Tin thế giới trưa thứ Năm: Chính quyền Trung Quốc sử dụng mã QR COVID-19 để hạn chế việc đi lại của luật sư nhân quyền

Chính quyền Trung Quốc sử dụng mã QR COVID-19 để hạn chế việc đi lại của luật sư nhân quyền

Alex Wu

Một nhân viên bảo vệ kiểm tra mã sức khỏe trên điện thoại thông minh của mọi người tại một tuyến phố mua sắm cho khách du lịch ở Bắc Kinh, hôm 03/08/2021. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AP Photo) Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng “mã sức khỏe” COVID-19 để kiểm soát đại dịch và coi đó như một cái cớ để kiểm soát xã hội. Gần đây, một số luật sư nhân quyền và các chuyên gia pháp lý đã tiết lộ rằng các mã sức khỏe của họ đột nhiên chuyển từ màu xanh lá cây sang màu đỏ mà không rõ lý do. Họ không thể tự do đi lại và bị buộc phải cách ly.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã áp dụng một mã sức khỏe — hệ thống mã QR trên các điện thoại di động — để theo dõi và giám sát nơi ở của người dân. Hệ thống này đưa ra các mã màu xanh lá cây, màu vàng, và màu đỏ dựa trên dấu vết trên mạng (digital footprint) của người dân trong vòng 14 ngày qua. Mọi người phải có một mã xanh để ra vào các địa điểm công cộng và dùng cho mục đích đi lại.

Luật sư nhân quyền Trung Quốc Tạ Dương (Xie Yang) từ Trường Sa nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 19/11 rằng ông đang trên đường đến thăm mẹ của vị ký giả bị tống giam Trương Triển (Zhang Zhan) ở Thượng Hải hôm 06/11. Cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền Trung Quốc ở Trường Sa yêu cầu ông hủy chuyến đi của mình hôm 05/11, nhưng ông đã từ chối. Khi ông đến phi trường Trường Sa hôm 06/11, mã sức khỏe của ông đột ngột chuyển từ màu xanh lá cây sang màu đỏ, có nghĩa là buộc phải cách ly.

“Khi nhân viên an ninh trong phi trường nhìn thấy mã sức khỏe của tôi có màu đỏ, anh ấy đã lập tức gọi cho cơ quan kiểm soát dịch bệnh. Một chiếc xe van đã đến cùng rất nhiều nhân viên phòng chống dịch được trang bị đầy đủ.”

Ông Tạ cho biết ông sợ rằng họ sẽ đưa ông đến một địa điểm bí mật để ép buộc cách ly, vì vậy ông đã bỏ chạy khỏi phi trường đó và nhảy lên một chiếc taxi để về nhà.

Sau đó, ông nhận được một cuộc gọi từ nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trường Sa hỏi về mã sức khỏe của ông. “Tôi giận dữ mắng họ, nói rằng việc này là do nhân viên an ninh quốc gia thực hiện. Tôi đã không đi đến bất cứ nơi đâu trong vòng 14 ngày qua, cũng như không đến khu vực có nguy cơ trung bình-cao nào. Đây là cuộc đàn áp trắng trợn … Họ có thể thấy rõ ràng nơi ở của tôi từ dữ liệu lớn của họ.”

quet-ma-QR-covid19
Một hành khách đưa cho nhân viên an ninh xem mã QR màu xanh lá cây trên điện thoại hiển thị tình trạng sức khỏe của anh ấy khi đến ga xe lửa Ôn Châu ở Ôn Châu, Trung Quốc, vào ngày 28/02/2020. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Ông cho biết sau đó nhân viên phòng chống dịch trong khu phố đã đến nhà ông yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm acid nucleic. “Họ muốn tìm cho mình một đường lui.” Hôm 07/11, mã sức khỏe của ông đã chuyển về màu xanh lá cây.

Ông Tạ đã đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Nam và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Trường Sa để tìm hiểu nguyên nhân và bằng cách nào mà mã sức khỏe của ông lại trở thành màu đỏ, nhưng các nhà chức trách từ chối cung cấp bất cứ thông tin nào.

Theo ông Tạ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cầm quyền đã tìm ra một một biện pháp mới để trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​dưới chiêu bài kiểm soát đại dịch. “Họ chỉ cần thực hiện một thủ thuật nhỏ với mã sức khỏe này … sau đó họ có thể kiểm soát hoạt động của một người.”

Bà Vương Vũ (Wang Yu), một luật sư nhân quyền khác của Trung Quốc, cũng bị ngăn không cho trở lại Bắc Kinh trong thời gian diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ VI của Trung Cộng cho đến ngày 16/11. Bà nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 17/11 rằng khi bà đang có chuyến công tác ở thành phố Mẫu Đơn Giang ở tỉnh Hắc Long Giang, mã sức khỏe của bà hiển thị là bà đã đến một khu vực có đại dịch — mặc dù thành phố Mẫu Đơn Giang không phải là khu vực có đại dịch. Mã sức khỏe của bà chuyển sang màu xanh lá cây khi phiên họp toàn thể của đảng này kết thúc và sau đó bà được phép trở về Bắc Kinh.

Bà Vương nói, “Sự việc này xảy ra đúng vào Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Trung Cộng và chủ yếu được thực hiện nhằm duy trì sự ổn định cho nhà cầm quyền này, và kiềm chế các hoạt động của các nhà bảo vệ nhân quyền — hiện nay [việc duy trì ổn định] được thực hiện vin vào đại dịch là để kiểm soát sự tự do của mọi người.”

quet-ma-QR
Một phụ nữ sử dụng điện thoại di động của mình để quét mã QR đăng ký sức khỏe trước khi bước vào một sân trượt băng ngoài trời ở Bắc Kinh,  hôm 12/01/2021 (Ảnh: (Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Các tình huống tương tự cũng đã xảy ra với những luật sư Trung Quốc khác.

Tờ Tế Nam Nhật Báo (Jinan Daily) tại Trung Quốc đại lục đưa tin cho hay mã sức khỏe của luật sư người Tứ Xuyên Lưu Kiến Vĩnh (Liu Jianyong) đột nhiên chuyển từ màu xanh lá cây sang màu đỏ khi ông đang giải quyết một vụ án ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Ông Lưu gần như bị buộc phải cách ly. Ông Lưu đã yêu cầu các nhân viên phòng chống dịch ở thành phố Tây An cung cấp các tài liệu pháp lý và đe dọa sẽ kiện chính quyền tỉnh Thiểm Tây. Cuối cùng, các nhân viên phòng chống dịch cuối đã cho ông lên xe lửa và trở về Thành Đô.

Học giả pháp lý tại Trung Quốc đại lục Thầm Hồng Quả (Chen Hongguo) tiết lộ trên tài khoản mạng xã hội WeChat Trung Quốc của ông rằng hôm 11/11, ông đã đi đường sắt cao tốc từ Vận Thành ở tỉnh Sơn Tây đến thành phố Tây An. Sau khi xuống tàu, mã sức khỏe của ông chuyển sang màu vàng và cho thấy ông đã đến Philippines trong vòng 14 ngày, mặc dù ông chưa từng rời khỏi Trung Quốc. Ông đã bị đưa về nhà và bị các nhân viên phòng chống dịch ép phải cách ly. Ngày hôm sau, sau khi ông nộp đơn khiếu nại, mã của ông lại chuyển sang màu xanh lục và hành trình đến Philippines đã bị xóa.

Hồng Ân biên dịch

Bộ Nội vụ Anh Quốc yêu cầu các hội đồng tìm nơi ở cho trẻ em vượt eo biển

Một nhóm người trên thuyền cứu sinh Dover sau một tai nạn thuyền nhỏ ở Eo biển Anh được đưa đến Dover, Kent, Anh Quốc, hôm 11/11/2021. (Ảnh: Gareth Fuller/PA) Tây Dương

Bộ Nội vụ Anh Quốc phải viết thư cho các hội đồng kêu gọi họ nhận trẻ em đã đến nước này một cách bất hợp pháp mà không có cha mẹ hay người giám hộ.

Một sự sắp xếp tự nguyện giờ đây sẽ trở thành bắt buộc, có nghĩa là những em nhỏ đang được nhà chức trách ở bờ biển phía nam Anh Quốc chăm sóc sẽ được chuyển đến các vùng khác của quốc gia này.

Bộ Nội vụ sẽ gửi cho hơn 200 hội đồng một bức thư cho họ hai tuần để trình bày lý do tại sao họ không nên chấp nhận những đứa trẻ này.

Họ dự kiến ​​sẽ được thông báo về sự thay đổi này vào thứ Ba tuần sau.

Sự việc này xuất hiện sau khi Bộ trưởng Nội vụ bảo vệ những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này của bà.

Ông Enver Solomon, giám đốc điều hành của Hội đồng Người tị nạn, cho biết: “Những trẻ em tự mình đến Anh Quốc tìm kiếm sự an toàn rất dễ bị tổn thương. Các em phải nhận được sự chăm sóc của nhà chức trách địa phương ngay lập tức, một trách nhiệm mà toàn bộ giới chức địa phương ở Anh Quốc phải san sẻ đều cho nhau.”

“Quyết định quan trọng này sẽ làm giảm những trì hoãn không thể chấp nhận được đối với những trẻ em dễ bị tổn thương mà thường trải qua chấn thương lớn, nhận được sự quan tâm chăm sóc tối cần và là một hành động rất đáng hoan nghênh.”

Hôm thứ Hai (22/11), bà Priti Patel nói với các nghị sĩ tại Hạ viện rằng các hội đồng trên khắp Anh Quốc cần phải “góp phần” trong việc cung cấp chỗ ăn ở cho những người xin tị nạn.

Ủy viên hội đồng James Jamieson, chủ tịch Hiệp hội Chính phủ Địa phương, cho biết đa số các hội đồng đã tự nguyện tiến tới đề nghị giúp đỡ và các nhà chức trách sẽ muốn làm việc “chặt chẽ với chính phủ để bảo đảm quyền lợi và nhu cầu của trẻ em là trọng tâm của những thỏa thuận mới này.”

 người-di-cư
Những lần người di cư lũy tích vượt Eo biển Manche đến Anh Quốc. (Ảnh: PA Graphics)

Ông nói thêm: “Những thỏa thuận này cần tạo điều kiện cho các đối tác địa phương cung cấp cho trẻ em sự giúp đỡ mà các em cần, bao gồm cả hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất cũng như giáo dục phù hợp.”

“Các hội đồng tiếp tục phải đối mặt với các thách thức trong việc tìm kiếm những ngôi nhà thích hợp, với các vấn đề đang diễn ra xung quanh việc đánh giá độ tuổi được dẫn dắt một cách tập trung và những chậm trễ trong việc ra quyết định làm tăng thêm sự không chắc chắn cho cả hội đồng lẫn những trẻ em này.”

“Những thỏa thuận mới này phải tiếp tục nhanh chóng tính đến những áp lực hiện có ở các khu vực địa phương, cùng với sự tham gia lớn hơn ở khắp chính phủ để cải thiện sự tham gia với các hội đồng về tất cả các chương trình hỗ trợ những người mới đến bắt đầu cuộc sống mới ở Anh Quốc.”

Bà Patel nói với các nghị viên “không có phương án hiệu quả tức khắc” để giải quyết cuộc khủng hoảng này, đồng thời nói thêm: “Giải pháp duy nhất là cải cách toàn diện hệ thống tị nạn của chúng ta.”

Bà Patel cũng khẳng định bà là Bộ trưởng Nội vụ duy nhất cân nhắc việc cải tổ toàn bộ hệ thống nhập cư và cũng phủ nhận việc bà từng đề xướng sử dụng máy tạo sóng như một cách để đưa trở lại dòng người có thể là người nhập cư trên biển, bất chấp các báo cáo truyền thông vào thời điểm đó cho rằng đấy là một trong số vài ý tưởng đang được các bộ trưởng và các quan chức xem xét.

“Đó là điều mà tôi chưa bao giờ, từng bao giờ đề xướng hay khuyến nghị,” bà nói thêm.

Các số liệu cho thấy tính cho đến nay số người đã thực hiện chuyến hành trình nguy hiểm vượt Eo biển Anh trên những chiếc thuyền nhỏ trong năm nay hiện gấp ba lần tổng số của cả năm 2020.

Ít nhất 886 người đã đến được Anh Quốc vào hôm thứ Bảy, nâng tổng số người trong năm nay lên hơn 25,700 người, trong khi năm ngoái có khoảng 8,500 người đã vượt Eo biển Dover.

Các số liệu này dựa trên dữ liệu của Bộ Nội vụ do hãng thông tấn PA thu được và phân tích.

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Chính phủ đang làm việc để bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của những trẻ em xin tị nạn mới đến mà không có người đi kèm.”

“Chúng tôi biết ơn sự hỗ trợ liên tục của các nhà chức trách địa phương khi cung cấp dịch vụ chăm sóc tối cần cho những trẻ em dễ bị tổn thương và chúng tôi tiếp tục xem xét Đề án Chuyển giao Quốc gia để bảo đảm việc phân bổ trách nhiệm công bằng và hợp lý trên toàn Anh Quốc.”

Cẩm An biên dịch

Làn sóng phản đối dâng cao đối với quan chức an ninh hàng đầu ĐCSTQ tranh cử vào Interpol

Du Miên

Cổng vào trụ sở của tổ chức cảnh sát quốc tế lớn nhất thế giới Interpol ở Lyon, Pháp, ngày 6/5/2010. (Jean-Philippe Ksiazek / AFP / Getty Images)

Các nhà phê bình tiếp tục chỉ trích việc một quan chức an ninh hàng đầu của ĐCSTQ ứng cử vào Interpol, khi Đại hội đồng của tổ chức này triệu tập từ ngày 23/11 đến ngày 25/11 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ứng cử viên Hu Binchen của Trung Quốc vốn là Phó tổng cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Công an Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông ấy sẽ cùng với hai đối thủ khác tranh cử hai ghế cho khu vực châu Á trong ủy ban điều hành gồm 13 thành viên của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (International Criminal Police Organization – Interpol).

Cựu Bộ trưởng Tư pháp của Canada là ông Irwin Cotler đã lên án chế độ Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 18/11. Năm mươi nhà lập pháp từ Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China – IPAC), bao gồm cả ông Cotler và Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đưa ra một bức thư ngỏ cho Interpol để bày tỏ mối quan ngại của họ.

Ông Cotler vạch tội Bắc Kinh vì đã liên tục lạm dụng Thông báo Đỏ của Interpol, dẫn đến “việc dẫn độ những người bất đồng chính kiến, những người sau đó trở thành nạn nhân của việc giam giữ, tra tấn và bỏ tù tùy tiện”. Ông dẫn chứng về nhà lãnh đạo Duy Ngô Nhĩ, là ông Dolkun Isa. Ông Isa đã bị bắt trên đường tới Thượng viện Ý sau một Thông báo Đỏ do ĐCSTQ ban hành, thông báo này vẫn được giữ nguyên trong gần 20 năm.

Trước sự đàn áp xuyên quốc gia trước đây của Trung Quốc dưới danh nghĩa Interpol, cựu bộ trưởng tư pháp Canada tin rằng, việc ông Hu Binchen được bầu vào tổ chức cảnh sát toàn cầu sẽ “chỉ làm trầm trọng thêm ảnh hưởng vốn đã quá mức và phương hại của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa]”. Ông Cotler cảnh báo rằng, “một cuộc bầu cử như vậy sẽ chỉ làm suy yếu thêm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Nghị sĩ Canada Garnett Genuis cũng là người đồng ký kết vào bức thư chung kể trên. Trao đổi với The Epoch Times vào ngày 19/11, ông Genuis nhận định, việc ông Hu Binchen ứng cử vào Interpol là một “mối nguy hiểm đối với những người bất đồng chính kiến ​​chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ]”.

Viên nghị sĩ Canada cho biết, vai trò của Interpol là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc thực thi pháp luật và chống bất công trên toàn cầu. Nghị sĩ này nhấn mạnh: “Thật không may, chúng ta đã nhiều lần chứng kiến ​​các chế độ độc tài phản bội lòng tin và thiện chí quốc tế, bằng cách thao túng các cơ chế của Interpol nhằm thúc đẩy hòa bình và công lý quốc tế, và xoay chúng theo những mục đích chính trị độc đoán”.

Chủ tịch Liên kết Canada-Hong Kong là bà Gloria Fung đã đặt câu hỏi về tính đủ điều kiện của các ứng cử viên của ĐCSTQ để tranh cử các vị trí quan trọng trong các tổ chức thế giới như Interpol, trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/11 với The Epoch Times.

Bà Fung nói: “Chính ĐCSTQ tạo ra khủng bố và khiến Trung Quốc trở thành một chế độ khủng bố. Làm thế nào bạn có thể mong đợi một chế độ khủng bố chống lại những kẻ khủng bố? Tôi sẽ nói rằng logic phi lý nằm ngay đây”.

Bà Fung cho biết, những người được đề cử thuộc ĐCSTQ không là gì khác ngoài những đặc vụ mà chế độ này đang sử dụng để xâm nhập vào các tổ chức quyền lực toàn cầu. Bà nói: “Trong hai hoặc ba thập kỷ gần đây, ĐCSTQ đã thể hiện xu hướng đặt các đặc vụ của mình vào bất cứ cơ quan quốc tế nào mà họ tìm thấy lỗ hổng. Chế độ đang theo đuổi diễn thuyết, quyền lực và sự xâm nhập toàn cầu trên mọi mặt trận”.

Đại diện trước đây của Trung Quốc tại Interpol là Mạnh Hoành vĩ, người đã giữ chức chủ tịch Interpol từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, vị chủ tịch này đã mất tích trong chuyến thăm trở về quê hương vào ngày 25/9/2018, vì lý do không được tiết lộ, theo vợ của ông là bà Grace Meng. Mãi đến 12 ngày sau, ĐCSTQ mới tuyên bố ông Mạnh là nghi phạm đang bị điều tra về tội “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật [ĐCSTQ] và pháp luật” vào đêm ngày 7/10/2018, sau cuộc phỏng vấn của AP với vợ ông trong cùng ngày.

Vào ngày 18/11, bà Grace Meng một lần nữa nhận lời phỏng vấn của AP, trong lần đầu tiên lộ diện trước công chúng. Trong buổi nói chuyện, bà ấy gọi chế độ ĐCSTQ là một “con quái vật”.

Related posts