp được cập nhật theo thông lệ thông thường của chúng tôi trong việc trả lời các câu hỏi do các ngân hàng đưa ra”.

HKAB đã không phúc đáp ngay lập tức một yêu cầu bình luận của Reuters.

Chính quyền Trung Quốc đã áp đặt “luật an ninh quốc gia” ở Hồng Kông hôm 30/06 năm ngoái, khiến bất cứ điều gì mà Bắc Kinh coi là lật đổ, ly khai, khủng bố, hoặc thông đồng với các lực lượng ngoại quốc đều có thể bị phạt tù chung thân.

Ba tháng sau, hiệp hội ngân hàng này đã bổ sung năm điều khoản vào các câu hỏi thường gặp, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, tư vấn cho các ngân hàng về các yêu cầu báo cáo của họ theo bộ luật trên, cũng như cách mà họ nên giải quyết các yêu cầu thực thi pháp luật và hướng dẫn về chia sẻ thông tin trong toàn nhóm.

Các giao dịch bị nghi ngờ có liên quan đến bộ luật trên đều sẽ được giải quyết giống như các giao dịch bị nghi ngờ là rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố, theo các điều khoản tại thời điểm đó.

Các câu hỏi thường gặp này không phải là hướng dẫn chính thức nhưng lại áp dụng cho cả ngân hàng Hồng Kông và ngân hàng quốc tế.

Thanh Tâm biên dịch

Chiến hạm Nga, Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra chung ở Thái Bình Dương

Một nhóm tàu ​​hải quân của Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra quân sự hàng hải chung ở vùng biển Thái Bình Dương, trong hình ảnh tĩnh được trích từ video được công bố hôm 23/10/2021 này. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Phân phát qua Reuters)

MOSCOW – Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Bảy (23/10), các chiến hạm của Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Tây Thái Bình Dương trong tuần qua. Nhật Bản cho biết họ đang giám sát hành động này.

Tổ chức các cuộc tập trận hải quân hợp tác ở Biển Nhật Bản hồi đầu tháng Mười, Moscow và Bắc Kinh đã vun đắp mối liên hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ hơn trong những năm gần đây vào thời điểm mối bang giao của họ với phương Tây trở nên xấu đi.

Các cuộc tập trận hải quân mà Nga cho biết kéo dài từ Chủ Nhật (17/10) đến thứ Bảy (23/10) đã được Nhật Bản theo dõi chặt chẽ. Hồi đầu tuần qua, Nhật Bản cho biết một nhóm 10 tàu từ Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru ngăn cách đảo chính của Nhật Bản và đảo Hokkaido ở phía bắc nước này.

“Lần đầu tiên nhóm tàu ​​này đã đi qua eo biển Tsugaru trong khuôn khổ cuộc tuần tra này”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố. Eo biển này được coi là hải phận quốc tế.

Bộ cho biết thêm: “Nhiệm vụ của các cuộc tuần tra này là biểu dương quốc kỳ của nhà nước Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Á Châu–Thái Bình Dương, và bảo hộ các chủ thể hoạt động kinh tế hàng hải của hai nước”.

Đài truyền hình NHK đưa tin, các quan chức quốc phòng Nhật Bản hôm Chủ nhật cho biết các tàu của Nga và Trung Quốc cũng đã đi qua eo biển Osumi ngoài khơi tỉnh Kagoshima, miền nam Nhật Bản.

NHK đưa tin, các tàu ngoại quốc được phép đi qua eo biển Osumi và Tsugaru vì chúng là thủy lộ quốc tế, nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ sẽ giám sát lực lượng hải quân của cả hai nước này, cho rằng các hành động gần đây là “bất thường”.

The Epoch Times đã không thể ngay lập tức tiếp cận các quan chức Nhật Bản để yêu cầu bình luận.

Hạo Văn biên dịch

Related posts