Tin Việt Nam sáng thứ Hai

Việt Nam ngày 12/12 ghi nhận hơn 14,600 ca nhiễm mới, trong đó có gần 9,400 ca cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 228 ca tử vong, gần 1,300 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Hơn 14,600 ca nhiễm mới, Hà Nội công bố gần 1,000 F0

Tối 12/12, Bộ Y tế thông báo về 14,638 ca nhiễm mới gồm 17 ca nhập cảnh và 14,621 ca ghi nhận tại 58 tỉnh/thành, trong đó có 9,377 ca cộng đồng.

Có 11 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Sài Gòn (1,216), Hà Nội (980), Tây Ninh (920), Đồng Tháp (745), Bến Tre (722), Cà Mau (675), Cần Thơ (669), Khánh Hòa (590), Vĩnh Long (584), Bạc Liêu (563), Sóc Trăng (524).

So với ngày 11/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 12/12 giảm 1,483 ca, trong đó, Hà Nội tăng 432 ca (cao nhất từ trước đến nay), Đắk Lắk tăng 315 ca, Đà Nẵng tăng 256 ca.

Trong ngày, có 1,295 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 228 ca tử vong tại 22 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (78), Bình Dương (23), An Giang (18), Đồng Nai (17), Tiền Giang (17),… nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 27,839 ca.

Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7,596 ca, với 6,510 ca thở oxy, 1,081 ca thở máy và ECMO.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,413,051 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,407,655 ca. Tổng có 1,054,720 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.


Hà Nội thêm 895 ca nhiễm mới, một quận dừng cho học sinh đến trường

Tối 12/12, Hà Nội ghi nhận thêm 895 ca nhiễm mới, trong đó có tới 357 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 18,448 ca.

Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Hoàng Mai (139), Đống Đa (31), Thanh Xuân (21), Hoàn Kiếm (20)…

Cũng tại Hà Nội, trong sáng cùng ngày, Sở GD&ĐT đã gửi thông báo đến quận Đống Đa về việc chuyển học trực tiếp sang trực tuyến.

Cụ thể, từ ngày mai (13/12), học sinh lớp 12 của quận sẽ tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Ngoài ra, học sinh tại 6 phường/xã gồm: Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); Yên Viên, Yên Thường của huyện Gia Lâm; Vân Nội (huyện Đông Anh); Đội Cấn (quận Ba Đình); Quảng An (quận Tây Hồ) cũng không thể đến trường.

Trước đó, theo đánh giá về cấp độ dịch của Hà Nội được thông báo vào ngày 11/12, hiện quận Đống Đa có dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam). 6 xã/phường trên cũng có dịch ở cấp độ 3.


Đà Nẵng ghi nhận hơn 400 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay

Ngày 12/12, Tp Đà Nẵng ghi nhận thêm 442 ca nhiễm mới, tăng gấp đôi so với hôm 11/12, đánh dấu ngày có số ca nhiễm cao nhất tính từ đầu mùa dịch.

Số ca nhiễm mới này được ghi nhận trong hơn 15,000 lượt mẫu xét nghiệm, trong đó, 316 F0 được nhận định có khả năng lây cho cộng đồng.

Đáng chú ý, trong số 106 ca cộng đồng ghi nhận hôm nay, có 8 tiểu thương chợ Đống Đa (quận Hải Châu) và 4 tiểu thương chợ Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), là hai cụm lây mới. Ngoài ra, có 7 ca là công nhân Công ty Matrix (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), nâng tổng số F0 của công ty này lên 233 F0 ghi nhận trong 5 ngày qua.

Tính từ ngày 16/10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận hơn 3,000 ca, tính trong đợt bùng phát dịch thứ 4 (từ ngày 3/5) là gần 8,000 ca.


Quảng Trị xin trả lại lô vaccine Pfizer tăng hạn sử dụng

Hôm 12/12, Sở Y tế Quảng Trị có văn bản gửi Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc không tiếp tục sử dụng lô vaccine số 124001 của Comirnaty/Pfizer-BioTech. Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế, Viện thu hồi lại lô vaccine này.

Về lý do, Sở này cho biết, trẻ 12-17 tuổi và những người trong diện chích ngừa không đồng ý chích lô vaccine này. Lô vaccine được gia hạn đến ngày 28/2/2022, nhưng hạn dùng trên bao bì vẫn là tháng 11/2021 nên chưa đủ căn cứ pháp lý để đưa vào chích ngừa.

Bên cạnh đó, Quảng Trị ghi nhận một số trường hợp phản ứng nặng sau chích, trong đó có nữ sinh lớp 12 tử vong sau 7 ngày chích vaccine.

Ngoài ra, khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo ngày 8/12 cho thấy, 31,500 trong tổng số 33,800 học sinh (chiếm 94%) không đồng ý chích lô vaccine được gia hạn này.

Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trả lại lô vaccine Ffizer tăng hạn sử dụng. Trước đó ngày 1/12, Hà Nội dừng chích với 2 lô vaccine tăng hạn sử dụng. Các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La vẫn tiếp nhận và tổ chức chích ngừa.


Gia Lai dừng hoạt động trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh

Ngày 12/12, tỉnh Gia Lai cho biết, qua xét nghiệm 900 người tại Trung tâm thương mại Tp Pleiku, đã ghi nhận 41 trường hợp dương tính cư trú dàn trải khắp Tp Pleiku.

Hiện giới chức đã tạm thời phong tỏa đường Thi Sách, đường Ngô Gia Tự và Trung tâm thương mại trên; tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh; lấy mẫu xét nghiệm PCR của các ca dương tính và người nhà; tìm người có yếu tố dịch tễ liên quan đến khai báo.

Trung tâm thương mại Tp Pleiku là Trung tâm thương mại lớn nhất Gia Lai, có nhiều hoạt động buôn bán kinh doanh và nông sản đầu mối có nguồn hàng được lấy từ nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng rau, củ, quả ở đây được vận chuyển đi nhiều tỉnh/thành Trung, Nam.

Đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận hơn 5,000 ca dương tính, 10 ca tử vong. Hiện có gần 1,700 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh.


Công nhân Bình Dương bị trừ gần 2 triệu vào lương cho 1 lần xét nghiệm

Thông tin trên liên quan đến một công ty có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất linh kiện phần mềm xe hơi trên đường số 6, KCN VSIP I, phường Bình Hòa, Tp Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, vào ngày 10/11, một số công nhân phản ánh trên mạng xã hội, vào cuối tháng 10, nhiều người test nhanh và phát hiện dương tính với COVID-19.

Sau đó, công ty yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm PCR tại một cơ sở y tế bên ngoài và cho biết chi phí sẽ được trừ vào tiền lương. Đến ngày 10/12, khi nhận lương, công nhân bị trừ một khoản tiền lớn.

Có người bị trừ 1.9 triệu đồng (tương đương với 1 lần lấy mẫu xét nghiệm PCR), có người bị trừ 4.5 triệu đồng (3 lần xét nghiệm PCR). Theo danh sách thì có 57 người bị trừ với tổng số tiền là 152 triệu đồng.

Về vấn đề này, bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp VSIP cho biết, thông tin trên liên quan đến một công ty đóng trong Khu công nghiệp VSIP I.

Sài Gòn hoạt động trở lại phà biển, tàu cao tốc

Từ ngày 12/12, Sài Gòn cho phà biển, tàu cao tốc hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa: Giáo dục Online)Đông Dương

Chiều 12/12, Công ty MTV Quốc Chánh cho biết, từ hôm nay, tuyến phà biển Cần Giờ đi Vũng Tàu, cự ly 15 km đã chạy trở lại, với 50% công suất do phía Vũng Tàu có dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao).

Theo đó, tuyến phà này đón khách trung bình 1 chuyến/giờ như trước, hoạt động từ 6-18h.

Giá vé đi phà vẫn là 70,000 đồng/lượt; khách đi xe đóng thêm phí nếu có phương tiện đi kèm, từ 50,000 đồng (với xe đạp) đến 1 triệu (với xe tải từ 8 tấn trở lên), xe chở người từ 26 chỗ trở lên có phí 800,000 đồng/xe. Phà không vận chuyển container.

Từ đầu tháng 1/2021 tại Sài Gòn, phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu chính thức hoạt động. (Ảnh: baria-vungtau.gov.vn)

Ngoài phà biển, từ ngày 16/12, Sài Gòn dự kiến cho tàu cao tốc từ khu trung tâm đi Tp Vũng Tàu chạy trở lại.

Trước đó, từ 20/6, Sài Gòn dừng hoạt động các tuyến phà biển, tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ – Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách, trừ một số trường hợp đặc biệt để phòng dịch bệnh.

Tăng giá nước sạch từ năm 2022

Sáng 12/12, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, từ đầu năm 2022, giá nước sạch sẽ được điều chỉnh theo lộ trình tăng, từ 400-1,200 đồng/m3.

Theo đó, với cá nhân, tùy khối lượng nước sử dụng, giá sẽ tăng từ 6,300 đồng/m3 lên tối đa 14,400 đồng/m3.

Với đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể, giá nước sẽ được điều chỉnh từ 12,300 đồng lên 13,000 đồng/m3. Với đơn vị sản xuất, giá nước sẽ được điều chỉnh từ 11,400 đồng lên 12,100 đồng/m3. Với đơn vị kinh doanh, dịch vụ, sẽ điều chỉnh từ 20,100 đồng lên 21,300 đồng/m3.

Ngoài ra, Sawaco sẽ thu phí thoát nước thông qua khối lượng tiêu thụ hàng tháng của người dân. Phí dịch vụ thoát nước từ năm 2021 ở mức 15% (thay phí bảo vệ môi trường 10%), từ đầu năm 2022 sẽ tăng 5%/năm và từ năm 2025 tăng 30%.

Theo nhận định của Sawaco, việc tăng giá nước không khiến người dân bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, việc bắt đầu thu hộ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cộng với thuế giá trị gia tăng có thể sẽ khiến chi phí nước sinh hoạt tăng từ năm 2022.

Người dân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom

Cũng tại Sài Gòn, từ ngày 1/1/2022, luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới liên quan đến việc thu gom rác thải sinh hoạt gia đình. Trong đó, nội dung thu hút sự chú ý của nhiều người là gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom.

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 77 của Luật này quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 75 của Luật này nêu, chất thải rắn sinh hoạt từ gia đình, cá nhân phải được phân loại như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Theo Khoản 4 Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng.

Khoản 1, Điều 79 Luật này quy định, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Theo quy định hiện tại, tiền rác thải sinh hoạt được tính theo bình quân đầu người/tháng. Tuy nhiên, nếu theo quy định mới như trên, kể từ 1/1/2022, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình nào xả càng nhiều rác thải, chất thải thì sẽ phải trả chi phí nhiều hơn.

Dương Minh tổng hợp

Related posts