Tiên phong thế giới, Quốc hội Mỹ cấm nhập khẩu từ Tân Cương vì lao động cưỡng bức

Du Miên

Tiên phong thế giới, Quốc hội Mỹ cấm nhập khẩu từ Tân Cương vì lao động cưỡng bức
Những người hái bông thu hoạch bông tại một cánh đồng ở Hami, thuộc vùng Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc vào ngày 20 tháng 9 năm 2011. (STR / AFP / Getty Images)

Hôm 16/12, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua điều luật cấm tất cả hàng nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giáo dưỡng, do lo ngại về lao động cưỡng bức.

Đạo luật này hiện đang hướng tới Nhà Trắng. Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden từng khẳng định, ông sẽ ký bao hành đạo luật này. Động thái này bổ sung cho một loạt hành động của chính quyền ông Biden nhằm buộc chế độ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động đàn áp của họ ở Tân Cương. Đầu năm nay, Washington đã gọi những hành vi man rợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại đây là tội ác diệt chủng. Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Phòng chống Cưỡng bức Lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ, với số phiếu hoàn toàn thống nhất, hai ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua nó cũng với một cuộc bỏ phiếu nhất trí.

Đạo luật này nhanh chóng được Quốc hội Mỹ thông qua trong tuần này, sau khi các nhà lập pháp nhất trí về một thỏa hiệp nhằm loại bỏ sự khác biệt giữa các biện pháp được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại lưỡng viện đã tranh cãi về luật của người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều tháng. Tranh chấp đã làm phức tạp việc phê duyệt Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm, và đã khiến Thượng viện phải xác nhận một số ứng cử viên đại sứ của ông Biden, bao gồm cả việc ông chọn ông Nicholas Burns làm đại sứ tại Trung Quốc.

Khi họ dọn đường cho sự chấp thuận đối với điều luật về dân tộc Duy Ngô Nhĩ vào ngày 16/12, các nhà lập pháp cũng đồng ý cho phép một cuộc bỏ phiếu vào cuối ngày đối với ít nhất một số ứng cử viên của ông Biden cho các vị trí ngoại giao, bao gồm cả ông Burns.

Đạo luật tạo ra một “giả định có thể bác bỏ” rằng, tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều do lực lượng người dân bị cưỡng bức lao động làm ra. Điều luật có hiệu lực cấm tất cả các mặt hàng kiểu như vậy nhập khẩu vào Mỹ. Các sản phẩm từ khu vực này sẽ chỉ được phép vào Hoa Kỳ nếu chính phủ xác định rằng, có “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng chúng không được sản xuất bởi lực lượng phải lao động cưỡng bức.

Tại sàn Thượng viện, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (Florida) nói: “Nhiều công ty đã thực hiện các bước để làm sạch chuỗi cung ứng của họ. Và, thẳng thắn mà nói, họ không nên lo ngại về luật này. Đối với những người chưa làm được điều đó, họ sẽ không còn có thể tiếp tục biến người Mỹ – thành thật mà nói, mỗi người trong chúng ta – vô tình thành đồng phạm trong những hành động tàn bạo, trong cuộc diệt chủng do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện”.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cấm tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương vì lo ngại vấn đề lao động cưỡng bức. Nhập khẩu từ một số nhà sản xuất vật liệu tấm pin mặt trời ở Tân Cương cũng bị chính quyền ông Biden cấm, sau khi có báo cáo rằng một số công ty trong khu vực đang sử dụng lực lượng người Duy Ngô Nhĩ bị buộc phải lao động cưỡng bức. Tân Cương là nơi cung cấp phần lớn nguyên liệu cho các tấm pin mặt trời trên toàn thế giới.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai ca ngợi điều luật này. “Chúng tôi có mệnh lệnh kinh tế và đạo đức để loại bỏ hành vi này khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi, bao gồm cả những chuỗi chạy qua Tân Cương, Trung Quốc và khai thác người Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác”, bà Tai nói trong một tuyên bố.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư và thương mại vào ngày 16/12 đối với hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả những công ty hỗ trợ cho sự đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương và giúp đỡ quân đội Trung Quốc.

Đầu tháng này, ông Biden tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa đông Olympic Bắc Kinh 2022, để phản đối các hành động tàn bạo ở Tân Cương, một động thái khiến một số đồng minh, bao gồm cả Anh và Canada, làm theo.

Theo Epoch Times tiếng Anh

Related posts