Lung Linh Đèn Giáng Sinh

Nguyễn Thơ Sinh

Đèn Noel về đêm chăng máng trang hoàng quanh nhà với không ít người Việt mình là chuyện đã quen, nhất là người từng ở Sài Gòn trước 30/04/1975 bởi nơi đây luôn là cửa ngõ của miền nam mở ra với thế giới bên ngoài, cho phép những tiếp cận văn hóa mới nhất của văn minh Tây Âu tiến vào. Hoặc với những ai từng sống gần xứ đạo nơi có những ngôi thánh đường cổ kính của người theo đạo Công giáo hoặc Tin lành mỗi dịp Giáng sinh về. Ôi. Lung linh. Huyền nhiệm. Những ngôi thánh đường lại chăng mắc hàng trăm, hàng ngàn những bóng điện nhỏ đủ màu sắc. Về đêm, đó là khung cảnh êm ả yên bình lung linh huyền nhiệm thật khó quên.

Đến Mỹ hoặc bất cứ nơi nào có dịp tiếp cận với những giao thoa văn hóa (trong đó hình ảnh Jesus cách đây hai ngàn năm bị Đế quốc La Mã tử hình, người đã tự xưng mình là Con Thiên chúa, đồng bản thể với Thượng đế, được gởi xuống trần thế chết trên cây thập tự như giá cứu rỗi để loài người nhờ máu của ngài mà được sạch tội) – người Việt mình bắt gặp những khung cảnh chào đón Noel thật đặc biệt nhân ngày sinh nhật của ngài. Vâng. Không chỉ có những cây thông, những quả châu, những gói quà lớn nhỏ bọc giấy kiếng cẩn thận kỹ lưỡng, Ông già tuyết, những ca khúc vui nhộn… song những trang trí lộng lẫy bằng đèn màu là hình ảnh đầy ấn tượng với những ai lần đầu nhìn thấy nhân ngày sinh nhật của gã tội đồ Jesus.

Còn gì đẹp hơn những chuỗi đèn điện đủ màu sắc lấp lánh lung linh giữa màn đêm đen kịt mùa Noel. Bầu trời chi chít sao, đôi khi có cả trăng non, vậy mà ánh sáng những bóng đèn điện ấy vẫn đẹp, vẫn lung linh những sắc màu huyền thoại. Vâng. Có lẽ không cần ca ngợi tô điểm bằng những lời lẽ hoa mỹ rườm rà đối với ánh sáng đèn điện lung linh ấy, cứ lấy cảm nhận cá nhân đem ra đối chiếu hẳn bạn sẽ hồi tưởng lại những dịp ngắm đèn Noel trang trí đầy ấn tượng đã từng gặp đâu đó trong đời.

Mà nào có phải khó tìm. Hầu như khu nào của Mỹ cũng có trang trí đèn Noel. Giàu thì họ trang trí theo kiểu giàu, hoành tráng và tốn kém. Nghèo thì họ trang trí theo lối nghèo, bình dân và đơn giản. Bất luận từ cách thể hiện nào, giàu hay nghèo, đèn Noel vẫn để lại những ấn tượng ấm áp yên bình gần gũi. Và cảm giác lái xe ngang qua những ngôi nhà chăng đèn Noel những đêm Noel luôn khiến người ta thấy lòng mình thanh thản.

Với người nghèo, đèn ít, những họa tiết không thể phong phú tưng bừng. Có thể chỉ là những thiết kế đơn giản, những ngọn đèn treo máng trên cây, trên mái nhà, quanh viền cửa sổ, hoặc quanh mép sân cỏ song những tia sáng vẫn đủ màu lấp lánh. Có khi toàn màu trắng. Có khi chấm phá những sắc màu khác biệt. Cứ thế, nhìn lại, dù đơn giản nhưng người đi ngang qua vẫn thấy chúng chẳng tầm thường. Ngược lại, có chút gì đó khiến lòng người ta thấy an bình hơn. Ít ra đấy cũng là những nỗ lực thể hiện rất “có lòng” của gia chủ bởi nhiều ngôi nhà đâu thấy ai chăng đèn.

Với người giàu, chăng đèn đêm Noel là một thói quen xa xỉ, thậm chí tốn kém. Họ không bỏ sức ra mà chỉ bỏ tiền. Công tâm mà nói, nhờ họ vung tiền ra mà nhiều dịch vụ chăng đèn Noel có công ăn việc làm. Nhà họ to lớn. Lại sống trong khu sang. Số tiền bỏ ra thuê người máng đèn Noel không to nên hầu như nhà nào trong khu cũng có máng đèn Noel. Bill điện có tăng nhưng chẳng thấm tháp gì so với thu nhập. Phải nói đây là những khu chăng đèn Noel ấn tượng nhất. Ôi thôi đủ mọi kiểu cách và hình dáng. Với số lượng đèn điện khổng lồ, tha hồ chăng máng không biết tiếc, nhiều ngôi nhà ban ngày đã đẹp sẵn, về đêm có thêm đèn điện chạy dọc theo khắp các góc tường, mái nhà, cộng thêm cây cối chung quanh, tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp càng hấp dẫn, sống động hơn.

Quả thế, còn gì khiến người ta thích thú hơn khi nhìn thấy một tòa lâu đài rực sáng bằng hàng ngàn những bóng đèn điện nhỏ bé li ti liên tục nối kết, đồng loạt thắp sáng tạo nên một kỳ quan thực sự bằng thứ ánh sáng lung linh huyền diệu. Những hình hài, những thiết kế, chao ôi, Ông già Noel và những con tuần lộc bay lên cao, những Chú người tuyết, những quả châu to đùng (đường kính cả hai ba thước), những hộp quà chất cao lên nhau cao bảy tám mét, những thiên thần thổi kèn trumpet, những ngôi sao… tất cả đã kết hợp lại nhờ bàn tay chuyên môn của những người thợ máng đèn Noel chuyên nghiệp đem lại niềm vui thưởng lãm cho người qua kẻ lại.

Vâng. Những ngọn đèn điện ấy, chúng luôn hấp dẫn người xem. Thậm chí chẳng cần đến những họa tiết cầu kỳ linh động vừa kể, chỉ cần máng đèn điện lên những cây cối mọc cao đứng chung quanh nhà thôi cũng đã đủ tạo ra những hấp lực thu hút tầm mắt người qua đường. Với những ngôi nhà may mắn có những gốc cổ thụ đầy những cành cong, uốn lượn; từng vòng dây đèn điện quấn quanh thân cây, rồi chúng vươn cao lên những nhánh lớn, nhánh nhỏ. Về đêm chúng tạo ra hiệu ứng xuyên thấu, trong suốt, trông thật đẹp, thật ấn tượng. Nhiều người nói những ngọn đèn điện ấy đã tô điểm cho nhiều vật thể ban ngày ít khi được chú ý đến một vẻ đẹp khác hẳn khi chúng được trang điểm bằng những bóng đèn điện nhỏ li ti (vốn tự thân không thể chiếu sáng độc lập). Khi được kết hợp với những bóng đèn điện khác chúng sẽ đem lại một hiệu ứng hoàn toàn khác hẳn.

Ngay cả những bụi rậm quanh nhà cũng sẽ khác hẳn khi chúng được phủ lên những bóng đèn điện đủ màu sắc. Công tắc điện bật lên. Ôi. Căn nhà như khác hẳn. Cửa sổ lỏng lẻo biến mất. Màu sơn cũ biến mất. Những khiếm khuyết do năm tháng hư hao biến mất. Ngôi nhà bỗng cựa mình bước vào thế giới thần tiên của xúc cảm nửa mang hơi hướng cổ tích, nửa mang sắc diện của ấm áp ân cần mới lạ. Người ta bỗng tạm quên những tất bật nhỏ nhen đời thường. Tâm hồn con người như càng xích lại gần nhau hơn nữa. Rồi người ta chợt nhận thấy mình gần gũi hơn với chủ nhân của những ngôi nhà thắp đèn Noel. Họ có cảm giác đây là những con người hào sảng, rộng rãi và tử tế.

Vâng. Đây là một nét đẹp rất văn hóa mỗi mùa Noel về của Tây Âu. Thôi thì garage được lục soạn. Đèn cũ lấy ra. Nếu còn xài được sẽ tận dụng. Lắm người chơi sang, vứt luôn mớ đèn cũ. Rồi mua thêm bóng điện mới nếu ngân khoản cho phép. Thùng lớn, thùng bé, cả nhà í ới cùng nhau khiêng ra. Kẻ rỡ đèn, người chăng máng. Order mấy hộp bánh pizza nữa. Vui quá. Tiếng nói cười í ới. Những câu chuyện tỉ tê, vừa làm vừa khúc khích cười. Trời se se lạnh. Những lon bia khui ra. Tình cảm gia đình bỗng trở nên hiền hòa gần gũi; những sợi dây đèn điện đã đem họ xích lại gần nhau hơn.

Tìm về lịch sử xem đèn Noel đã có tự bao giờ? (Bởi) không phải tự nhiên các hệ thống chợ như Target hay Walmart, Lowe hay Home Depot tự nhiên một Lễ Noel nào đó bỗng nghĩ ra chuyện bán đèn điện Noel cho thiên hạ mua về chăng máng. Nhất định nó phải có một lịch sử riêng của nó. Và hẳn nhiên lịch sử những ngọn đèn điện ấy chắc chắn phải thú vị lắm.

Lên mạng, không bất ngờ lắm với cụm từ khóa history of Christmas lights vừa được gõ xong đã thấy xuất hiện nhiều đường link nói về lịch sử đèn điện Giáng sinh. Ban đầu chúng là đèn cày, tuyệt nhiên chẳng dính dáng gì đến điện đóm. Những cây nến thô sơ ấy được gắn lên cành cây bằng sáp hay bằng ghim (pin). Người Đức đã có thói quen này từ những năm của Thế kỷ 17. Kéo dài thêm một khoảng thời gian 200 năm sau đó thói quen chơi đèn Noel tại Đức bắt đầu lan nhanh sang các nước khác của phía đông Châu Âu.

Sau đó chân đèn cày (đế đèn) được chế tạo đại trà những năm 1900. Người ta không còn sử dụng sáp và ghim để cắm đèn cày vào cành cây nữa. Lúc này thói quen chơi đèn Noel càng lúc càng định hình rộng rãi (bởi) những ngôi nhà sẽ đẹp hơn khi có đèn cày chiếu sáng thấp thoáng trong đêm trên cành cây, đem lại vẻ quyến rũ, đáng yêu hơn.

Sau đó các quả cầu trong suốt, cùng với những chiếc đèn lồng được giới thiệu nhanh chóng chiếm được cảm tình của người chơi đèn Noel. Đèn cày lúc này đã đến tuổi nghỉ hưu (như bao thứ khác trong hành trình phát triển lịch sử của chúng) từ từ thu hẹp lại. Sau một thời gian đến lượt đèn lồng và những quả cầu thủy tinh bị ép phải vào viện dưỡng lão khi bóng đèn điện được phát minh. Thế là thú chơi đèn Noel bỗng càng trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn. Năm 1882, cây thông được trang trí bằng bóng đèn điện đầu tiên được dân chúng mục kích tại New York. Chủ nhân của sáng kiến này là Edward Johnson người từng chơi thân với Thomas Edison (cha đẻ phát minh ra bóng đèn điện). Lần đó những bóng đèn gồm ba màu trắng, xanh, đỏ (cho đến hôm nay vẫn là những màu sắc được ưa chuộng nhiều nhất).

Vậy từ khi nào những sợi dây bóng đèn điện (string of Christmas lights) ra đời? Theo vài sử gia khoảng năm 1890 những sợi dây bóng đèn điện đã được chế tạo hàng hoạt, tuy nhiên chúng vẫn chưa chính thức trở thành những sản phẩm gần gũi với đại chúng. Đèn điện dây giúp các thiết kế không còn bó buộc trong các đề tài trang trí hạn hẹp chủ yếu trên cây cối, thay vào đó những thiết kế mới gồm các họa tiết sáng tạo ấn tượng với chủ đề Giáng sinh đã chính thức xuất hiện. Tất nhiên ngày đó chỉ các hệ thống cửa hàng bán lẻ (department stores) rộng vốn mới có khả năng mua dây bóng điện về trang trí cho cửa tiệm của họ.

Năm 1895 Cố tổng thống Cleveland cho thắp đèn điện cây Noel tại Bạch Cung lần đầu tiên. Năm 1900 dây bóng điện vẫn còn là thứ xa xỉ với khả năng của đại chúng. Nhắc thêm, công ty American Eveready đã sản xuất những sợi dây bóng điện đầu tiên tại Mỹ vào năm 1903. Thời gian đó một sợi bóng điện gồm 24 bóng giá bán lên tới $12 (thời giá hôm nay $80). Công ty GE đã chụp thời cơ, sản xuất ra những sợi dây bóng điện gồm 7 màu (gồm có màu trong suốt, sữa đục, xanh lá cây, xanh dương, tím, hồng ngọc, và màu ngọc opal) với mục đích cho thuê. Người thích chơi đèn Noel có thể thuê đèn chơi mấy ngày lễ xong rồi trả lại.

Năm 1917 một vụ hỏa hoạn xảy ra do đèn Noel gây nên. Sau đó kỹ sư Albert Sadacca đã nghĩ đến chuyện cải tiến giúp đèn Noel an toàn hơn. Từ đây đèn Noel trở nên gần gũi hơn nữa với đại chúng. Chúng chiếm được tình cảm của xã hội quá dễ dàng. Thế là các thiết kế chơi đèn Noel với hàng ngàn bóng đèn càng trở nên thịnh hơn tại Bắc Mỹ, rồi sau đó lan đi khắp thế giới.

Cứ thế, sau những chỉnh sửa, những cải tiến, đèn Noel luôn chứng minh mình là một kiếm khách không có đối thủ. Nó vẫn là niềm vui của biết bao thế hệ, già trẻ. Những chiếc đèn LED ra đời, giá điện sẽ được tiết kiệm, đồng thời các sản phẩm dây bóng đèn điện càng lúc càng rẻ hơn, việc thắp đèn điện cho ngôi nhà của mình đẹp hơn. Thế là thiên hạ rủ nhau tham gia chăng điện Noel với lối xóm sống trong cùng một khu không còn là điều ngoài tầm tay với, thậm chí với những người có thu nhập khiêm tốn.

Vâng. Đèn điện Noel là thế. Nó là một nét đẹp rất đỗi văn hóa, gần gũi và chân tình đối với dân Mỹ (và khắp thế giới), có thể chúng đơn giản hoặc lắm khi xa xỉ hoành tráng nhưng không hề xa lạ. Thay vào đó nó luôn đem lại những xúc cảm đáng yêu, những ấn tượng nhẹ nhàng, ấm áp đem con người xích lại gần nhau. Có nơi người ta thắp đèn Noel cả một đoạn đường dài rồi bán vé (tính theo mỗi đầu xe). Người lớn chở trẻ nhỏ đi xem đèn Noel và đây sẽ là những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong tâm trí lũ trẻ. Nhiều khu sang người ta thắp đèn cho dân tứ phương lái xe chầm chậm ngang qua thưởng lãm tự do.

Và với bạn, đã một lần bạn trang trí nhà mình bằng đèn Noel bao giờ chưa? Bạn có thích đi ngắm đèn Noel? Và bạn có cảm thấy vui khi chính tay mình máng đèn Noel với cảm giác tự hào, vui, ấm áp khi nhận ra việc mình làm đã góp phần tạo nên vẻ đẹp đáng yêu mỗi mùa Noel trên mảnh đất chúng ta gọi là quê hương thứ hai hay không?

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts