Tin thế giới sáng thứ Hai

Bloomberg: Gián điệp Trung Quốc lợi dụng Huawei để tấn công hệ thống viễn thông của Mỹ và Úc

Đông Phương

Logo của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei. (FRED DUFOUR / AFP via Getty Images)

Gần đây, Bloomberg tiết lộ bằng chứng mới, xác nhận rằng phần mềm do Huawei phát triển có cửa hậu và gián điệp Trung Quốc đã sử dụng mã độc trong phần mềm của Huawei để thực hiện các cuộc tấn công vào hệ thống viễn thông của Úc và Hoa Kỳ. Điều đáng lưu ý là nó còn có cơ chế tự hủy, mã độc sẽ tự xóa trong vài ngày sau khi ăn cắp dữ liệu.

Một bài điều tra dài được Bloomberg công bố cách đây vài ngày cho thấy, các quan chức Mỹ am hiểu vấn đề này tiết lộ rằng, vào năm 2012, cơ quan tình báo Úc đã thông báo cho phía Mỹ rằng, họ phát hiện hệ thống viễn thông của nước này đã bị hacker (tin tặc) tấn công. Và hành vi xâm nhập này bắt nguồn từ một phần mềm do Huawei cung cấp, bản cập nhật của phần mềm này có chứa mã độc.

Bài báo dẫn lời một cựu quan chức rằng, bản cập nhật phần mềm nói trên trông có vẻ hợp pháp, nhưng nó chứa một mã độc hại và nguyên lý hoạt động của nó giống như một máy nghe lén kỹ thuật số. Nó sẽ lập trình lại thiết bị đã nhiễm mã độc để ghi lại tất cả các liên lạc trên thiết bị. Sau đó gửi dữ liệu tới Trung Quốc.

Điều đáng chú ý hơn nữa là bản cập nhật phần mềm này còn có một cơ chế tự hủy. Mã độc sẽ tự xóa trong vài ngày sau khi ăn cắp dữ liệu.

Cuối cùng, sau một số cuộc điều tra, cơ quan tình báo Úc xác nhận rằng cơ quan gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng sau lỗ hổng phần mềm này. Các điệp viên đã thâm nhập vào đội ngũ kỹ thuật viên của Huawei – những người hỗ trợ bảo trì thiết bị. Sau đó, đẩy bản cập nhật vào phần mềm thông qua hệ thống viễn thông Huawei.

Sáu cựu quan chức nói với Bloomberg rằng, lần theo các đầu mối mà phía Úc cung cấp, cơ quan tình báo Mỹ cũng xác nhận có các vụ tấn công tương tự từ Trung Quốc vào cùng năm, và cũng thực hiện hành vi phạm tội thông qua thiết bị Huawei.

Các quan chức này không tiết lộ thêm chi tiết về vụ việc nêu trên, nhưng khoảng 20 cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã xác nhận rằng lỗ hổng này thực sự tồn tại trong phần mềm của Huawei.

Theo các quan chức này, từ năm 2012 đến năm 2019, họ đã nhận được các báo cáo tóm tắt từ các cơ quan của Úc và Hoa Kỳ về vụ việc nêu trên. Mặc dù trước đó chính phủ Hoa Kỳ và Úc không tiết lộ về sự tồn tại của lỗ hổng, nhưng sự việc trên đã xác nhận nghi ngờ của chính phủ Mỹ và Úc rằng Trung Quốc sử dụng thiết bị Huawei để tiến hành hoạt động gián điệp.

Vào tháng 7/2013, tờ Financial Review của Úc đưa tin rằng, ông Michael Hayden, người từng là giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) của Hoa Kỳ, nói rằng ông biết có bằng chứng vô cùng xác thực có thể chứng minh Huawei tham gia vào các hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Huawei phủ nhận mọi cáo buộc gián điệp.

Hiện không rõ liệu bằng chứng mà ông Hayden đề cập vào thời điểm đó có phải là cuộc tấn công nói trên của hacker mà Bloomberg vừa tiết lộ hay không.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung

Sử dụng than toàn cầu trên đà đạt mức cao kỷ lục

Một người dân Ấn Độ đang cầm những khối than ở làng Uncha Amipur, gần nhà máy than của Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia ở Dadri, Ấn Độ, hôm 07/12/2017. (Ảnh: MONEY SHARMA/AFP qua Getty Images)Tài Chính – Kinh Tế

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc sử dụng than toàn cầu đang trên đà đạt mức cao nhất mọi thời đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của than như nguồn năng lượng chính cho các nền kinh tế mới nổi và tiên tiến, bất chấp cam kết cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế sau các hạn chế liên quan đến đại dịch, sản lượng điện than toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 9% vào năm 2021 lên mức kỷ lục 10,350 terawatt giờ, theo báo cáo về Than năm 2021 của IEA (pdf). Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu tiêu dùng đã vượt quá khả năng sản xuất điện từ các nguồn carbon thấp, dẫn đến việc sử dụng than tăng lên. Khí đốt tự nhiên, một trong những nguồn năng lượng thay thế chính, đã phải đối mặt với sự tăng giá khiến các nhà sản xuất quay trở lại với than.

Theo thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Sáu (17/11): “Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết trong báo cáo thị trường hàng năm mới nhất của mình, lượng điện than được tạo ra trên toàn thế giới đang tăng lên mức kỷ lục hàng năm mới vào năm 2021, làm suy yếu nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và có khả năng đưa nhu cầu than toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm tới.”

Nhu cầu than trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng 6% trong năm nay, bao gồm cả việc sử dụng ngoài mục đích sản xuất điện. Nhu cầu này dự kiến ​​sẽ không vượt qua các kỷ lục đã đạt được trong năm 2013–2014, nhưng dựa trên quỹ đạo hiện tại, mức cao mới có thể đạt được sớm nhất là vào năm 2022.

Giám đốc IEA Fatih Birol trong tuyên bố: “Than là nguồn phát thải carbon lớn nhất toàn cầu và mức độ sản xuất điện than cao trong lịch sử năm nay là một dấu hiệu đáng lo ngại về việc thế giới đang đi chệch hướng như thế nào trong nỗ lực giảm lượng khí thải về mức ròng bằng 0.”

Một nửa sản lượng điện than trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc, nơi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng được dự đoán sẽ tăng 9% trong năm nay. Báo cáo cho biết, “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường than rất khó để phóng đại. Sản xuất điện của Trung Quốc, bao gồm cả sưởi ấm, chiếm 1/3 lượng than tiêu thụ toàn cầu.”

Nước láng giềng Ấn Độ theo sau với dự báo tăng trưởng [điện than] là 12%. Yêu cầu của nền kinh tế mới nổi này đối với nguồn năng lượng sẽ bổ sung khoảng 130 triệu tấn vào nhu cầu than toàn cầu từ năm 2021 đến năm 2024. Bên cạnh đó, không có bất kỳ công nghệ thay thế nào khác có thể thay thế than trong sử dụng công nghiệp, như trong sản xuất sắt và thép.

Ông Keisuke Sadamori, Giám đốc Thị trường Năng lượng và An ninh tại IEA cho biết: “Á Châu thống trị thị trường than toàn cầu, với Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 2/3 nhu cầu tổng thể. Hai nền kinh tế này—phụ thuộc vào than và với tổng dân số gần 3 tỷ người — nắm giữ chìa khóa cho nhu cầu than trong tương lai.”

Trong khi các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu dự kiến để tăng mức sử dụng khoảng 20%, xu hướng này được coi là tạm thời và con số này dự kiến ​​sẽ giảm trong năm tới với tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm hơn và sự gia tăng của các nguồn tái tạo.

Trong quý 2 năm 2020, giá một tấn than là 50 USD. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu trong năm nay, chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, cùng với những hạn chế của chuỗi cung ứng và giá khí đốt tự nhiên cao hơn, đã dẫn đến việc tăng giá than.

Tính đến giữa tháng 12, giá than ở Âu Châu là dưới 150 USD/tấn. Than nhiệt nhập cảng ở Âu Châu đã tăng nhanh lên 298 USD/tấn trong tháng 10, trước khi sự can thiệp chính sách của Trung Quốc khiến giá giảm.

Báo cáo của IEA cho biết: “Trung Quốc cũng là nhà sản xuất và nhập cảng than lớn nhất thế giới, với sự thay đổi giá trong nước do mất cân bằng cung cầu ngay lập tức tác động đến thị trường quốc tế.

Tổng tiêu thụ than vào năm 2021 của Trung Quốc là 4.130 triệu tấn (tấn), trong khi ở Hoa Kỳ là 508 triệu tấn và ở Âu Châu là 632 triệu tấn. Tổng lượng xuất cảng than trong năm nay dẫn đầu là Indonesia với 440 triệu tấn, tiếp theo là Úc và Nga với 376 triệu tấn và 226 triệu tấn, trong khi Mỹ xuất khẩu 80 triệu tấn.

Theo báo cáo, “Than là nguồn sản xuất điện lớn nhất, nguồn năng lượng sơ cấp lớn thứ hai và là nguồn phát thải CO2 liên quan đến năng lượng lớn nhất.”

Naveen Athrappully là một ký giả tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.

Chánh Tín biên dịch

Các nước Hồi giáo tìm giải pháp cho nạn đói trầm trọng ở Afghanistan

Thanh Đoàn

Những người tị nạn Afghanistan nghỉ ngơi trong lều tại một trại tạm trú ở Chaman, một thị trấn của Pakistan ở biên giới với Afghanistan, vào ngày 31/8/2021 sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan để kết thúc cuộc chiến tàn khốc kéo dài 20 năm – một cuộc chiến đều bắt đầu và kết thúc khi phe Hồi giáo cực đoan Taliban lên nắm quyền tại nước này. (AFP qua Getty Images)

Ngay khi chiếm được Afghanistan trong cuộc rút quân khó hiểu của Mỹ, Taliban gần như ngay lập tức quay lưng lại với các lời hứa trước đó của họ: trả thù chính trị, đẩy toàn bộ phụ nữ (50% dân số) khỏi mọi hoạt động xã hội và nghề nghiệp… Afghanistan quay trở lại thời kỳ đen tối thời Taliban thống trị thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cuộc khủng hoảng nhân quyền trầm trọng đi kèm với đói khổ cùng cực đã đẩy Afghanistan dưới thời Taliban hiện nay vào tình huống ‘khẩn cấp’…

Theo tin từ Reuters, các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông đang tìm cách ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đang gia tăng ở Afghanistan khi Pakistan đã mở một cuộc họp bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo vào Chủ Nhật (19/12/2021).

Tình trạng khẩn cấp ở Afghanistan

Đó là tình trạng hàng triệu người Afghanistan phải đối mặt với nạn đói khi mùa đông bắt đầu. Song song với cuộc khủng hoảng này là làn sóng di cư chạy trốn khỏi Afghanistan; điều này cũng tạo ra khủng hoảng cho các nước láng giềng. Trong khi đó, bạo lực của nhà nước Taliban cũng leo thang để bảo vệ quyền lực còn non trẻ.

Tình trạng hiện nay ở Afghanistan tồi tệ đến mức trở thành tình huống khẩn cấp; cần có sự hỗ trợ của Phương Tây để tránh một thảm hoạ nhân đạo. Tuy nhiên, trước những vi phạm trầm trọng của Taliban, phương Tây và Mỹ đang rất miễn cưỡng giúp chính quyền Taliban mới nắm chính quyền vào tháng Tám năm nay.

“Nếu không có hành động ngay lập tức, Afghanistan đang tiến tới hỗn loạn”, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết trong bài phát biểu khai mạc, đồng thời cho biết thêm rằng một cuộc khủng hoảng tị nạn và bạo lực Nhà nước Hồi giáo có thể xảy ra nhiều hơn. “Sự hỗn loạn không hợp với ai cả,” ông nói (theo tin từ Reuters).

Yêu cầu Mỹ phải tách bạch Taliban với sinh mệnh của 20 triệu người Afghanistan

Cuộc họp kéo dài hai ngày tại Islamabad bao gồm đại diện của Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, đại diện từ các cường quốc trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của Taliban, Amir Khan Muttaqi cho biết chính phủ mới đã khôi phục hòa bình, an ninh và làm nhiều việc để giải quyết các yêu cầu về một chính phủ hòa nhập hơn, tôn trọng nhân quyền, bao gồm cả quyền của phụ nữ.

Ông nói: “Tất cả đều phải thừa nhận rằng việc cô lập Afghanistan về mặt chính trị không có lợi cho bất kỳ ai, do đó tất cả đều phải ủng hộ sự ổn định đang tồn tại và ủng hộ nó cả về mặt chính trị và kinh tế”.

Quan chức của chính quyền Taliban ám chỉ rằng chính quyền này chẳng có bất kỳ hành động gì áp bức nhân quyền hay phản bội các cam kết không trả thù; không có bất kỳ chính sách gì đi ngược lại với văn minh nhân loại. Không những thế thế giới cần phải có trách nhiệm cả về chính trị (không được cấm vận, lên án Taliban, thừa nhận Taliban) và kinh tế (cứu trợ); nhằm đảm bảo tình trạng ổn định cho Afghanistan và khu vực.

Đây không phải lần đầu các quan chức Taliban yêu cầu phương tây, Mỹ và các nước Hồi giáo giúp đỡ xây dựng nền kinh tế đang đổ nát của Afghanistan; nuôi sống hơn 20 triệu người đang bị đe doạ vì đói.

Một số quốc gia và các tổ chức nhân đạo đã viện trợ. Vấn đề ở chỗ, hệ thống ngân hàng của Afghanistan gần như sụp đổ khiến công việc cứu trợ trở nên phức tạp.

Ngoài viện trợ tức thời, quốc gia này cũng cần sự giúp đỡ để đảm bảo ổn định kinh tế lâu dài. Theo giới quan sát, việc này phụ thuộc vào thái độ của Mỹ; liệu Washington có sẵn sàng giải phóng hàng tỷ USD dự trữ của NHTW Afghanistan và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã khiến nhiều tổ chức và chính phủ né tránh giao dịch trực tiếp với Taliban hay không.

Ủng hộ cho Taliban, ám chỉ việc kêu gọi Mỹ hành động, giải phóng tiền và xoá bỏ cấm vận, Thủ tướng Pakistan Khan nói: “Họ [Mỹ] phải tách chính phủ Taliban khỏi 40 triệu công dân Afghanistan”.

Trong nỗ lực tìm kiếm viện trợ cho nạn đói của Afghanistan, ông Muttaqi cho biết Taliban sẽ không cho phép Afghanistan được sử dụng làm căn cứ để tấn công các nước khác. Ông cũng nói thêm rằng chính phủ Taliban sẽ không có hành động trả đũa nào nhằm vào các quan chức của chính phủ cũ.

Nhưng Taliban đã và đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề vì để phụ nữ và trẻ em gái không có việc làm và giáo dục. Chính quyền này cũng bị cáo buộc trả thù tàn bạo nhắm vào các cựu quan chức bất chấp lời hứa ân xá của họ. Chưa kể rất nhiều nhà báo, các nhà hoạt động xã hội bị chính quyền Taliban tử hình tàn bạo, công khai vì bất đồng chính kiến.

Thanh Đoàn

(Theo Reuters)

1/4 thanh thiếu niên Trung Quốc bị trầm cảm

Kha Đạt

Trẻ em Trung Quốc (ảnh: Từ video của CNA Insider)

Epoch Times tiếng Trung dẫn một báo cáo của chính phủ Trung Quốc năm 2020 cho hay, tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên Trung Quốc là 24,6%. Trong đó, số người trẻ trầm cảm nhẹ là 17,2%, và tỷ lệ trầm cảm nặng là 7,4%.

Vào tháng 12/2019, Trung Quốc thừa nhận rằng sức khỏe tâm thần, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên, đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng nổi cộm.

Tháng 11 năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phải đưa việc sàng lọc bệnh trầm cảm vào phạm vi kiểm tra sức khỏe học sinh.

Giáo sư Liu Kaiming, Giám đốc Viện quan sát xã hội đương đại Thâm Quyến, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng trong những năm gần đây, nhiều trẻ em Trung Quốc đã tự tử với những lý do rất phức tạp.

Ông nói, lý do trước hết là liên quan đến chính sách con một kéo dài nhiều thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì mỗi gia đình chỉ có một con, nên trẻ em thường không có bạn chơi ở nhà. Thứ hai, áp lực từ việc học rất cao khiến nhiều trẻ em không chịu được và tìm tới cái chết.

Còn một nguyên nhân nữa, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi nghiện các trò chơi điện tử. Những đứa trẻ chìm đắm trong thế giới ảo đều rất kém về giao tiếp xã hội. Điều này cũng dẫn đến sự suy giảm phát triển nhân cách và kỹ năng xã hội khiến những đứa trẻ này ngày càng sống khép kín hơn.

Giáo sư Liu kêu gọi xã hội, nhà trường và gia đình có trách nhiệm và cung cấp cho trẻ em một môi trường phát triển lành mạnh và không tạo áp lực quá lớn và quá sớm cho trẻ. Ông tin rằng điều quan trọng nhất đối với trẻ em trong 10 năm đầu là sự phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, Tiến sĩ Yang Jingduan, trưởng khoa tâm thần tại Trung tâm Y tế Toàn diện của Đại học Jefferson, cho biết, so với người lớn, thanh thiếu niên dễ bị trầm cảm hơn. Cấu trúc sinh lý trong quá trình trưởng thành cho phép thanh thiếu niên phát triển nhận thức cảm xúc như người lớn, nhưng không thể kiểm soát cảm xúc và hành vi

Ngoài ra, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền vào năm 1949, thông qua hệ thống giáo dục và truyền thông một chiều, họ đã gia sức truyền bá chủ nghĩa vô Thần. Vì thế hầu hết người Trung Quốc hiện nay đều không còn tín ngưỡng vào Thần như người Trung Hoa trong lịch sử. Ông Yang cho rằng, một người có đức tin chân chính sẽ dễ dàng làm chủ bản thân trước những biến động của xã hội, từ đó có thể giữ gìn tốt sức khỏe tinh thần và thể chất cũng như duy trì hài hòa các mối quan hệ xã hội.

Related posts