Trung Quốc thuê những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Hoa Kỳ quảng bá Thế vận hội

Eva Fu

Du khách đến Sùng Lễ, một trong những địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, đi ngang qua logo Thế vận hội ở Sùng Lễ thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hôm 13/08/2020 (Ảnh: Ng Han Guan/AP Photo) Mỹ – Trung

Bắc Kinh đang trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Hoa Kỳ trong một kế hoạch nhằm quảng bá Thế vận hội Mùa Đông sắp tới giữa làn sóng tẩy chay ngoại giao từ phương Tây.

Theo một hợp đồng trị giá 300,000 USD với lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, Vippi Media, một công ty tư vấn ở New Jersey, sẽ giám sát chiến dịch tiếp thị đến giữa tháng Ba trên Instagram, TikTok, và nền tảng phát trực tiếp Twitch.

Theo một hồ sơ công khai được trình lên Bộ Tư pháp theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Ngoại quốc hôm 10/12, mục tiêu chính của kế hoạch này là thể hiện một hình ảnh thiện cảm về Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh và mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc. Tổ chức bất vụ lợi OpenSecrets của Hoa Thịnh Đốn chuyên theo dõi chiến dịch tài chính và dữ liệu vận động hành lang đưa tin về hồ sơ này đầu tiên.

Vippi Media đã nhận được khoản thanh toán trước trị giá 210,000 USD từ lãnh sự quán, hồ sơ cho biết.

Lãnh sự quán Trung Quốc đã hướng dẫn Vippi thuê 8 người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người đã đạt đến mức độ nổi tiếng nhất định — năm người trong số họ cần tối thiểu 100,000 người theo dõi và ba người còn lại, ít nhất 500,000 người theo dõi.

Theo hợp đồng hôm 22/11, những người có ảnh hưởng này sẽ được yêu cầu công bố ít nhất 24 bài đăng, tập trung vào Thế vận hội, Paralympics, và văn hóa Trung Quốc, chẳng hạn như sự chuẩn bị của các vận động viên ở Bắc Kinh, các công nghệ mới được khai triển trong Thế vận hội, “những khoảnh khắc cảm động,” và lịch sử của Bắc Kinh.

Khoảng 1/5 số bài đăng sẽ cần tập trung vào “sự hợp tác và bất kỳ điều tốt đẹp nào trong mối bang giao Trung Quốc–Hoa Kỳ”. Các ví dụ về điều này được trích dẫn trong hồ sơ bao gồm các trao đổi cao cấp và “các kết quả tích cực”, cũng như hợp tác về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, và năng lượng mới.

Hiện không thể liên lạc ngay với Vippi Media để yêu cầu bình luận.

Chiến dịch trên mạng xã hội diễn ra khi Hoa Kỳ tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Bắc Kinh vì cuộc đàn áp đang diễn ra ở Tân Cương, một hành động mà các đồng minh – trong đó có Canada, Úc và Anh Quốc – cùng thực hiện.

thế vận hội
Các nhà hoạt động nhân quyền cầm biểu ngữ khi biểu tình ở Đài Bắc phản đối Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022 để đánh dấu Ngày Nhân quyền hôm 10/12/2021 (Ảnh: Sam Yeh/AFP Getty Images)

Chi tiêu cho chiến dịch này chỉ là một phần nhỏ mà Trung Cộng chi cho các chiến dịch tuyên truyền do truyền thông nhà nước thực hiện. Từ tháng Năm đến tháng Mười, tờ báo Anh ngữ China Daily do Bắc Kinh điều hành đã báo cáo ngân sách chi hơn 5.5 triệu USD để quảng cáo và phân phối tờ báo của mình cho độc giả phương Tây. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông xã hội tượng trưng một biên giới mới và hiệu quả hơn về chi phí để chính quyền này truyền bá và khuếch đại các câu chuyện ủng hộ Trung Quốc trên toàn cầu.

Lãnh sự quán Trung Quốc hy vọng các bài đăng sẽ được xem 3.4 triệu lần theo hợp đồng kết thúc vào ngày 13/03, gần gấp 4 lần lượng phát hành toàn cầu của China Daily.

Chính quyền này từ lâu đã khai thác sức mạnh của mạng xã hội để truyền bá các bài viết của mình, cả trong và ngoài nước. Năm ngoái, tài liệu bị rò rỉ do The Epoch Times thu được cho thấy chế độ này đang sử dụng các trang Facebook được ủy quyền để khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan tự trị và tán dương một cuộc xâm lược quân sự giả định.

Đầu tháng này công ty mẹ Meta của Facebook cho biết họ đã gỡ xuống khoảng 600 tài khoản có liên quan đến Bắc Kinh vì lan truyền các tuyên bố sai sự thật xung quanh đại dịch COVID-19 và những thông điệp chống Hoa Kỳ khác. Riêng Twitter đã xóa tổng cộng 2,160 tài khoản liên kết với nhà nước cố gắng chống lại những lời chỉ trích của phương Tây về hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Chi nhánh quốc tế CGTN của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, cũng đã khởi xướng một chiến dịch kéo dài hai tháng hồi tháng Tư để thu hút các tài năng truyền thông toàn cầu và những người nổi tiếng trên mạng xã hội nói tiếng Anh. Những ai tham gia tích cực nhất được tạo cơ hội trở thành “người kể chuyện” bán thời gian hoặc toàn thời gian tại các văn phòng của CGTN ở Hoa Thịnh Đốn, London, và Nairobi.

Kể từ năm ngoái, ít nhất 14 người có ảnh hưởng lớn đã đăng nội dung liên quan đến Tân Cương trên các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây phù hợp với cách đưa tin của chính quyền Bắc Kinh. Theo một phân tích gần đây của tổ chức Viện Chính sách Chiến lược Úc, nội dung này sau đó được các tài khoản do nhà nước Trung Quốc kiểm soát trên các nền tảng mạng xã hội có trụ sở tại Hoa Kỳ tận dụng với 556 bài đăng.

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.

Thiện Lan biên dịch

Related posts