Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Mỹ lại cạnh tranh với Pháp khi đề nghị bán tầu chiến cho Hy Lạp

Minh Anh

Chiến hạm lớp Meko A-200 của lực lượng hải quân Algérie, ngày 16/09/2015. © CC /Merzoug Gharbaz

Sau tầu ngầm hạt nhân với Úc, Washington lại tiếp tục cạnh tranh với Paris tại Địa Trung Hải. Ngày 10/12/2021, chính phủ Mỹ bật đèn xanh cho phép bán 4 tầu chiến cho Hy Lạp. Chính phủ Athens từng ký kết một thỏa thuận sơ bộ vào cuối tháng 9/2021 để mua ba tầu chiến do Pháp lắp ráp.

Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo đã phê duyệt trước một kế hoạch bán bốn chiếc khinh hạm chiến đấu cùng với các trang thiết bị khác cho Athens, trị giá khoảng 6,9 tỷ đô la. Washington còn thông qua việc hiện đại hóa những chiếc khinh hạm lớp MEKO, ước tính có giá trị 2,5 tỷ. Thông cáo nêu rõ rằng trong cả hai trường hợp, hợp đồng “sẽ được trao cho bên thắng trong cuộc gọi thầu quốc tế” để hiện đại hóa hải quân Hy Lạp.  

AFP nhắc lại ngày 28/09, Paris đạt một thỏa thuận sơ bộ bán 3 tầu khu trục phòng thủ và can thiệp (được gọi là Balharra) cho Athens. Toàn bộ số tầu này đều do Naval Group thiết kế và lắp ráp tại Pháp, và có thể giao cho hải quân Hy Lạp vào khoảng 2025-2026.  

Thỏa thuận còn bao gồm cả việc cung cấp các loại vũ khí (tên lửa phòng không Aster, chống tầu chiến Exocet và ngư lôi), đều do hãng chuyên về tên lửa MBDA cung cấp cũng như là các dịch vụ bảo trì trong vòng 3 năm.

Thông báo này được đưa ra sau chưa đầy ba tháng đúc kết thỏa thuận giữa Anh, Úc, và Mỹ, phá vỡ “hợp đồng thế kỷ” mua tầu ngầm Pháp của Úc. Vụ việc dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Pháp với Mỹ và Úc.

G7 muốn “đoàn kết đối phó với những kẻ xâm lược thế giới”

Thu Hằng

Ngoại trưởng Anh Liz Truss (T) đón đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken tham dự hội nghị ngoại trưởng G7 tại Liverpool, Anh, ngày 11/12/2021. AP – Olivier Douliery

Anh là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12/2021 ở Liverpool để thể hiện đoàn kết trước “những kẻ xâm lược thế giới”. Nga, Trung Quốc, Iran là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Các nước ASEAN cũng được mời họp để tìm giải pháp về Miến Điện.

Theo bộ Ngoại Giao Anh, ngoại trưởng Liz Truss kêu gọi các đồng nhiệm G7 “thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại những hành vi độc hại, kể cả lập trường của Nga về Ukraina, và cam kết về mặt an ninh, hỗ trợ kinh tế để bảo vệ những biên giới tự do trên thế giới”.

Căng thẳng với Nga về tình hình Ukraina là hồ sơ lớn đầu tiên. Phương Tây cáo buộc Matxcơva âm mưu xâm chiếm Ukraina, trong khi điện Kremlin kịch liệt bác bỏ. Trong cuộc điện đàm ngày 07/12, tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu đồng nhiệm Mỹ đưa ra “các bảo đảm pháp lý” loại khả năng kết nạp Ukraina vào NATO.  

Yêu cầu trên của tổng thống Nga bị tổng thư ký Jens Stoltenberg lên án hôm 10/12 là có ý đồ chiếm “một vùng ảnh hưởng” bất chấp “quyền của mỗi quốc gia được tự chọn vận mệnh”. Theo ông, chỉ Ukraina và 30 nước thành viên NATO mới có quyền quyết định thiết lập quan hệ song phương như nào. Trước đó, ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng cảnh báo Nga phạm “một sai lầm chiến lược” nếu xâm lược Ukraina. Tương tự, Liên Hiệp Châu Âu cũng dọa Nga phải “trả giá đắt”.  

Chủ đề thứ hai là cuộc khủng hoảng ở Miến Điện và an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên, ngoại trưởng các nước ASEAN được mời họp chung với G7 trong ngày 12/12. Phiên họp toàn thể do ngoại trưởng Anh chủ trì sẽ bàn về tình hình an toàn dịch tễ thế giới và ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo AFP, việc các nước ASEAN được mời họp với G7 cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của vùng Đông Nam Á.

Ngoại trưởng các nước G7 cũng đề cập đến hồ sơ hạt nhân Iran, kêu gọi chính quyền Teheran ngừng chạy đua vũ khí hạt nhân và trở lại bàn đàm phán Vienna đang bị bế tắc.

Phát biểu trước hội nghị ngoại trưởng G7, bà Liz Truss kỳ vọng “Cuối tuần này, các nền dân chủ có sức ảnh hưởng nhất thế giới sẽ đưa ra lập trường chống lại những kẻ xâm lược tìm cách vi phạm các quyền tự do và sẽ gửi thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi là một mặt trận thống nhất”.

Tân thủ tướng Đức công du Pháp: Paris và Berlin cam kết phối hợp vì Liên Âu

Trọng Thành

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo chung ở điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 10/12/2021. © AP Photo / Thibault Camus

Ngay sau khi nhậm chức, tân thủ tướng Đức đến Pháp hôm 10/12/2021. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của thủ tướng Olaf Scholz. Phối hợp hành động để củng cố Liên Hiệp Châu Âu là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo Pháp – Đức.

Chọn Paris là điểm đến đầu tiên giống như những người tiền nhiệm, thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của trục hợp tác Pháp – Đức. Phát biểu trong cuộc họp báo với người đứng đầu chính phủ Đức sau cuộc hội kiến, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố “các trao đổi song phương đầu tiên cho thấy rõ ràng là hai bên có sự đồng thuận về quan điểm vững chắc”. Thủ tướng Đức cũng khẳng định: “chắc chắn quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển”.

Trong cuộc họp báo nói trên, nguyên thủ Pháp nhấn mạnh: “Chuyến công du này là một thời điểm rất quan trọng để tạo lập những nền tảng vững chắc cho hợp tác giữa hai nước chúng ta. Không chỉ vì quan hệ song phương, mà cũng để nêu ra các vấn đề châu Âu, các chủ đề quốc tế lớn”.

Theo AFP, Liên Âu là chủ đề số một của cuộc hội kiến Đức – Pháp, 21 ngày trước khi nước Pháp đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Trước cuộc gặp hôm qua, tổng thống Macron đã cho biết những ưu tiên chính của Pháp về dự án châu Âu. Trong cuộc họp báo với thủ tướng Đức, nguyên thủ Pháp nhấn mạnh: “Về các vấn đề xã hội, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, chiến lược chung đối phó với các thách thức nhập cư, các vấn đề về đầu tư hay đổi mới định chế, hai bên chúng tôi đã thực sự khẳng định quyết tâm hợp tác”, để xây dựng một « Liên Âu hùng mạnh hơn”.

Liên minh ba đảng của chính phủ Đức, đảng Xã hội – Dân chủ, đảng Xanh và đảng Dân chủ – Tự do, đặt Liên Âu ở vị trí trung tâm, hơn hẳn so với thời thủ tướng tiền nhiệm Angela Merkel. Lộ trình hành động liên quan của tân chính phủ Đức thúc đẩy Liên Âu hướng đến xây dựng một Nhà nước Liên Bang, vốn là một chủ đề húy kỵ đối với nhiều nước châu Âu, kể cả Pháp. Tuy nhiên, Paris hy vọng đây là cơ hội để thúc đẩy việc xây dựng Liên Âu.

Olaf Scholz đến Bruxelles : An ninh và quốc phòng EU là trọng tâm
Ngay sau chuyến đi Pháp, tân thủ tướng Đức đến Bruxelles cũng trong ngày hôm 11/12. Thủ tướng Olaf Scholz có cuộc hội kiến với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel với nội dung chính là chuẩn bị cho thượng đỉnh châu Âu vào hai ngày 16 và 17/12, với chủ đề trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Theo Euronews, trong cuộc hội kiến giữa thủ tướng Đức với lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, hai bên khẳng định mục tiêu chung của Liên Âu là bảo đảm « nền quốc phòng và an ninh hiệu quả, không dung thứ cho bất kỳ mối đe dọa nào chống lại một quốc gia thành viên ».

Ngày mai, 12/12, tân thủ tướng Đức có kế hoạch đến Ba Lan, thành viên khối 27 nước hiện đang có xung đột với Liên Âu về vấn đề Nhà nước pháp quyền và tính tối thượng của luật pháp châu Âu.

Mỹ: Lạm phát ở mức cao nhất từ gần 40 năm qua

Minh Anh

Giá xăng dầu ở Mỹ tăng 6,8% trong tháng 11/2021. Ảnh minh họa chụp tại Marysville, Washington, ngày 10/12/2021. AP – Elaine Thompson

Tại Mỹ, giá cả tăng 6,8% trong tháng 11/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát ở mức cao nhất từ gần 40 năm qua. Tình trạng lạm phát không kiểm soát được đang là một vấn đề cho chính quyền Biden.

Từ Washington, thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin giải thích:

Thất nghiệp giảm, lương tăng, kinh tế hồi phục mạnh mẽ, thị trường chứng khoán hoạt động tốt, nhưng giá cả cũng tăng. Dù Nhà Trắng có lấy làm tiếc, thì điểm này vẫn thu hút sự chú ý. Vật giá tăng, nhưng ít nhanh hơn, theo giải thích của ông Joe Biden trong một thông cáo. Ông nhấn mạnh rằng áp lực lạm phát là trên quy mô toàn cầu và do gián đoạn trong các chuỗi cung ứng. Nguyên thủ Mỹ nhận thấy rằng giá xăng dầu, chỉ số mang tính biểu tượng nhất và được theo dõi kỹ nhất, đã bắt đầu hạ.

Nhà Trắng hy vọng rằng đỉnh lạm phát đã qua, nhưng thống đốc Ngân hàng Trung ương Jerome Powell cách đây vài hôm lại thừa nhận rằng lạm phát không hẳn là nhất thời. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần điều chỉnh chính sách tiền tệ để chính sách bớt dễ dãi hơn trong những tháng tới và có thể ngay từ cuộc họp trong tuần sau. Điều này có thể làm suy yếu việc hồi phục kinh tế.  

Trong khi chờ đợi, Joe Biden kêu gọi thông qua kế hoạch ngân sách dành cho xã hội và biến đổi khí hậu để giảm chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình Mỹ. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa lên án rằng việc chi ra hàng ngàn tỷ đô la, ngược lại, sẽ chỉ làm gia tăng áp lực lạm phát. Một số thượng nghị sĩ Dân Chủ có cùng suy nghĩ này. Họ cản trở việc thông qua kế hoạch, mặc cho tổng thống Mỹ phải đau đầu”.    

Related posts