Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Hoa Kỳ phản đối nỗ lực của China Telecom nhằm tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ

Logo công ty của China Telecom trưng bày tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông, hôm 23/04/2009. (Ảnh: Bobby Yip/Reuters) Hoa Kỳ

Hôm thứ Tư (24/11), Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang từ chối nỗ lực tiếp tục cung cấp dịch vụ của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ, sau khi cơ quan quản lý viễn thông đã thu hồi giấy phép hoạt động của tập đoàn này vào tháng trước.

Chi nhánh tại Hoa Kỳ của công ty viễn thông lớn nhất ở Trung Quốc đã yêu cầu Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ tại Quận Columbia chặn sắc lệnh đó lại trong tháng này.

Các luật sư của Bộ Tư pháp và FCC đã viết trong một đơn gửi tòa án hôm thứ Tư (24/11): “China Telecom không có khả năng thành công đối với các tuyên bố của mình.”

Hôm 26/10, FCC đã ra lệnh cho China Telecom America, là công ty từ chối bình luận hôm thứ Tư, ngừng [thực hiện] các dịch vụ tại Hoa Kỳ vào đầu tháng Giêng vì lo ngại về an ninh quốc gia.

FCC cho biết China Telecom “chịu sự khai thác, ảnh hưởng, và kiểm soát của chính phủ Trung Quốc và rất có thể bị buộc phải tuân theo các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc mà không có đủ những quy trình pháp lý thuộc sự giám sát của tư pháp độc lập.”

FCC nói thêm, “Không thể bàn cãi rằng China Telecom thuộc sở hữu hoàn toàn của một công ty Trung Quốc, mà công ty này lại do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sở hữu đa số và kiểm soát.”

China Telecom, được ủy quyền trong 20 năm qua để cung cấp dịch vụ viễn thông tại Hoa Kỳ, đã có hơn 335 triệu thuê bao trên toàn thế giới vào năm 2019. Công ty này cũng cung cấp dịch vụ cho các cơ sở của chính quyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ và đã cảnh báo rằng hành động của FCC sẽ buộc công ty “phải chấm dứt toàn bộ dịch vụ bán lại trên thiết bị di động đã bán lại của mình ở Hoa Kỳ.”

FCC cho biết dịch vụ điện thoại di động đã bán lại của China Telecom “cung cấp cho công ty này quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm của khách hàng, bao gồm các ghi chép chi tiết về cuộc gọi và siêu dữ liệu (thông tin chi tiết về các dữ liệu) của các liên hệ.”

China Telecom cho biết họ phải thông báo cho khách hàng về quyết định trước hôm 04/12 và nói rằng nếu không tạm dừng hành động của FCC lại, công ty này “sẽ bị buộc phải ngừng các hoạt động quan trọng, gây tổn hại không thể sửa chữa được đối với hoạt động kinh doanh, danh tiếng, và các mối quan hệ của mình.”

FCC đã bác bỏ các lập luận, nói rằng có “ít cơ sở” để suy đoán rằng “một lệnh của chính phủ yêu cầu China Telecom ngừng cung cấp dịch vụ lại hủy hoại nghiêm trọng danh tiếng về dịch vụ đáng tin cậy công ty này.”

Vào tháng Ba, FCC đã bắt đầu các nỗ lực thu hồi giấy phép của China Unicom Americas, Pacific Networks, và công ty con ComNet thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty này để cung cấp các dịch vụ viễn thông của Hoa Kỳ.

Vào tháng 05/2019, FCC đã đồng loạt bỏ phiếu từ chối quyền cung cấp dịch vụ tại Mỹ của công ty viễn thông Trung Quốc China Mobile Ltd.

Năm ngoái, FCC đã chỉ định Huawei Technologies và ZTE Corp. là những mối đe dọa an ninh quốc gia đối với các mạng truyền thông.

David Shepardson
Bình Hòa biên dịch

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ thăm 4 nước ASEAN

Nguyên Hương

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt nam Daniel Kritenbrink trên đường phố Hà Nội Ảnh: Facebook Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á sẽ tới thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan từ cuối tuần này, sau khi Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường can dự với Đông Nam Á, một chiến trường quan trọng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của ông với Trung Quốc.

Ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng khu vực Đông Á, sẽ công du tới khu vực này từ thứ Bảy ngày 27/11 cho đến ngày 4/12, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết.

Ông Kritenbrink sẽ “tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác… để giải quyết những thách thức nghiêm trọng nhất trên toàn cầu và trong khu vực”, cũng như nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc ngày càng hung hăng hành vi trong khu vực, mà Washington đã nhiều lần tố cáo là “ép buộc”.

Ngoài ra, ông Kritenbrink cũng sẽ thảo luận về “những thách thức” nhân quyền, tìm cách tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và thảo luận về các cách thức gây áp lực buộc chính phủ quân sự Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) ngừng bạo lực và không cản trợ các hoạt động nhân đạo, tuyên bố cho biết.

Cách thức tăng cường các mối quan hệ kinh tế và “xây dựng trở lại tốt hơn” từ đại dịch COVID-19 cũng sẽ là chủ đề thảo luận trong chuyến đi của ông Kritenbrink, Bộ Ngoại giao nói.

Tháng trước, Tổng thống Biden đã cùng các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Washington tham gia ở cấp cao nhất với khối này.

Ông Biden cam kết sát cánh cùng ASEAN trong việc bảo vệ tự do hàng hải và nền dân chủ, đồng thời cho biết Washington sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về phát triển khuôn khổ kinh tế khu vực.

Nhà ngoại giao của Mỹ cho biết, các nước trong khu vực vẫn đang chờ đợi các chi tiết của kế hoạch này, thừa nhận việc Tổng thống Joe Biden tập trung vào xây dựng lại sức mạnh kinh tế trong nước là một yếu tố hạn chế.

Ông Daniel Russel, người tiền nhiệm của ông Kritenbrink trong chính quyền Obama, cho biết, một câu hỏi quan trọng đối với ASEAN là “liệu ​​Hoa Kỳ có thực sự có một chiến lược kinh tế khả thi” cho khu vực hay không.

Ông nói: “Cam kết thảo luận về cách thức tăng cường cam kết kinh tế của Hoa Kỳ với các nước ASEAN” là tin vui với họ, ngay cả khi họ có thể không ủng hộ ‘khuôn khổ kinh tế ’cho đến nay.

Thông báo về chuyến đi của nhà ngoại giao Kritenbrink nhấn mạnh “vai trò trung tâm” của 10 thành viên ASEAN đối với các vấn đề khu vực, nhưng ông sẽ không thăm chủ tịch mới của khối, Campuchia, chủ tịch ngày càng xích lại gần Bắc Kinh.

Nhà ngoại giao phụ trách khu vực châu Á và ông Russel cho biết, có thể ông Kritenbrink sẽ thăm các nước ASEAN khác trước đó không lâu và ông Russel nhấn mạnh rằng thủ đô Jakarta của Indonesia là nơi có trụ sở thường trực của khối.

Ông Russel nói: “Mặc dù việc thảo luận về chương trình nghị sự của ASEAN với chiếc ghế chủ tịch năm 2022 là rất quan trọng, nhưng việc đến thăm trụ sở ASEAN ở Jakarta sẽ giúp ông Kritenbrink có cơ hội bắt đầu cuộc trò chuyện đó,” ông Russel cho biết.

Nguyên Hương, Theo The Epoch Times

Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hạn chế dùng WeChat vì vấn đề bảo mật

Lam Lam

Ít nhất 9 công ty nhà nước Trung Quốc, trong đó có China Mobile và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đang cấm nhân viên của họ sử dụng WeChat để trao đổi công việc vì lo ngại an toàn bảo mật.

Tạp chí Phố Wall trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết, động thái trên là nhằm tăng cường việc xem xét theo quy định đối với Tencent, gã khổng lồ Internet Trung Quốc, và để bảo đảm an toàn dữ liệu.

Theo thông tin từ Tài chính đệ nhất Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc hôm thứ Tư thông báo rằng, trong đợt kiểm tra bảo vệ quyền và lợi ích của người dùng ứng dụng, các quan chức đã phát hiện 9 sản phẩm của công ty Tencent có tồn tại hành vi vi phạm và họ đã thông báo công khai bốn lần về tình huống này.

Đáp lại các thông tin trên, Tencent tuyên bố rằng, công ty đang nâng cấp tính năng bảo vệ quyền và lợi ích của người dùng trong các ứng dụng và phối hợp với các cuộc thanh tra tuân thủ theo quy định. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng nói rằng họ đang áp dụng các biện pháp chỉ đạo hành chính chuyển tiếp cho Tencent, và các ứng dụng phải được kiểm tra và đủ điều kiện trước khi chúng có thể được đưa ra thị trường.

Thời gian gần đây, Tencent dường như đã trở thành mục tiêu chính trong quy định của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty công nghệ. Cách đây không lâu, Chủ tịch Tencent, ông Lưu Sí Bình từng nói rằng việc chính quyền Trung Quốc giám sát các công ty công nghệ sẽ là “trạng thái bình thường mới”.

Chính sách đối với Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn? Canada có thể sắp công bố hai việc lớn

Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau (ảnh: LeStudio1.com/Flickr).

Chính phủ Canada đã tiết lộ trong bài phát biểu chính sách rằng họ sẽ hợp tác với các đồng minh và cùng nhau chống lại Trung Quốc. Đồng thời, đảng đối lập liên tục thúc giục chính phủ tại Quốc hội về việc cấm Huawei, điều tra kỹ lưỡng việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học Trung Quốc và tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, theo Creaders.

Vấn đề Trung Quốc đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Quốc hội mới của Canada khi thảo luận về các vấn đề đối ngoại. Trong bài phát biểu về chính sách, mặc dù Thủ tướng Trudeau không nêu đích danh “Trung Quốc”, nhưng ông nói: “Chủ nghĩa độc tài đang gia tăng trên phạm vi quốc tế, và sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nổi lên trong quan hệ đối tác giữa các khu vực Thái Bình Dương và Bắc Cực”.

Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết điều này xác nhận rằng chính phủ đang xây dựng một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới và sẽ làm việc với các đồng minh để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Giáo sư Margaret McCuaig-Johnston của Đại học Ottawa cũng cho rằng việc sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay vì thuật ngữ “Châu Á Thái Bình Dương” cho thấy quan điểm của Ottawa đối với Trung Quốc đã thay đổi. Sau khi hai người Canada bị Trung Quốc giam giữ trở về an toàn, ông Trudeau có thể có chính sách rõ ràng hơn và trực tiếp hơn với Trung Quốc. Đầu tiên là tuyên bố cấm Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G của Canada. McCaig-Johnston, người có nghiên cứu chuyên sâu về ngành công nghệ, cho biết nếu Huawei thâm nhập thị trường 5G của Canada, nó sẽ mở ra cửa hậu của hệ thống mạng an ninh quốc gia, và bất cứ điều gì tồi tệ cũng có thể xảy ra. 

Bà nói: “Hệ thống điện và hệ thống khoa học công nghệ của chúng ta được kết nối với nhau. Nếu bộ phận này bị hư hỏng, sẽ có vấn đề với điện của cả nước; chưa kể, theo Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, nếu cần thiết, các công ty phải hợp tác với cơ quan tình báo để cung cấp tài liệu lưu trữ và thông tin. Tôi tin rằng dựa trên Vì an ninh quốc gia, Ottawa sẽ không chấp thuận việc Huawei tham gia xây dựng 5G”.

Ba thành viên trong nội các của Đảng Bảo thủ Liên bang cũng đã đưa ra một tuyên bố chung trong tuần này, yêu cầu Thủ tướng Trudeau đưa ra lệnh cấm Huawei, nói rằng “tất cả các đồng minh khác trong Liên minh Ngũ Nhãn đã tuyên bố cấm hoàn toàn hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng thiết bị của Huawei vào mạng cơ sở hạ tầng 5G của họ. Canada cần đưa ra quyết định càng sớm càng tốt. “

Đảng Bảo thủ cũng buộc chính phủ ông Trudeau tại Quốc hội vào hôm thứ Tư công bố tài liệu về việc sa thải nhà khoa học Trung Quốc Qiu Xiangguo và vợ ông khỏi Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia, nêu rõ liệu họ có chuyển giao công nghệ nghiên cứu tư nhân cho Trung Quốc hay không.

Đồng thời, tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh cũng là một trong những chủ đề nóng. Bộ Ngoại giao Canada xác nhận đang thảo luận với các đồng minh về khả năng ngoại giao tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

WHO: Biến thể mới của virus gây bệnh Covid thuộc loại “đáng lo ngại”

Thanh Phương

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron (B.1.1.529), Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi hỗ trợ những nước vẫn chưa tiếp cận được nguồn vac-xin ngừa Covid-19. © AP Photo/Charles Krupa

Biến thể mới, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và nay được đặt tên là Omicron, hôm qua, 26/11/2021, đã được Tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp vào loại « đáng lo ngại ». Trước nguy cơ lây lan của biến thể mới này, nhiều nước đã cấm hoặc hạn chế các chuyến bay từ Nam Phi và các quốc gia lân cận.

Trong một thông cáo, nhóm chuyên gia của WHO đặc trách theo dõi diến biến của đại dịch Covid-19 cho biết: “Biến thể B.1.1.529 đã được thông báo lần đầu tiên cho WHO vào ngày 24/11/2021. Biến thể này có nhiều đột biến, mà một số rất đáng ngại.”

Cho tới nay, đã có 4 biến thể khác được WHO xếp vào loại đáng ngại: Alpha, Bêta, Gamma và nhất là Delta. Từ Genève, nơi đặt trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :

Chỉ trong hai tuần thật khó mà biết được biến thể Omicron có thể làm thay đổi tình hình đại dịch đến mức độ nào, vào lúc mà chúng ta vẫn chưa đo lường hết hậu quả của biến thể Delta, 8 tháng sau khi biến thể này xuất hiện.

Điều chúng ta có thể nói được, đó là Omicron có rất nhiều đột biến, trong đó có một số gây lo ngại cho Tổ chức Y tế Thế giới và biến thể này lây nhiễm nhanh hơn rất nhiều so với các biến thể trước đó. Hai yếu tố này đủ để Tổ chức Y tế Thế giới xem là một biến thể đáng lo ngại. Đây là biến thể thứ năm được xếp trong loại này và chắc chắn sẽ không phải là biến thể cuối cùng.

Từ nhiều tháng qua, Tổ chức Y tế Thế giới vẫn nhắc đi nhắc lại rằng khi nào mà toàn bộ các quốc gia trên thế giới chưa được tiếp cận nguồn vac-xin một cách công bằng thì virus sẽ còn lan truyền, làm gia tăng nguy các nguy cơ đột biến.”

Covid-19 – Biến thể Omicron: Châu Âu ngừng các chuyến bay với Nam Phi

Thanh Hà

Omicron, biến thể mới virus corona vùng nam châu Phi xuất hiện làm cả thế giới lo sợ. © via REUTERS – Social Media

Cơ quan Y Tế của Liên Hiệp Châu Âu chiều ngày 26/11/2021 báo động biến thể mới của virus corona SARS-CoV-2 có mức độ lây lan tại châu Âu từ « cấp cao đến rất cao ». Bỉ phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của Covid-19.

Liên Hiệp Châu Âu thông báo ngừng các chuyến bay tới Nam Phi và nhiều nước lân cận. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức tại Pháp hay Ý và tại một số quốc gia tại châu Âu khác như Anh Quốc và Thụy Sĩ.

Từ Bruxelles, thông tín viên đài RFI cho biết thêm về biện pháp ngăn ngừa biến thể Covid-19 mới của Liên Hiệp Châu Âu

Thoạt đầu chủ tịch ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen chỉ đưa ra lời khuyến cáo. Hôm qua, bà kêu gọi ngừng các tuyến giao thông hàng không cho tới khi nào có được những “giải thích thỏa đáng hơn”, về biến thể Omicron.

Tiếp theo đó, chiều hôm qua đại sứ 27 nước thành viên đồng ý về nguyên tắc ngừng các chuyến bay với 7 quốc gia trong vùng. Danh sách này gồm Nam Phi, Eswatini, Lesotho, và kể cả Zimbabwe, Botswana, Mozambic cùng với Namibia. Nhưng trong sanh sách của châu Âu không có tên Malawi.

Đây là biện pháp đầu tiên của Liên Âu trong nỗ lực cách ly với biến thể mới. Nhiều nước trong khối đã đồng ý mở cửa lại biên giới với các quốc gia bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu với điều kiện là trong trường hợp khẩn cấp, các biện pháp phòng chống dịch phải được áp dụng trở lại.

Có nghĩa là trong trường hợp báo động, các bên vẫn có thể đóng cửa biên giới. Tất cả vấn đề còn lại giờ đây là phải tìm hiểu xem những biện pháp đó có thích hợp hay không trong lúc mà biến thể Omicron đã du nhập vào châu Âu, chính xác hơn là đã được phát hiện tại Bỉ”.

Như vậy là ngoài Nam Phi và Bỉ, biến thể Omicron đã được phát hiện ở Malawi, Israel, Botswana, Hồng Kông.

Biến thể Omicron cũng có thể đã lan tới Hà Lan sau khi có 61 hành khách trên 2 chuyến bay từ Nam Phi đến sân bay Amsterdam, được xét nghiệm dương tính với Covid-19, theo thông báo của cơ quan y tế Hà Lan. Những hành khách này hiện đang bị cách ly trong một khách sạn gần sân bay Amsterdam. Các kết quả xét nghiệm đang được phân tích để xem trong số họ có ai bị nhiễm biến thể mới Omicron hay không.

Bên Đức, chính quyền bang Hessen hôm nay vừa thông báo có một ca nghi nhiễm Omicron, đó là một người cũng từ Nam Phi về.

Covid-19: Pháp bắt đầu chiến dịch tiêm liều vac-xin thứ 3

Thanh Phương

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran trong buổi họp thông báo các biện pháp chống đợt dịch Covid-19 thứ 5. © REUTERS – POOL

Trong bối cảnh biến thể Omicron gây lo ngại cho cả thế giới, hôm nay, 27/11/2021, nước Pháp khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid thứ 3 cho toàn bộ những người từ 18 tuổi trở lên.

Việc tiêm nhắc mũi thứ 3 này kể từ nay là bắt buộc đối với toàn bộ người lớn, ngay từ 5 tháng sau khi mũi tiêm cuối cùng, hay sau bị nhiễm Covid, nếu sự lây nhiễm này xảy ra sau khi đã chích ngừa đầy đủ. Kể từ ngày 15/01 năm tới, đối với những người trên 18 tuổi, chứng nhận y tế sẽ chỉ có giá trị nếu đã chích liều thứ 3.

Tiêm liều thứ 3 cho toàn bộ người lớn là một trong những biện pháp được chính phủ thông báo hôm thứ Năm 25/11 vừa qua nhằm kềm chế đà bùng phát mạnh trở lại của dịch Covid-19. Biện pháp thứ hai là giá trị của xét nghiệm Covid-19 đối với những người không tiêm ngừa kể từ nay giảm xuống còn 24 tiếng. Đây là một cách để gây thêm áp lực đối với những người cho tới nay vẫn kiên quyết không tiêm phòng Covid.

Chính phủ Pháp cũng quyết định là việc đeo khẩu trang kể từ nay sẽ là bắt buộc tại toàn bộ những nơi tiếp đón công chúng bên trong. Riêng tại vùng thủ đô Paris, chính quyền địa phương hôm qua đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trở lại ở toàn bộ những tiếp đón công chúng bên trong, cũng như ở bên ngoài tại những nơi tập trung đông người, như các liên hoan, các buổi trình diễn, các trường học, những nơi thờ phượng và các chợ, kể cả các chợ Noel. Việc đeo khẩu trang cũng là bắt buộc tại những nơi đã áp dụng chứng nhận y tế như rạp xi-nê, viện bảo tàng, quán bar, nhà hàng (trừ những lúc ngồi ăn, uống).

Nhiều địa phương khác ở Pháp cũng đã ra các lệnh tương tự về bắt buộc đeo khẩu trang trở lại. Trong khi đó, hôm qua, chính phủ Pháp thông báo dời thời điểm bắt buộc chích ngừa Covid đối với nhân viên y tế và nhân viên cứu hỏa ở Guadeloupe và Martinique đến ngày 31/12. Quyết định này là nhằm ngăn chặn các vụ bạo động đã khiến 10 người bị thương bên phía lực lượng an ninh chỉ trong một đêm thứ năm rạng sáng thứ sáu 26/11/2021.

Theo dự kiến ban đầu, lẽ ra kể từ ngày 15/11, việc tiêm ngừa đã là bắt buộc đối với nhân viên y tế và nhân viên cứu hỏa tại hai lãnh thổ hải ngoại này của Pháp. Nhưng đây cũng là ngày bắt đầu tổng đình công ở Guadeloupe phản đối các biện pháp phòng chống Covid-19. Phong trào tổng đình công sau đó đã lan sang Martinique kể từ ngày 22/11.

Ukraina lo ngại Nga mở chiến dịch “xâm lược” quy mô lớn

Minh Anh

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 26/11/2021. AFP – HANDOUT

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 26/11/2021, bày tỏ lo lắng trước những tín hiệu “rất nguy hiểm” từ Nga. Chính quyền Kiev tố cáo Matxcơva triển khai quân đông đảo ở biên giới nước này. Nguyên thủ quốc gia Ukraina tuyên bố “hoàn toàn sẵn sàng” cho một cuộc leo thang quân sự với Nga.

Trong buổi họp báo, tổng thống Ukraina lên án “lời lẽ nguy hiểm” từ phía Nga và cho rằng đây là « tín hiệu cho một cuộc leo thang tiềm tàng ». Vẫn theo ông Zelensky, Nga đang tìm cớ để can thiệp quân sự vào Ukraina. Ông liệt kê những chỉ trích từ phía Moscow về sự hiện diện của NATO tại Ukraina, cũng như những cáo buộc của Nga, theo đó, Kiev đã phá hỏng tiến trình hòa bình với phe đòi ly khai.

Tổng thống Zelensky khẳng định: “Hôm nay là những lời hăm dọa, thì ngày mai sẽ là chiến tranh”. Do vậy, ông khẳng định đất nước Ukraina đủ sức và đã được chuẩn bị cho một cuộc leo thang quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ukraina và Nga, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết có thể ông sẽ hội đàm với cả hai đồng nhiệm Nga và Ukraina.

Trước những cáo buộc này từ Kiev, điện Kremlin có phản ứng ra sao ? Từ Moscow, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri tường thuật:

Khi tổng thống Ukraina yêu cầu nguyên thủ quốc gia Nga cải chính thông tin về kế hoạch  xâm lược quy mô lớn. Matxcơva hoàn toàn im lặng. Hôm qua, điện Kremlin chỉ thông báo về chuyến đi Ấn Độ sắp tới của ông Vladimir Putin. Một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của tổng thống Nga.

Vladimir Putin có vẻ cũng bận rộn về vùng Kavkaz sau khi thất bại trong việc tập hợp các nước trong vùng cho một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến cách đây hai tuần.

Tại Sotchi, tổng thống Nga đã  tiếp đón thủ tướng Armenia và tổng thống Azerbaijan. Các hãng truyền thông Nga thậm chí còn phát đi hình ảnh  Ilham Aliev et Nikol Pachinian, ngồi cạnh một chiếc bàn, đối diện với tổng thống Nga cứ như thể họ bị triệu mời.

Không một thông báo cụ thể nào về việc phân định đường biên giới, khôi phục các tuyến giao thông được đưa ra sau cuộc gặp đó. Nhưng ông Putin tin chắc là những thông báo này sẽ sớm được đưa ra. Và nếu một năm sau thỏa thuận chấm dứt chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan, việc cụ thể hóa những cam kết vẫn chưa có thì cũng chẳng sao.

Về hồ sơ Ukraina, chủ đề này sẽ được tranh luận trong tuần tới tại cuộc họp thường niên của bộ trưởng các nước thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu với sự hiện diện của Sergueï Lavrov và Anthnoy Blinken. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ gặp nhau trong khuôn khổ cuộc họp này.”

Mỹ và đồng minh thúc giục Miến Điện chấm dứt bạo lực

Thanh Hà

Ảnh vẽ minh họa: Quân đội Miến Điện bị tố cáo chà đạp nhân quyền, tra tấn tù nhân, cưỡng bức tình dục. © AP Illustration/Peter Hamlin

Lo ngại trước những hành vi “tàn khốc trong tương lai” tại Miến Điện, ngày 26/11/2021 Hoa Kỳ và 6 nước đồng minh kêu gọi tập đoàn quân sự « chấm dứt bạo lực ». Cộng đồng quốc tế cần ngừng tiếp tay với quân đội Miến Điện gây nên tội ác.

Trong thông cáo chung, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Na Uy và Hàn Quốc bày tỏ « quan ngại sâu sắc trước những báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Miến Điện bị tập đoàn quân sự chà đạp và vi phạm diện rộng trên toàn quốc ». Đồng thời các bên liên quan kêu gọi “cộng đồng quốc tế ngừng hỗ trợ quân đội Miến Điện”, “ngừng chuyển giao vũ khí” hay “bất kỳ dưới một hình thức hỗ trợ nào về mặt kỹ thuật”.

Văn bản nói trên nêu rõ những báo cáo đáng tin cậy phơi bày ra ánh sáng những vụ cưỡng bức tình dục, tra tấn đặc biệt là tại bang Chin, ở miền tây Miến Điện cũng như là tại các vùng Sagaing và Magwe.

Riêng tại bang Chin, nhiều nhân chứng kể lại là quân đội đốt nhà, phóng hỏa nhà thờ và một cô nhi viện tại làng Thantlang, tấn công các tổ chức nhân đạo.

Bảy quốc gia đặt bút ký vào bản tuyên bố nói trên cũng lưu ý về các vụ quân đội chuyển vũ khí đến một số vùng, kể cả vũ khí hạng năng và điều hàng ngàn quân đến một số địa phương trong mục tiêu được cho là để “chống khủng bố”.  

Cuối tháng 10/2021, Washington mạnh mẽ lên án vụ tập đoàn quân sự Miến Điện mở chiến dịch tấn công tại bang Chin, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và nhiều nhà thờ của người Công giáo. 

Trung Quốc không cam kết xuất dầu từ kho dự trữ 

Một tàu của Công ty Vận tải Biển Trung Quốc (COSCO) được nhìn thấy gần các bể chứa dầu tại Tập đoàn Hóa dầu Đại Liên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, hôm 15/10/2019. (Ảnh: Stringer/Reuters)

BẮC KINH—Trung Quốc, nhà nhập cảng dầu thô lớn nhất thế giới, không cam kết xuất dầu từ kho dự trữ của mình theo yêu cầu của Hoa Thịnh Đốn, trong khi các nguồn tin OPEC cho biết hành động của Hoa Kỳ sẽ không khiến nhóm nhà sản xuất này thay đổi chính sách.

Hôm thứ Ba (23/11), chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố các kế hoạch xuất hàng triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, nhằm cố gắng hạ nhiệt giá dầu. 

Hoa Kỳ đã thực hiện cam kết lớn nhất về việc xuất kho dự trữ ở mức 50 triệu thùng dầu ra thị trường theo hai hình thức, bán có sự chấp thuận từ trước và bán dưới dạng người mua phải hoàn trả dầu trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không có Trung Quốc, thì hành động này sẽ có ít tác động hơn.

Không có thêm thông báo nào từ Bắc Kinh hôm thứ Năm (25/11), sau khi Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư (24/11) rằng họ đang tiến hành xuất kho dự trữ của riêng mình, xác nhận một bản tin của Reuters hồi tuần trước nói rằng Trung Quốc sẽ xuất dầu theo nhu cầu của họ.

Hôm thứ Ba (23/11), Tổng thống Biden đã nói trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc “có thể làm được nhiều hơn thế”.

Những suy đoán về hành động phối hợp đã khiến giá dầu thô giảm trước khi có thông báo của Hoa Kỳ, nhưng [giá trên] thị trường quốc tế đã tăng hơn 3% hôm thứ Ba (23/11) trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn xác nhận sẽ sử dụng nguồn dự trữ chiến lược và thị trường không rõ về các ý định của Trung Quốc.

Thị trường dầu cũng quan tâm đến bước đi tiếp theo của OPEC khi thông báo của Hoa Thịnh Đốn làm dấy lên suy đoán rằng Tổ chức các Nước Xuất cảng Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, có thể sẽ đáp trả.

Tuy nhiên, ba nguồn tin xác định với Reuters rằng nhóm này không xem xét tạm dừng thỏa thuận hiện tại để tăng sản lượng lên 400,000 thùng hàng ngày mỗi tháng, một tốc độ được một số quốc gia tiêu dùng coi là quá chậm.

Nhu cầu nhiên liệu đã suy giảm trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng đã tăng trở lại trong năm nay, và giá dầu leo ​​thang gây ra lạm phát rộng hơn.

Đối mặt với xếp hạng tín nhiệm thấp trước cuộc bầu cử quốc hội năm tới, Tổng thống Biden đã thất bại sau khi OPEC+ liên tục từ chối các yêu cầu sản xuất thêm dầu của ông. Giá xăng bán lẻ của Hoa Kỳ đã tăng hơn 60% trong năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2000.

Hôm thứ Năm (25/11), [giá] dầu thô Brent giảm 31 cent xuống còn 81.94 USD/thùng vào lúc 10 giờ sáng (GMT).

Nhà phân tích Thị trường Dầu mỏ Cao cấp Louise Dickson của Rystad cho biết hôm thứ Tư, “Thị trường dường như tin vào việc OPEC+ sẽ giữ cho trữ lượng dầu thắt chặt hơn là tin vào tính chất tạm thời của việc xuất kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR).” 

Phản ứng của OPEC

OPEC+, bao gồm Saudi Arabia và các đồng minh khác của Hoa Kỳ ở Vùng Vịnh cũng như Nga, đã nhóm họp hôm 02/12 để thảo luận về chính sách.

Hôm thứ Tư (24/11), Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho biết OPEC+ đang theo dõi liệu thị trường dầu có cân bằng hay không, khi nói rằng nhóm này cần nghiên cứu dữ liệu mới nhất trước khi đưa ra quyết định về nguồn cung.

Các quốc gia sản xuất đang gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ dầu để đáp ứng các mục tiêu hiện có và họ cũng lo ngại sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm COVID-19 một lần nữa có thể làm giảm nhu cầu.

Nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn trong việc hợp tác với các nền kinh tế lớn ở Á Châu để giảm giá năng lượng là một lời cảnh báo đối với OPEC+ để kiểm soát giá dầu thô – vốn đã tăng hơn 50% trong năm nay tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đây, việc xuất các kho dự trữ của nhiều quốc gia đã được điều phối bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cơ quan giám sát có trụ sở tại Paris. IEA không can thiệp để ảnh hưởng đến giá cả, nhưng người đứng đầu cơ quan này hôm thứ Tư (24/11) cho biết một số nhà sản xuất đã hạn chế nguồn cung quá nhiều.

Người đứng đầu IEA, ông Fatih Birol, cho biết, “Một số căng thẳng chính trên các thị trường ngày nay có thể được xem là sự thiếu hụt giả tạo … bởi vì trên các thị trường dầu mỏ ngày nay, chúng ta thấy công suất sản xuất dự phòng gần 6 triệu thùng/ngày nằm trong tay các nước sản xuất chủ chốt, các nước OPEC+.” 

Theo kế hoạch, Hoa Kỳ sẽ xuất kho 50 triệu thùng, tương đương với nhu cầu nội địa của khoảng 2 ngày rưỡi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích gọi thành phần xuất kho của Hoa Kỳ – sự kết hợp của 18 triệu thùng bán theo diện chấp thuận từ trước và 32 triệu thùng bán theo diện có hoàn trả – là quá nhỏ và tạm thời.

Goldman Sachs cho biết khối lượng được công bố “chỉ như muối bỏ bể”.

Dự kiến, tác động của việc bán [dầu] từ kho dự trữ chiến lược có thể được cảm nhận đầu tiên ở Hoa Kỳ và sau đó là Á Châu.

Yew Lun Tian, Ahmad Ghaddar, và Olesya Astakhova
Minh Ngọc biên dịch

Related posts